(Baothanhhoa.vn) - Cùng với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh lân cận, những năm qua, Trường Đại học Hồng Đức luôn chú trọng công tác đào tạo cho sinh viên Lào, góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu nhà trường.

Hiệu quả từ công tác đào tạo lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Hồng Đức

Cùng với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh lân cận, những năm qua, Trường Đại học Hồng Đức luôn chú trọng công tác đào tạo cho sinh viên Lào, góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu nhà trường.

Hiệu quả từ công tác đào tạo lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Hồng Đức

Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức tặng hoa chúc mừng lưu học sinh Lào nhân dịp Tết cổ truyền Bunpimay của nước CHDCND Lào.

Từ năm 2016 đến nay, Trường Đại học Hồng Đức luôn tích cực triển khai thực hiện tốt nội dung thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Hủa Phăn và một số tỉnh khác của nước CHDCND Lào, như các tỉnh Xiêng Khoảng, Bò Kẹo, Boli Khămxay, Luông Nậm Thà, Luông Pra Băng. Hàng năm, Trường Đại học Hồng Đức tiếp nhận từ 30 đến 35 lưu học sinh (LHS) và từ 90 đến 100 LHS diện tự túc kinh phí do các tỉnh của nước CHDCND Lào có hợp tác với nhà trường gửi đào tạo. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo 133 LHS, trong đó có 10 LHS đang học chương trình thạc sĩ, 20 LHS đang học chương trình liên thông, 103 LHS học chương trình đại học.

Công tác tiếp nhận, quản lý LHS luôn được nhà trường thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 30/2018/TT-BGDĐT ngày 24-12-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam. Trước mỗi kỳ tuyển sinh, nhà trường lập kế hoạch và gửi thông báo tuyển sinh kèm mẫu hồ sơ đến các đơn vị có hợp tác ở nước bạn Lào để phục vụ tuyên truyền tuyển sinh, hai bên luôn phối hợp chặt chẽ trong quá trình tuyển sinh, đảm bảo đúng quy định của hai nước.

Trở ngại lớn nhất đối với các LHS Lào khi sang Việt Nam học tập là bất đồng về ngôn ngữ, chưa quen với môi trường học tập, môi trường sống. Xác định rõ nhiệm vụ, lãnh đạo nhà trường, các giảng viên, cán bộ và sinh viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các LHS Lào học tập trong điều kiện tốt nhất. Các giảng viên trực tiếp giảng dạy luôn gần gũi với LHS để các em yên tâm học tập tiếng Việt, cũng như các môn chuyên ngành, giúp các em hòa nhập với các hoạt động của lớp và khoa. Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo tiếng Việt 1 năm với 990 tiết, những LHS đủ điều kiện tiếng Việt sẽ được xét tuyển vào chuyên ngành như đã đăng ký, LHS chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục học bổ sung tiếng Việt cho đến khi đủ điều kiện. Kết quả tiếng Việt của LHS đạt khá, giỏi thường từ 10 - 20%, đa số LHS đạt trình độ trung bình và trung bình khá. Em Sẻng-chăn In-tha-vông, LHS Lào tỉnh Hủa Phăn, chia sẻ: Trong những buổi đầu tiếp xúc với tiếng Việt, em thấy đây là môn học khó, nhưng với sự chỉ bảo của các thầy cô và sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn sinh viên tình nguyện Việt Nam, em đã rèn được kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tốt hơn và phấn đấu hoàn thành tốt khóa học để tiếp tục học đại học.

Năm học 2021-2022, nhà trường đào tạo 171 LHS, trong đó có 38 LHS học tiếng Việt và 133 LHS học chuyên ngành thuộc các lĩnh vực sư phạm, kinh tế - quản trị kinh doanh, luật, kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin, nông - lâm - ngư nghiệp ở hệ đại học và thạc sĩ. Trong quá trình đào tạo LHS, Trường Đại học Hồng Đức không ngừng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như: đổi mới phương pháp giảng dạy, bổ sung thêm một số chuyên đề bồi dưỡng để nâng cao trình độ tiếng Việt cho LHS. Năm 2018, nhà trường đã ban hành quy chế quản lý người nước ngoài học tập và làm việc tại trường. Chuyển thời lượng học phần ngoại ngữ trong chương trình đào tạo thành học phần tiếng Việt nâng cao. Thành lập các câu lạc bộ tiếng Việt - Lào, “Tình nguyện quốc tế Việt - Lào”. Các hoạt động này đã hỗ trợ các em trong học tập, nâng cao năng lực tiếng Việt và chuyên ngành, đồng thời giúp các em kịp thời giải quyết các vấn đề khó khăn trong học tập, sinh hoạt tại Việt Nam.

Trong thời gian học tập tại trường, LHS Lào luôn được lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm chỉ đạo sát sao. Tất cả LHS được bố trí ở miễn phí trong khu ký túc xá tốt nhất dành riêng cho LHS Lào, được sử dụng miễn phí internet và tài liệu học tập tại thư viện, được khám sức khỏe định kỳ và cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID -19 bùng phát ảnh hưởng đến học tập, sinh hoạt, nhà trường đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến, bố trí đường truyền internet...; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các em tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Vào những dịp lễ, tết của hai nước, ngoài việc tạo điều kiện để các em được về thăm gia đình, nhà trường còn tổ chức các hoạt động cho LHS vui xuân, đón tết cổ truyền của dân tộc tại trường.

PGS.TS Hoàng Thị Mai, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, cho biết: “LHS Lào học tập tại trường đều hoàn thành chương trình học đúng tiến độ, có một số bạn được tặng giấy khen trong học tập, nghiên cứu khoa học và trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Khi trở về nước, nhiều bạn giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, trường học. Để tiếp tục phát huy công tác đào tạo LHS Lào tại Trường Đại học Hồng Đức, trong thời gian tới nhà trường tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, quản lý LHS Lào giai đoạn 2022-2030; triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn Lào dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa - tỉnh Hủa Phăn và một số tỉnh khác; tham gia đào tạo LHS diện Hiệp định của Chính phủ hai nước. Đồng thời, tiếp tục hợp tác nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hủa Phăn và các địa phương khác của Lào. Hoàn thiện đề án “Bồi dưỡng, đánh giá năng lực và cấp chứng chỉ tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài tại Trường Đại học Hồng Đức”. Chủ động phối hợp với các đơn vị của hai nước đẩy mạnh công tác quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo LHS học tập tại nhà trường”.

Với những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hồng Đức đã giúp các LHS Lào yên tâm học tập, tiếp thu kiến thức để cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước Lào, góp phần tăng cường, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, thủy chung hai nước Việt Nam - Lào.

Bài và ảnh: Hoàng Lan


Bài và ảnh: Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]