Trong trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là khai thác IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu. Việc từ chối được thể hiện ở hai mức độ, với hai hình thức “Thẻ vàng” và “Thẻ đỏ”.
“Thẻ vàng” sẽ xảy ra trong trường hợp:
Nếu Liên minh châu Âu xác định một nước xuất khẩu thủy sản sang EU không có các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo việc khai thác là hợp pháp, được khai báo và theo quy định thì quốc gia đó sẽ bị cảnh cáo chính thức - nhận “Thẻ vàng” để cải thiện.
Đồng thời, Quốc gia nhận cảnh báo Thẻ vàng sẽ được EU cho phép có một khoảng thời gian để thực thi các giải pháp phù hợp nhằm giải quyết tình trạng khai thác IUU. Kết thúc thời gian cho phép, nếu đáp ứng được các điều kiện do phía EU đưa ra, sẽ được xóa cảnh báo trước đó - nhận “Thẻ xanh”, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu.
“Thẻ đỏ” xảy ra trong trường hợp:
Kể từ khi nhận cảnh báo Thẻ vàng, nếu quốc gia đó không khắc phục các thiếu sót, chưa có đủ sự nỗ lực trong việc quản lý nghề cá và ngăn chặn khai thác IUU thì sẽ phải đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác sang thị trường EU - nhận “Thẻ đỏ”. Có nghĩa là toàn bộ thị trường châu Âu sẽ từ chối việc nhập khẩu thủy sản từ quốc gia vi phạm.
CÁC HỆ LỤY ĐỐI VỚI MỘT QUỐC GIA KHI NHẬN THẺ VÀNG CỦA EU:
Đối với xuất khẩu thủy sản của một quốc gia, có thể xảy ra ít nhất 5 hệ lụy nếu như bị nhận Thẻ vàng của EU:
Xuất khẩu thủy sản sang EU sẽ giảm do khi quốc gia xuất khẩu bị nhận thẻ vàng, các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của EC nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng.
Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU. Điều này làm xấu đi hình ảnh và ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành hải sản nước đó.
Các thị trường khác có thể sẽ áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn dành cho nước bị EU phạt Thẻ vàng (ví dụ thị trường Mỹ, quốc gia áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhập khẩu nhằm chống lại nạn khai thác IUU từ ngày 1-1-2018.
Trong thời gian bị “Thẻ vàng”, 100% containers hàng hải sản xuất khẩu từ nước bị Thẻ vàng sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Việc kiểm tra sẽ khiến thời gian vận chuyển mất thêm thời gian, từ 3-4 tuần/container. Chi phí cho kiểm tra “nguồn gốc” là khoảng 500 bảng Anh/container, chưa kể phí lưu giữ cảng và hệ lụy kinh doanh của đối tác khách hàng.
Sau 6 tháng, EC sẽ đánh giá về việc triển khai các quy định về IUU của quốc gia đó, nếu đã triển khai đầy đủ các quy định thì được dỡ bỏ Thẻ vàng, nếu việc triển khai có tiến bộ thì EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu, nếu các khuyến nghị không được thực hiện hoặc triển khai không hiệu quả sẽ bị áp dụng Thẻ đỏ (cấm xuất khẩu hải sản vào EU).
Đây đồng thời cũng là 5 vấn đề mà Việt Nam đã, đang phải đối mặt kể từ khi phải nhận Thẻ vàng từ EU.
Lê Hòa - Mai Huyền