(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua TP Sầm Sơn luôn tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đồng thời tập trung chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh (HS)... Do vậy, chất lượng giáo dục đại trà không ngừng được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều bứt phá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chất lượng giáo dục đại trà không ngừng nâng lên, chất lượng mũi nhọn có nhiều bứt phá

Những năm qua TP Sầm Sơn luôn tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đồng thời tập trung chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh (HS)... Do vậy, chất lượng giáo dục đại trà không ngừng được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều bứt phá.

Trường Tiểu học Quảng Thọ được chỉnh trang sạch đẹp, chuẩn bị khai giảng năm học mới 2018 - 2019.

Bình quân những năm gần đây, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 40%; năm học 2017-2018 xếp thứ 9 toàn tỉnh trong kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa lớp 9, với tổng số 49 giải (tăng 2 bậc so với năm học 2016-2017 và 9 bậc so với năm học 2014-2015). Tại kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh bậc THPT năm học 2017-2018, đạt 61 giải (trong đó có 2 giải nhất); Trường THPT Chu Văn An đạt 28 giải, xếp thứ 19/107 trường THPT trong toàn tỉnh.

Để đạt được những kết quả trên, một trong những giải pháp được thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện đó là cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, thành phố đã huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các phòng học, phòng chức năng đạt chuẩn cho các nhà trường, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của HS. Đặc biệt, HĐND thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2017-2020. Với việc thực hiện chính sách này, đến tháng 7-2018, ngân sách thành phố đã đầu tư gần 13,5 tỷ đồng xây dựng được một số trường học, nhà hiệu bộ, phòng giáo dục thể chất... Ngoài ra, để tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp GD&ĐT, thành phố đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Trên cơ sở thực tế của địa phương, các nhà trường đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sự tham gia của xã hội đối với sự nghiệp GD&ĐT và đã cải tạo, sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy học, xây mới được một số trường học... nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 26/42 trường, đạt tỷ lệ gần 62%.

Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, để nâng cao toàn diện chất lượng GD&ĐT, thành phố chỉ đạo Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó trên 88% giáo viên mầm non đạt trên chuẩn; gần 93% giáo viên tiểu học đạt trên chuẩn; gần 85% giáo viên THCS đạt trên chuẩn và trên 24% giáo viên THPT đạt trên chuẩn. Cùng với đó, các nhà trường còn tổ chức thực hiện nghiêm túc việc đánh giá xếp loại đội ngũ cán bộ quản lý trong từng năm gắn với chất lượng giáo dục của từng nhà trường và việc thực hiện quy chế chuyên môn, quy chế dân chủ, kỷ cương, nền nếp; tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy; không ngừng đổi mới sinh hoạt tổ, khối chuyên môn theo hướng thiết thực, hiệu quả; thường xuyên tổ chức hội thảo, hội thi, giao lưu đúc rút kinh nghiệm trong giảng dạy; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục tại các cơ sở giáo dục; duy trì việc phụ đạo cho HS có học lực yếu, kém... Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, các nhà trường đã tăng cường bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh, đến nay đã có 80% giáo viên đạt trình độ B2; 13 trường tiểu học, 12 trường THCS dạy và học tiếng Anh theo chương trình 7 năm và 10 năm.

Nhìn chung, với việc triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng dạy và học tại các nhà trường không ngừng được nâng lên. Theo cô giáo Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường thường xuyên phát động cán bộ, giáo viên hăng hái đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua, tích cực nghiên cứu, có sáng kiến kinh nghiệm để áp dụng vào quá trình giảng dạy, do vậy, chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng mũi nhọn được nâng lên. Kết quả thi HS giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh và thành phố liên tục có bước phát triển. Kết thúc năm học 2017-2018, 99,8% HS xếp loại học lực khá, giỏi, trong đó 81,6% là HS giỏi. Về việc bồi dưỡng HS giỏi, nhà trường luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng HS giỏi cấp tỉnh cho thành phố. Bình quân hàng năm số HS của nhà trường tham gia đội tuyển của thành phố dự thi HS giỏi cấp tỉnh luôn chiếm khoảng 95% trong tổng số HS và đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tích chung của thành phố. Trong đó, năm học 2017-2018 nhà trường đạt 360 giải các môn văn hóa cấp thành phố (tăng 59 giải so với năm học 2016-2017); 49 em đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, xếp thứ 9 toàn tỉnh (tăng 2 bậc so với năm học 2016-2017). Đặc biệt, năm nay nhà trường có 19 em thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lam Sơn, trong đó lớp chuyên Toán 7 em.

Trước yêu cầu đổi mới sự nghiệp GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, TP Sầm Sơn đã và đang tiếp tục chỉ đạo ngành GD&ĐT tập trung rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp phù hợp với yêu cầu thực tế; sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là về phương pháp giảng dạy, cách thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn và công tác đánh giá, xếp loại HS; chú trọng chất lượng dạy và học ngoại ngữ; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển GD&ĐT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 có 85% tổng số trường đạt chuẩn quốc gia.


Bài và ảnh: Duy Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]