(Baothanhhoa.vn) - Phát huy truyền thống hiếu học của người xứ Thanh, những năm qua, Trường THPT chuyên Lam Sơn đã có những đóng góp quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, là “địa chỉ đỏ” ươm mầm tài năng thế hệ trẻ của quê hương, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường THPT của tỉnh. Nhân dịp năm học mới 2022-2023, Báo Thanh Hóa hằng tháng có cuộc phỏng vấn thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng nhà trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ vững thương hiệu, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thanh Hóa

Phát huy truyền thống hiếu học của người xứ Thanh, những năm qua, Trường THPT chuyên Lam Sơn đã có những đóng góp quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, là “địa chỉ đỏ” ươm mầm tài năng thế hệ trẻ của quê hương, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong hệ thống các trường THPT của tỉnh. Nhân dịp năm học mới 2022-2023, Báo Thanh Hóa hằng tháng có cuộc phỏng vấn thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng nhà trường.

Giữ vững thương hiệu, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thanh Hóa

Các thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn vui mừng đón em Nguyễn Đại Dương đạt Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế năm 2022.

- Phóng viên (PV): Trường THPT chuyên Lam Sơn với bề dày lịch sử là ngôi trường đã ươm mầm, bồi dưỡng, tạo nên nhiều thế hệ cán bộ, trí thức, các nhà khoa học, doanh nhân thành đạt,... làm rạng danh truyền thống hiếu học và khoa bảng của quê hương Thanh Hóa anh hùng. Xin thầy có thể điểm qua một số những thành tích nổi bật của nhà trường?

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn: Được thành lập vào năm 1931, trải qua hơn 90 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống quý báu của các nhà trường tiền thân, Trường THPT chuyên Lam Sơn hôm nay đang tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương, đất nước. Lớp lớp thế hệ học sinh nhà trường đã trở thành cán bộ, trí thức, các nhà khoa học, doanh nhân thành đạt... làm rạng danh truyền thống hiếu học và khoa bảng của quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, những năm vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), thầy và trò Trường THPT chuyên Lam Sơn đã gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nhà trường. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường không ngừng được nâng lên và liên tiếp đạt được những con số rất ấn tượng. Từ năm học 1983-1984 đến nay, nhà trường đã có 53 học sinh dự thi quốc tế, đạt 47 giải trong đó có 43 huy chương, 4 giải khuyến khích; có 22 học sinh dự thi quốc tế khu vực, đạt 18 giải; 3 dự án dự thi khoa học - kỹ thuật quốc tế, 1 giải ba của Hiệp hội Tâm lý - Thần kinh Mỹ. Đồng thời, có 1.863 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 88 giải nhất. 15 năm gần đây, Lam Sơn là một trong số ít trường chuyên của cả nước thường xuyên dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải quốc gia, quốc tế hàng năm.

Những thành tựu nổi bật mà nhà trường đạt được là kết quả của sự đóng góp cộng lực từ nhiều nguồn sức mạnh khác nhau. Cùng với sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò nhà trường, còn có sự quan tâm chỉ đạo của ngành GD&ĐT và của tỉnh, nhất là trong việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh trường chuyên. Từ năm 2009, tỉnh đã có quyết nghị đầu tiên về cơ chế, chính sách đặc thù cho trường chuyên. Năm 2016, rà soát và sửa đổi lần 1 và năm 2021 rà soát và sửa đổi lần 2. Hiện nay, nhà trường đang thực hiện theo Nghị quyết 186/2021/NQ-HĐND, ngày 10-12-2021 về những chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

- PV: Để Trường THPT chuyên Lam Sơn phát triển toàn diện hơn nữa với sự kỳ vọng của học sinh, phụ huynh, toàn xã hội và để ngôi trường giữ vững thương hiệu, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thanh Hóa... ở thời điểm hiện tại, điều gì là khó khăn đối với nhà trường, thưa thầy?

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn: Đây là giai đoạn nhà trường có những khó khăn nhất định, đặc biệt là sự chuyển giao thế hệ giáo viên. Nhiều bộ môn, sau khi các thầy cô có nhiều thành tích, nhiều kinh nghiệm nghỉ chế độ đã kịp thời bồi dưỡng đội ngũ kế cận, nhưng cũng có một số bộ môn việc đào tạo bổ sung đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên dạy chuyên vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Ngoài ra, việc bố trí đội ngũ giáo viên cũng còn nhiều khó khăn. Từ 2012 đến 2020, nhà trường thường xuyên thiếu từ 4 - 10 giáo viên, việc tuyển dụng hàng năm chỉ đủ bù cho số giáo viên nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, theo quy định không được phép tuyển dư, phải chờ có người nghỉ thì mới tuyển giáo viên mới. Điều này cũng khiến việc bổ sung xây dựng đội ngũ ngày càng thêm khó khăn.

Giữ vững thương hiệu, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thanh Hóa

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Bên cạnh đó, tâm lý của khá nhiều phụ huynh còn ngại ngần khi cho con lên thành phố học. Dù Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có sự vi chỉnh trong công tác tuyển sinh, nhưng vẫn chưa tuyển chọn được nhiều nguồn lực học sinh giỏi từ các huyện. Nhìn lại kỳ thi vào lớp 10 năm 2022, năm đầu tiên thực hiện tách kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Lam Sơn ra khỏi kỳ thi vào lớp 10 THPT đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Đó là sự gia tăng về số học sinh đăng ký dự thi, trong đó có nhiều học sinh ở các huyện hơn so với những năm trước. Đặc biệt số học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh tham gia dự thi vào trường nhiều hơn. Hy vọng, trong những năm tiếp theo sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực trong chất lượng tuyển sinh của nhà trường. Để giữ vững được chất lượng giáo dục của nhà trường, chất lượng đội ngũ và chất lượng tuyển sinh chính là hai yếu tố quan trọng mang tính quyết định.

Nhận thấy được những bất cập khó khăn trên, hiện nay, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành GD&ĐT và ban giám hiệu nhà trường đang tích cực xây dựng và triển khai các đề án, triển khai nhiều giải pháp, nỗ lực thay đổi công tác tuyển sinh học sinh và tuyển dụng điều động, luân chuyển cán bộ, giáo viên nhà trường nhằm hướng tới mục tiêu giữ vững chất lượng mũi nhọn, nâng cao chất lượng dạy và học của Trường THPT chuyên Lam Sơn.

- PV: Để duy trì thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm 6 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; hằng năm có 75% trở lên tổng số học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải; có học sinh dự thi và đạt huy chương trong kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, mục tiêu trước mắt Trường THPT chuyên Lam Sơn đặt ra là gì, thưa thầy?

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn: Trước hết, nhà trường cố gắng giữ vững thành tích đã đạt được trong những năm vừa qua và xa hơn nữa từng bước có thể nâng cao bảng thành tích. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã đặt ra nhiều hướng thực hiện. Trong đó, nhìn vào thực tế hiện nay, quy mô nhà trường so với tiềm lực của học sinh trong tỉnh đang hẹp. Hẹp theo nghĩa mỗi năm nhà trường tuyển 11 lớp chuyên nhưng chỉ có cơ cấu 9 môn chuyên. So với nhiều trường chuyên ở các tỉnh, thường cơ cấu 12 - 13 môn. Việc cơ cấu môn chuyên ít kéo theo ít về số lượng đội tuyển, số học sinh trong các đội tuyển và số học sinh đoạt giải. Với xu thế phát triển của xã hội, với nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, chúng tôi đang nghiên cứu, tìm hiểu để kiến nghị, đề xuất với Sở GD&ĐT, UBND tỉnh xem xét mở thêm một số môn chuyên mới, vừa tăng số lượng đội tuyển của nhà trường, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho tỉnh trong tương lai. Thanh Hóa đang hợp tác chặt chẽ với một số nước, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Nhu cầu về nhân lực biết tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật... là một trong những đòi hỏi cụ thể của xã hội. Mở thêm những lớp chuyên này cũng là sự chuẩn bị sớm về mặt nhân lực. Tất nhiên, để thực hiện được, chắc chắn phải có sự phân tích thấu đáo, đánh giá nhiều mặt, bàn bạc, góp ý kiến của nhiều cấp, ngành.

- PV: Trước những luồng thông tin trái chiều về việc hạn chế sự phát triển toàn diện của học sinh ở các trường chuyên, trong khi trên thực tế, những năm gần đây, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn năng động hơn rất nhiều và các hoạt động giáo dục kỹ năng sống của nhà trường cũng đa dạng, thiết thực hơn. Suy nghĩ của thầy về vấn đề này như thế nào?

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn: Đúng vậy, thời gian vừa qua Trường THPT chuyên Lam Sơn đã rất quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện và có sự định hướng để các em ngoài năng lực học tập, có thể phát huy được hết các năng lực khác. Đến thời điểm này, nhà trường có 16 câu lạc bộ (CLB) như: CLB tranh biện Cam debate, CLB ảo thuật, CLB hội nghị mô phỏng liên hợp quốc dsmun, Lam Sơn Radio, Lam Sơn music club, Lam Sơn dace club, bóng đá, bóng rổ, Đường lên đỉnh Olympia... Đơn cử như CLB Đường lên đỉnh Olympia, dù mới thành lập nhưng hàng tháng các học sinh liên tục tổ chức các trận thi đấu với nhau, qua đó, học hỏi được về kỹ năng và kiến thức. Các CLB do chính học sinh, cựu học sinh Lam Sơn sáng lập, thầy cô cố vấn hoạt động sôi nổi hiệu quả. Ở đó các em được học, được chơi, được bộc lộ, khẳng định mình. Từ hoạt động CLB, các em tự tin tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, tự tin vươn xa tìm cho mình cánh cửa du học. Tỷ lệ học sinh chuyên Lam Sơn du học những năm gần đây tăng đáng kể. Từ hoạt động của CLB, từ những năng lực phẩm chất được bồi đắp trong các giờ học cùng thầy cô, học sinh Lam Sơn đã có nhiều cơ hội tìm học bổng du học, nhanh chóng hội nhập với bạn bè quốc tế và trở thành công dân toàn cầu.

Ngoài ra, đối với các hoạt động trải nghiệm khác, nhà trường cũng quan tâm và phối hợp với hội phụ huynh các lớp để định hướng những chương trình hoạt động có ý nghĩa mang tính giáo dục tư tưởng và kỹ năng. Chẳng hạn, xây dựng chương trình quyên góp từ thiện, huy động những nguồn xã hội hóa và đấu mối đến trao quà ở các trường THCS khó khăn. Quan điểm trường chuyên mọt sách có thể đúng với một vài cá nhân, hoặc thời điểm nào đó. Tuy nhiên, xét trên tổng thể toàn diện, có thể khẳng định, ở trường chuyên, các em không chỉ được phát huy tốt nhất năng lực môn chuyên mà còn được kích hoạt tối đa sở trường bản thân, cũng từ đó các em tự tin kết nối và có những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng bằng các hoạt động ý nghĩa, như: giờ trái đất, mùa hè xanh...

- PV: Năm học 2022-2023 là năm học đầu của một nhiệm kỳ mới với cương vị hiệu trưởng nhà trường, thầy có những dự định gì để Trường THPT chuyên Lam Sơn giữ vững thương hiệu, phát huy truyền thống, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thanh Hóa?

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn: Là học sinh chuyên Lam Sơn, sau khi tốt nghiệp đại học, may mắn được trở về công tác tại trường, cùng với đồng nghiệp, bản thân tôi cũng đã liên tục cố gắng không ngừng, nhiệt thành làm việc, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống nhà trường trong vai trò là giáo viên dạy chuyên, Bí thư Đoàn trường và Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy nhà trường. Tuy nhiên, ở cương vị mới, đối diện với những thử thách mới, tôi ý thức cần nỗ lực học hỏi, từng bước đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Để đạt được điều này, chắc chắn cần sự đồng lòng, chung tay vào cuộc của đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường, tập thể giáo viên, học sinh; sự ủng hộ của Sở GD&ĐT, của các ban, ngành trong tỉnh. Đặc biệt, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cấp THPT. Đối với các trường THPT khác đã khó khăn rồi, riêng với trường chuyên còn khó khăn hơn. Lý do là trường chuyên ngoài giáo dục theo chương trình phổ thông còn có phần của các chuyên đề môn chuyên. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành chương trình môn chuyên, trong khi chỉ còn 2 tuần nữa là vào năm học mới. Trong bối cảnh chung ấy, ban giám hiệu cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực đến tối đa, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để giữ vững thương hiệu Trường THPT chuyên Lam Sơn, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Thanh Hóa.

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã mở ra định hướng phát triển mới cho nhà trường. Trường THPT chuyên Lam Sơn sẽ phát huy sự nhiệt thành, quyết liệt, nhạy bén, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, giáo viên nhà trường; tạo dựng môi trường giáo dục thân thiện, nhân văn, sáng tạo; đổi mới trong công tác quản lý, tiếp tục áp dụng các phương thức dạy học tiên tiến để phát triển toàn diện, bắt kịp xu hướng giáo dục hiện đại, nhanh chóng hội nhập và phát triển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn thầy!

Kiều Huyền (thực hiện)


Kiều Huyền (thực hiện)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]