(Baothanhhoa.vn) - Một xã sát biển, có bãi ngang, thuần nông, nhưng đường sá rộng thênh thang. Đường làng, đường thôn mà hai xe tải có thể tránh nhau, đổ bê tông 100%, có đèn cao áp, có camera an ninh khắp xã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảm nhận Quảng Lưu

Cảm nhận Quảng Lưu

Vùng chuyên canh rau màu xã Quảng Lưu cho thu nhập tới 200 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: lê đồng

Một xã sát biển, có bãi ngang, thuần nông, nhưng đường sá rộng thênh thang. Đường làng, đường thôn mà hai xe tải có thể tránh nhau, đổ bê tông 100%, có đèn cao áp, có camera an ninh khắp xã.

Chúng tôi về Quảng Lưu một ngày đầu xuân, nắng hanh vàng trải dài trên những vạt rau, ruộng lúa, trên cả những ngọn cau cao vút. Đây đó vẫn còn dư âm của những ngày Tết Nguyên đán. Lại thêm vừa kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, cho nên đường làng, nơi nào cũng cờ hoa lộng lẫy, đèn kết, hoa giăng, loa nhạc xập xình... Làng quê mà đường như phố, rộng rãi, khang trang, quán xá, cửa hàng, cửa hiệu sầm uất chẳng kém gì thị trấn, thị xã.

Chủ tịch xã Mai Xuân Chiến đưa chúng tôi vào viếng các anh hùng liệt sĩ tại đền thờ liệt sĩ của xã. Ngôi đền 3 gian, 8 mái, tàu đao, mái lượn, mái lợp ngói mũi, cửa gỗ bức bàn... như ngôi đình làng truyền thống. Trong đền có hoành phi, câu đối, có ban thờ lãnh tụ, có ban thờ liệt sĩ và các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Chúng tôi cùng nhau thắp nhang lên các ban thờ.

Anh Chiến tâm sự:

- Trong khi cả nước, cả tỉnh, cả huyện, đâu đâu cũng có đài tưởng niệm liệt sĩ, thì Quảng Lưu là xã đầu tiên của huyện Quảng Xương xây dựng đền thờ liệt sĩ, thờ tự theo nếp truyền thống từ ngàn xưa, ngày rằm, mùng một hàng tháng đều có hoa quả, hương nhang tưởng niệm.

Trong các cuộc kháng chiến, Quảng Lưu có hàng nghìn người tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, bao gồm đủ các lực lượng: Bộ đội, công an vũ trang, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân công vận tải thuyền nan... Trong đó có 141 người đã ngã xuống, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước. Trong số những người trở về quê hương có hàng trăm người là thương binh, cũng đã để lại một phần xương máu ở chiến trường. Tôi lật giở cuốn kỷ yếu “Liệt sĩ Quảng Lưu qua các thời kỳ cách mạng”. Xã đã biên soạn và cho in cuốn kỷ yếu, ghi lại thân thế, hành trạng, sự nghiệp và sự hy sinh của 141 liệt sĩ của xã. Một cuốn sách trang trọng, biên soạn công phu, là những hình ảnh xúc động, những tấm gương hy sinh cho dân, cho nước của những người con Quảng Lưu. Đây là một loại sử ký, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay, vừa để lưu lại cho đời sau, giúp đời sau hiểu rõ về những hy sinh mất mát, những chiến công oai hùng của người Quảng Lưu. Một việc làm mà có lẽ còn rất ít nơi làm được.

*

Anh Vũ Quang Trạch, người đi trong đoàn chúng tôi, cứ trầm trồ mãi: Quảng Lưu giàu thật.

Quả có thế thật. Một xã sát biển, có bãi ngang, thuần nông, nhưng đường sá rộng thênh thang. Đường làng, đường thôn mà hai xe tải có thể tránh nhau, đổ bê tông 100%, có đèn cao áp, có camera an ninh khắp xã. Chả bù cho quê tôi, người dân đã làm nhà kiên cố hết đất của cha ông từ lúc nào, bây giờ muốn mở đường rộng ra, khó hơn lên trời. Nhiều vùng quê khác cũng trong tình trạng như thế.

Ngôi nhà của anh Trần Trọng Đài đúng là một ngôi biệt thự giữa làng quê. Ngôi nhà mái thái rộng tới vài trăm mét vuông. Chỉ riêng hậu cung thờ gia tiên cũng rộng như hậu cung đình làng, có hoành phi, câu đối, cửa võng, tắc tải, chân đèn... đèn nến lung linh. Sân vườn rất rộng, thoáng mát mà thân thiện, có ghế xích đu, có đèn trang trí, dưới gốc cây có bàn trà, vừa uống nước vừa đánh cờ, tường bao quanh được đắp phù điêu, cây lá được chăm chút, tỉa tót cầu kỳ. Vừa bước vào cổng, tiếng nhạc du dương đâu đó cất lên nhè nhẹ. Hóa ra chủ nhân đã cho lắp hệ thống âm thanh trong nhà và khắp sân vườn. Khi có khách, chỉ cần ấn một nút là tiếng nhạc êm ái vang lên. Anh Trạch nói với Đài: Tôi tưởng chú xây như thế này để bán cà phê chứ. Một vuông ao xinh xinh, có cầu nổi hình chữ tê dẫn ra giữa ao để câu cá. Thậm chí cây cầu nổi cũng được phủ cỏ nhựa hẳn hoi. Đài nói: Em nuôi rất nhiều cá. Mọi người cứ đến chơi và tha hồ câu, câu được bao nhiêu cứ việc đem về. Tôi cười, hóa ra là công viên.

Theo quan sát của tôi, ở Quảng Lưu có rất nhiều ngôi nhà như thế.

Quảng Lưu đã được công nhận xã nông thôn mới từ năm 2016. Tìm hiểu về vấn đề này, anh Chiến cho biết: Quảng Lưu xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Là xã thuần nông, sản xuất mang tính nhỏ, lẻ. Kinh tế phát triển chưa bền vững; chưa huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất. Bù lại xã cũng có nhiều thuận lợi, đó là hệ thống chính trị vững mạnh. Có sự đoàn kết thống nhất cao trong cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, có sự đồng thuận cao của nhân dân trong xã, tạo nên sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Nhờ vậy mà khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã mới có 7/19 tiêu chí. Sau 5 năm, Quảng Lưu đã cán đích 19/19 tiêu chí và được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2016 và là xã đạt chuẩn xã văn hóa. Cả 16 thôn trong xã đều đạt chuẩn văn hóa giai đoạn I. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, xã đã xây dựng mới trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã. Xây dựng đền thờ liệt sĩ, sân vận động. Tu bổ di tích danh thắng chùa Mậu Xương, đền thờ Nguyễn Hữu Huân, đền Lịch Giang. Lắp đặt 1.000 cột đèn cao áp trên đường liên xã liên thôn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hai trong số 3 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ I. Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao phát triển, đời sống tinh thần, văn hóa của người dân được nâng cao. Các câu lạc bộ dưỡng sinh, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, câu lạc bộ rumba, câu lạc bộ văn nghệ, ca hát... phát triển rộng khắp các thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát huy hiệu quả. Ra mắt được mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”. Lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh trong toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13 triệu đồng năm 2011 lên 41 triệu đồng năm 2019.

Anh Chiến cũng cho chúng tôi biết, xã đang xây dựng nông thôn mới chất lượng cao và phấn đấu năm 2020 này đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để làm được việc này, trước hết phải tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, mô hình cánh đồng mẫu lớn và cơ giới hóa đồng bộ. Trồng và chăn nuôi các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong địa bàn. Tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho con em trong địa phương. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng kinh tế, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, văn hóa của người dân.

Tôi hiểu, đây là quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Lưu. Và đây cũng chính là tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo xã. Tôi nhận biết điều này qua lời nói, tác phong và những việc các anh đang làm.

*

Chúng tôi đến thăm Công ty may xuất khẩu Hoàng An. Công ty đóng trên địa bàn thôn 6, xã Quảng Lưu. Nhà xưởng rộng mênh mông, máy may chạy ro ro. Mọi người đều mải mê công việc như không hề biết có khách đến. Công nhân người nào cũng trẻ. Tôi cầm lên một sản phẩm, một loại đồng phục nào đó. Tôi mường tượng, rồi đây tấm áo này sẽ dán mác Made in Vietnam rồi bay sang tận trời Âu, trời Á nào đó. Đúng là thời hội nhập có khác.

Công ty Hoàng An là công ty cổ phần, do Nguyễn Văn Bình làm giám đốc. Nguyễn Văn Bình là người Quảng Lưu, mới hơn 30 tuổi. Bình tốt nghiệp đại học, từng làm cho Viettel. Với mong muốn quê hương giàu mạnh, Bình trở về quê thành lập công ty may xuất khẩu. Công ty của Bình hiện tạo việc làm cho hơn 300 lao động trẻ trong xã và các xã lân cận. Thu nhập của công nhân bình quân hơn 7 triệu đồng.

Tôi nghĩ vẩn vơ, nếu không có những công ty như thế này, thì ba trăm con người và hàng trăm, hàng nghìn con người đang độ tuổi sung sức này sẽ tứ tán khắp nơi để làm thuê... Và cũng có cả những người không có việc gì để làm, dễ sa vào tai, tệ nạn xã hội... và tất nhiên là không có thu nhập, kéo theo đói, nghèo, con cái nheo nhóc, thất học.

*

Một tốp các bà các chị đang khẩn trương chuyển rau lên chiếc xe đỗ ngay bên bờ ruộng - xe chuyên dụng, chuyên chở rau của một đơn vị nào đó. Chúng tôi lại gần. Chiến vui vẻ nói:

- Đây là rau sạch trăm phần trăm đấy ạ.

- Rau này được chở đi mãi đâu kia anh - một người cùng đi trong đoàn cất tiếng hỏi.

- Có một công ty mãi tận Ninh Bình vào lấy. Nhưng chủ yếu là bán ở trong tỉnh thôi, ví như TP Sầm Sơn.

Quảng Lưu có hơn 18 héc-ta đất trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap. Trong đó có 3 héc-ta trồng trong nhà lưới. Hệ thống nước tưới được lắp đặt và dẫn nước sạch tới đầu ruộng. Phân bón được sử dụng phân vi sinh tiêu chuẩn. Theo anh Hoàng Văn Hùng, phó chủ tịch UBND xã, việc xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn là một trong những việc làm nổi bật của cả huyện Quảng Xương trong những năm gần đây.

*

Anh Vũ Quang Trạch cứ trầm trồ mãi:

- Quảng Lưu giàu thật. Sở dĩ giàu là vì người Quảng Lưu cần cù và có khát vọng làm giàu.

Khát vọng làm giàu thì ở đâu mà chả có. Nhưng ở trong con người Quảng Lưu, khát vọng đó quyết liệt hơn nhiều. Và anh dẫn chứng:

- Cách đây có lẽ cũng đã vài chục năm, một lần đi từ Sầm Sơn về phía thị xã Thanh Hóa, tôi từng gặp những người nông dân già Quảng Lưu, cặm cụi thồ từng xe dưa hấu lên thị xã để bán. Hình ảnh đó ám ảnh tôi mãi. Một khát vọng làm giàu đáng nể.

Và anh nói tiếp:

- Trưa nắng chang chang như thế, một xe dưa hấu bán được là bao. Nhưng họ vẫn kiên trì, nhẫn nại để mưu sinh và làm giàu. Một đức tính thật đáng quý!

Mọi người hình như cùng đồng ý với nhận định đó.

Nhưng tôi, tôi lại nghĩ khác. Có lẽ Quảng Lưu giàu lên bởi một lẽ khác. Đó là văn hóa. Văn hóa là nền tảng, là động lực và là đích đến của mọi vận động.

Cơ độ văn hóa ở một vùng quê thật khó có thể kể tên hay đong đếm. Nhưng có lẽ, ai cũng có thể nhận thấy. Điều đó có thể thể hiện ở diện mạo, ở các hoạt động, ở sinh hoạt, thậm chí ở ngay cách ứng xử của con người, của mỗi người trong cộng đồng. Ở Quảng Lưu, chỉ riêng việc xây dựng đền thờ các liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ở các quy ước nếp sống trong thôn làng; ở các quy tắc an ninh trật tự, ở phong trào khuyến học và mô hình dòng họ khuyến học, ở phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tôn tạo các đền thờ danh nhân lịch sử để giáo dục truyền thống, các danh lam, thắng cảnh,... cũng đã minh chứng hết sức sinh động cho điều đó.

Bởi vậy mà tôi rất thấm thía câu nói của Chủ tịch UBND xã Mai Xuân Chiến “Chúng tôi luôn coi văn hóa là động lực, là chìa khóa để mở ra và hướng tới tương lai. Người Quảng Lưu chúng tôi rất mến khách, rất trân trọng mọi đóng góp trí tuệ và nguồn lực cho sự phát triển của quê hương”.

Văn hóa là cái gốc. Gốc có vững thì cành mới xum xuê, mới có hoa thơm quả ngọt. Có lẽ, đó chính là cái giàu của Quảng Lưu.

Quảng Lưu, tháng 2-2020

Bút ký của Lâm Bằng


Bút Ký Của Lâm Bằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]