(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, tỉnh chú trọng huy động, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đến nay, các công trình đã phát triển tương đối đồng bộ; trong đó có các công trình giao thông. Hiện trên địa bàn tỉnh có mạng lưới giao thông đa dạng, với đầy đủ các lĩnh vực, bao gồm: Đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy (đường thủy nội địa, đường biển) và đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Những năm qua, tỉnh chú trọng huy động, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đến nay, các công trình đã phát triển tương đối đồng bộ; trong đó có các công trình giao thông. Hiện trên địa bàn tỉnh có mạng lưới giao thông đa dạng, với đầy đủ các lĩnh vực, bao gồm: Đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy (đường thủy nội địa, đường biển) và đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuyến Quốc lộ 1A - đoạn tránh phía Đông TP Thanh Hóa.

Qua quá trình đầu tư xây dựng, đến nay, hệ thống giao thông – vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối đồng bộ. Ngoài tuyến đường sắt Bắc – Nam; nhiều tuyến quốc lộ, các tuyến đường khác quan trọng qua địa bàn Thanh Hóa, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A, đường nối các huyện ở miền núi phía Tây của tỉnh, đường đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô đến, đường tránh phía Đông và phía Tây TP Thanh Hóa, đường Hồ Chí Minh... đã được đầu tư xây dựng mới, mở rộng nâng cấp. Cảng Hàng không Thọ Xuân đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước.. Các công trình kết cấu hạ tầng GTVT, cùng với Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, bảo đảm kết nối thuận lợi với nước CHDCND Lào, với nhiều nước trong khối ASEAN. Cảng Nghi Sơn tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT và đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả miền Bắc. Các công trình kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh... Những năm qua, các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy đã thực hiện vận chuyển trung bình khoảng 60 triệu tấn hàng hóa/năm, 50 triệu hành khách/năm, tổng doanh thu vận tải 10.000 tỷ đồng/năm.

Tuy có sự phát triển khá đồng bộ, nhưng hệ thống GTVT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Hệ thống đường bộ mặc dù phân bố tương đối đồng đều và đã tạo được tính kết nối tương đối hoàn chỉnh; song chất lượng mặt đường ở nhiều tuyến còn thấp, chiều rộng mặt đường còn hạn chế; nhiều tuyến đường đã xuống cấp. Hiện còn 17 cầu yếu trên một số tuyến quốc lộ và 46 cầu yếu trên nhiều tuyến đường tỉnh... Cùng với đó, việc phát triển dịch vụ vận tải chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nhất là vận tải biển, đường sắt, thủy nội địa; dịch vụ kho bãi phát triển chậm, dịch vụ logictics chưa được đầu tư phát triển; tình trạng xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải chưa được xử lý triệt để... cũng đang tạo sức ép lên mạng lưới đường bộ. Công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ chưa được chú trọng, việc cắm mốc lộ giới còn chậm, chưa thực hiện toàn diện trên toàn bộ các tuyến đường; vốn bố trí cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ, nhất là đường tỉnh, đường huyện chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả đường bộ, đường thủy nội địa, cảng biển, hàng không, đường sắt và đường giao thông nông thôn. Trong đó, về đường bộ, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 92 km. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ 217, 217B, 47B và các tuyến quốc lộ khác trên địa bàn tỉnh để bảo đảm đạt tiêu chuẩn tối thiểu từ cấp IV với 2 làn xe trở lên. Bên cạnh đó, sở tập trung đầu tư xây dựng một số tuyến đường trục chính, tuyến đường kết nối các khu kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh và quy hoạch tuyến cao tốc nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với TP Thanh Hóa. Ngoài ra, đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh bảo đảm đồng bộ, phấn đấu đến năm 2020, 100% đường tỉnh được cứng hóa, quy mô đường khu vực đồng bằng tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV, khu vực miền núi đạt cấp IV, cấp V... Với đường giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành mục tiêu cứng hóa mặt đường đối với 100% đường huyện, 85% đường xã và 75% đường thôn, bản.

Về giao thông đường thủy nội địa, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống phao tiêu, đèn hiệu, biển báo trên các tuyến, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đi lại. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực để đầu tư cải tạo tuyến đường thủy Ninh Bình - Thanh Hóa; nạo vét một số tuyến đường thủy nội địa, kênh trên địa bàn tỉnh để tăng khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, góp phần giảm tải cho đường bộ. Cùng với đó, tập trung phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ giữa cảng, tuyến luồng và các dịch vụ hàng hải; kết hợp với hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành hệ thống cảng biển, phát triển các dịch vụ hậu cần sau cảng và dịch vụ hàng hải tại các cảng. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện theo quy hoạch Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được Bộ GTVT phê duyệt, nhằm sớm trở thành cảng hàng không dự bị cho Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và là cảng hàng không quốc tế. Riêng về đường sắt, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ GTVT nâng cấp đường sắt hiện tại lên khổ 1.435 mm, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa; đồng thời, xây dựng một số cầu vượt đường bộ qua đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt tránh khu vực TP Thanh Hóa, tuyến đường sắt kết nối Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng với Khu Kinh tế Nghi Sơn, tuyến Metro kết nối Cảng Hàng không Thọ Xuân với TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn.

Bên cạnh đó, Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, thực hiện chủ trương của tỉnh không đầu tư dàn trải mà tập trung nguồn vốn đầu tư hoàn thành công trình lớn trọng điểm; khắc phục tình trạng giải phóng mặt bằng chậm làm kéo dài tiến độ thi công, phát sinh chi phí đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong thiết kế, thi công, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần tăng hiệu quả đầu tư công trình GTVT.


Bài và ảnh: Hùng Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]