(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được cung ứng trên thị trường tỉnh ta khá đa dạng về chủng loại và phong phú về sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần có giải pháp quản lý kinh doanh và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được cung ứng trên thị trường tỉnh ta khá đa dạng về chủng loại và phong phú về sản phẩm.

Nông dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) chăm sóc rau màu (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Tuy nhiên, việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV cũng đang diễn ra khá phức tạp, như: Kinh doanh không đúng nơi quy định; thuốc BVTV giả, thuốc kém chất lượng, thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam; thuốc BVTV có nhãn bằng tiếng nước ngoài bao gồm cả hóa chất bảo quản và kích thích tăng trưởng... dẫn đến gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trung bình một năm, lượng thuốc BVTV được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vào khoảng gần 150 tấn. Số vỏ bao bì sau khi sử dụng khoảng hơn 5 tấn và hầu hết chưa được thu gom để xử lý. Toàn tỉnh hiện mới chỉ có gần 2.000 bể chứa vỏ bao bì trong khi để đáp ứng yêu cầu thu gom cần phải có hơn 15.000 bể. Ngoài ra, việc xử lý bao bì cũng còn nhiều bất cập do chưa có đơn vị nào đứng ra để thu gom, vận chuyển và xử lý. Việc sử dụng thuốc BVTV bừa bãi không chỉ khiến sức khỏe của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tồn dư trong sản phẩm mà còn gây ô nhiễm nguồn tài nguyên đất, nước sinh hoạt, môi trường sống.

Một trong những yêu cầu tiên quyết để sản xuất sạch, an toàn là sử dụng vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV phải nằm trong danh mục được ngành nông nghiệp Việt Nam cho phép sử dụng. Bên cạnh đó, người sản xuất còn phải sử dụng đúng liều lượng, thời gian cách ly trước khi thu hoạch nông sản. Bởi vì, nếu sử dụng hoạt chất được phép sử dụng nhưng với liều lượng cao và không tuân thủ thời gian cách ly cũng gây ra tình trạng tồn dư hóa chất trong nông sản. Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã ban hành danh mục cấm hoặc hạn chế một số thuốc BVTV sử dụng trên cây trồng. Tính đến năm 2018, có gần 200 hoạt chất là hóa chất BVTV, như: Điều hòa sinh trưởng, trừ cỏ... đã nằm trong danh mục không được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nông dân vì lợi nhuận trước mắt đã sử dụng nhiều loại thuốc kích thích tăng trưởng không nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sử dụng để phun cho rau, quả.

Để giảm thiểu những vi phạm, Chi cục BVTV tỉnh đã có nhiều nỗ lực để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý hành chính... 6 tháng đầu năm 2018, chi cục đã tiến hành thanh, kiểm tra hơn 100 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, trong đó có gần 20 cơ sở vi phạm; kiểm tra 250 hộ dân sử dụng thuốc BVTV, trong đó số hộ vi phạm về sử dụng thuốc BVTV là gần 100 hộ. Qua đó cho thấy, việc kinh doanh thuốc BVTV hiện nay vẫn chưa thực sự đi vào quy củ, nhiều vi phạm vẫn xảy ra.

Để quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, các địa phương, cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực hơn nữa, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp xử lý; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, khuyến cáo những loại thuốc BVTV không được phép sử dụng. Phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV. Đồng thời, các địa phương cần kết hợp việc xây dựng các tổ chức liên kết các HTX, các tổ hợp tác sản xuất sản phẩm an toàn, hình thành quy định giám sát cộng đồng, làng, xã trong việc sử dụng thuốc BVTV nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng thuốc BVTV cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục, không bảo đảm thời gian cách ly khi thu hoạch trong sản xuất. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường việc tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách. Đồng thời, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP... trong sản xuất, chế biến để tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần tập trung kiểm soát nghiêm ngặt việc kinh doanh, buôn bán, sản xuất và sử dụng thuốc BVTV. Đẩy mạnh công tác tập huấn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở, đại lý bán thuốc BVTV và người nông dân. Các địa phương huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các bể chứa bao bì và thực hiện xử lý bao bì thuốc BVTV hiệu quả.


Bài và ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]