(Baothanhhoa.vn) - Không quản ngại khó khăn, bất kể là những ngày đông giá rét hay những ngày hè nóng nực, những bước chân nhiệt huyết của những con người trẻ tuổi vẫn rong ruổi trên những con đường gập ghềnh của các bản, làng vùng cao xứ Thanh, xây nên những phòng học mới, những ngôi trường mới cho các em học sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về những người xây trường cho học sinh vùng cao xứ Thanh

Không quản ngại khó khăn, bất kể là những ngày đông giá rét hay những ngày hè nóng nực, những bước chân nhiệt huyết của những con người trẻ tuổi vẫn rong ruổi trên những con đường gập ghềnh của các bản, làng vùng cao xứ Thanh, xây nên những phòng học mới, những ngôi trường mới cho các em học sinh.

Ban điều hành Dự án “Vì trẻ em vùng cao” khánh thành 6 phòng học mới tại điểm trường bản Cơn, xã Yên Thắng (Lang Chánh) tháng 1-2018.

Trong vài năm trở lại đây, khi nhắc đến Dự án “Vì trẻ em vùng cao” hầu như ai cũng biết đó là chương trình thiện nguyện xây dựng những phòng học mới, những ngôi trường mới, thay thế những trường học tranh tre tại những bản, làng của các huyện miền núi, vùng cao xứ Thanh. Từ những chuyến làm từ thiện, thiện nguyện thực tế tại các bản, làng vùng cao xứ Thanh, những con người trẻ tuổi đã tận mắt chứng kiến những khó khăn, gian khổ của các em học sinh vùng cao xứ Thanh. Trong hành trình đi tìm con chữ, các em học sinh không chỉ phải vượt qua những con đường gập ghềnh, nắng rát mùa nóng, lạnh buốt mùa đông, lầy lội mùa mưa, mà còn phải học tập trong những phòng học tranh tre, lớp ghép. Trước những khó khăn, vất vả của các em học sinh, những người trẻ tuổi làm công tác thiện nguyện đã trăn trở và “ngồi lại với nhau”, quyết tâm cho ra đời Dự án “Vì trẻ em vùng cao”. Dự án đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhóm tình nguyện với vai trò đầu tàu của các “thủ lĩnh”.

Khi được hỏi tại sao lại chọn đối tượng là học trò miền núi và xây trường là phương pháp thực hiện cho các dự án thiện nguyện, anh Lê Bá Mai, cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý – Sở Tư pháp Thanh Hóa, trưởng ban điều hành Dự án “Vì trẻ em vùng cao” chia sẻ: “Quyên góp những suất quà tặng, các em sử dụng chỉ trong một vài tuần một cách tức thời, không tạo nên tác động lớn đối với cuộc sống của các em. Nhưng nếu chúng tôi có thể xây dựng được một điểm trường cho hàng trăm học sinh học tập, thì sẽ tạo ra những thay đổi lớn cho một vùng đất và biết bao số phận trẻ em vùng cao”. Năm 2016, dự án bắt đầu triển khai với 3 phòng học mới được xây tại điểm trường bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Đường sá quá khó khăn, việc vận chuyển vật liệu xây dựng càng khó hơn. Nỗ lực từ đơn vị thi công, sự giúp sức từ người dân trong bản bằng những gùi gạch, đá trên lưng đã cho thấy sự đồng thuận, quyết tâm giúp sức để dự án thành công tốt đẹp, các em học sinh có phòng học mới. Dự án dù đã khởi công nhưng kinh phí chưa đủ, vì vậy các thành viên ban điều hành dự án, các tình nguyện viên vẫn phải nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cá nhân... Điều đáng mừng là những sự ủng hộ đã đến rất kịp thời để 3 phòng học đầu tiên của dự án thành công tốt đẹp. Các em học sinh ở điểm trường bản Ón, xã Tam Chung đã được học trong những phòng học mới khang trang, kiên cố. Không chỉ vậy, ban điều hành dự án còn kêu gọi nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ bàn ghế, quạt và thiết bị dạy học cho nhà trường.

Năm thứ 2 thực hiện dự án, điểm trường tại bản Cơn, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh là nơi được chọn. Đây là 1 trong số những điểm trường lẻ khó khăn nhất của huyện Lang Chánh. Học sinh các khối 1, 2 và 3 phải học ghép với trường mầm non trong những phòng học tạm bợ bằng phên gỗ, lợp tranh; học sinh khối 4 và 5 phải xuống điểm trường chính cách nhà 4 km để học tập, chủ yếu là đi bộ do đường giao thông khó khăn. Chỉ sau hơn 1 tháng, 6 phòng học mới đã được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1-2018 trong niềm vui và sự phấn khởi của bà con và các em học sinh nơi đây. Ông Lương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng nhấn mạnh: “Món quà mà Dự án “Vì trẻ em vùng cao” đã dành tặng cho địa phương thật đáng trân trọng, thể hiện tấm lòng hướng về vùng cao khó khăn, nơi còn nhiều địa bàn, nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ, sẻ chia. Đáng quý hơn là cách các bạn truyền cảm hứng đến bà con thôn bản. Từ chính quyền, đoàn thanh niên, người dân tại địa phương đều tình nguyện đóng góp một phần tâm sức, vật lực cho công trình”.

Với người dân và chính quyền địa phương là như vậy, còn đối với bản thân các tình nguyện viên tham gia dự án còn cảm thấy vui mừng, phấn khởi gấp bội. Anh Lê Như Anh, cán bộ Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn, thành viên ban điều hành dự án chia sẻ: Là một tình nguyện viên gắn bó với dự án từ những ngày đầu tiên, đến nay là năm thứ 3, mỗi công trình là một cảm xúc riêng; nhưng hơn hết là sự tự hào về những việc gì mà dự án đã làm được. Tham gia dự án, tôi được làm việc với những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, năng động và đầy trách nhiệm. Với mỗi dự án, mọi người trong nhóm đã phải nỗ lực rất nhiều, từ khảo sát, tiền trạm, lên kế hoạch, xin chủ trương và khó nhất là huy động nguồn kinh phí. Ai cũng sẵn sàng gõ cửa các nhà tài trợ, vận động người thân, tham gia các hoạt động gây quỹ như bán hàng, thu gom phế liệu, chụp ảnh dạo... Mỗi chuyến đi đến với vùng cao, chúng tôi thấy càng thương bà con, thương các em nhỏ phải sinh hoạt và học tập trong những điều kiện thiếu thốn, khó khăn. Các thầy, cô giáo vùng cao đã phải hy sinh thời gian bên gia đình để ngày ngày vượt núi, băng sông để mang con chữ đến với các em. Mỗi ngôi trường, mỗi phòng học được xây lên là món quà cho các thế hệ học sinh trên địa bàn, để các em có môi trường học tập tốt hơn”.

Mùa hè năm 2018 này, dự án lại đến với bản Vui, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa. Cũng chỉ với khoảng thời gian hơn 1 tháng, 2 phòng học mầm non sẽ được xây mới thay thế phòng học tranh tre, 3 phòng học tiểu học sẽ được sửa chữa hoàn tất vào cuối tháng 6. Mọi công việc từ thi công, công tác vận động ủng hộ tài chính cho công trình đang được đẩy nhanh. Các em học sinh bản Vui sẽ được học tập trong ngôi trường mới khang trang, để không còn những ngày đông giá rét, những ngày mưa dột vất vả, những ngày hè mát mẻ hơn. Và với những người tình nguyện xây trường vùng cao, những hình ảnh đó chính là niềm vui lớn lao, sự động viên, thôi thúc họ tiếp tục đến với những điểm trường khó khăn khác của vùng cao xứ Thanh. Cô Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Xuân (Quan Hóa), tâm tình: “Thật cảm phục những tấm lòng của những con người trẻ tuổi, những người sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân, bỏ công, bỏ sức xây nên những ước mơ cho các em học sinh vùng cao xứ Thanh”.


Bài và ảnh: Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]