(Baothanhhoa.vn) - Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, HTX đã tiên phong, từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng số vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn không ít gian nan, cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.

Để ứng dụng số vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, HTX đã tiên phong, từng bước ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng số vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn không ít gian nan, cần sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan chức năng, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.

Để ứng dụng số vào sản xuất nông nghiệp hiệu quảTrung tâm Khuyến nông tỉnh trình diễn ứng dụng thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng mẫu lớn xã Định Tiến (Yên Định).

Canh tác hơn 1.000m2 dưa lưới vốn được coi là cây trồng khái tính nhất nhưng anh Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại nông nghiệp công nghệ cao Thiên Trường 36, xã Đông Tiến (Đông Sơn) không mất quá nhiều công sức. Bởi, các phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới nước cho cây đã được tự động hóa. Khi thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để bảo đảm cây dưa sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Bên cạnh đó, khi dưa đến kỳ thu hoạch thiết bị sẽ báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký hợp đồng liên kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm, gồm: giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Anh Thiên cho biết: Mặc dù công ty mới thử nghiệm quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ số cho một phần diện tích sản xuất nhưng đã nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Công ty không tốn quá nhiều chi phí chăm sóc, sản phẩm dưa làm ra đạt chất lượng cao nhất nên dễ dàng đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh và thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư đồng bộ hóa hệ thống sản xuất này tương đối lớn nên hiện tại công ty đang liên hệ với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, phát triển sản xuất.

Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Điển hình, như: lắp đặt thiết bị đo mưa tự động để cảnh báo, dự báo thiên tai; quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản; quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi ở những trang trại quy mô lớn; việc áp dụng máy móc để điều khiển hệ thống chăm sóc, phun tưới tự động trong trồng trọt... Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp quản lý hiệu quả mà còn là giải pháp hữu hiệu để các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các phương tiện đi vào khu vực sản xuất. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp; trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp; nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ kỹ thuật chưa cao... nên những mô hình chuyển đổi số của tỉnh còn khá khiêm tốn, việc chuyển đổi số chỉ được áp dụng ở một số khâu nhất định.

Không chỉ các doanh nghiệp, HTX, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ động tìm kiếm, ứng dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất mà ngành nông nghiệp và nhiều đơn vị liên quan của tỉnh cũng từng bước hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tiêu biểu, như: Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã nhiều lần trình diễn thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; ngành thủy sản hỗ trợ triển khai lắp thiết bị theo dõi hành trình cho các tàu cá khai thác hải sản; ngành lâm nghiệp hỗ trợ thí điểm lắp hệ thống 11 camera được cấp thông số để dừng lấy ảnh chuẩn liên tục ở 24 vị trí góc khác nhau, truyền hình ảnh trực tiếp và rõ nét tại các khu rừng dễ cháy về máy tính và điện thoại thông minh của các chủ rừng, cán bộ quản lý lâm nghiệp, cán bộ địa phương... Từ những hỗ trợ, tập huấn đó, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới, từng bước ứng dụng vào sản xuất linh hoạt, hiệu quả.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nền nông nghiệp Thanh Hóa đang có sự mù mờ về thông tin. Người sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa liên kết được với nhau nên chuỗi liên kết cung – cầu thường bị ngắt quãng. Đã đến lúc ngành nông nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số để sản phẩm nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin, tạo hành lang thông thoáng mở rộng thị trường và hướng tới xuất khẩu. Hiện, sở đang chỉ đạo các chi cục, đơn vị trực thuộc tìm hiểu, nắm rõ những nội dung của chuyển đổi số nhằm xây dựng kế hoạch ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất một cách phù hợp, hiệu quả. Toàn ngành sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số, phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất, chế biến nông sản và người nông dân. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh tham mưu, đề xuất những cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích, tạo động lực cho doanh nghiệp, HTX và người dân hưởng ứng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số vào sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]