(Baothanhhoa.vn) - Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động - thương binh và xã hội, trong đó gắn kết GDNN với doanh nghiệp (DN), thị trường lao động được coi là giải pháp đột phá. Thời gian qua, nhiều cơ sở GDNN đã hợp tác tốt với DN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giúp học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.        

Liên kết giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp - hướng đi tất yếu

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành lao động - thương binh và xã hội, trong đó gắn kết GDNN với doanh nghiệp (DN), thị trường lao động được coi là giải pháp đột phá. Thời gian qua, nhiều cơ sở GDNN đã hợp tác tốt với DN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giúp học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Liên kết giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp - hướng đi tất yếuVới chủ trương coi doanh nghiệp là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và đánh giá chất lượng lao động, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để cùng phát triển.

Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn là một trong số ít cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công mối quan hệ mật thiết với các DN trong việc tạo điều kiện cho học sinh đi thực tế, thực tập. Qua các đợt thực tập, hầu hết học sinh của trường được các DN giữ lại làm công nhân chính thức với mức thu nhập cao, ổn định. Giai đoạn 2015-2020, nhà trường đã tuyển dụng và đào tạo cho trên 1.000 học sinh với các ngành nghề đào tạo, như: điện công nghiệp, hàn, may thời trang, kế toán DN, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, công nghệ ô tô, điện dân dụng, cốp pha - giàn giáo; đồng thời nhà trường thường xuyên liên kết với hàng chục DN trong và ngoài tỉnh để học sinh có môi trường thực tập tốt nhất. Sau khi hoàn thành khóa thực tập, các DN đều chủ động thông báo với nhà trường về kết quả rèn luyện của từng học sinh và kèm theo thông tin tuyển dụng để học sinh có cơ hội đăng ký vào làm việc. Nhiều DN gắn kết với nhà trường, như: Công ty AMICO Việt Nam, Tập đoàn thép Hàn - Việt, Công ty LILAMA 69, Công ty TNHH NEWWING Bắc Giang, CIENCO 1, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn Thanh Hóa, Công ty CP Cầu 18..., các DN nêu trên thường xuyên phối hợp với nhà trường trong việc tiếp nhận học sinh thực tập và tuyển dụng học sinh tốt nghiệp.

Với chủ trương coi DN là nơi sử dụng sản phẩm đào tạo và đánh giá chất lượng lao động, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa đã chủ động liên kết với DN để cùng phát triển. Tính đến nay, nhà trường đã ký hợp đồng liên kết với khoảng hơn 40 DN trong và ngoài tỉnh như: Công ty CP Thương mại Hồng Thắng, Công ty CP Kinh Bắc, Công ty CP Kỹ thuật Sigma... Trung bình mỗi năm, trường cung cấp khoảng 700 sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, như: cơ khí, ô tô, điện, điện tử, điện lạnh... Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp chặt chẽ với DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn đầu ra, kết hợp sử dụng cơ sở đào tạo của DN; đồng thời, sử dụng các chuyên gia của DN để cùng nhà trường tham gia vào công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Ngược lại, phía DN không chỉ tạo điều kiện cho nhà trường gửi sinh viên đến thực tập mà còn tiếp nhận những sinh viên đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ năng, kiến thức chuyên môn, cũng như ý thức tổ chức kỷ luật lao động... vào làm việc chính thức. Bên cạnh đó, hằng năm nhiều DN còn tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Nhà trường luôn chủ động và mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác DN có nhu cầu sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh về lĩnh vực liên kết đào tạo, đào tạo theo nhu cầu vì mục tiêu cùng phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, nhà trường đã cam kết với sinh viên về đầu ra, giúp các em yên tâm học tập và lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với ngành nghề đã theo học.

Theo thống kê của Phòng GDNN (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện toàn tỉnh có 88 cơ sở tham gia hoạt động GDNN, trong đó có 12 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp; 30 trung tâm GDNN... Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng và nhiều doanh nghiệp cũng tham gia dạy nghề. Giai đoạn 2016-2019, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề cho 392.988 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 10.458 người, trung cấp 32.672 người, sơ cấp 129.926 người, dưới 3 tháng 219.948 người (có trên 17.000 người được đào tạo ngành, nghề trọng điểm).

Được biết, thời gian qua, để đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của DN, một số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo, bằng cách tổ chức hội nghị mời các DN đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại DN; tìm hiểu yêu cầu của DN đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, về kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Đồng thời mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của DN tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Ngoài ra, một số DN cũng đã hỗ trợ cơ sở đào tạo về trang thiết bị đào tạo, cử cán bộ kỹ thuật, thợ lành nghề tham gia giảng dạy thực hành tại cơ sở đào tạo hoặc hợp đồng với cơ sở đào tạo đặt địa điểm tại DN, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của DN để đào tạo và cung ứng lao động sau đào tạo cho DN. Việc làm này đã giải quyết được vấn đề thiếu hụt trang thiết bị hiện đại của các trường; giúp người học tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến của DN, có thể đáp ứng được yêu cầu của DN ngay khi vào làm việc tại DN, giảm chi phí đào tạo lại của DN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế tìm hiểu cho thấy, đa số DN chưa thực hiện cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của DN theo ngành nghề (số lượng theo trình độ và kỹ năng) và nhu cầu tuyển lao động hàng năm theo quy định tại Khoản 1, Điều 52 của Luật GDNN; các DN chưa chủ động liên kết, phối hợp với các cơ sở GDNN trong việc xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo... cơ sở GDNN phải tự tìm kiếm đối tác và duy trì mối quan hệ; một số ngành nghề DN cần tuyển dụng nhưng cơ sở GDNN lại chưa đào tạo như lĩnh vực công nghệ, dầu khí và khai thác, lọc hóa dầu, xi măng...; hoặc có những DN có nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm là rất lớn nhưng chỉ là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, DN tự đào tạo, kèm cặp, truyền nghề một thời gian ngắn là có thể vào dây chuyền sản xuất như các DN FDI sản xuất giày, dệt may.

Để tăng cường sự liên kết giữa cơ sở GDNN và DN trong đào tạo nghề nhằm mang lại “lợi ích kép” cho cả hai bên, theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất với các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với DN, đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động tham gia đào tạo nhằm tăng cường các hoạt động hợp tác giữa cơ sở GDNN và DN trên cơ sở lợi ích và trách nhiệm xã hội của DN, đơn vị sử dụng lao động; tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở GDNN và các hội nghề nghiệp vào hoạt động dạy nghề; tham mưu với UBND tỉnh ban hành danh mục các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo. Việc này có lợi cho cả DN và người lao động vì người lao động sẽ có ý thức hơn trong việc nâng cao tay nghề, còn DN cũng có trách nhiệm hơn với người lao động.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]