(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh (HS) trung học trên địa bàn tỉnh được quan tâm nhằm giúp học sinh lựa chọn nghề phù hợp, đồng thời, giúp phân luồng HS sau THCS, THPT. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này vẫn chưa được chú trọng; quan niệm của HS tham gia học nghề còn lệch lạc, phần lớn là nhằm để được cộng điểm ưu tiên khi xét vào THPT và tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức kỳ thi nghề để cấp chứng chỉ dạy nghề còn mang tính hình thức, hiệu quả không cao nên ngành ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Đề nghị dừng kỳ thi cấp chứng chỉ nghề

Những năm gần đây, công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh (HS) trung học trên địa bàn tỉnh được quan tâm nhằm giúp học sinh lựa chọn nghề phù hợp, đồng thời, giúp phân luồng HS sau THCS, THPT. Tuy nhiên, thực tế hoạt động này vẫn chưa được chú trọng; quan niệm của HS tham gia học nghề còn lệch lạc, phần lớn là nhằm để được cộng điểm ưu tiên khi xét vào THPT và tốt nghiệp THPT. Việc tổ chức kỳ thi nghề để cấp chứng chỉ dạy nghề còn mang tính hình thức, hiệu quả không cao nên ngành chức năng đang đề nghị dừng kỳ thi cấp chứng chỉ nghề.

Do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị nên học sinh chủ yếu học lý thuyết, hiệu quả học nghề chưa cao. Ảnh: Hoàng Giang

Thiếu giáo viên dạy nghề chuyên biệt

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 45.197/45.589 HS THCS đăng ký học nghề; 31.490/33.291 HS THPT đăng ký học nghề. Việc học nghề trong các trường trung học hướng tới mục đích chung là hình thành hứng thú, khuynh hướng và năng lực nghề nghiệp cho HS. Tuy nhiên, tại các trường THCS và THPT, công tác dạy nghề còn nhiều hạn chế do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, tài liệu, giáo viên (GV)... còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học nghề cho HS. Đặc biệt, GV dạy nghề chủ yếu là GV các bộ môn khác kiêm nhiệm, không có GV chuyên biệt dạy nghề. Từ những nguyên nhân trên, dẫn đến tình trạng chung là hầu hết các trường đều hướng cho HS học những nghề đơn giản mà điều kiện cơ sở vật chất, GV nhà trường đáp ứng được như: Tin học, điện dân dụng, làm vườn... Các nghề khác như: Chụp ảnh, quay camera, điện lạnh... nếu HS có nhu cầu học thì các trường cũng không tổ chức dạy được do không có trang thiết bị, GV để dạy học. Điều này khiến hiệu quả dạy nghề chưa cao, việc học nghề mất đi mục đích là để hướng nghiệp, phân luồng HS.

Thầy giáo Trần Hiếu Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Lợi (TP Sầm Sơn), cho biết: Năm học này nhà trường có 224 HS lớp 12. Số HS này đã đăng ký học nghề điện dân dụng từ năm lớp 11 và hiện đã hoàn thành kỳ thi nghề. Công tác dạy nghề trong các trường trung học có vai trò quan trọng giúp các em định hướng sở thích nghề nghiệp trong tương lai, bên cạnh đó còn giúp trang bị kỹ năng cần thiết cho các em trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả dạy nghề vẫn chưa cao do trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề còn khiêm tốn. Hàng năm để phục vụ cho dạy nghề, nhà trường thường mua các thiết bị cơ bản nhất như: Ổ điện, kìm, dây điện, ốc vít... để HS thực hành, chứ không có phòng thực hành điện riêng. Mặt khác, GV dạy nghề của nhà trường chủ yếu là GV dạy các bộ môn Vật lý, Công nghệ kiêm nhiệm dạy môn điện dân dụng.

Cùng chung tình trạng trên, thầy giáo Trần Hữu Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lai (huyện Ngọc Lặc), cho biết: Năm học này, nhà trường có 305 HS lớp 12 đã hoàn thành kỳ thi nghề. Do đặc trưng của HS ở miền núi, gắn với nghề trồng rừng, nên nhà trường đã lựa chọn môn trồng rừng để dạy cho HS nhằm giúp các em có thể áp dụng những kiến thức được học vào lao động thực tiễn. Tuy vậy, công tác dạy nghề cũng gặp không ít khó khăn khi GV dạy nghề trồng rừng do GV sinh học kiêm nhiệm; nhà trường không có trang thiết bị, không có vườn ươm để HS thực hành; tài liệu dạy nghề lại không còn phù hợp với điều kiện phát triển công nghệ hiện nay, như chưa cập nhật các giống cây mới, các loại máy móc hiện đại (máy gieo hạt, máy trộn đất...). Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin mới, công nghệ mới phục vụ cho chương trình dạy nghề của GV còn chậm. Cũng từ những nguyên nhân trên khiến HS chưa thực sự hứng thú với học nghề. Các em tham gia học nghề chủ yếu là với tâm lý được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT.

Học nghề để cộng điểm ưu tiên?

Theo quy định, việc học nghề và thi nghề ở bậc THCS là không bắt buộc. Các HS THCS có chứng chỉ nghề được cộng từ 0,5 điểm - 1,5 điểm ưu tiên khi xét tuyển vào THPT. Còn đối với HS THPT, việc học nghề là bắt buộc, còn thi nghề là tự nguyện của HS. Tuy nhiên, khi xét tốt nghiệp THPT, HS có chứng chỉ nghề cũng được cộng điểm ưu tiên từ 1 điểm đến 2 điểm. Điều này để khuyến khích HS đăng ký học nghề. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề dẫn đến thực trạng nhiều HS tham gia học nghề chỉ mang tính hình thức với mục đích là để được cộng điểm ưu tiên. Cũng từ thực tế tại một số trường thuộc khu vực miền xuôi, thị xã, thành phố, có sức cạnh tranh khốc liệt để vào các trường THPT công lập thì việc được cộng 0,5 điểm -1,5 điểm ưu tiên cũng là “cứu cánh” cho nhiều HS. Còn đối với những HS có điểm thi THPT quốc gia chưa tốt thì điểm nghề cũng được xem là “phao cứu sinh” khi xét tốt nghiệp THPT.

Thầy giáo Chu Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Thái (huyện Quảng Xương), cho biết: Năm học này, nhà trường có hơn 130 HS lớp 9. Theo đăng ký của HS, nhà trường đã tổ chức dạy môn Tin học ứng dụng với 70 tiết học. Hiện nay, HS khối lớp 9 của nhà trường đã hoàn thành xong kỳ thi nghề. Cũng theo thầy Hùng, việc học nghề ở bậc THCS là rất cần thiết, nhằm giúp cho các em định hướng nghề nghiệp, nắm được những kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp mà mình yêu thích. Việc cộng điểm ưu tiên cho HS được cấp chứng chỉ nghề khi thi vào lớp 10 THPT đã phần nào khuyến khích HS đăng ký học nghề. Tuy nhiên, cũng xảy ra thực trạng là HS học nghề chỉ với mục đích là được cộng điểm ưu tiên. Vì vậy, nếu năm học tới, Bộ GD&ĐT có chủ trương bỏ cộng điểm ưu tiên học nghề thì cần có chế tài khác phù hợp để việc học nghề của HS thực sự hiệu quả.

Cũng cho rằng việc học nghề và thi nghề để cấp chứng chỉ nghề cho HS là chưa thực sự hiệu quả, một cô giáo dạy THCS trên địa bàn huyện Như Xuân cũng thẳng thắn chia sẻ: Hiện nay, việc đăng ký học nghề của HS THCS còn mang tính hình thức, không thực chất. Nhiều HS không nghiêm túc trong quá trình học, đến khi đi thi lại nhờ các bạn làm hộ. HS đăng ký học nghề chỉ với mục tiêu là để được cộng điểm khi thi vào lớp 10, không phải là do nhu cầu muốn hiểu biết về nghề mà các em yêu thích. Trong khi đó, ý nghĩa của việc học nghề là giúp cho công tác hướng nghiệp HS tốt hơn. Việc học nghề, định hướng nghề nghiệp là chính đáng nhưng nên thay bằng hình thức và nội dung khác thì sẽ có hiệu quả hơn.

Ông Hoàng Văn Giao, Phó trưởng Phòng Trung học, Sở GD&ĐT cho biết thêm: Việc tổ chức kỳ thi nghề để cấp chứng chỉ nghề không đạt hiệu quả cao, do HS học nghề trong các trường trung học chỉ là để định hướng nghề nghiệp, không thể hành nghề được. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nên bỏ kỳ thi nghề để cấp chứng chỉ nghề. Việc học nghề của HS là cần thiết, nhưng nên thực hiện chương trình học nghề như các môn học khác trong chương trình (có kiểm tra, đánh giá và tổng kết điểm trung bình môn). Cũng theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, năm học tới có thể sẽ bỏ cộng điểm ưu tiên học nghề để đưa học nghề về đúng mục đích, ý nghĩa. Hiện nay, việc học nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trường có sức ép thi cử các môn văn hóa nên chưa chú trọng đến công tác dạy nghề phổ thông. Nhiều nơi do không có sức ép thi vào THPT, trong khi đó HS THCS không bắt buộc học nghề nên HS cũng không đăng ký học nghề như: Huyện Bá Thước, Quan Sơn. Từ việc chưa được quan tâm đúng mức đến công tác dạy nghề khiến giáo dục hướng nghiệp, phân luồng HS sau THCS, THPT chưa đạt hiệu quả cao.

Bài 2: Thiếu chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp.


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]