(Baothanhhoa.vn) - Với vị trí nằm ven bên bờ sông Mã, xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) có tiềm năng, lợi thế lớn cho việc phát triển nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các xã vùng ngoại thành khai thác tiềm năng đất đai, phát triển nông nghiệp hàng hóa

Các xã vùng ngoại thành khai thác tiềm năng đất đai, phát triển nông nghiệp hàng hóa

Nông dân xã Hoằng Đại áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp trên vùng đất bãi ven sông Mã.

Với vị trí nằm ven bên bờ sông Mã, xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) có tiềm năng, lợi thế lớn cho việc phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh 381 ha đất sản xuất nông nghiệp trong đê, ở Hoằng Đại còn có vùng đất bãi bằng phẳng, màu mỡ ven sông Mã. Cấp ủy, chính quyền xã xác định, yếu tố để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa, phải có các mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn và có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao.

Mới đây, xã đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư phát triển nông nghiệp Xanh Miền Nam, triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ, liên kết sản xuất gắn với bao tiên sản phẩm”, với quy mô 40 ha tại vùng đất bãi. Các loại cây trồng chủ yếu được chọn để sản xuất trong mô hình gồm: Ngô, ớt và khoai tây. Bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các khâu sản xuất, các loại cây trồng đều cho năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng thông thường. Cụ thể, lợi nhuận của cây ngô đạt 17,4 triệu đồng/ha/vụ, cây ớt 460 triệu đồng/ha/vụ, cây khoai tây hơn 95 triệu đồng/ha/vụ.

Ngoài ra, từ quỹ đất hiện có, xã đã tập trung quy hoạch lại đồng ruộng, nhằm tạo ra những vùng chuyên canh cây trồng khác nhau. Đồng thời, khuyến khích người nông dân mạnh dạn nhận thầu đất, tích cực chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 129 ha đất trồng cây hàng hóa, gần 15 ha đất trồng cây lâu năm. Ở vùng đất bãi ven sông Mã, nông dân trong xã đã chuyển sang các loại cây nông sản hàng hóa, với diện tích khoảng 50 ha. Khu đồng Cửa Thần thuộc thôn Đồng Tiến, trước đây vốn là đất chân mạ, do nhiều năm không sử dụng nên khu đồng này đã bị hoang hóa. Được xã tạo điều kiện, năm 2015, anh Nguyễn Văn Tĩnh thầu lại hơn 1 ha để trồng cây ăn quả, hoa tết và đào ao nuôi cá thương phẩm. Sau khi cải tạo lại đất đai để tạo chất dinh dưỡng cho cây trồng, anh Tĩnh quy hoạch khu đất thành các phân khu khác nhau, với 3.000m2 ao cá, 500m2 nhà kính trồng hoa đồng tiền, 2.500m2 trồng dưa hấu, hoa tết, diện tích còn lại trồng hơn 1.000 cây ổi. Nhờ khai thác khoa học quỹ đất nông nghiệp, mỗi năm gia trại của gia đình anh Tĩnh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Tương tự, thực hiện nghị quyết chuyên đề của TP Thanh Hóa về tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cấp ủy, chính quyền xã Quảng Phú đã tập trung chỉ đạo, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế. Hiện nay, toàn xã đã chuyển đổi được 28 ha đất trũng để xây dựng mô hình cá - lúa kết hợp; quy hoạch hơn 30 ha đất hoang hóa ngoài đê thành vùng nuôi trồng thủy sản. Riêng vùng đất bãi màu, nông dân trong xã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây dược liệu, cây lạc xuất khẩu, với diện tích hơn 30 ha. Bằng hướng đi phù hợp, tiềm năng đất đai của xã được khai thác hiệu quả và một lớp nông dân mới xuất hiện có kinh tế khá giả.

Xác định sản xuất nông nghiệp có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, TP Thanh Hóa tập trung chỉ đạo các xã vùng ngoại thành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ đất đai phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, chú trọng quy hoạch vùng chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Kết quả, 17 xã vùng ngoại thành đã chuyển đổi được hơn 638 ha đất nông nghiệp trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Điển hình như cây ớt xuất khẩu, cây dưa bao tử, cây cà chua, cây khoai tây, cây chuối lá ở xã Quảng Phú, Đông Vinh; cây chanh không hạt ở Thiệu Khánh... Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành trồng trọt của thành phố không ngừng tăng qua các năm. Nếu như vào năm 2012, giá trị sản phẩm trên một ha đất của thành phố chỉ đạt 98 triệu đồng, thì nay đã tăng lên 131 triệu đồng/ha/năm.

Bằng việc khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, sản xuất nông nghiệp của các xã ngoại thành TP Thanh Hóa đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, giúp người nông dân làm giàu từ đồng ruộng.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]