(Baothanhhoa.vn) - Ngày 22-3 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Theo đó, chỉ số PCI của Thanh Hóa năm 2017 tăng 3 bậc so với năm 2016, từ thứ 31 lên thứ 28, đứng ở nhóm khá của cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Cần sự nỗ lực vượt bậc

Ngày 22-3 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Theo đó, chỉ số PCI của Thanh Hóa năm 2017 tăng 3 bậc so với năm 2016, từ thứ 31 lên thứ 28, đứng ở nhóm khá của cả nước.

Sản xuất thuốc tại Doanh nghiệp tư nhân - Hãng thuốc thể thao Cụ Cử Thâm (KCN Tây Bắc Ga - TP Thanh Hóa).

Theo báo cáo thường niên do VCCI công bố, tổng điểm Thanh Hóa đạt được trong năm 2017 là 62,46 điểm, tăng 3,92 điểm so với năm 2016. Trong 10 chỉ số đánh giá thì Thanh Hóa có 8 chỉ số thành phần tăng, trong đó tăng cao nhất là các chỉ số về tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng và tính năng động của lãnh đạo tỉnh. Ngoài ra, một số chỉ số thành phần khác cũng có số điểm tăng là: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Tuy nhiên, so sánh trong giai đoạn 5 năm gần nhất, chỉ số PCI của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế và chưa ổn định. So với năm 2015, chỉ số PCI của tỉnh đã giảm 18 bậc. Một số chỉ số thành phần có tăng điểm nhưng chưa được như kỳ vọng. Một số chỉ số thành phần quan trọng xếp thứ hạng thấp so với cả nước, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, như: Chi phí không chính thức đứng thứ 50/63, cạnh tranh bình đẳng đứng thứ 48/63, chi phí thời gian đứng thứ 39/63, tính minh bạch đứng thứ 27/63...

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đại diện Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: Những năm gần đây, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có chất lượng điều hành tốt, với chi phí gia nhập thị trường thấp, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Không những vậy, lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp. Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, trong thời gian tới, cộng đồng DN Thanh Hóa sẽ sớm nhận được những chủ trương, điều hành tích cực để phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng cạnh tranh quyết liệt, cộng đồng DN mong muốn những cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính, về cơ chế tiếp cận đất đai, những thông tin minh bạch, thuận lợi để các DN dễ dàng tiếp cận, hội nhập và phát triển.

Với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng điều hành và chất lượng thực thi công vụ của bộ máy chính quyền các cấp, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020. Việc thực hiện chương trình này nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. Phấn đấu cải thiện chỉ số, vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh, đưa chỉ số PCI của Thanh Hóa trong top 10 cả nước và đứng thứ 6 vào năm 2020, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia giai đoạn 2017-2020. Nội dung của chương trình đã được quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, cộng đồng DN.

Tỉnh cũng thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện cải thiện từng chỉ số cụ thể. Điển hình như: Với chỉ số tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2017-2020. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, làm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Nâng cao chất lượng địa chính hỗ trợ DN. Phối hợp thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có biểu hiện quan liêu, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.

Về chỉ số tính minh bạch, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, công khai các thông tin cho cộng đồng DN và người dân. Đồng thời, xây dựng kênh đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước với DN, người dân trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh các phương án thực hiện, vận hành tốt chính quyền điện tử. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các kênh tiếp cận thông tin, đối thoại dành cho DN. Công khai các ưu đãi về đầu tư, chính sách thuế... Các sở, ban, ngành, địa phương kịp thời công bố các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với từng dự án tại Cổng thông tin điện tử để các DN thuận lợi trong việc tra cứu, tìm hiểu thông tin.

Với chỉ số chi phí không chính thức, Sở Nội vụ chủ trì trong việc xây dựng phương án chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ làm việc, đạo đức nghề nghiệp, năng lực, nhận thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho tổ chức và cá nhân khi liên hệ công tác. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các bộ phận liên quan đến việc giải quyết các thủ tục cho tổ chức, cá nhân. Các sở, ngành, địa phương thực hiện xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân tùy tiện đặt ra những quy định trái pháp luật, trái thẩm quyền để nhũng nhiễu DN. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng...

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN; tỉnh ta đã ban hành, triển khai nhiều chỉ thị, chương trình, kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Thanh Hóa đã chủ động xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch và bước đầu thực hiện có kết quả mô hình “một cửa liên thông”, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc cho nhà đầu tư và DN. Khuyến khích phát triển các trường và cơ sở đào tạo nghề, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo lao động tại địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước; thông tin rộng rãi tiềm năng, lợi thế của tỉnh để các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Sự quyết liệt, tính năng động trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh đã thể hiện rõ. Sự bứt phá của môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh cần sự vào cuộc, nỗ lực đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị liên quan trong thời gian tới.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]