(Baothanhhoa.vn) - Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong những năm gần đây việc tăng cường liên kết giữa các trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp ngày càng được chú  trọng.

Kết nối nhà trường và doanh nghiệp du lịch: Tạo sự nhất quán giữa đào tạo và thực tiễn

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trong những năm gần đây việc tăng cường liên kết giữa các trường đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh và doanh nghiệp ngày càng được chú trọng.

Kết nối nhà trường và doanh nghiệp du lịch: Tạo sự nhất quán giữa đào tạo và thực tiễnViệc gắn kết đào tạo giữa Trường Đại học VH,TT&DL với doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội thực hành tại môi trường thuận lợi.

Tạo sự nhất quán giữa đào tạo và thực tiễn

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), toàn tỉnh hiện có khoảng 40.600 lao động du lịch trực tiếp. Trong đó, số lao động đã qua đào tạo đạt gần 80% và 100% lao động tham gia kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch trọng điểm được bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến kinh doanh dịch vụ và văn hóa giao tiếp, ứng xử trong du lịch. Tuy nhiên, điều đáng nói là số lượng nhân lực chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được tập huấn nghiệp vụ, huấn luyện tại chỗ vẫn còn khá nhiều. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh như hiện nay, nhất là sự phát triển của phân khúc bất động sản du lịch cao cấp như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, đòi hỏi mỗi năm ngành du lịch phải có thêm hàng trăm lao động mới.

Theo bà Nguyễn Kim Khánh, chuyên gia đào tạo nguồn nhân lực, Giám đốc Khách sạn Sao Mai (TP Thanh Hóa) cho rằng, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch khá lớn, được tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng trong việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ này. Tuy nhiên, trên thực tế, trong khi doanh nghiệp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động thì nhiều sinh viên du lịch vẫn không tìm được việc làm. Một số khác, tuy được tuyển dụng nhưng không đáp ứng tốt công việc nên cần phải đào tạo lại. Như vậy, giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch vẫn có những khoảng cách. Do đó, việc gắn kết chặt chẽ giữa các trường đào tạo chuyên ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch là rất cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng như tạo sự thống nhất giữa đào tạo và thực tiễn.

Có thể nói, việc thiếu nhất quán giữa đầu vào và đầu ra, gây khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng. Nguyên nhân chính của thực trạng này chính là sự thiếu cân xứng giữa lý thuyết và thực hành trong chương trình đào tạo của nhà trường. Để giải quyết vấn đề này, việc đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những giải pháp cần thiết. Bởi, với sinh viên, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp họ có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, từ đó phát triển kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường thực tế, đồng thời có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Với nhà trường, việc hợp tác giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm đầu ra cho người học, qua đó tăng cường vị thế, uy tín của nhà trường. Về phía doanh nghiệp, đây là cơ hội để tuyển người lao động có năng lực phù hợp yêu cầu thực tế mà không tốn chi phí tuyển dụng và thời gian thử việc cũng như đào tạo lại nhân lực sau tốt nghiệp.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển du lịch, trong những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, chú trọng việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch.

Trường Đại học VH,TT&DL - một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch hàng đầu của tỉnh, trong những năm gần đây đã có những bước cải tiến, đột phá trong công tác giảng dạy và học tập. Sinh viên các khoa: du lịch, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được đào tạo theo hướng mở, chú trọng vấn đề thực hành, đặc biệt là thực hành tại các doanh nghiệp theo đúng chuyên ngành của mình, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu công việc.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc liên kết đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Đại học VH,TT&DL với doanh nghiệp du lịch đến nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, như: chưa có chính sách cụ thể, hiệu quả và bền vững để gắn kết đào tạo với cơ sở sử dụng nhân lực và những chính sách ưu tiên mạnh để khuyến khích doanh nghiệp du lịch tham gia đào tạo tại các cơ sở đào tạo; các thông tin về định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa thực sự được “chuyển giao” thông suốt giữa các bên liên quan, khiến cho nhu cầu đào tạo và nhu cầu lao động chưa được nhận biết một cách chính xác; nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hỗ trợ cho nhà trường trong tiếp nhận sinh viên thực tập cũng như sắp xếp công việc phù hợp ngành nghề đào tạo trong thời gian thực tập... ảnh hưởng nhiều đến nhận thức, thái độ nghề nghiệp của sinh viên.

TS. Vũ Văn Tuyến, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, cho biết: Việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch trong thời gian gần đây đã mở ra giải pháp cho công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch của nhà trường cũng như các cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước. Trong đó, yếu tố then chốt được cho là sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Theo đó, nhà trường đã ký kết xây dựng hệ thống doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, đảm bảo 100% sinh viên trong quá trình học tập tại nhà trường đều được tham gia thực hành tại các doanh nghiệp theo ngành học của mình. Từ năm 2018, sinh viên theo học ngành du lịch tại trường sẽ được tham gia học kỳ doanh nghiệp và được cấp chứng nhận. Có thể nói, đây là chương trình bổ ích và thú vị dành cho các bạn sinh viên đang theo học tại khoa.

Cũng theo ông Vũ Văn Tuyến, trong thời gian tới, giữa nhà trường và doanh nghiệp nên mở rộng nhiều hình thức hợp tác để tăng cường chất lượng đào tạo. Đối với doanh nghiệp, có thể cùng tham gia đào tạo bằng cách đánh giá, phản biện nội dung chương trình để nhà trường cải tiến, chỉnh sửa phù hợp thực tế; cử các cán bộ doanh nghiệp có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trong giờ học ngoại khóa tại nhà trường hoặc doanh nghiệp... Về phía nhà trường, sẽ chủ động cập nhật, đổi mới chương trình theo hướng linh hoạt trên cơ sở đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp yêu cầu doanh nghiệp; có kế hoạch cụ thể trong việc mời đại diện doanh nghiệp hợp tác trong đào tạo, trong đó phải thắt chặt mối quan hệ với các cựu sinh viên, bởi đây là kênh kết nối hữu hiệu giữa nhà trường và doanh nghiệp... Có như vậy, việc liên kết trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa nhà trường và doanh nghiệp mới có thể mang lại hiệu quả cao.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]