(Baothanhhoa.vn) - Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực (NNL) có chất lượng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (DN) và hội nhập quốc tế phục vụ cho cuộc CMCN 4.0 là một trong những mục tiêu quan trọng của các nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cách mạng công nghiệp 4.0 - đầu tư nhân lực để đột phá

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực (NNL) có chất lượng, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp (DN) và hội nhập quốc tế phục vụ cho cuộc CMCN 4.0 là một trong những mục tiêu quan trọng của các nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong tỉnh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 - đầu tư nhân lực để đột pháĐể kịp thời thích ứng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề.

Đổi mới tại các trường nghề

Với sự phát triển của CMCN 4.0, một số ngành nghề mới sẽ được phát triển trong tương lai. Trong bối cảnh đó, GDNN đang chịu sự tác động mạnh mẽ do tính chất công việc nghề nghiệp thay đổi sẽ kéo theo cần nhiều kỹ năng mới đòi hỏi sự thích ứng kịp thời của GDNN. Bắt nhịp với xu thế ấy, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh cũng có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề của đơn vị, đáp ứng yêu cầu chất lượng NNL trong tình hình mới.

Đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, thời gian qua, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa đã xác định các ngành nghề mũi nhọn để tập trung đầu tư đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu NNL chất lượng cao của các DN. Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đạt đến trình độ của khu vực và quốc tế, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, không ngừng đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị; đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin và tăng cường hợp tác với các DN nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Hiện nhà trường đã gắn kết và giữ mối quan hệ với trên 30 DN trong và ngoài tỉnh để đào tạo, giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận ứng dụng công nghệ, mô hình hoạt động thực tế. Bên cạnh đó, nhà trường đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm, đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ cho công tác dạy nghề, tạo cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành, qua đó dễ bắt nhịp với công việc thực tế sau khi ra trường.

Tại Trường Trung cấp nghề Nga Sơn, để đón đầu cuộc CMCN 4.0, nhà trường đã tập trung xây dựng chất lượng đội ngũ giáo viên có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin; định hướng đào tạo trước mắt theo hướng đổi mới phương pháp đào tạo truyền thống, ứng dụng công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến và tăng cường kết nối với các DN để giáo viên và học sinh có điều kiện tiếp cận với những thiết bị máy móc hiện đại, đồng thời rèn luyện tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu đào tạo trong tình hình mới. Những năm qua nhà trường đã thực hiện kết nối với các DN trong và ngoài tỉnh như: Tổng Công ty Lilama 5, Công ty Sông Đà, Công ty May Winner Vina, MF Vina... Hiện nay tất cả các học sinh nhà trường đều đã được các công ty đến ký hợp đồng tuyển dụng làm việc, học sinh ra trường đều có việc làm ổn định...

Để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, giai đoạn 2016-2020, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề, trang bị cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo các nghề trọng điểm với số tiền gần 80 tỷ đồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt ngành nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có 12 trường công lập (11 trường thuộc tỉnh quản lý và 1 trường Trung ương đóng trên địa bàn) được lựa chọn đầu tư 19 ngành, nghề trọng điểm (1 nghề cấp độ quốc tế, 3 nghề cấp độ Asean và 18 nghề cấp độ quốc gia). Ngoài ra, tỉnh ta cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, đến nay, đội ngũ này cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Tổng số giáo viên của các cơ sở GDNN hiện nay là 1.801 người, trong đó tiến sĩ 21 người (1,17%); thạc sĩ 372 người (20,66%); đại học (ĐH) 894 người (49,64%), cao đẳng 176 người (9,77%); trung cấp và trình độ khác 338 người (18,76%). Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, các cơ sở GDNN cũng đã tích cực nghiên cứu khoa học, tự làm thiết bị đào tạo phục vụ công tác giảng dạy.

Theo các chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 sẽ không cần sử dụng nhiều lao động phổ thông, nguy cơ thất nghiệp của nhóm đối tượng này rất cao. Thay vào đó, thị trường chỉ cần công nhân đã qua đào tạo, có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao. Vì vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh cao và hội nhập sâu rộng thì đào tạo NNL chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng trong sự phát triển xã hội theo hướng CNH, HĐH.

Chú trọng xây dựng NNL chất lượng cao

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trí thức, nhất là NNL chất lượng cao, những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như kỹ năng, tay nghề cho người lao động qua định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Cùng với việc lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định 5 chương trình trọng tâm, 4 khâu đột phá, trong đó có chương trình trọng tâm về đào tạo và sử dụng NNL và khâu đột phá về nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với vị thế là cơ sở đào tạo lớn nhất, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cao của tỉnh, nhiều năm qua, Trường ĐH Hồng Đức đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo NNL theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp. Hiện nhà trường đang đào tạo 2 chuyên ngành tiến sĩ, 9 chuyên ngành thạc sĩ, 7 ngành đào tạo ĐH, 4 ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao, 2 ngành ĐH văn bằng hai... Hiện nhà trường có trên 450 giáo viên cơ hữu, trong đó có 20 phó giáo sư, 152 tiến sĩ, trong đó có gần 30% giảng viên được đào tạo ở nước ngoài, có khả năng làm việc độc lập với các đối tác quốc tế. Đặc biệt, nhà trường tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi giảng viên, sinh viên với các Trường ĐH Zielona Gora Ba Lan trong nghiên cứu “Xây dựng phòng thí nghiệm vật lý quang tử” và chương trình trao đổi giáo viên, sinh viên theo học bổng Eramus Plus; hợp tác liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh với Trường ĐH Songsil (Hàn Quốc) và ĐH Anhalt (CHLB Đức); hợp tác với Trường ĐH Zittau (CHLB Đức) triển khai thành công Chương trình Summer School với chủ đề “Trao đổi văn hóa - phát triển du lịch bền vững và du lịch cộng đồng”...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 10 năm thực hiện Đề án liên kết đào tạo NNL trình độ ĐH và sau ĐH với các trường ĐH nước ngoài, Thanh Hóa đã thu hút, đào tạo được 201 người tại các trường ĐH nước ngoài có trình độ năng lực (22 tiến sĩ, 153 thạc sĩ và 26 ĐH) về công tác tại các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh. Bám sát chương trình đào tạo và sử dụng NNL và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và năng lực người học, kết hợp với các cơ sở thực hành, thực tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; xác định rõ những ngành nghề có thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh để tập trung xây dựng thành các khoa, ngành đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra đối với từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội; mở rộng liên kết đào tạo giữa nhà trường với các DN... Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường ĐH cũng đã chủ động hợp tác với các trường ĐH trong và ngoài nước để triển khai các chương trình hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và trao đổi giảng viên, sinh viên.

Nhờ xây dựng chính sách, cùng với việc phát huy lợi thế của nguồn lao động địa phương, tỉnh ta đạt được nhiều thành tựu về cải thiện NNL. Năng suất lao động tăng đều qua các năm, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh theo ngành nghề sản xuất, kinh doanh, có thêm nhiều ngành nghề mới được đào tạo mà thị trường có nhu cầu, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đông đảo, người lao động có cơ hội tiếp cận máy móc thiết bị hiện đại và tác phong lao động công nghiệp... Tuy nhiên, muốn ứng dụng thành công thành tựu CMCN 4.0 trong phát triển kinh tế, trước tiên phải có “những con người 4.0”. Mặc dù đang trong thời kỳ “dân số vàng” với nguồn lao động dồi dào, nhưng NNL của tỉnh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất, kinh doanh. Do vậy, để đáp ứng NNL phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, các cơ sở giáo dục ĐH, GDNN cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; chủ động “đi tắt, đón đầu” trong công tác đào tạo, nhất là những ngành nghề phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nhu cầu sử dụng lao động của các DN; đồng thời có chiến lược đào tạo dài hơi, chuẩn bị một bước NNL bảo đảm về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, phục vụ cho sự nghiệp phát triển của Thanh Hóa trong những năm tới.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]