(Baothanhhoa.vn) - Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26-11-2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17-3-2015 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành cơ bản đầy đủ các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh việc triển khai thực hiện đấu thầu theo quy định mới vẫn chưa hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chấn chỉnh, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu trên địa bàn tỉnh

Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26-11-2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014; Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17-3-2015 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành cơ bản đầy đủ các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu theo thẩm quyền. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh việc triển khai thực hiện đấu thầu theo quy định mới vẫn chưa hiệu quả.

Chấn chỉnh, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu trên địa bàn tỉnh

Thi công tuyến đường từ Quốc lộ 1A đến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn.

Việc thực hiện đấu thầu theo các văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường tính công khai, minh bạch, cạnh tranh của công tác đấu thầu; từ đó nâng cao chất lượng công trình, hàng hóa và dịch vụ tư vấn. Đồng thời, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI); nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác đấu thầu của các cơ quan Nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu, nhà đầu tư, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động đấu thầu. Những năm gần đây, số lượng kiến nghị, phản ánh về công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh xảy ra không nhiều; tình trạng thông thầu, dàn xếp trong đấu thầu cơ bản đã được khắc phục. Việc đăng tải thông tin trong đấu thầu (thông báo mời thầu) đã được các chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện cơ bản bảo đảm theo quy định. Năng lực cán bộ làm công tác đấu thầu của một số chủ đầu tư, bên mời thầu đã được nâng lên; đa số các nhà thầu, nhà đầu tư trúng thầu đều có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu, công trình, dự án nên chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án cơ bản đáp ứng theo hợp đồng đã ký và tiến độ chung của dự án. Công tác đầu thầu qua mạng đã được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh nghiêm túc thực hiện và có chuyển biến mạnh mẽ, tiết kiệm vốn đầu tư. Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá các gói thầu được duyệt để tổ chức đấu thầu trong 3 năm (2016, 2017, 2018), có giá trị trung bình hơn 6.329 tỷ đồng; tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu năm 2018 là 3,65%, tăng 1,74% so với năm 2017. Kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng 6 tháng đầu năm 2019 có 204/533 gói thầu thực hiện đấu thầu, đạt tỷ lệ 38,3% (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), 551,6 tỷ đồng/4.131,1 tỷ đồng giá trị các gói thầu phải đấu thầu, đạt tỷ lệ 13,4% (xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Qua theo dõi, tổng hợp từ cán bộ chuyên môn làm công tác đấu thầu của một số sở, đơn vị có liên quan của tỉnh, nguyên nhân của kết quả đạt được về công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua do Sở Kế hoạch và Đầu tư với chức năng, nhiệm vụ được giao là đơn vị đầu mối tham mưu về công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện về Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu cho các cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác đấu thầu qua mạng - đây là quy định mới so với Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và bắt buộc các đơn vị, địa phương trong tỉnh phải thực hiện từ năm 2016. Đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu, chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, như: Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 4–6-2018 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 19-7-2018 về việc phê duyệt điều chỉnh kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1399/QĐ-UBND ngày 19-4-2019 về việc phê duyệt tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2019 trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 6524/UBND-THKH ngày 29-5-2019 về việc tăng cường thực hiện công tác đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh năm 2019; Văn bản số 13671/UBND-THKH ngày 10-10-2019 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu... Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy: Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là do công tác đấu thầu qua mạng mới triển khai trên toàn quốc từ năm 2016, vì vậy không ít đơn vị còn lúng túng. Cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực về công nghệ thông tin ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, hầu hết chưa được qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện từng bước chứ chưa thực sự hoàn chỉnh dẫn đến người dùng phải cập nhật liên tục sự thay đổi của hệ thống. Thông tin về đấu thầu một số dự án chưa được đăng tải đầy đủ và công khai theo quy định trên Báo Đấu thầu (hoặc Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia), quy trình thủ tục hồ sơ trong đấu thầu còn thiếu sót, còn tình trạng nhà thầu kê khai năng lực trong hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đúng thực tế, vẫn còn có những biểu hiện của việc đấu thầu hình thức... Các tồn tại nêu trên dẫn đến hạn chế sự cạnh tranh trong đấu thầu; chất lượng dịch vụ, hàng hóa, công trình chưa cao; thời gian thực hiện công trình kéo dài và tăng chi phí trong đấu thầu ở một số dự án làm cho hiệu quả vốn đầu tư chưa cao. Theo lý giải của một số cán bộ chuyên môn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, bên mời thầu chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu, nhà thầu kê khai năng lực không trung thực khi tham dự thầu, năng lực đơn vị tư vấn đấu thầu chưa đáp ứng yêu cầu.

Để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiếp tục thực hiện tốt công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều giải pháp chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Trong nội dung sở tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh có phần yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, bên mời thầu, cơ quan mua sắm trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT ngày 24–5-2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu. Đi đôi với đó là trong quá trình triển khai thực hiện công tác đấu thầu, các sở, ngành và các địa phương, các đơn vị cần thực hiện tốt các nội dung, như: Tập trung chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tập huấn cho bên mời thầu, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý của mình (hoặc có liên quan) thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu; nhất là chủ đầu tư, bên mời thầu là UBND cấp xã. Đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng bảo đảm chất lượng và tỷ lệ theo quy định; người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc không hoàn thành tỷ lệ về đấu thầu qua mạng theo quy định tại cơ quan, đơn vị mình quản lý. Việc đăng tải mời thầu qua mạng phải bảo đảm số điện thoại của chủ đầu tư, bên mời thầu (hoặc cơ quan mua sắm) hoặc số điện thoại của cán bộ phụ trách phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo đúng mẫu tại các thông tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành; không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc đưa ra các yêu cầu không phù hợp, mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được. Công tác phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu không đấu thầu qua mạng phải bảo đảm thuận tiện, dễ tiếp cận, an ninh, an toàn cho các nhà thầu mua và nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất (không để xảy ra tình trạng quây thầu, vây thầu, cướp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; ngăn cản việc mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu của các nhà thầu, đe dọa an ninh, an toàn của các nhà thầu khi tham dự thầu). Đối với các gói thầu không áp dụng đấu thầu qua mạng, khi đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải đính kèm các tài liệu theo quy định. Cung cấp thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BKHĐT ngày 5-12-2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu bảo đảm nguyên tắc trung thực, khách quan, công bằng, tuân thủ tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các quy định của pháp luật về đấu thầu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về đấu thầu, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung kiểm tra các gói thầu thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế. Lập báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu các dự án được giao làm chủ đầu tư (hoặc bên mời thầu hoặc cơ quan mua sắm) theo định kỳ (6 tháng, 1 năm) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đúng thời gian và bảo đảm chất lượng theo quy định. Định kỳ 6 tháng, hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh tình hình thực hiện công tác đấu thầu và nghiên cứu đề xuất các giải pháp thực hiện công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh thời gian tới bảo đảm hiệu quả.

Những giải pháp chấn chỉnh, đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu nêu trên là cơ sở quan trọng để tiếp tục thực hiện tốt công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Bài và ảnh: Xuân Hùng


Bài Và Ảnh: Xuân Hùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]