(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho người học, tạo môi trường thuận lợi cho người dạy phát huy hết trách nhiệm, năng lực của mình, cấp ủy, chính quyền từ TP Thanh Hóa đến phường, xã đã huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) ở các cấp học, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia

Với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho người học, tạo môi trường thuận lợi cho người dạy phát huy hết trách nhiệm, năng lực của mình, cấp ủy, chính quyền từ TP Thanh Hóa đến phường, xã đã huy động các nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) ở các cấp học, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia

Trường Tiểu học Quảng Tâm được xây dựng khang trang.

Năm 2012, Trường Tiểu học Quảng Tâm được công nhận trường CQG mức độ 2. Nhiều năm qua, để giữ vững danh hiệu trường chuẩn, Trường Tiểu học Quảng Tâm vẫn thường xuyên nâng cấp, cải tạo các hạng mục nên cơ sở vật chất nhà trường luôn khang trang. Nhà trường được xây dựng với diện tích trên 10.000m2, có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, các lớp học được trang trí đẹp mắt, hệ thống máy chiếu đa năng, máy tính đầy đủ; khuôn viên xanh, sạch, đẹp, an toàn, có tường rào bao quanh, nhà giữ xe, khu vệ sinh cho giáo viên và học sinh, khu bếp ăn, phòng ăn bảo đảm yêu cầu, phục vụ tốt học sinh ăn bán trú; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao. Để công tác xây dựng trường chuẩn đạt hiệu quả, ngoài sự đầu tư của chính quyền địa phương, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Quảng Tâm còn đẩy mạnh huy động xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia ủng hộ của con em địa phương thành đạt xa quê cũng như mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường. Việc nhà trường đã được công nhận trường đạt CQG đã tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên giảng dạy, học sinh học tập. Từ năm học 2012-2013 đến nay, Trường Tiểu học Quảng Tâm liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc.

Những năm gần đây, diện mạo của các trường học trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi thông qua phong trào xây dựng trường CQG. Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố cũng như lãnh đạo địa phương, tháng 4-2018, Trường Mầm non xã Quảng Cát được đầu tư xây dựng trên diện tích 1.700m2, tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Các hạng mục như khu hiệu bộ, phòng chức năng, phòng học, nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà để xe của cán bộ, giáo viên, tường rào, sân trường được xây dựng mới toàn bộ. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách, xã Quảng Cát đã đầu tư 300 triệu đồng mua sắm mới toàn bộ tủ đựng tài liệu, bàn ghế, loa đài cho khu hiệu bộ, 2 phòng học chức năng và khu vườn cổ tích của nhà trường. Tại các phòng học, toàn bộ ghế học sinh, ti vi, giá góc, tủ cá nhân của các cháu cũng được nhà trường mua sắm mới. Việc trang trí lớp học được các cô giáo tự tay thực hiện cho từng lớp, rất sinh động và đẹp mắt. Năm 2019 Trường Mầm non xã Quảng Cát được công nhận đạt CQG.

TP Thanh Hóa có 147 trường học (123 trường công lập và 24 trường ngoài công lập), trong đó bậc mầm non có 58 trường, tiểu học có 41 trường, THCS có 35 trường, trường liên cấp học có 5 trường, THPT có 8 trường. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học đạt CQG, ngành giáo dục thành phố đã lập kế hoạch chi tiết về lộ trình thực hiện, nắm bắt thực lực của các đơn vị trường tìm ra điểm mạnh, điểm yếu cần khắc phục trong quá trình xây dựng chuẩn. Cùng với đó, ngành giáo dục thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trường đạt CQG. Các phường, xã đưa nhiệm vụ xây dựng trường đạt CQG vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để huy động các nguồn lực thực hiện; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để tập trung thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch năm. Đối với mỗi trường xây dựng chuẩn, TP Thanh Hóa đều trích ngân sách hỗ trợ các trường thực hiện. Riêng năm học 2019-2020, từ nguồn ngân sách, thành phố đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, ưu tiên cho các địa phương còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc xây dựng trường đạt CQG cũng được ngành giáo dục thành phố gắn với chủ đề của từng năm học và các phong trào, cuộc vận động do ngành phát động như việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”...

Xây dựng trường đạt CQG được xác định là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn thành phố. Theo đó, ngành giáo dục đã gắn chặt nhiệm vụ này với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng như công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo. Kết thúc năm học 2019-2020, thành phố có 118/147 trường đạt CQG (đạt 81,9%). Trong đó, mầm non có 49/58 trường (đạt 84,5%); tiểu học có 38/41 trường (đạt 92,68%); THCS và trường liên cấp học có 29/40 trường (đạt 72,5%); THPT có 2/8 trường (đạt 25%). Riêng năm 2019, có 17 trường được công nhận đạt chuẩn lần đầu, 21 trường được công nhận lại và nâng mức độ đạt chuẩn từ mức độ 1 lên mức độ 2.

Năm 2020, TP Thanh Hóa dự kiến xây dựng chuẩn mới 14 trường, nâng số trường đạt chuẩn lên 132 trường (đạt tỷ lệ 90%) và dự kiến công nhận lại 35 trường. Để thực hiện mục tiêu này, TP Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các nhà trường xây dựng giải pháp cụ thể để duy trì, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận lại đối với những trường đã hết hạn công nhận; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận trường đạt CQG đối với những trường được công nhận lần đầu. Tăng cường đầu tư ngân sách cho phát triển giáo dục nói chung và xây dựng trường đạt chuẩn nói riêng; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập xây dựng chuẩn năm 2020, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và cha mẹ học sinh để đầu tư cho các nhà trường. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề; đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Bài và ảnh: Thu Vui


Bài Và Ảnh: Thu Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]