(Baothanhhoa.vn) - Nhằm phát huy thế mạnh về đất đai, huyện Cẩm Thủy đã khuyến khích người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển mô hình bền vững.

Cẩm Thủy phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp

Nhằm phát huy thế mạnh về đất đai, huyện Cẩm Thủy đã khuyến khích người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các mô hình kinh tế nông nghiệp phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao, hướng đến phát triển mô hình bền vững.

Cẩm Thủy phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp

Người dân xã Cẩm Châu thu hoạch cây gai xanh.

Trước năm 2017, gia đình ông Đỗ Văn Hoan, thôn Phiến Thôn, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy) thuộc diện hộ nghèo. Ông Hoan phải xoay xở đủ nghề để cải thiện cuộc sống nhưng vẫn không thoát được nghèo. Thế nhưng bằng ý chí nghị lực, quyết tâm làm giàu trên chính đồng đất quê hương, ông Hoan đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích 5 ha, ông Hoan dành khoảng 2.000m2 để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, trong đó luôn duy trì nuôi gần 200 con lợn thương phẩm và 30 con lợn nái. Diện tích còn lại ông trồng các loại cây ăn quả như: cam, ổi, mít, keo... Theo tính toán của ông Hoan, mỗi năm, gia đình ông xuất bán 3 lứa lợn (khoảng 40 - 45 tấn) và thu hoạch 15 tấn quả các loại... tổng doanh thu đạt 2 tỷ đồng, trừ chi phí thu về từ 600 - 700 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng... Được biết, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy có hơn 1.000 mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập từ 100 triệu đến trên 1 tỷ đồng/mô hình/năm. Trong đó, có 25 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn lại là trang trại vừa và nhỏ. Việc phát triển kinh tế trang trại đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/năm...

Còn với mô hình trồng dược liệu hữu cơ của hơn 100 hộ dân tại thôn Quan Phác, xã Cẩm Vân được hình thành đầu năm 2021 đã thực hiện chuyển đổi 11 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu liên kết với Công ty CP Dược liệu Hoàng Thân (Hà Nội). Trong đó, có 8 ha trồng cây mật gấu và 3 ha trồng cây xạ đen. Do hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, diện tích cây mật gấu đã cho thu hoạch sau 4 tháng trồng. Theo tính toán của người dân, các loại cây dược liệu có doanh thu bình quân đạt khoảng 320 triệu đồng/ha/năm.

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cây dược liệu, huyện Cẩm Thủy đã định hướng cho các xã có rừng nhân rộng mô hình sản xuất này. Tính đến tháng 6-2022, đã triển khai được một số mô hình trồng cây dược liệu đạt hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình trồng cây nghệ vàng tại 2 xã Cẩm Ngọc và Cẩm Quý, doanh thu hơn 220 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng cây gấc thương phẩm diện tích 5,5 ha tại các xã Cẩm Vân, Cẩm Phú, Cẩm Châu, Cẩm Lương, doanh thu khoảng 180 triệu đồng/ha/năm...

Với mô hình trồng cây gai xanh được huyện Cẩm Thủy xác định là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện, trên địa bàn huyện đã trồng mới được trên 130 ha cây gai xanh và trên 70 ha cây gai xanh lưu gốc. Theo các hộ dân, cây gai xanh dễ trồng, đầu tư 1 lần cho thu hoạch trong vòng 10 năm, mỗi năm cho thu hoạch 4 đến 5 lứa, năng suất đạt từ 20 đến 25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, cây gai xanh cho thu nhập bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các loại cây trồng truyền thống khác.

Thành công từ mô hình trồng cây gai xanh, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn mở rộng diện tích. Trong đó, năm 2022 phấn đấu phát triển khoảng 300 ha, đến năm 2025 đạt 800 ha cây gai xanh. Để đạt kế hoạch trên, huyện sẽ hỗ trợ, khuyến khích các địa phương làm tốt mô hình; tạo điều kiện cho cán bộ, Nhân dân được tiếp cận với các mô hình trồng cây gai xanh hiệu quả để học tập, làm theo; hướng dẫn các hộ dân tham gia vào HTX, thành lập doanh nghiệp để sản xuất cây gai xanh; ưu tiên phát triển những diện tích có đủ điều kiện đầu tư thâm canh, người dân có trình độ sản xuất, có khả năng đầu tư, coi đây là mô hình trọng điểm tạo tiền đề cho sự phát triển trong thời gian tới...

Cùng với việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, huyện Cẩm Thủy còn thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khuyến khích Nhân dân tích tụ ruộng đất, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới đồng bộ; xây dựng chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân; tiếp tục thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông để hỗ trợ người nông dân; đồng thời tạo điều kiện cho bà con được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất..., góp phần thúc đẩy, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Xuân Minh


Bài và ảnh: Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]