(Baothanhhoa.vn) - Không chỉ sống đời trong lời ru của bà, của mẹ từ thuở xa xưa, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, người dân Nga Sơn nói riêng, xứ Thanh nói chung càng thêm phần tự hào bởi sức sống bền bỉ, mãnh liệt của nghề cói nơi đây. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh, cùng sự quyết tâm gìn giữ, phát triển nghề của người dân, cói Nga Sơn không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn đủ sức vươn mình ra thế giới, mang theo khát vọng làm giàu chân chính của biết bao thế hệ người dân trên miền quê cổ tích, huyền thoại này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các sản phẩm từ cói Nga Sơn vươn mình ra thị trường thế giới

Không chỉ sống đời trong lời ru của bà, của mẹ từ thuở xa xưa, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, người dân Nga Sơn nói riêng, xứ Thanh nói chung càng thêm phần tự hào bởi sức sống bền bỉ, mãnh liệt của nghề cói nơi đây. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh, cùng sự quyết tâm gìn giữ, phát triển nghề của người dân, cói Nga Sơn không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn đủ sức vươn mình ra thế giới, mang theo khát vọng làm giàu chân chính của biết bao thế hệ người dân trên miền quê cổ tích, huyền thoại này.

Các sản phẩm từ cói Nga Sơn vươn mình ra thị trường thế giớiCác sản phẩm từ cói phục vụ đơn hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (thị trấn Nga Sơn).

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông” – chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay trong lời ru của bà, của mẹ từ thuở xa xưa, chiếu Nga Sơn được nhắc đến như một đặc sản định danh, định tình. Tuy nhiên, cùng với sự thăng trầm, biến ảo, khắc nghiệt của thị trường, nghề cói Nga Sơn cũng phải trải qua những giai đoạn “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, từng đứng trước nguy cơ mai một.

Nếu chấp nhận buông xuôi, trượt theo con dốc dài, có lẽ, giờ đây, huyện Nga Sơn đã để tuột mất nghề truyền thống cha ông - nguồn nội lực quý giá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhận thức được vai trò, lợi thế của nghề cói; bằng tất cả sự trân trọng đối với nghề, tinh thần quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nga Sơn đã chung sức đồng lòng, huy động tối đa các nguồn lực, thông qua những việc làm thiết thực, hiệu quả nhằm vực dậy, từng bước tìm lại “hào quang” cho nghề cói, tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng đưa các sản phẩm từ cói của địa phương chinh phục, vươn mình ra thị trường thế giới.

Điểm lại theo dấu mốc thời gian ghi dấu sự hình thành và phát triển của nghề cói Nga Sơn thấy mọi việc cứ thế thoảng qua nhẹ nhàng như cơn gió. Nhưng có tận mắt trông thấy, tận tai lắng nghe câu chuyện của những người trong cuộc mới thấy: Phía sau sức sống mãnh liệt của nghề được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, trăn trở khôn nguôi của cả đời người.

Ví như cái cách bà Trần Thị Việt (69 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang (Khu Công nghiệp làng nghề, thị trấn Nga Sơn) dành gần trọn cuộc đời mình để gắn bó với nghề cói của quê hương. Sinh ra và lớn lên cùng với những đồng cói mặn mòi, lam lũ, ngay từ những năm lên 5, 6 tuổi, bà Việt đã thạo nghề dệt chiếu. Khi trưởng thành, lập gia đình, bà Việt vẫn luôn đau đáu làm sao để có thể phát triển nghề truyền thống cha ông. Vốn đã là thợ dệt chiếu có tiếng trong làng, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, bà Việt đã đứng ra thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cói, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, khi Đông Âu sụp đổ, nghề cói Nga Sơn mất thị trường, bà Việt phải chuyển sang công việc buôn bán ngoài chợ, vất vả ngược xuôi mưu sinh. Khó khăn, vất vả là thế nhưng sâu thẳm trong lòng, bà vẫn luôn ấp ủ niềm hy vọng được gắn bó với nghề cói.

Trời không phụ lòng người, sau bao nhiêu năm trăn trở, ấp ủ, cơ duyên tốt lành đã đến, mở ra cơ hội để bà Việt được quay trở lại làm nghề. Bà Việt bất ngờ nhận được đơn đặt hàng lớn, sản xuất mấy chục nghìn đôi chiếu cói phục vụ cho quân đội. Không một giây phút nghỉ ngơi, ngay ngày hôm ấy, bà Việt nghỉ công việc chợ búa, đi đến từng hộ gia đình trên khắp các vùng trồng cói của Nga Sơn để trao đổi công việc và thu mua hàng. Từ chỗ không có nơi tiêu thụ, cói để mốc, thối, rải đầy đường, nay bà Việt đến đặt hàng, người dân vô cùng phấn khởi, hào hứng. Chỉ trong một thời gian ngắn, bà Việt đã gom đủ số lượng hàng lên đến hàng chục nghìn đôi chiếu. Kể từ đây, bà Việt tiếp tục nhận được đơn hàng trong và ngoài nước. Bà Việt cho biết: “Lúc bấy giờ, cói Nga Sơn cũng đã tìm được thị trường tiêu thụ thay thế thị trường Đông Âu đã sụp đổ. Đó là thị trường Trung Quốc. Thời điểm ấy, cói Nga Sơn có bao nhiêu cũng đều xuất khẩu sang Trung Quốc hết, từ nguyên liệu thô cho đến các sản phẩm được làm từ cói”.

Không có điều kiện trực tiếp “đánh” hàng sang bên kia biên giới, bà Việt tập trung dạy nghề, tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm của người dân trong vùng nhập cho các “đầu mối” xuất hàng sang Trung Quốc. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì thị trường Trung Quốc bắt đầu bộc lộ sự khắc nghiệt của nó đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng, tiềm năng, có phần dễ dãi, cởi mở. Thương lái Việt Nam bị “ép giá”, chấp nhận bán hàng với giá rẻ, “không đủ tiền nguyên liệu sản xuất”. Dần dà, thị trường Trung Quốc cũng không nhập cói thô nữa. Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cói và các sản phẩm từ cói Nga Sơn bỗng chốc lâm vào cảnh nợ nần, phá sản. Một lần nữa, nghề cói Nga Sơn phải nhận trái đắng khi cố gắng vươn mình ra thị trường nước ngoài. Đó là bài học đắt giá cho việc quá phụ thuộc, tin tưởng vào một thị trường và ồ ạt chạy theo nó. Đứng trước hoàn cảnh đó, một mặt, bà Việt chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, tập trung vào thị trường trong nước; mặt khác, vẫn đứng ra thu mua sản phẩm cho bà con. Bằng uy tín của mình, khi phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cói và các sản phẩm từ cói Nga Sơn tập trung vào thị trường Trung Quốc thì bà Việt đã nhanh nhạy tìm kiếm, mở rộng thị trường, “bắt tay” cùng một số đối tác trung gian xuất khẩu hàng sang thị trường Nhật Bản với các sản phẩm chủ yếu là: thảm cói, cói lõi, cói nguyên liệu...

Không dừng lại ở đó, năm 2001, được sự khuyến khích, động viên của huyện, bà Việt quyết định thành lập xí nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang (sau này là Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang) trên địa bàn thị trấn Nga Sơn. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển nghề, có thời điểm, áp lực nợ nần, bất ổn thị trường, rủi ro... khiến bà điêu đứng, tưởng như muốn gục ngã. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành, chính sự kiên trì, bền bỉ, không ngừng đổi mới, sáng tạo đã giúp bà Việt đứng vững với nghề, từng bước gặt hái thành công. Kể từ năm 2014, được sự đồng hành của các con, đặc biệt là cô con gái thứ 5 – Mai Thị Anh Đào (30 tuổi), bà Việt đã và đang nuôi lớn giấc mơ vươn xa ra thị trường thế giới của nghề cói Nga Sơn. Từng được đào tạo thạc sĩ tại Vương Quốc Anh, Mai Thị Anh Đào về nước, trở thành “cánh tay đặc lực” của bà Việt.

Lợi thế về trình độ chuyên môn, khả năng ngoại ngữ, giao tiếp, Anh Đào có những định hướng đúng đắn cho công ty. Bên cạnh việc không ngừng sáng tạo, học hỏi nhằm cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm; đầu tư trang thiết bị hiện đại; thông qua nhiều kênh khác nhau, công ty đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về mẫu mã, chất lượng các sản phẩm từ cói Nga Sơn. Đặc biệt, việc năng động, tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, kênh thương mại điện tử đã giúp công ty có điều kiện kết nối, giới thiệu sản phẩm và mở rộng ra thị trường quốc tế. Hiện nay, 90% các sản phẩm làm từ cói của công ty đã xuất ra thị trường của 20 quốc gia, bước đầu chinh phục được những thị trường “khó tính” như: Mỹ, Úc, Cannada, Anh, Pháp... với đa dạng các sản phẩm như: Chiếu cói, túi xách, thảm cói, giỏ, hộp đựng đồ, chậu cói... Doanh thu đạt được khoảng 2 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm cho khoảng 30 lao động, mức thu nhập bình quân khoảng hơn 3,5 triệu đồng/tháng.

Không chỉ có Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang, hiện nay trên địa bàn huyện Nga Sơn, nhiều cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm từ cói tương đối hiệu quả, tiêu biểu như: Công ty TNHH Thi Nghê (thị trấn Nga Sơn), Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Xuất khẩu Cói Xanh (xã Nga Liên)... Năm 2019, tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cói và hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn huyện Nga Sơn đạt 51,2 tỷ đồng/năm. Sự phát triển của các làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là nghề cói đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tích cực; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao, đưa kim ngạch xuất khẩu của huyện liên tục tăng, năm sau tăng cao hơn năm trước. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm từ cói bước đầu tạo dựng được uy tín, thương hiệu hàng hóa của mình đối với người tiêu dùng trong nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới như: Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Tuy đã gặt hái được những kết quả đáng tự hào, bà Việt thẳng thắn nhìn nhận: “Trước đây, nghề cói Nga Sơn gặp rất nhiều khó khăn về “đầu ra”. Nhưng bây giờ, khi đã có thị trường thì các doanh nghiệp như chúng tôi lại bị hạn chế về lực lượng lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản. Hiện nay, lao động trong nghề chủ yếu là lực lượng lao động già, lao động lúc nông nhàn nên nhiều khi thiếu sự nhanh nhạy, chuyên tâm với công việc. Do bị động về nguồn nhân lực nên có lúc công ty rơi vào hoàn cảnh bị chậm hoặc lỡ đơn hàng, gây ảnh hưởng đến uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường nước ngoài”. Một điều khiến bà Việt trăn trở rất nhiều, đó là: “Mặc dù, các sản phẩm cói Nga Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng chưa thực sự phát huy được ý nghĩa, hiệu quả của nó. Phần lớn khách hàng ít biết và ít quan tâm đến công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý này. Điều đó khiến cho việc nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm từ cói Nga Sơn tại thị trường trong nước và quốc tế phần nào còn hạn chế”...

Khó khăn về nguồn vốn, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, điều kiện lao động sản xuất... là những rào cản lớn các sản phẩm từ cói của Nga Sơn vươn mình ra thị trường thế giới. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, hạn chế ấy, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân thì các cấp, các ngành chức năng cần có sự quan tâm, tạo điều kiện thông qua cơ chế, chính sách, phương hướng, giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa; trong đó tập trung hỗ trợ cho người dân trồng cói; tổ chức các lớp học nghề tại địa phương theo phân loại đối tượng lao động và kế hoạch đào tạo phù hợp với từng giai đoạn; tăng cường xúc tiến thương mại, tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm mang tính bền vững; duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống...

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]