(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, việc triển khai các giải pháp rà soát, bảo đảm an toàn lưới điện đã được ngành điện và chính quyền các địa phương triển khai khá quyết liệt. Tuy nhiên, tại một số địa phương, do sự thiếu hiểu biết của người dân về vấn đề an toàn lưới điện nên việc xảy ra các điểm vi phạm mới vẫn tiếp diễn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo đảm hành lang an toàn lưới điện

Những năm gần đây, việc triển khai các giải pháp rà soát, bảo đảm an toàn lưới điện đã được ngành điện và chính quyền các địa phương triển khai khá quyết liệt. Tuy nhiên, tại một số địa phương, do sự thiếu hiểu biết của người dân về vấn đề an toàn lưới điện nên việc xảy ra các điểm vi phạm mới vẫn tiếp diễn.

Một hộ dân ở xã Hải Châu (Tĩnh Gia) xây nhà trong hành lang an toàn lưới điện.

Huyện Tĩnh Gia là địa phương mà tình trạng mất an toàn lưới điện xảy ra phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân là do tại địa phương có nhiều dự án, công trình mới được triển khai xây dựng. Điển hình như tại xã Trường Lâm, có 2 hộ dân xây nhà vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại khoảng cột 15-17 nhánh rẽ Trường Lâm 2, lộ 971. Tại xã Hải Bình, một số hộ gia đình cũng thực hiện xây dựng nhà ở ngay trong hành lang an toàn điện tại khoảng cột 36, đường trục 01 nhánh rẽ Hải Bình 1.

Tại huyện Hoằng Hóa, qua rà soát của Công ty Điện lực Thanh Hóa, hiện lưới điện thuộc phạm vi quản lý của đơn vị cũng có tới 37 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thực hiện xây dựng, cơi nới nhà cửa vi phạm hành lang an toàn điện. Trong thời gian chưa xử lý dứt điểm được các điểm vi phạm, Điện lực Hoằng Hóa đã thực hiện các biện pháp cảnh báo như treo biển báo, rào chắn và thông báo cho các hộ dân lân cận các vị trí có nguy cơ mất an toàn về mức độ nguy hiểm để có biện pháp phòng tránh.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Thanh Hóa, tính đến cuối tháng 5, lưới điện do công ty quản lý đang còn tồn tại 186 điểm vi phạm hành lang lưới điện, 76 điểm vi phạm khoảng cách pha đất với 970 khoảng cột. Đại diện Phòng An toàn, Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân dẫn đến vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp là do các hộ tự ý cơi nới, xây dựng nhà ở công trình, lều quán tạm, trồng cây trong hành lang an toàn đường dây điện. Bên cạnh đó, một số địa phương, chính quyền cấp đất cho hộ dân xây dựng nhà ở ngay trong hành lang an toàn điện, khiến việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Việc cấp phép xây dựng công trình tại một số địa phương chưa tuân thủ đúng quy định. Theo thống kê, vi phạm hành lang an toàn lưới điện chủ yếu xảy ra tại địa bàn các thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, làng nghề, nơi mà tình trạng cấp đất, cho thuê đất, san lấp mặt bằng; mở rộng, nâng cấp đường giao thông diễn ra nhiều. Bên cạnh đó, hệ thống cáp điện ngầm tại TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm hành lang an toàn do các đơn vị thi công đường, vỉa hè không thông báo và phối hợp với điện lực và đã nhiều lần múc vào cáp ngầm gây sự cố mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến tính mạng con người. Lưới điện hạ áp nông thôn mới tiếp nhận còn tồn tại nhiều điểm mất an toàn cộng với hiểu biết, ý thức của người dân trong việc bảo vệ an toàn công trình điện ở mức thấp đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ trong công tác bảo đảm an toàn lưới điện.

Để bảo đảm vận hành an toàn lưới điện năm 2018 và các năm tiếp theo, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã yêu cầu các điện lực trực thuộc lập kế hoạch cụ thể cho từng tháng để xử lý vi phạm, kết hợp với các nguồn vốn được phân cấp, tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền các địa phương, nhân dân để xử lý vi phạm. Trong thời gian chưa xử lý xong các sự cố, các điện lực trực thuộc tiếp tục ban hành văn bản thông báo vi phạm và hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, đồng thời lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn cảnh báo an toàn theo quy định. Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn lưới điện, như: Sửa chữa, nâng cấp lưới điện. Đối với lưới điện hạ áp nông thôn, công ty đã tận dụng các vật tư thu hồi để thay thế những vị trí có nguy cơ mất an toàn cho người và gia súc. Kiểm tra và xử lý ngay những vị trí nguy hiểm như rò nhiễm điện ra dây dòng tiếp địa, các cấu kiện bằng kim loại và cây cối đang chạm trực tiếp hoặc va quệt vào dây trần khi có mưa giông.

Tuy nhiên, việc tiến hành cải tạo triệt để tình trạng vi phạm an toàn hành lang an toàn lưới điện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do những công trình điện bàn giao cho ngành điện hầu hết được xây dựng từ những năm 70 đến 90 của thế kỷ trước, không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, gây khó khăn cho việc xác định trách nhiệm để xử lý vi phạm. Việc cấp đất của chính quyền cho các dự án công nghiệp trên các địa bàn thị trấn, thị xã, thành phố hiện nay đang phát triển mạnh và nhu cầu xây dựng nhà ở cao tầng của nhân dân ngày càng nhiều, dẫn đến nguy cơ phát sinh vi phạm an toàn lưới điện và vi phạm khoảng cách pha đất. Chính quyền địa phương các cấp chưa thực sự vào cuộc trong việc ngăn chặn, xử lý và giải tỏa hành lang an toàn lưới điện.

Theo báo cáo của Phòng Quản lý Điện năng, Sở Công Thương, trong thời gian qua, tình hình vi phạm an toàn công trình hành lang an toàn lưới điện cao áp có chiều hướng giảm do có sự chỉ đạo quyết liệt đồng bộ của Ban Chỉ đạo an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa và sự vào cuộc của ban chỉ đạo lưới điện cao áp ở các huyện, cùng với sự vào cuộc phối hợp của đơn vị quản lý vận hành hệ thống lưới điện kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại khoảng 200 vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp cần tiếp tục xử lý.

Để lưới điện cao áp trên địa bàn vận hành an toàn, bảo đảm cung cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, Ban Chỉ đạo an toàn lưới điện cao áp tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực và an toàn điện; đồng thời, phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành lưới điện cao thế trên địa bàn tỉnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp thiết bị điện. Các đơn vị quản lý vận hành điện phối hợp chặt chẽ với các phương tiện truyền thông đại chúng đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của các đơn vị và có kế hoạch đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện cao áp, góp phần giảm trừ những điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý.

Nhằm bảo đảm an toàn điện trong mùa mưa bão, phòng chống cháy nổ trong mùa nắng nóng, Công ty Điện lực Thanh Hóa đề nghị các địa phương, cơ quan, xí nghiệp và nhân dân thực hiện các biện pháp đề phòng tai nạn điện và phòng, chống cháy nổ, như sau:

1. Không đứng dưới cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông, sét. Không tự ý tháo dỡ, sửa chữa các kết cấu của công trình điện.

2. Không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào dây néo cột, dây nối đất, hộp công tơ, hộp cầu dao... để đề phòng điện giật do rò điện khi trời mưa, giông, bão.

3. Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè... trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn. Cấm buộc gia súc và thuyền bè vào cột điện để đề phòng cột bị gãy đổ và bị điện giật.

4. Không mang, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, cột ăng ten tivi, cây tre gỗ tươi gần đường dây điện để tránh va chạm gây nên phóng điện dẫn đến tai nạn.

5. Khi thấy cột điện ngã đổ hoặc dây điện đứt, rơi xuống thì không được đến gần, cầm, nắm vào dây điện và ngăn không cho người khác (kể cả súc vật đến gần). Đồng thời, nhanh chóng báo ngay cho điện lực sở tại theo số điện thoại ghi trong hóa đơn điện hoặc chính quyền địa phương gần nhất biết để có biện pháp xử lý.

6. Không dùng điện để bắt cá, bẫy chuột, chống trộm cắp gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

7. Khi có lũ lụt, cắt ngay cầu dao, cầu chì, aptomat đầu nguồn điện vào nhà để phòng mạng điện bị ngập nước gây tai nạn.

8. Chú ý khi chặt cây gần đường dây điện, có thể bị phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng. Cần liên hệ phối hợp với điện lực sở tại để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.

9. Không được tập trung đông người, họp chợ, dựng lều quán bán hàng, tập kết vật liệu gần các trạm biến áp đề phòng sự cố cháy nổ. Không xây nhà, công trình dân dụng, đổ đất san lấp nền dưới gầm đường dây điện vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

10. Khi phát hiện sự cố cháy nổ các trạm biến áp thì phải hô hoán không cho người và súc vật đến gần, không được tự ý dập lửa khi chưa cắt được nguồn điện, đồng thời phải báo ngay cho điện lực sở tại và cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số điện thoại 114.

11. Khi có người bị điện giật thì hô to mọi người đến giúp, khẩn trương tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách cắt cầu dao, cầu chì gần nhất, dùng sào bằng gỗ, tre khô gạt dây điện ra khỏi nạn nhân; đứng trên bàn, ghế bằng gỗ khô túm quần, áo khô của nạn nhân để kéo ra khỏi nguồn điện; dùng dao, búa cán bằng gỗ, tre khô để chặt đứt dây điện đang gây tai nạn), đồng thời nhanh chóng cứu chữa người bị nạn và gọi báo điện thoại cấp cứu 115.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]