(Baothanhhoa.vn) - Quê hương đối với Trần Đàm là một tình cảm thiêng liêng, không gì có thể thay thế được.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hình ảnh quê hương trong tập thơ "Lời yêu" của Trần Đàm

Quê hương đối với Trần Đàm là một tình cảm thiêng liêng, không gì có thể thay thế được.

Tác giả Trần Đàm.

“Từ Mảnh đất tôi yêu” là nơi chôn rau cắt rốn của ông, có mẹ xưa thường ngồi giặt từng tấm áo đã vá chằng vá đụp đến cái búa mòn vẹt của cha đã quanh năm chặt củi nuôi cả nhà sống qua năm tháng. Thế rồi cuộc sống đã nuôi ông khôn lớn, trưởng thành và khi có dịp suy ngẫm khi về thăm lại quê xưa thì những hình ảnh thân thương đã vụt đi xa lại hiện hữu trong tiếc nuối:

“Nghe gió hát ngọt ngào tiếng mẹ

Mảnh trăng khuya có bóng hình cha

Con trở về thì bố mẹ đi xa

Mảnh vườn xưa cau ổi đã già”.

(Mảnh đất tôi yêu)

Quê hương đối với Trần Đàm rất đỗi thân thương và cũng rất ngọt ngào, là nỗi niềm đau đáu thúc dục ông luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Ông không chỉ bồn chồn với bước chân của mẹ gánh rau ra chợ gần chợ xa để bán mà trong gánh rau đó ông thấy cả một tương lai tươi sáng của anh chị em mình những người được mẹ cha nuôi nấng bằng sự tần tảo sớm hôm:

Ngày hè nắng đốt cháy da

Một gánh rau muống chợ xa chợ gần

Con thoi năm tháng tảo tần

Gánh rau vai mẹ đã oằn đôi vai.

Vì thế mà: Gánh rau nghĩa, gánh rau tình

Liêu xiêu dáng mẹ quên mình nuôi con.

(Gánh rau của mẹ)

Và ở đây chúng ta thấy mẹ của Trần Đàm cũng là một người mẹ chung, một người mẹ Việt Nam quên mình lặn lội, tảo tần nuôi con khôn lớn. Làm thơ không phải là “nghề” của Trần Đàm bởi ông được học hành theo nghề kế toán nhưng ham mê chữ nghĩa, văn chương rồi viết báo làm thơ lại là “nghiệp” của ông. Với cuộc đời thăng trầm đầy gian nan vất vả nhưng ông đã gặt hái được thành công vì ông biết nâng niu, trân trọng những thành quả mà mình đạt được và nghiêm túc học tập để nâng cao trình độ và chân thành với tất cả những tình cảm mà mình đã có. Và ở khắp mọi nơi, mọi cương vị trong cuộc sống ông đều học tập và nhớ tới công lao của đấng sinh thành, những người đã làm gương cho ông phấn đấu. Trong bài “Lục bát hoài niệm” ông đã thể hiện điều này rất rõ:

Câu lục nhớ mẹ ầu ơ…

Lời ru chắp cánh hồn thơ, hồn người

Đói nghèo vẫn nụ cười tươi

Bao dung che chở cho người cho con

Câu bát nhớ rặng Thái Sơn

Công cha sừng sững mây vờn ấp iu

Rèn cho con mỗi sớm chiều

Dáng thẳng đứng, sống biết điều thẳng ngay.

(Lục bát hoài niệm)

Nếu không có những đấng sinh thành như vậy, làm sao cuộc đời có thể cho chúng ta một nghệ sĩ Trần Đàm của ngày hôm nay?

Quê hương trong ký ức Trần Đàm không chỉ là giếng nước, bờ ao, bóng cha hình mẹ mà còn là những cảnh đời éo le, những nỗi niềm thương cảm nà đã níu bước chân ông suốt cả cuộc đời. Hình ảnh em nhỏ bơ vơ không có ai đưa đến lớp chỉ nhìn qua kẽ vách, nghe lén thầy giảng để nuốt lấy từng lời luôn là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời ông và ông sẵn sàng chìa vai ra cho những mảnh đời bất hạnh tựa vào để có thêm nghị lực bước tiếp trên con đường đầy chông gai thử thách:

Lén nghe thầy giảng từng lời

Lọt qua kẽ vách chữ rơi xuống thềm…

Trăng khuya đom đóm lờ mờ

Run run tay nhỏ lật tờ cửu chương…

Đời còn dài lắm em ơi

Vịn vào anh để em vơi nỗi niềm

(Nỗi niềm)

Về cuối đời nhìn lại thấy mình là người thành đạt, Trần Đàm lại càng nhớ quê, nhớ làng da diết. Tình cảm vấn vương ông không lúc nào nguôi. Ông nhớ hồn làng, nơi đã nuôi nấng bao người khôn lớn như ông và nếu không có“ Hồn làng” nuôi dưỡng chắc gì ông và bao nhiêu người đã có hôm nay, đã thành đạt về mọi mặt mà vẫn mang trong mình tình cảm nhân văn sâu sắc. Đối với ông, hồn làng là “ trống làng mỗi độ hồi xuân” là “ Giao duyên, hát ghẹo, trống quân hề chèo” là:

Thơm thơm âu mẻ chín vàng

Một bát dấm ốc, vị làng khó quên

Tập tàng rau muối, rau dền

Ngọt canh cho những lực điền tháng tư

(Hồn làng)

Nếu không có những lực điền tháng tư ngày ấy, hết mình phấn đấu học tập cho làng nước thì làm sao có được đội ngũ những giáo sư, tiến sĩ, những nhà khoa học hùng hậu như bây giờ. Với tình cảm yêu quê hương sâu sắc, tác giả Trần Đàm đã vui mừng khôn xiết vì quê hương mỗi ngày một đổi mới. Sự thay da đổi thịt của các vùng quê với những món hàng đặc sản đầy tự hào được đi vào lịch sử thơ ca cũng được ông điểm lại trong thơ; Đó là bài “ Tình chiếu Nga Sơn” đã được ông nhắc đến không chỉ với vẻ đẹp, nét đặc sắc của tấm chiếu vùng quê nổi tiếng mà còn nói lên sự gắn bó của manh chiếu với đời người.

Đối với người nghèo xưa khi sống dùng chiếu để đắp thay chăn, khi về với tổ tiên nếu không có quan tài thì cũng dùng manh chiếu bó.

Đối với người giàu, chiếu hoa là thứ trải rộng để mọi người bước qua; Còn đối với bản thân tác giả, manh chiếu gắn bó từ khi mẹ đẻ đến nay tuổi đã về già. Ca ngợi vẻ đẹp của chiếu thì đã có nhiều nhưng hiểu được nổi khổ của người trồng lên cay cói để dệt nên tấm chiếu thì đã mấy ai nghĩ đến:

“Thương người trồng cói quê ta

Oằn lưng nắng táp mưa xa tháng ngày

Tiếng thoi dệt mối tình say

Gửi vào những tấm chiếu dày thân thương”

(Tình chiếu Nga Sơn)

Yêu quê, nhớ làng, tác giả Trần Đàm không sướt mướt, ủy mị mà ông rất vui mừng khi quê hương đổi mới. Mỗi bước chân ông đi, mỗi vùng quê ông đến không chỉ vọng vang lời truyền thống như dấu chân Bà Triệu ở Phủ Na ở Minh Dân mà còn nghi lại nhiều cảnh đổi thay đem lại cho người dân cuộc sống đủ đầy, ấm no, hạnh phúc:

“Đường thôn khắp nẻo xa gần

Thảm bê tông mịn bước chân ông bà…

…Ánh điện bừng sáng khắp vùng

Thông tin hòa mạng đã chung tình người…

Trường học còn mới màu vôi

Trạm y tế ở trên đồi khang trang”

(Minh Dân tỏa sáng)

Tất cả những thành quả đã đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đã hiển hiện một cách nhuần nhuyễn trong thơ Trần Đàm và những điều đó không làm cho ông hẫng hụt, trái lại ông rất tự hào vì sức vươn lên của bao thế hệ là sự thật hiển nhiên không có gì phải băn khoăn trăn trở:

Có quê hương đổi mới ngày nay nghĩa là có sức vươn của những búp măng ngày ấy:

“Măng từ lòng đất mọc ra

Bé thơ ngộ nghĩnh như là búp tiên

Dáng thẳng đứng như mũi tên

Mỗi ngày măng vút cao lên mỗi ngày

“Áo bào” khoác ấm thân cây

Vi vu gió hát đợi ngày thành tre.

Và:

Sống như măng mọc bờ ao

Cứ thẳng đứng, cứ vươn cao mỗi ngày”.

(Sức vươn)

Nghĩ về tác giả Trần Đàm, tôi thấy ông là một người thành đạt về mọi mặt và vô cùng hạnh phúc. Cũng giống bao người khác, ông yêu làng, yêu quê, biết ơn những đấng sinh thành nên ông đã chắt chiu từng sự đổi thay của quê hương, biết nâng niu quý trọng sự phấn đấu vươn lên của bao thế hệ đã dày công xây đắp quê hương.

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông cũng giật mình vì tuổi già đang đến, song đối với ông không có sự hối tiếc bởi tuổi già là của quy luật đâu chỉ riêng ông; Vì thế ông bình tâm để nhìn nhận cuộc đời, ông vui sướng vì tôn chỉ mục đích trong lối sống của mình đã được thực hiện triệt để. Cho nên ở tuổi xấp xỉ bát tuần, khi mà chức quyền, tiền bạc không còn, tác giả vẫn được anh em, bạn bè trân trọng, quý mến; Vẫn chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn của đời thường bằng những tấm chân tình mà ông đã vun trồng tự xa xưa cho đến ngày nay; Và vì thế tôi xếp ông vào bậc “Tri kỷ tri nhân bách chiến, bách thắng”

Để kết thúc bài viết này tôi tạm mượn hai khổ thơ cuối trong bài “Nói với mình” của tác giả Trần Đàm.

"Một đời sóng gió can qua

Tự mình bươn trải, tự ta trưởng thành

Cây đời mãi vẫn còn xanh

Vẫn nhiều mời gọi vẫn thanh tịnh đời

Vẫn cùng bạn tốt rong chơi

Vẫn ham cống nạp cho đời gấm hoa

Tự ta nói với mình ta

Một đời bình dị, thăng hoa một đời”.

(Nói với mình)


Trần Thị Liên.

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]