(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 9 này, cùng các em học sinh hân hoan đến trường đón năm học mới, chúng ta không quên nhớ về di tích Bia Trường Thi (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa). Nơi đây mang đậm dấu ấn khuyến học, là một biểu tượng sáng ngời cho truyền thống hiếu học của người dân xứ Thanh.

Bia Trường Thi - dấu ấn khuyến học xứ Thanh

Những ngày đầu tháng 9 này, cùng các em học sinh hân hoan đến trường đón năm học mới, chúng ta không quên nhớ về di tích Bia Trường Thi (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa). Nơi đây mang đậm dấu ấn khuyến học, là một biểu tượng sáng ngời cho truyền thống hiếu học của người dân xứ Thanh.

Bia Trường Thi - dấu ấn khuyến học xứ ThanhBia Trường Thi còn lưu dấu khuyến học xứ Thanh.

Dưới bầu trời thu xanh ngát, Di tích Bia Trường Thi nằm yên bình trong khuôn viên cây cối mát rượi giữa khu vực ngã Ba Bia. Bia khuyến học (khuyến học bi) là tấm bia ghi lại bài biểu của Tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Thuật tâu lên triều đình Huế để cho sĩ tử Thanh Hóa được thi riêng ở trường thi Thanh Hóa. Lý do là, năm Mậu Tý (đời vua Đồng Khánh thứ 3 năm 1888), sĩ tử Thanh Hóa phải vào thi ở trường Nghệ An vừa vất vả, vừa tốn kém vì phải đi bộ đường xa, bị ốm đau nên các sĩ tử phải bỏ thi nhiều. Lời biểu của Tổng đốc Thanh Hóa đã được triều đình nhà Nguyễn ban chiếu chỉ. Nội dung bia còn ca ngợi công ơn của Tổng đốc và các quan triều đình đã quan tâm đến việc học và việc thi, ca ngợi ơn ban ra của triều đình nhà Nguyễn làm nức lòng sĩ tử và phát triển việc học của tỉnh nhà. Vì thế, Bia khuyến học còn được gọi với cái tên Bia Trường Thi là có ý nghĩa như vậy. Từ nguồn gốc sâu sắc của tấm bia, sau này thị xã Thanh Hóa mới đặt tên phố xá ở nơi dựng bia khuyến học là phố Trường Thi, đường Trường Thi và sau này là phường Trường Thi, TP Thanh Hóa.

Bia dựng năm 1891, gồm bia đá và nhà bia. Toàn bộ tấm bia đá được làm bằng một khối đá liền, bố cục tấm bia gồm: Phần đỉnh bia; phần trán bia; phần thân bia hình chữ nhật; phần đế bia là một khối đá hình chữ nhật. Riêng phần trán bia như hình cánh cung, chạm khắc vân mây. Diềm bia trang trí hoa lá, bia khắc chữ cả hai mặt.

Mặt trước (theo hướng Đông Nam) có nội dung bài biểu của Tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Thuật tấu lên triều đình nhà Nguyễn (ở Huế) để cho sĩ tử Thanh Hóa được thi riêng ở trường thi Thanh Hóa. Cuối bài biểu là tóm tắt chiếu chỉ của triều đình cho phép như lời của Tổng đốc Thanh Hóa do 3 quan ở triều đình ký. Mặt sau (theo hướng Tây Bắc) là lời tụng của các sĩ phu Thanh Hóa ca ngợi công ơn của Tổng đốc và các quan triều đình đã quan tâm đến việc học và thi, làm nức lòng sĩ tử và phát triển việc học của tỉnh Thanh.

Về nhà bia, được xây dựng cùng thời với việc tạo lập bia. Đây là thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức. Chức năng của nó không chỉ che mưa, che nắng, tránh sự hủy hoại của thời tiết, thời gian mà hơn cả đó còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện tài năng, sáng tạo của người dân xứ Thanh. Chính nó đã tăng thêm sự bề thế, trang trọng của tấm bia, là dấu ấn nghệ thuật của một thời kỳ lịch sử rất đáng tự hào.

Về nghệ thuật kiến trúc, nhà bia được xây dựng theo kiểu hai tầng, tám mái. Bốn cạnh bằng nhau, mỗi cạnh đều có 3 bậc tam cấp. Kiến trúc gồm 8 cột vuông xây bằng gạch (4 cột ngoài và 4 cột trong). Giữa 4 cột trong là đế bia và bia. Nhìn tổng thể, nhà bia được xây dựng hoàn toàn bằng gạch và vữa kết dính, không có thành phần kiến trúc nào bằng gỗ, kể cả ngói lợp mái cũng được tạo bởi vữa kết dính theo kiểu ngói ống. Tầng mái thứ nhất, bốn đầu đao đều được uốn cong, bốn bờ rải đều trang trí rồng uốn lượn, đầu rồng nhô cao và vươn ra ngoài. Tầng mái thứ hai, các đầu đao cũng được uốn cong và trang trí đuôi rồng cách điệu. Nóc nhà bia trang trí hai đầu rồng cách điệu, ở giữa là mặt trời.

Nhìn tổng thể, bia và nhà bia khuyến học là một công trình kiến trúc nghệ thuật, chứa đựng nội dung lịch sử, có ý nghĩa giáo dục cực kỳ sâu sắc trong việc kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học cũng như sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước. Xuất phát từ nội dung văn bia và nghệ thuật kiến trúc như vậy, Bia Trường Thi có giá trị nghiên cứu về nhiều phương diện, đặc biệt trong lĩnh vực khuyến học, đào tạo nhân tài ở Thanh Hóa cuối thế kỷ XIX. Chính bởi vậy, Bia Trường Thi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1998. Điều này càng khẳng định, sự ra đời của Bia Trường Thi là một mốc son lịch sử, góp phần thúc đẩy sự phát triển không ngừng của TP Thanh Hóa - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả tỉnh thời bấy giờ. Đặc biệt, trong đó có sự phát triển hưng thịnh của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, quan tâm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Bài và ảnh: Ngọc Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]