(Baothanhhoa.vn) - Dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Ngành giáo dục cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng của đại dịch. Đặc biệt, đối với hệ thống các trường ngoài công lập, 100% thu, chi đều dựa vào học phí phụ huynh học sinh (HS) đóng góp nên việc HS nghỉ học kéo dài khiến các trường phải gồng mình để “vượt bão” COVID-19.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trường tư “vượt bão” COVID-19

Dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Ngành giáo dục cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng của đại dịch. Đặc biệt, đối với hệ thống các trường ngoài công lập, 100% thu, chi đều dựa vào học phí phụ huynh học sinh (HS) đóng góp nên việc HS nghỉ học kéo dài khiến các trường phải gồng mình để “vượt bão” COVID-19.

Trường tư “vượt bão” COVID-19

Trường Mầm non Thanh Xuân Nam trong những ngày học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 bùng phát đã gây những biến cố lớn đối với các trường công lập nói chung, trường ngoài công lập nói riêng. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh cùng lịch nghỉ học kéo dài của HS đã tác động không nhỏ đến nhiều mặt, như tài chính, nhân sự... ở các trường ngoài công lập. Tính đến hết học kỳ I, năm học 2019-2020, Trường Mầm non Búp Sen Xanh (TP Thanh Hóa) có 21 nhóm lớp với hơn 480 trẻ. Đến thời điểm hiện tại, HS đã nghỉ học được hơn 8 tuần và không biết khi nào sẽ đi học trở lại khiến nhà trường không khỏi lo lắng. Ông Lê Văn Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, đơn vị đầu tư Trường Mầm non Búp Sen Xanh, cho biết: “Ngoài nguồn thu từ học phí, chúng tôi không có nguồn nào khác để đưa vào quỹ dự trữ tài chính. Hiện, chúng tôi đang phải đi vay ngân hàng để đóng bảo hiểm xã hội và chi trả chế độ phụ cấp theo quy dịnh của Luật lao động cho 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vừa qua, trong báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhà trường đã đề xuất với phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thanh phố, UBND thành phố và UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét có hướng hỗ trợ để giúp nhà trường giải quyết khó khăn trong thời gian HS tạm nghỉ học”.

Trường tư “vượt bão” COVID-19

Một góc khu vui chơi của Trường Mầm non Búp Sen Xanh khi học sinh nghỉ học phòng, chống dịch bệnh.

Đối với 4 cơ sở thuộc Hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids (TP Thanh Hóa), khi HS tạm nghỉ học, không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và những chi phí khác như bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh... nên chủ đầu tư đã không thể trả lương cho cán bộ, nhân viên, giáo viên. Được biết, do không được hỗ trợ lương trong thời gian nghỉ dạy nên đã có 2 giáo viên xin thôi việc, và chắc rằng số người nghỉ việc sẽ còn tăng nếu chủ đầu tư không có khả năng trả lương cho giáo viên, nhân viên. Bà Lê Thị Nguyệt, chủ đầu tư Hệ thống nhóm trẻ tư thục song ngữ thực hành Talent Kids cho hay: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ lương cho người lao động trong thời gian nghỉ học nhưng được thực hiện vào thời gian sau khi HS quay trở lại học, bởi khi đó mới có nguồn thu. Tuy nhiên, nếu thời gian HS nghỉ học vẫn tiếp tục kéo dài thì chúng tôi cũng không biết được điều gì sẽ xảy ra”.

Từ chỗ không có nguồn quỹ dự phòng, chưa bao giờ hoặc chưa từng nghĩ đến việc quản trị rủi ro trước thực trạng HS nghỉ học kéo dài cả tháng, rồi việc giáo viên xin nghỉ việc... khiến nhiều trường tư thục rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nam”. Thế nhưng, để có thể tiếp tục phát triển, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh, các trường, nhất là những trường có quy mô lớn vẫn đang cố gắng thực hiện các phương án, giải pháp để “vượt bão” COVID-19. Mặc dù không có nguồn thu do HS nghỉ học kéo dài, nhưng, Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa) vẫn bảo đảm trả lương và các khoản bảo hiểm cho hơn 100 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Bà Lê Thị Bích, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Đông Bắc Ga cho hay: Song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục là phải bảo đảm quyền lợi của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Chính vì thế, trong thời điểm khó khăn này nhà trường vẫn phải cố gắng để bảo đảm chi trả lương và các chế độ khác cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, với thực lực hiện nay, nhà trường chỉ cáng đáng việc trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động được đến hết tháng 4-2020. Nếu sang tháng 5, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi phải tính đến việc vay ngân hàng để bảo đảm lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mong muốn của nhà trường trong trường hợp này là ngân hàng sẽ hỗ trợ vay ưu đãi cho nhà trường để vượt qua khó khăn.

Tại Trường Mầm non Tân Phú Khang (TP Thanh Hóa), các chế độ như bảo hiểm xã hội, chi trả 60% mức lương cơ bản cũng được nhà đầu tư thực hiện đầy đủ cho 54 cán bộ, giáo viên, nhân viên từ khi HS nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19. Bà Phạm Thị Kim Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Phú Khang chia sẻ: “Mặc dù khó khăn về tài chính, nhưng nhà trường vẫn cố gắng huy động các nguồn lực để chi trả một phần lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, HS tiếp tục nghỉ học kéo dài thì việc chi trả lương cho cán bộ, giáo viên của nhà trường sẽ gặp khó khăn và khó thực hiện. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án vay ngân hàng để hỗ trợ lương cho giáo viên, song về lâu dài rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước để có thể duy trì hoạt động khi hết dịch”. Được biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự chỉ đạo của ngành chức năng, thời gian qua, Trường Mầm non Tân Phú Khang đã thực hiện nghiêm việc cho HS toàn trường nghỉ học và thực hiện tốt các khuyến cáo ngành chức năng, chính quyền địa phương về công tác vệ sinh, khử khuẩn nhóm lớp, tự trang bị các trang thiết bị, đồ dùng vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn trong môi trường giáo dục của nhà trường...

Trường tư “vượt bão” COVID-19

Trường Mầm non tư thục NoBel cơ sở tại huyện Yên Định.

Rõ ràng, trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, những nỗ lực của các cơ sở giáo dục tư thục là rất đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vẫn kéo dài chắc rằng các cơ sở giáo dục tư thục sẽ “kiệt sức”. Có lẽ vì thế, đại diện lãnh đạo các nhà đầu tư đều mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ từ ngành chức năng, chính quyền địa phương và xã hội để vượt qua giai đoạn khó khăn, khốc liệt này.

Được biết, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân. Chẳng hạn: Miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và quý II, năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập; xem xét miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và quý II, năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà...

Hy vọng, những kiến nghị này sẽ sớm được thực thi nhằm tháo gỡ khó khăn giúp các cơ sở giáo dục ngoài công lập “vượt bão” COVID-19, tiếp tục phát triển vững chắc và lâu dài, góp phần đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]