(Baothanhhoa.vn) - Từ đầu tháng 6 - 2018, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PCTT & TKCN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Còn nhiều mối lo trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các huyện đồng bằng

Từ đầu tháng 6 - 2018, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT & TKCN) tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PCTT & TKCN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nguy cơ biển xâm thực tại bờ biển phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn).

Qua thực tế, vẫn còn nhiều “lỗ hổng” chưa được các địa phương chú trọng, triển khai theo đúng yêu cầu của Luật PCTT 2013 cũng như các quy định của tỉnh.

Tìm hiểu tại TP Sầm Sơn - nơi được coi là một trong 3 “rốn bão” của tỉnh, công tác triển khai các phương án PCTT & TKCN đã có nhiều nỗ lực. Thành phố đã xây dựng được phương án PCTT cho các trọng điểm đê xung yếu; kiện toàn BCH PCTT & TKCN, đưa ra quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. UBND thành phố thành lập đội tàu thuyền tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có yêu cầu... Tuy nhiên, một số phương án của thành phố mới dừng ở cấp ngành do các đơn vị trực thuộc xây dựng, mà chưa có phương án tổng thể. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các địa phương phải hoàn thành việc tổng kết công tác PCTT & TKCN năm 2017 để đúc rút kinh nghiệm, đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2018 trước ngày 15 - 5, nhưng đến ngày 5 - 6, khi Văn phòng Thường trực BCH PCTT & TKCN tỉnh yêu cầu gửi văn bản báo cáo thì TP Sầm Sơn báo vẫn chưa tổng kết. Trong công tác chuẩn bị vật tư PCTT & TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, nhiều địa phương của thành phố còn thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu tính khoa học. Tại phường Quảng Vinh, kho chứa vật tư dự trữ chính là cánh gà nhỏ hẹp của hội trường UBND phường được tận dụng. Nhiều loại vật tư chất đống khá lộn xộn, rất khó lấy nếu có yêu cầu khẩn cấp trong PCTT. Đống cọc tre được tập kết ở góc nhà xe của UBND phường thì phần nhiều bị mục nát, không bảo đảm chất lượng. Tại phường Quảng Tiến, cả 2 kho chứa vật tư dự trữ cho công tác PCTT & TKCN đều ở trên tầng các tòa nhà, trong đó có 1 kho để nhờ tại một phòng trống của Đội Thuế phường Quảng Tiến, các vật tư được chất đống trong không gian nhỏ hẹp. Ngoài việc cầu thang lên khá hẹp khiến lực lượng xung kích khó lên xuống, kho vật tư này lại nằm phía sau tòa nhà nên xe ô tô tải không thể vào lấy vật tư được nếu có sự cố khẩn cấp. Về danh mục các vật tư dự trữ theo quy định, khi được kiểm tra các loại phên liếp, rọ tre, cọc tre, bạt, bao bì, thì cán bộ địa phương cho biết, những loại vật tư này đã được ký hợp đồng với các cửa hàng, khi cần mới đến lấy? Theo một cán bộ của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) tỉnh cùng đồng hành với chúng tôi, đã là vật tư dự trữ là phải có theo quy định. Khi có sự cố thiên tai, nhất là sự cố đê xảy ra, nếu chủ cửa hàng đi vắng hoặc cửa hàng không còn loại vật tư cần thiết thì không thể chủ động được. Tại kho vật tư dự trữ của phường Quảng Cư, nhiều loại vật tư như cọc tre, phao cứu sinh bảo đảm về chất lượng và số lượng, nhưng lại không có rọ thép theo chỉ tiêu đã được giao. Trên tuyến đê hữu sông Mã qua các phường Quảng Cư và Quảng Tiến, còn nhiều công trình xây dựng, bãi cát vi phạm hành lang thoát lũ tồn tại đã lâu nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Cống T4 trên đê sông Mã thuộc thôn Thành Thắng, phường Quảng Cư, hệ thống đóng mở đã hư hỏng hoàn toàn. Đáng nói, cống này có vai trò lớn trong việc tiêu thoát lũ cho khu vực phía Bắc của thành phố, trong khi mùa mưa bão đang đến rất gần. Âu tránh trú bão Lạch Hới - nơi neo đậu tàu thuyền nhằm bảo đảm an toàn cho hơn 1.600 phương tiện lớn nhỏ với khoảng 6.000 lao động chuyên khai thác, thu mua trên biển của thành phố đang bị bồi lắng nghiêm trọng. Việc ra - vào âu tránh trú bão này khó khăn bởi có nhiều vị trí, độ sâu chỉ còn vài ba mét, nhất là tại khu vực cửa vào. Từ tháng 10 - 2017, một dự án nạo vét với kinh phí gần 10 tỷ đồng được tỉnh “rót” về, nhưng đến nay, tiến độ quá chậm khiến các chủ tàu thuyền lo lắng cho việc neo đậu trong tương lai gần...

Tại huyện Thiệu Hóa - địa phương có 3 dòng sông lớn là sông Chu, sông Mã và sông Cầu Chày chảy qua với 28 xã, thị trấn có đê, tổng chiều dài hơn 100 km đê các cấp. Hơn 1.000 hộ gia đình và gần 750 ha đất nông nghiệp của huyện nằm ở các vùng ngoại đê, trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa bão hàng năm. Nhận thức được vai trò của công tác PCTT & TKCN, địa phương đã triển khai các phương án ngay từ các tháng đầu năm. Tuy nhiên, huyện còn thiếu các phương án ứng phó với bão và siêu bão. Công tác tập huấn cho lực lượng xung kích, lực lượng canh đê chưa được triển khai theo yêu cầu. Tìm hiểu tại xã Thiệu Ngọc, địa phương vẫn chưa triển khai kế hoạch PCTT cả giai đoạn 2016 - 2020 gắn với phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu. Kho chứa vật tư dự trữ của xã chật hẹp, mái pro xi măng bị vỡ, dột nát nguy cơ gây mục mại, hư hỏng các loại vật tư. Tại xã Thiệu Vũ, chủng loại và chất lượng các vật tư dự trữ tương đối tốt, nhưng địa phương lại thiếu phương án PCTT theo quy định...

Mùa mưa bão năm nay, huyện ven biển Quảng Xương đã có sự chủ động trong triển khai các phương án PCTT & TKCN, tuy nhiên ở nhiều xã trên địa bàn, công tác chuẩn bị vẫn còn chủ quan, lơ là. Mặt khác, nhiều đê, cống không an toàn, trở thành những mối lo trước bão gió, mưa lụt. Riêng xã Quảng Vọng, 2 cống trên đê sông Yên là Hón Trúc và Ba Cửa do có “tuổi thọ” quá lâu nên không bảo đảm công tác PCTT. Tìm hiểu thực tế, cả 2 cống này đều đóng không khít, trong đó cống Hón Trúc còn bị sạt hai bên miệng cống, lồng mang. Nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho các cánh đồng và khu dân cư của xã Quảng Vọng và các xã trong vùng hiện đang bị ảnh hưởng, rất cần sửa chữa. Hệ thống đê bao của sông Yên qua xã hiện cũng rất yếu, do trước đây là bờ be của đồng cói, được đắp dần qua nhiều năm thành đê chứ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố. Là địa phương có nhiều điểm xung yếu trong PCLB, nhưng các phương án đối phó của xã còn thiếu hoặc khá sơ sài. Đến cuối tháng 6 này, xã vẫn chưa có phương án ứng phó với rủi ro thiên tai theo cấp độ, thiếu phương án ứng phó với bão và siêu bão, chưa chuẩn bị phương án hộ đê và PCLB toàn tuyến... Nhiều yêu cầu bắt buộc khác, như: Phương án sơ tán dân, tổng hợp số lượng vật tư dự trữ, kết quả phá bỏ ách tắc dòng chảy, kế hoạch PCTT giai đoạn 2016 – 2020... vẫn chưa được xã triển khai. Tại kho chứa vật tư dự trữ phục vụ công tác PCTT & TKCN của xã, rất nhiều cọc tre bị mối mọt, rọ tre cũ kỹ... Đáng nói, kho chứa này là một tòa nhà cũ đã xiêu vẹo, phần mái ngói đã hư hỏng gần như hoàn toàn, nguy cơ đổ sụp bất kỳ lúc nào. Ngoài việc không bảo đảm che mưa nắng để bảo vệ các vật tư, khi có bão gió, còn nguy hiểm tính mạng cho người vào lấy vật tư bởi nguy cơ đổ sập “kho chứa” này.

Có thể nói, tại hầu hết các địa phương ở khu vực đồng bằng, ven biển của tỉnh cũng còn những thiếu sót trong công tác triển khai các phương án PCTT & TKCN theo quy định. Mùa mưa bão năm 2018 đang đến gần, rất cần các địa phương có những phương án bổ sung, đáp ứng công tác PCTT & TKCN, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]