(Baothanhhoa.vn) - Gia đình ông Vi Văn Ngọc, xã Tân Phúc (Lang Chánh) là hộ có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trâu cái sinh sản. Trước đây, mỗi khi trâu đến thời điểm sinh sản, gia đình đều thực hiện nhân giống theo phương pháp nhảy truyền thống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hiệu quả ứng dụng thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi

Gia đình ông Vi Văn Ngọc, xã Tân Phúc (Lang Chánh) là hộ có nhiều kinh nghiệm trong nuôi trâu cái sinh sản. Trước đây, mỗi khi trâu đến thời điểm sinh sản, gia đình đều thực hiện nhân giống theo phương pháp nhảy truyền thống.

Bê lai F1 phát triển khỏe mạnh, tầm vóc cao lớn sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa).

Năm 2016, được sự hỗ trợ của cán bộ thú y xã, gia đình ông ứng dụng lai giống bằng phương pháp sử dụng tinh trâu Murah để thực hiện thụ tinh nhân tạo; đồng thời, sử dụng thức ăn hỗn hợp để chăm sóc trâu cái sau khi được thụ tinh nhân tạo và cả quá trình mang thai. Nhờ đó, nghé con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, nuôi lớn đạt năng suất cao hơn khoảng 20-25% so với trâu địa phương.

Đàn bò của gia đình ông Đinh Đình Vinh, xã Bình Lương (Như Xuân) có số lượng lên tới 70 con. Con nào cũng có tầm vóc cao lớn, béo khỏe, nên cho hiệu quả kinh tế cao, lãi mỗi năm đạt tới gần 200 triệu đồng. Có được đàn bò năng suất, chất lượng cao như trên là bởi nhiều năm qua, gia đình ông đã ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra con lai F1 sử dụng nuôi thương phẩm, qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho đàn vật nuôi. Theo chia sẻ của ông Vinh: Trước đây, việc chăn nuôi của gia đình chủ yếu được thực hiện theo hình thức thả rông, khó kiểm soát việc lai tạo giống và phát triển số lượng đàn nuôi. Bò tự phối giống, nhiều khi xảy ra tình trạng cận huyết, nên bê con sinh ra thường thấp, bé, nhiều bệnh, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng vật nuôi. Năm 2014, được vận động, hướng dẫn của cán bộ thú y xã, gia đình ông sử dụng tinh bò Brahman lai với bò cái để tạo ra đàn bò lai Zebu F1 khỏe mạnh, tầm vóc cao lớn.

Theo khảo sát tại một số địa phương cho thấy, việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã và đang góp phần không nhỏ vào việc tăng năng suất, chất lượng vật nuôi. Tại huyện Thiệu Hóa, việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm, qua thực tế triển khai, nhận thấy việc thụ tinh nhân tạo đem lại lợi ích không nhỏ cho các hộ chăn nuôi gia súc. Vì vậy, để đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo trên địa bàn nhằm thực hiện mục tiêu cải tạo đàn gia súc theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, từ năm 2014, huyện đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân mua bò đực F1 BBB để thuần dưỡng, sau đó lựa chọn bò cái nền Zebu trên 75% máu ngoại, có ngoại hình đẹp, trọng lượng đạt từ 280 kg trở lên để phối giống. Việc nâng cao năng suất, chất lượng cho đàn gia súc thông qua công tác thụ tinh nhân tạo đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tinh bò BBB hợp với bò cái nền Zebu có tỷ lệ phối giống đạt cao, do kết hợp được cả đặc tính tốt của bố và mẹ, nên bê lai thế hệ F1 sinh ra có trọng lượng phù hợp, khỏe mạnh, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống, dễ nuôi, tạp ăn, tốc độ sinh trưởng cao, bình quân đạt 20-24 kg/tháng. Không những thế, bê lai còn có chất lượng thịt thơm, ngon, mềm, khi mổ đạt tỷ lệ thịt khoảng 61%, cao hơn giống bò thịt địa phương khoảng 20 đến 30%.

Từ những hiệu quả của công tác thụ tinh nhân tạo đem lại, ngành nông nghiệp đã quan tâm, triển khai trên diện rộng ở các địa phương. Theo đó, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh thực hiện việc truyền tinh nhân tạo phối với bò, trâu cái nền địa phương để tăng đàn bò, trâu lai năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, không ngừng chọn lọc, du nhập và lai tạo các giống gia súc, nguồn tinh mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với vùng sinh thái, từng địa phương, như: Tinh trâu Murah, tinh bò Brahman, bò Drougtmaster, RedAgus, bò BBB... Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình, chương trình thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn giống gia súc địa phương. Thông qua công tác cải tạo đàn giống vật nuôi, nhất là thụ tinh nhân tạo, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương còn tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi trâu, bò sinh sản, nắm bắt được kỹ thuật mới, thời điểm phối giống thích hợp, quy trình chăm sóc trâu, bò theo giai đoạn và từng đối tượng. Từ đó, nâng cao nhận thức trong phát triển chăn nuôi, hạn chế tình trạng chăn nuôi theo phương thức tự do, thả rông, không kiểm soát đối với các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ ở khu vực miền núi.

Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm sử dụng khoảng 3.000 liều tinh trâu Murrah, 45.000 liều tinh bò Brahman lai tạo với đàn trâu, bò địa phương, nâng tỷ lệ đàn bò lai Zebu trên địa bàn tỉnh đạt 60,5%. Cùng với đó, du nhập một số giống bò, như: Drouhgtmaster, RedAgus để phối giống với đàn bò cái nền lai Zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò thịt. Hiện toàn tỉnh có gần 154.000 con bò, sản lượng thịt hơi đạt khoảng 17.000 tấn/năm; hơn 200.000 con trâu, sản lượng thịt hơi đạt khoảng hơn 14.000 tấn/năm.

Đánh giá về hiệu quả của công tác thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi, ông Lê Trần Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi Thanh Hóa, cho biết: Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp khả năng đậu thai đạt tới 90%. Việc thụ tinh nhân tạo với các giống trâu, bò ngoại những năm qua đã giúp cải tạo đáng kể tầm vóc đàn gia súc của địa phương. Hầu hết con lai F1 sau khi được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đều có tầm vóc cao hơn so với giống gia súc địa phương từ 20-30%. Việc ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo còn giúp tăng nhanh đàn trâu, bò lai và khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những giống đực có năng suất cao đến các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc. Từ đó, tạo bước đột phá trong công tác cải tạo tầm vóc đàn gia súc.


Bài và ảnh: Tiến Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]