Đầu năm 2024, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã công bố dự báo xu thế báo chí, truyền thông và công nghệ thường niên. Sức mạnh đột phá và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo lên báo chí sẽ là điểm đáng lưu ý nhất trong báo cáo năm nay. Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều thiết bị điện tử mới sẽ là đòn bẩy cho những định dạng mới của báo chí, đặc biệt là video, audio và thực tế ảo tăng cường.

Một số thuật ngữ được sử dụng trong bài viết:

- Newsletter: Là bản tin email được gửi định kỳ bởi cá nhân hoặc doanh nghiệp sản xuất tin tức. Nội dung của newsletter sẽ cập nhật về một chủ đề nhất định mà người dùng đã đăng ký từ trước.

- Podcast: Là một danh từ chỉ các tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên Internet. Người dùng có thể tải các tệp này để nghe trên các thiết bị như máy tính, điện thoại, máy tính bảng,...

- App: Viết tắt của application, là ứng dụng hoặc phần mềm ứng dụng được thiết kế để chạy trên điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác.

- Đăng ký thuê bao/đăng ký gói (subscription): Là một mô hình kinh doanh theo dạng thuê bao. Trong đó, khách hàng phải trả một khoản phí định kỳ để sử dụng một sản phẩm, chức năng hoặc dịch vụ.

- Gói đăng ký (bundle): Là một mô hình kinh doanh theo dạng thuê bao. Trong đó, khách hàng phải trả một khoản phí định kỳ để sử dụng nhiều sản phẩm, chức năng hoặc dịch vụ.

- Điện toán không gian (spatial computing): Là quá trình sử dụng công nghệ kỹ thuật số để máy tính tương tác liền mạch trong thế giới ba chiều.

- Điện toán ở mọi nơi (ambient computing): Là quá trình tích hợp các công nghệ điện toán vào môi trường hàng ngày, cho phép tương tác liền mạch và trực quan giữa con người và máy móc.

- Thực tế ảo (virtual reality, viết tắt là VR): Là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập (ảo hóa) bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh.

- Thực tế ảo tăng cường (augmented reality, viết tắt là AR): Là công nghệ tích hợp các thông tin kỹ thuật số với môi trường vật lý. AR tăng thêm trải nghiệm cho người dùng bằng cách cho phép người dùng nhìn thấy những vật thể thực nhìn kết hợp với môt trường ảo.

Sức mạnh đột phá của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ lên các nguồn thông tin trong năm nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động chính trị (với hơn 40 cuộc bầu cử) và kinh tế căng thẳng các phương tiện truyền thông chính thống có thể sẽ giành được lợi thế về độ tin cậy và tính bền vững.

Hệ thống phân phối của các nhà đài cũng sẽ có một bước chuyển biến lớn. Trong năm 2024, trải nghiệm tìm kiếm với AI (SGE – Search Generative Experiences) sẽ bắt đầu được triển khai trên Internet. Một loạt các chatbot do AI điều khiển sẽ cung cấp cách truy cập thông tin nhanh và trực quan hơn cho người dùng. Tuy nhiên, những thay đổi này sẽ làm giảm lượng độc giả và gia tăng áp lực lên lợi nhuận lên các cơ quan báo chí.

Ở góc độ lạc quan, các tổ chức tin tức và truyền thông trên khắp thế giới có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào những nền tảng công nghệ khổng lồ trong năm nay. Họ sẽ trực tiếp xây dựng quan hệ với độc giả của mình mà không cần đến một bên thứ 3.

Để đạt được mục tiêu đó, những người đứng đầu các tổ chức tin tức và truyền thông cần đặt các hàng rào bảo vệ nội dung. Đồng thời, họ cũng nên tính toán tới chuyện bỏ một khoản tiền không nhỏ để thuê các luật sư bảo vệ cùng vào cuộc bởi nội dung chính là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, chiến lược này có thể gây khó khăn cho việc tiếp cận độc giả trẻ và độc giả có trình độ trung bình.

Nhưng thay đổi luôn đi kèm với cơ hội: Tận dụng thế mạnh, quản lý rủi ro của AI sẽ là câu chuyện cốt lõi cho các cơ quan báo chí trong năm tới.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA TRONG NĂM 2024?

Trong năm 2023, nhiều tờ báo in đã ngừng xuất bản hàng ngày do chi phí in ấn tăng mạnh trong khi khả năng phân phối đã đạt đến độ bão hòa.

Viện Nghiên cứu báo chí Reuters kỳ vọng rằng, các tổ chức tin tức và truyền thông sẽ phát triển nhiều gói đăng ký hỗn hợp giữa nội dung tin tức và phi tin tức. Cụ thể, gói đăng ký này sẽ cung cấp cho người đọc quyền truy cập hầu hết các sản phẩm của đơn vị phát thành: Trò chơi điện tử, podcast, tạp chí, sách và thậm chí là nội dung từ các cơ quan báo chí khác.

Mặt khác, các nền tảng công nghệ lớn sẽ tập trung vào mô hình trả phí nhiều hơn. X, Meta và TikTok đã lên kế hoạch cung cấp nhiều dịch vụ cao cấp hơn trong năm 2024, bao gồm các tùy chọn không quảng cáo và thân thiện với quyền riêng tư của người dùng.

Cuối cùng, Bot AI và trợ lý cá nhân ảo sẽ tiếp tục thu hút nhiều sự chú ý hơn của người dùng khi cung cấp khả năng cập nhật thông tin thời sự. Tuy nhiên, chính khả năng này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về pháp lý và đạo đức về quyền sở hữu trí tuệ.

Chiến tranh, biến đổi khí hậu, hậu quả sau đại dịch và suy thoái kinh tế đã tạo ra sự căng thẳng chưa từng có lên các tòa soạn trong năm 2023. Trong năm 2024, những áp lực này sẽ không có dấu hiệu thuyên giảm.

Nhiều cơ quan báo chí phải cắt giảm việc làm trên diện rộng do thị trường quảng cáo chậm phát triển, cookie của bên thứ ba sắp bị loại bỏ, lưu lượng truy cập từ các nền tảng công nghệ lớn giảm mạnh,…

Báo chí Nam Phi vẫn ở trong tình trạng khủng hoảng. Chũng tôi phải cắt giảm nhân sự còn thị trường thì thu hẹp. So với 10 năm trước đây, thị trường hiện tại chỉ còn 2/3.

Styli Charalambous, Giám đốc điều hành, The Daily Maverick, Nam Phi

Theo khảo sát của Viện Báo chí Reuters, chưa tới quá bán (47%) biên tập viên, người quản lý, nhà sáng lập tự tin về triển vọng của ngành báo chí trong năm tới.

Nhìn từ góc độ tích cực, những tổ chức tin tức và truyền thông chất lượng vẫn có thể tăng trưởng bền vững vào năm 2024. Phát triển các gói đăng ký và kết hợp nhiều nguồn doanh thu chính là cách hiệu quả nhất. Mặt khác, thế giới sẽ chứng kiến nhiều sự kiện chính trị (hơn 40 cuộc bầu cử) và thể thao (thế vận hội Olympic) trong năm 2024. Đây là đòn bẩy để các tòa soạn tăng số lượng độc giả.

Bầu cử thường là đề tài giúp tòa soạn đặt sự gia tăng tạm thời về lưu lượng truy cập nhưng đây cũng là nguy cơ gây chia rẽ và phân cực. Chính điều này sẽ làm niềm tin của độc giả vào các phương tiện truyền thông thêm suy yếu.

Một thế hệ đang hoài nghi về các phương tiện truyền thông truyền thống

Francisco Balsemão, Giám đốc điều hành của tập đoàn Impresa ở Bồ Đào Nha

Giám đốc điều hành của tập đoàn Impresa nói thêm: “Tôi cảm thấy, mặc dù những tác phẩm xuất sắc của báo chí vẫn được ghi nhận, nhưng sự phân cực và thiếu hiểu biết về truyền thông có thể cản trở hoạt động báo chí trong trung hạn”.

Rennie Rijpma, Tổng biên tập tờ Algemeen (Hà Lan) lại có một quan điểm lạc quan hơn: “Khi xã hội bị chia rẽ thì vai trò của báo chí trong việc cung cấp thông tin giải thích càng lớn”

Từ góc độ kinh doanh, sự biến động liên tục trong thị trường quảng cáo đi kèm với sự chuyển dịch của khán giả sang các nền tảng số sẽ tiếp tục gây khó khăn cho báo chí. Tại Hoa Kỳ, khoảng 20.000 việc làm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí đã bị mất vào năm 2023 - gấp khoảng sáu lần so với năm trước. Mỗi tuần, quốc giá này lại đóng cửa hai đến ba tờ báo địa phương. Nhiều tòa soạn khác tồn tại dưới dạng "phòng tin ma", nghĩa là, tòa soạn sẽ chỉ dựa vào những nội dung được chia sẻ hoặc tổng hợp chứ không tự sản xuất.

Các kênh truyền hình không đầu tư vào nền tảng số đang chịu áp lực lớn khi khán giả chuyển sang các kênh phát trực tiếp. Một số thương hiệu sinh ra từ nền tảng số như Vox và Vice cũng không khá hơn là mấy khi phải thu hẹp hoạt động.

Trong khi đó, các cơ quan báo chí đã chuyển sang mô hình trả phí (bao gồm các cơ quan báo chí nhà nước và các thương hiệu có cá tính) vẫn nhìn thấy những triển vọng mới. Trong năm 2023, lượng độc giả đăng ký của các cơ quan này tiếp tục tăng bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, doanh thu từ nền tảng số vẫn không bù đắp đủ cho sự sụt giảm doanh thu từ báo in và quảng cáo.

Nguồn doanh thu quan trọng nhất trong tương lai của các tòa soạn là phí đăng ký và phí thành viên (80%), tiếp đó là quảng cáo hiện thị hình ảnh (72%). Ngoài ra, hầu hết các đơn vị báo chí đang tìm cách kết hợp nhiều dòng thu nhập khác nhau. Nguồn thu từ tổ chức sự kiện và các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử đều tăng nhưng thu nhập từ các công ty công nghệ lại giảm xuống (20%). Cụ thể, Facebook sẽ cắt giảm nhiều khoản thanh toán cho báo chí, trong khi các khoản thu tiền bản quyền nội dung từ nền tảng AI vẫn chưa chắc chắn.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA?

Số người đăng ký mới đang chững lại bởi hầu hết độc giả có khả năng thanh toán đã đăng ký ít nhất 1 gói dịch vụ. Việc rời bỏ, thay đổi thói quen này là rất khó. Do đó, các cơ quan báo chí buộc phải đưa ra những sáng kiến mới về sản phẩm và giá cả trong năm nay.

- Đăng ký trọn gói

Trong năm qua, New York Times đã nỗ lực nâng cấp dịch vụ đọc tin tức thông thường sang gói “toàn quyền truy cập”. Gói này sẽ bao gồm NYT Audio, The Athletic (Sport), Wirecutter (đánh giá), Nấu ăn và Trò chơi.

So với việc đăng ký chỉ để xem tin tức thông thường, các gói giúp tòa soạn giữ chân người dùng và thu được lợi nhuận tốt hơn

Will Bardeen, Giám đốc tài chính của New York Times.

Các tổ chức tin tức và truyền thông ở Bắc Âu như Schibsted, Amedia, Bonnier và DPG Media cũng đang áp dụng hình thức đăng ký theo gói. Tận dụng lợi thế về thị phần, các đơn vị này thường kết hợp các ấn phẩm địa phương, trung ương, tạp chí và podcast thành dịch vụ “mua một lần”.

Cho đến nay, hầu hết các gói đăng ký đều xuất phát từ hợp tác nội bộ trong một đơn vị báo chí. Để tăng thêm giá trị cho gói, các cơ quan khác nhau có thể tính tới chuyện cùng hợp tác trong năm tới.

- Những phiên bản rẻ hơn

Trong năm 2024, một số hãng tin có tiếng sẽ tung ra thị trường các phiên bản đăng ký rẻ hơn (lite) để thu hút công chúng. Họ thường là những người trẻ, quan tâm đến tin tức nhưng không sẵn lòng hoặc không thể chi trả toàn bộ phí đăng ký.

Trong đó, các cơ quan báo chí sẽ tập trung vào các bản tin âm thanh kết hợp với newsletter và podcast. Chủ đề của các ấn phẩm này thường khá hẹp như nuôi dạy con cái hoặc thể thao.

- Thay đổi về giá

Hiện nay, hầu hết độc giả sẽ trả một số tiền cố định theo tuần/ngày/tháng/năm để đọc tin tức. Trong tương lai, điều này có thể sẽ không còn đúng nữa. Sau khi hết ưu đãi dùng thử ban đầu, tòa soạn sẽ tính giá gia hạn dựa trên mức sử dụng (mà người tiêu dùng có thể chi trả được) hoặc chính người tiêu dùng sẽ thương lượng mức giá phù hợp.

Các bằng chứng đều chỉ ra rằng Facebook và những mạng xã hội khác ngày càng giảm mức độ ưu tiên của tin tức trong năm 2023. Công ty mẹ của Facebook - Meta đang cố gắng chống lại mối đe dọa từ TikTok bằng cách khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung (chứ không phải các nhà báo) sử dụng nền tảng của họ.

Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn tại X (trước đây là Twitter) ngày càng tăng lên. Quyết định loại bỏ tiêu đề khỏi bài đăng của các toà soạn của X khiến việc phân biệt tin tức trở nên khó khăn hơn. Điều này đã làm giảm mạnh giá trị đáng tin cậy cũng như lưu lượng truy cập của báo chí. Dữ liệu cho thấy, tổng lưu lượng truy cập của các sản phẩm báo chí từ Facebook đã giảm 48%. Tương tự con số này ở X là 27%, Instagram giảm 10%.

Công cuộc tái thiết lập của mạng xã hội

Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm gần đây của các mạng xã hội “truyền thống” như Facebook và X là hai điều đáng lưu ý.

Thứ nhất, bản chất độc hại của nhiều cuộc trò chuyện về tin tức và chính trị ăn sâu vào những cuộc trò chuyện riêng tư của người trên ứng dụng nhắn tin. Điều này dẫn đến sự phát triển của các nội dung không mang tính đại diện và khó xử lý hơn các nền tảng mở.

Thứ hai, các mạng xã hội có khuynh hướng phát triển nội dung như YouTube và TikTok cho phép người dùng có quyền truy cập vào các công cụ phân phối và sáng tạo ngày càng mạnh mẽ. Khi yếu tố nội dung được phát triển, yếu tố xã hội của các nền tảng này trở thành điều thứ yếu. Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số Năm 2023 của Viện Reuters cho thấy các nền tảng video này đang phát triển cực kỳ nhanh chóng trên toàn thế giới và tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ.

Đây là thách thức đối với nhiều cơ quan báo chí. Đầu tiên, video không phải là thế mạnh vốn có của rất nhiều tòa soạn. Thêm vào đó, cơ hội dẫn link trở lại trang web chính bị giảm mạnh, điều này đồng nghĩa với cơ hội kiếm tiền từ nội dung cũng giảm mạnh.

Nhiều đơn vị báo chí truyền thống không có được khả năng hiển thị như các nhà sáng tạo trẻ thông thạo ngôn ngữ và quy ước của các nền tảng mạng xã hội này.

Dylan Page là một nhà sáng tạo tin tức trẻ đến từ Vương quốc Anh. Anh có nhiều người theo dõi và xem video thường xuyên hơn BBC hoặc New York Times cộng lại.

Những người sáng tạo trẻ thường bỏ xa các nhà xuất bản tin tức trên TikTok về lượt xem.

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA?

- Cần tập trung vào lưu lượng truy cập trực tiếp

Khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters chỉ ra rằng, phần lớn các đơn vị báo chí được khảo sát (77%) sẽ tập trung vào việc xây dựng liên kết trực tiếp độc giả thông qua: Trang web, app, newsletter và podcast. Đây là những kênh thông tin mà báo chí vẫn có nhiều quyền kiểm soát hơn.

Khoảng 1/5 (22%) cho biết các tòa soạn sẽ cắt giảm chi phí sản xuất và vận hành. Điều đáng lo ngại là khoảng 15 tổ chức thì có 1 tổ chức không có chiến lược khắc phục tình trạng này. Một giám đốc điều hành tin tức hàng đầu châu Âu cho biết: “Thành thật mà nói chúng tôi đành bất lực chứng kiến chuyện cắt giảm”.

Khi không còn tập trung quá nhiều vào các nền tảng mạng xã hội, vậy các tòa soạn làm thế nào để thu hút độc giả? Một số cơ quan báo chí cho biết, họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào tiếp thị (17%) hoặc tìm kiếm các nền tảng thay thế (20%).

Gard Steiro, Tổng biên tập tờ Verdens Gang (VG) của Na Uy cho biết: “Chúng tôi sẽ ưu tiên nguồn lực vào các nền tảng của riêng mình, đặc biệt là Snapchat và TikTok. Ngoài ra, tờ báo vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, như việc tối ưu hóa nội dung cho các công cụ tìm kiếm.”

- WhatsApp sẽ trở thành một kênh cung cấp tin tức quan trọng

Trong năm 2023, một số tổ chức báo chí và truyền thông đã nỗ lực đầu tư vào WhatsApp khi ứng ụng này ra mắt chức năng tạo kênh tin tức. Người dùng có thể theo dõi hoặc đăng ký một hãng tin tức, tương tác và chuyển tiếp các bài đăng vào các cuộc trò chuyện riêng tư. Điểm nổi bật là tất cả những bài viết này đều không có bình luận mở.

Kết quả là WhatsApp đã tạo ra nhiều lượt giới thiệu hơn Facebook và X. Lợi thế của mạng xã hội này là được độc giả phổ thông sử dụng rộng rãi. Tờ New York Times đã thu hút được hàng triệu người theo dõi qua WhatsApp. Còn Daily Mail đã ra mắt một số kênh tin tức, trong đó có một kênh riêng biệt chuyên cung cấp nội dung hàng ngày về nhà Kardashian. Các kênh tin tức của WhatsApp đã được mở rộng trong 150 quốc gia với chức năng tương tự như Instagram.

- Threads sẽ tiếp tục phát triển

Threads là dịch vụ nhắn tin dạng ngắn do Meta mới công bố. Mạng xã hội này được coi là giải pháp thay thế cho nền tảng X của Elon Musk. Trên thực tế, Threads đã nhanh chóng tiếp cận 100 triệu người dùng. Sau khi cam kết tuân thủ các quy tắc chặt chẽ, EU đã cho phép Threads được hoạt động trên thị trường của mình. Những người viết báo cáo hy vọng rằng, các tổ chức tin tức chất lượng và nhiều nhà báo nổi tiếng sẽ sử dụng nền tảng này một cách nghiêm túc trong năm 2024.

- Mạng xã hội sẽ phát thành các gói đăng ký thuê bao (subscription)

Không tránh khỏi sự sụt giảm doanh thu từ quảng cáo, các công ty công nghệ lớn cũng đang tìm cách phát hành nội dung trả phí. Sau khi Elon Musk quyết định "bán" dấu tích xanh trên X, nhiều nền tảng mạng xã hội khác cũng nhanh chóng cung cấp hoặc bổ sung đặc quyền cho các thành viên trả phí. Trong một số thương vụ, bài đăng của khách hàng trả phí còn được xuất hiện với tần suất cao hơn.

Sắp tới, Meta sẽ cung cấp phiên bản trả phí của cả Facebook và Instagram ở các quốc gia EU. Với chi phí ban đầu là 9,99 euro mỗi tháng, người dùng sẽ được hưởng các chính sách đặc biệt thân thiện với quyền riêng tư của mình.

Trong 20 năm qua, văn bản là loại hình chính, chi phối dòng chảy tin tức trên internet. Bởi người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và dẫn link các bài báo thuần văn bản, loại hình này đã thúc đẩy các cuộc trò chuyện, tranh luận của độc giả; đồng thời quyết định chính vào khả năng kiếm tiền của các tòa soạn.

Các định dạng như âm thanh và video hầu như đã bị loại bỏ.

Nhưng trong một vài năm gần đây thị trường nội dung nổi lên 3 đặc điểm: Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới được phát hành. Thứ hai, các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ. Thứ ba, độc giả trẻ tuổi thích sử dụng audio và video hơn là văn bản.

Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số. Cuộc chuyển đổi này đòi hỏi một sự thay đổi không nhỏ từ văn hóa văn bản sang sản xuất đa phương tiện. Với nhiều tòa soạn truyền thống, đây là một thách thức lớn.

Báo cáo của Viện Báo chí Reuters chỉ ra rằng, hầu hết các tổ chức tin tức và truyền thông đều có kế hoạch sản xuất nhiều video và podcast hơn vào năm 2024, trong khi số lượng bài báo thuần văn bản chỉ được giữ nguyên.

Về khả năng kiếm tiền, audio và video có khả năng thúc đẩy mức độ tương tác và sự gắn bó của độc giả. Chính điều này sẽ khiến cho các gói đăng ký trở nên có giá trị và hấp dẫn hơn.

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA?

Để thu hút giới trẻ, các tòa soạn sẽ cần đầu tư vào nhiều nền tảng có định dạng video dọc như TikTok và YouTube Shorts. Sáng kiến này vốn chỉ nhằm mục đích xây dựng thương hiệu và sự gắn kết với độc giả chứ không phải kiếm tiền. Tuy nhiên, vào năm 2024, nhiều tổ chức tin tức sẽ tìm cách đưa định dạng video dọc vào trang web chính hoặc ứng dụng (app) của riêng mình. Nhìn chung, người dùng vẫn có kể nhu cầu rất lớn cho video dạng ngắn vào năm 2024.

- Phát triển podcast dưới dạng video

Trong những năm gần đây, nhiều podcast đã được quay dưới dạng video. Điều này cho phép nhà phát hành tiếp cận lượng lượng độc giả lớn hơn thông qua các nền tảng video như YouTube, TikTok, X,...

Một số nhà sáng tạo podcast độc lập như Alastair Campbell và Rory Stewart đã bắt đầu ghi hình và phát trực tiếp chương trình của mình trên YouTube. Đài truyền hình BBC cũng nhanh chóng chuyển podcast thành một chương trình truyền hình có tên là BBC's Newscast. Sự chuyển dịch này sẽ làm mờ đi ranh giới giữa podcast và các chương trình talkshow truyền thống.

- Podcast trả phí

Hiện tại, phần lớn các chương trình podcast đều chưa tạo ra lợi nhuận bằng hình thức trả phí. Nhưng các cơ quan báo chí có thể phát hành nhiều podcast chất lượng và bắt đầu thu phí vào năm 2024. Tuy nhiên chỉ những podcast thuộc top 100 mới có thể thu hút các công ty quảng cáo. Những chương trình có thứ bậc xếp hạng thấp hơn (bao gồm cả các cơ quan báo chí) thường khó thu được lợi nhuận hơn. Substack – một công ty chuyên cung cấp các giải pháp kiếm tiền newsletter khuyến nghị rằng, các toà soạn nên kết hợp gói thu podcast và newsletter để thu hút nhiều lượng đăng ký hơn.

The Economist là toà soạn đầu tiên tung ra gói đăng ký thuê bao cho audio (4,90 bảng một tháng hoặc 49 bảng một năm). Tức là người dùng sẽ phải trả một khoản tiền cố định để nghe tin tức bằng âm thanh của tờ báo. Hiện tại, The Economist sử dụng một nhóm 30 người (chiếm khoảng 10% tổng số biên tập viên) chuyên chỉ để sản xuất podcast.

Hầu hết các chương trình podcasts của The Economist đều thu phí người dùng.

Hầu hết các chương trình podcasts của The Economist đều thu phí người dùng.

Ngoại trừ các podcast tin tức hàng ngày, phần lớn các chương trình của The Intelligence đều thu phí sử dụng. Thói quen tiếp cận nội dung bằng audio của người dùng ngày càng được thúc đẩy khi Apple tung ra những cải tiến về kỹ thuật. Cụ thể, những cải tiến mới giúp người dùng nghe và đăng ký podcast trên nền tảng của Apple dễ dàng hơn. Các yếu tố này có thể truyền cảm hứng cho các công ty công nghệ và tổ chức tin tức khác trong năm 2024.

- Giá cả cho một bản tin đặc biệt

Financial Times đang thử nghiệm những cách tính phí khác nhau cho các bản tin phổ biến. Theo đó, người dùng có thể chỉ phải trả phần tin tức mình quan tâm thay vì trả cho cả gói. Gói Unhedged (cung cấp thông tin về thị trường và các công ty), và Inside Politics được bán với giá lần lượt là 7,99 USD và 4,99 USD một tháng. Vào đầu năm 2024, FT sẽ thử nghiệm loạt bản tin trả phí với 'số lượng có hạn'. Bản tin này có tên là “Sắp xếp cuộc sống tài chính của bạn”. FT hy vọng rằng những sản phẩm có hàm lượng kiến thức cao sẽ mang lại nguồn doanh thu cho tòa soạn.

Table Media và Pioneer Media cũng đang phát triển mạnh các newsletter (và podcast) nhắm thẳng tới các chuyên gia.

Trong nhiều thập kỷ qua, máy tính và điện thoại thông minh là cánh cổng tiếp cận với internet của phần lớn nhân loại. Nhưng trong kỷ nguyên của AI, chúng ta sẽ có nhiều cách tiếp cận thông tin và trải nghiệm tốt hơn. Vào năm 2024, hàng loạt thiết bị có khả năng tương tác bằng giọng nói, chuyển động mắt và cử động tay dự kiến được phát hành trên thị trường. Làn gió mới mẻ này sẽ phá vỡ sự lệ thuộc vào các loại màn hình của người dùng.

Không ít nhà nghiên cứu về tương lai cho rằng con người đang tiến tới một thế giới "điện toán ở mọi nơi" (ambient computing). Trong đó, các thiết bị đeo không chỉ có khả năng xử lý những chúng ta nghe và nhìn thấy tại thời gian thực mà còn được trang bị các trợ lý ảo, luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi và cung cấp thông tin bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

- Tai nghe thông minh: Theo thống kê có khoảng 200 triệu loa thông minh được dùng trong các hộ gia đình trên toàn thế giới. Đa số loa này đều thuộc Google và Amazon. Sắp tới, hai ông lớn này sẽ dùng AI cải tiến chức năng của loa thông minh, khiến chúng trở nên hữu ích hơn chứ không chỉ đơn thuần để phát nhạc. Các loại tai nghe và tai nghe không dây đã trở nên phổ biến, trong đó nhiều mẫu mã được trang bị khả năng nhận lệnh bằng giọng nói và cử chỉ.

- Cài áo và phụ kiện:Cài áo thông minh của Humane (có giá 699 USD chưa kể phí đăng ký dữ liệu) là thiết bị đầu tiên giải phóng con người khỏi màn hình của điện thoại thông minh. Thiết bị nhỏ này có thể gắn vào áo của người sử dụng bằng từ trường; được điều khiển bằng giọng nói bằng cách nhấn vào một chiếc nút nhỏ hoặc chiếu màn hình laser lên lòng bàn tay của người dùng.

Cài áo thông minh của Humane.

Cài áo thông minh của Humane.

- Kính AR: Mặc dù không thành công vào những năm trước nhưng công nghệ phát triển Google Glass đang được khởi động trong năm 2024. Apple dự kiến sẽ sớm ra mắt kính thực tế ảo tăng cường (AR - Augmented Reality) - Vision Pro ​​vào mùa xuân hoặc mùa hè vào năm nay. Hãng tuyên bố Vision Pro có khả năng kết hợp thế giới số vào không gian vật lý một cách mượt mà. Tuy nhiên giá cả đắt đỏ (khoảng 3.500 USD) là nguyên do Vision Pro không thể phổ biến ngay lập tức. Người dùng sẽ phải đợi thêm một vào năm nữa cho một chiếc kính AR hữu dụng và có giá cả phải chăng hơn.

- Kính VR: Trải nghiệm với kính thực tế ảo (Virtual Reality Glasses – VR) đã được cải thiện đáng kể trong vài năm qua. Cụ thể, trọng lượng kính nhẹ hơn, độ phân giải cao và góc nhìn rộng hơn. Tuy nhiên, trải nghiệm nhập vai vào thế giới ảo (immersive metaverse experiences) vẫn chủ yếu được ứng dụng trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng hoặc trò chơi điện tử. Nhưng Mark Zuckerberg – người sáng lập Meta vẫn cam kết về sự phát triển của kính VR, công ty sẽ tiếp tục cập nhật dòng kính VR Oculus trong năm nay.

Trong cuộc khảo sát do Viện thực hiện, nhiều người vẫn tỏ ra đặc biệt hoài nghi về việc thay thế điện thoại thông minh. Tuy nhiên, 4 trong 10 người (41%) cho rằng loa thông minh và tai nghe sẽ trở thành giao diện quan trọng trong trung hạn. Điều này giải thích sự thịnh hành của audio và các chương trình podcast đã thảo luận trong phần 3.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA?

- “Kẻ hủy diệt” của điện thoại thông minh: Mặc dù nhiều người dự đoán rằng phiên bản đầu tiên của Cài ái Humane sẽ thất bại, nhưng trong năm nay các thiết bị tương tự vẫn xuất hiện. Nhiều nguồn tin tiết lộ, Chủ tịch OpenAI Sam Altman, cựu Giám đốc Thiết kế của Apple Jony Ive và CEO của Softbank Masayoshi Son đang hợp tác phát triển một thiết bị AI không phụ thuộc nhiều vào màn hình điện thoại hay máy tính.

- Những chatbot cá tính:Năm nay thị trường sẽ xuất hiện nhiều chatbot với phong cách đối đáp sáng tạo hơn. Meta đã phát triển một loạt trợ lý ảo dựa trên hình mẫu của các ngôi sao nổi tiếng tại Mỹ như KOC Charli D'Amelio và cầu thủ bóng đá Tom Brady. Những chatbot này được xây dựng với sự hợp tác và đồng tình của các ngôi sao liên quan. Các chatbot này có thể trò chuyện về các chủ đề xung quanh niềm đam mê của bản mẫu như thể thao, khiêu vũ và chơi game, đồng thời cung cấp câu trả lời cho nhiều câu hỏi đa dạng khác.

Nhiều tòa soạn đã bắt đầu thử nghiệm với chatbot đưa tin dựa trên dữ liệu tùy chỉnh. Việc thêm khuôn mặt và tính cách của một nhà báo uy tín vào các chatbot này có thể là bước tiến tiếp theo.

- Bước tiến lớn cho điện toán không gian (spatial computing): Sự ra mắt của Apple Vision Pro là màn mở đầu cho buổi trình diễn về tiềm năng ứng dụng công nghệ trong năm 2024, bao gồm cả báo chí. Hãng tin tức New York Times vốn đã có tiếng trong việc dành thời gian và nguồn lực để nghiên cứu và phát triển các trải nghiệm báo chí nhập vai. Trong những năm gần đây, người đọc có thể trải nghiệm thực tế ảo tăng cường AR với một số sản phẩm báo chí nổi trội như Những bộ cánh của David Bowie (David Bowie in Three Dimensions) hay Sứ mệnh đến sao Hỏa của NASA (Explore NASA’s InSight Mission on Mars). Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, đây vẫn là những công việc cần đầu tư rất nhiều công sức.

Hiện tại, Web XR là một trong các công cụ hỗ trợ phát triển và trải nghiệm thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường một cách nhanh chóng.

Vào năm 2024, báo chí sẽ cung cấp nhiều video, audio và newsletters hơn. Tập trung vào phát triển các định dạng sự hướng đi hợp lý của các tòa soạn, tuy nhiên đa dạng nguồn cung lại chưa chắc là điều mà khán giả đang tìm kiếm.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters chỉ ra rằng, độc giả đang cảm thấy áp lực với số lượng tin tức, định dạng hiện có. Đặc điểm của các nền tảng mạng xã hội và các công ty truyền thông, công nghệ là luôn muốn tối đa hóa sự chú ý từ người dùng chứ không hề coi trọng lượng thời gian sẽ tiêu tốn của họ.

Các khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters cũng phản ánh sự khó khăn của các tòa soạn khi cố gắng cân bằng giữa lợi nhuận kinh doanh và quyền lợi của độc giả.

Sự quá tải và mệt mỏi gây ra bởi tin tức là một trong các vấn đề chính với báo chí trong 5 năm qua. Bất chấp những biến động chính trị và kinh tế, nhiều độc giả tránh một phần hoặc hoàn toàn việc tiếp cận tin tức. "Sự mệt mỏi do tin tức gây ra đang ăn mòn khả năng đọc và trả phí của độc giả" chủ bút của một hãng tin tức tại châu Âu nói.

"Sự mệt mỏi do tin tức gây ra đang ăn mòn khả năng đọc và trả phí của độc giả"

Nhiều hãng tin tức khối công lo lắng về tình trạng né tránh tin tức của nhóm độc giả trẻ. Trên thực tế, xu hướng này đã lan rộng ra độc giả thuộc các nhóm tuổi khác. "Hiện tượng né tránh tin tức đang gia tăng tại Thụy Sĩ. Báo chí cần có những phương pháp, chủ đề và định dạng mới để kháng cự lại tình trạng này" - ông Marc Isler, Giám đốc Doanh thu, Tamedia đã nói.

Điều này thật đáng buồn! Tôi sợ rằng báo chí sẽ trở thành một ngành kinh doanh quá chậm chạp trong việc điều chỉnh và tái suy nghĩ về vai trò và mục đích của mình. Người đọc không nhớ báo chí. Nhưng báo chí nhớ người đọc” – bà Lea Korsgaard, Tổng Biên tập tờ Zetland, Đan Mạch nói.

Người đọc không nhớ báo chí.

Nhưng báo chí nhớ người đọc

Bà Lea Korsgaard, Tổng Biên tập tờ Zetland, Đan Mạch

Trong cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, người đứng đầu các tổ chức tin tức đã nêu ra một số hướng đi để giải quyết vấn đề trong năm tới: Một là, tìm cách giải thích tin tức phức tạp một cách tốt hơn (67%). Hai là, cung cấp tin tức nêu vấn đề và đi kèm giải pháp tiềm năng (44%). Ba là, kể thêm những câu chuyện truyền cảm hứng về con người (43%).

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA?

- Từ bỏ kịch bản tiêu cực về biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu trở thành một chủ đề đáng lo ngại đến mức nhiều độc giả đã tìm cách tránh né. Ông Wolfgang Blau, Đồng sáng lập Mạng lưới Báo chí Biến đổi Khí hậu Oxford (OCJN) gọi đây là "sự chối bỏ mới về biến đổi khí hậu".

Cung cấp thông tin mang màu sắc hy vọng và thúc đẩy ý thức cá nhân sẽ là giải pháp cho sự tránh né tin tức về biến đổi khí hậu trong năm 2024. Cụ thể, một số tòa soạn đã tăng cường đưa tin chuyên sâu về công nghệ xanh (như Bloomberg Green) hoặc tạo ra gợi ý và nguồn cảm hứng để độc giả sống xanh hơn. Mục 'Good News' trên TikTok của Earthtopia luôn nhận được sự quan tâm lớn nhất từ người xem. Đài phát thanh quốc gia Ireland RTE phát sóng chương trình 'Anh hùng Khí hậu' kể về những cá nhân và doanh nghiệp đang góp phần thay đổi tích cực vào biến đổi khí hậu.

- Góc nhìn báo chí sẽ trở nên đa dạng hơn

Khi dải Gaze xảy ra chiến sự, các phóng viên chiến trường không thể tiếp cận được hiện trường. Những câu chuyện chân thực nhất đã được kể các cư dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người đã quen thuộc với các mạng xã hội như Instagram và TikTok. Plestia Alaqad là một trong số đó. Cô đã ghi lại cuộc sống hàng ngày của mình ở Gaza. Những câu chuyện của Plestia mang đến sự rung động cá nhân mà truyền thông chính thống thường không có.

Plestia Alaqad ghi lại cuộc sống hàng ngày ở Gaza.

Plestia Alaqad ghi lại cuộc sống hàng ngày ở Gaza.

Các nhà hoạt động và phóng viên trẻ tuổi đang tạo ra sự thay đổi về tin tức ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Ankur Paliwal là một nhà báo độc lập ở Ấn Độ. Anh đã ra mắt Queerbeat - một trang web nhằm thay đổi cách kể chuyện về cộng đồng LGBTQIA+ ở Ấn Độ.

Các phương tiện truyền thông chính thống cũng đang tìm cách đa dạng các giọng điệu báo chí. Ví dụ, một phần không nhỏ nội dung trên kênh TikTok của BBC được thực hiện bởi các phóng viên trẻ tuổi.

- Công cụ cho phép khán giả định dạng lại tin tức

Hiện nay, AI đã cho phép người đọc thay đổi ngôn ngữ của báo chí để phù hợp với nhu cầu của bản thân. Hiện tượng này sẽ nở rộ trong năm 2024. Artifact là một ứng dụng đọc báo có khả ăng tóm tắt tin tức theo nhiều phong cách khác nhau. Trong ví dụ dưới đây, ứng dụng này có thể viết lại nội dung từ một bài báo trên tờ Guardian và viết lại theo văn phong "như thể tôi mới 5 tuổi" hoặc dưới dạng một loạt biểu tượng cảm xúc để thích nghi với phong cách của độc giả Gen Z.

Khi AI được tích hợp vào các công cụ tìm kiếm, lưu lượng truy cập vào website sẽ giảm đáng kể. Cụ thể, trải nghiệm tìm kiếm với AI (Search Generative Experiences- SGE) sẽ cung cấp câu trả lời trực tiếp thay vì danh sách website truyền thống. Hầu hết các AI này đểu được đào tạo bằng nguồn dữ liệu trên Internet, bao gồm nội dung từ báo chí.

Microsoft Bing là một trong những công cụ tìm kiếm đầu tiên tích hợp tin tức theo thời gian thực, có tên gọi là Copilot AI.

Google cũng phát hành Gemini - một tập hợp các mô hình ngôn ngữ lớn đa phương thức có khả năng tương tự như OpenAI. Điểm khác biệt của mô hình này là khả năng làm việc bằng văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Cụ thể, người dùng có thể kích hoạt Gemini bằng cả văn bản lẫn giọng nói. Dù vẫn đưa các liên kết link chứa nội dung vào câu trả lời của Gemini nhưng số lượng liên kết ngày càng ít đi.

Trong khi đó, nhiều tổ chức báo chí và truyền thông nhận định rằng, khi thói quen sử dụng AI được thiết lập, người dùng sẽ không còn nhấp chuột vào các đường link đối chiếu nữa.

"Trải nghiệm tìm kiếm với AI sẽ thay thế một số chức năng của các phương tiện truyền thông"

Chani Guyot, Nhà xuất bản RED/ACCIÓN, Argentina

Google đang triển khai các thử nghiệm tìm kiếm với AI tại 120 quốc gia

Google đang triển khai các thử nghiệm tìm kiếm với AI tại 120 quốc gia

Không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm trên Internet, các trợ lý AI có khả năng đàm thoại sẽ được tích hợp vào máy tính, điện thoại di động và ô tô trong năm 2024. Điều này sẽ thay đổi cách con người tiếp cận nội dung. Perplexity.ai cho phép người dùng đặt câu hỏi hoặc tóm tắt nội của bất kỳ bài báo nào. Những người phát triển trợ lý ảo Pi.ai khẳng định rằng chat bot có khả năng trò chuyện mạch lạc về nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm cả những tin tức thời sự.

Các Trợ lý AI như Perplexity và Pi phát triển các cuộc trò chuyện có chứa tin tức thời sự nhưng lại không nói rõ nguồn tin tức này thuộc đơn vị báo chí nào.

Các Trợ lý AI như Perplexity và Pi phát triển các cuộc trò chuyện có chứa tin tức thời sự nhưng lại không nói rõ nguồn tin tức này thuộc đơn vị báo chí nào.

Thông tin có tính thời sự không phải là lợi thế của các trợ lý ảo AI nhưng điều này có thể thay đổi trong năm 2024. Bởi các công ty công nghệ lớn ngày càng chú trọng vào khả năng cung cấp thông tin theo thời gian thực. Quá trình này sẽ phụ thuộc rất lớn vào quyết định của các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, đặc biệt là Google (với khoảng 90% thị phần). Tuy nhiên, chính các nhà cung cấp này cũng cần cân bằng lại mô hình kinh doanh hiện tại. Hay nói cách khác, cách trả lời truy vấn bằng danh sách link truyền thống giúp Google duy trì tính các tranh với các công cụ tìm kiếm khác.

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA?

- Cuộc chiến bản quyền với AI

Trong năm 2024, áp lực lên các tổ chức tin tức và truyền thông sẽ ngày càng lớn bởi lưu lượng truy cập và doanh thu giảm. Đặc biệt là khi các ông lớn về AI như OpenAI và Google cùng bắt tay đào tạo các trợ lý ảo bằng kho dữ liệu có sẵn hoặc trang bị thêm khả năng cung cấp tin thời sự.

Vụ kiện OpenAI của New York Times với có thể là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử về cáo buộc vi phạm bản quyền với AI. Vụ kiện này sẽ điểm khởi xướng của nhiều vụ kiện tương tự trong năm 2024. Phía New York Times tuyên bố rằng “hàng triệu” bài báo của Times đã được sử dụng trái phép trong việc đào tạo hệ thống ChatGPT. Hơn nữa, ChatGPT còn tạo ra “các đoạn trích nguyên văn” từ những bài báo này. Trớ trêu hơn, Times cho rằng ChatGPT đang cạnh tranh với tờ báo bằng chính thông tin của Times.

Một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters chỉ ra rằng khoảng một nửa số các tổ chức tin tức hàng đầu đã ngừng cho phép AI lớn truy cập nội dung của họ. Bằng cách này, báo chí sẽ có vị thế tốt hơn trong các cuộc thương lượng về trả phí với các công ty phát triển AI.

Mới gần đây, Axel Springer và OpenAI đã có một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong lịch sử báo chí. Theo đó, Open AI sẽ phải chi trả với giá hàng chục triệu euro mỗi năm để sử dụng nội dung từ Bild, Politico và Business Insider. Một số người cho rằng đây là mô hình khả thi trong thời gian tới.

Cụ thể, thỏa thuận sẽ chia ra hai loại phí mà các công ty phát triển AI cần chi trả: Một là, phí cố định cho việc khai thác các dữ liệu có sẵn. Hai là, phí hàng năm (tăng hàng năm) cho tin tức và dữ liệu mới. Nếu các nhà phát triển AI có nhu cầu sử dụng một loại nội dung thường xuyên hơn, họ sẽ phải trả thêm phí.

Trước đó, hãng tin AP cũng cung cấp cho các công ty AI quyền truy cập vào kho dữ liệu của mình để đổi lấy quyền tiếp cận công nghệ và kiến thức chuyên môn.

Giám đốc điều hành một hãng tin tức hàng đầu ở Anh cho biết: “Báo chí không được lãng phí cơ hội hợp tác với các công ty phát triển AI. Hai bên phải tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh. Nếu không làm thế, chúng ta biết rất rõ chuyện gì đã xảy rồi đấy.”

Báo chí không được lãng phí cơ hội hợp tác với các công ty phát triển AI. Hai bên phải tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh

- Miếng bánh sẽ không được chia đều

Mặc dù có một số tiến triển nhất định, hầu hết đơn vị báo chí được khảo đều không tỏ thái độ lạc quan về giai đoạn đàm phán mới này. Hơn một phần ba (35%) người được hỏi cho rằng chỉ một số tổ chức tin tức, công ty truyền thông lớn mới được hưởng lợi. Trong khi đó, gần một nửa (48%) số người được khảo sát tin rằng những nhà xuất bản nhỏ sẽ nhận được rất ít lợi nhuận từ giao dịch với các công ty phát triển AI.

Kể từ khi ChatGPT được sử dụng, các tòa soạn phải đối mặt với những tác động rất lớn của AI tạo sinh. Trong khi mối lo ngại về niềm tin của độc giả và quyền sở hữu trí tuệ của báo chí ngày càng trở nên sâu sắc, không ít tòa soạn đang tận dụng AI để kinh doanh hiệu quả và hiểu độc giả của mình hơn.

Các số liệu chỉ cho thấy, nhiều tòa soạn sẽ sử dụng AI để thực hiện nhiệm vụ tự động hóa back-end (dữ liệu và cơ sở hạ tầng giúp website của tòa soạn hoạt động) như một ưu tiên hàng đầu (56%); tiếp theo là dùng AI để đề xuất nội dung cho độc giả (37%); sản xuất nội dung (28%) và các mục đích thương mại khác (27%).

Thêm vào đó, một số tòa soạn cho biết, họ tăng năng suất đáng kể trong việc thu thập và nghiên cứu dữ liệu khi sử dụng AI để điều tra, kiểm chứng hoặc xác minh (22%).

Báo chí đang sử dụng AI để làm gì?

- Tóm tắt bài viết:Một số hãng tin tức như Aftonbladet (Thụy Điển), Verdens Gang (VG) (Na Uy) và Helsingin Sanomat (Phần Lan) đã sử dụng AI để tóm tắt nội dung của bài viết dưới dạng gạch đầu dòng (hay còn gọi là "Snabbversions"). Họ đặt phần tóm tắt này ngay ở phần đầu của bài báo. Qua thử nghiệm, Aftonbladet nhận thấy tương tác tổng thể tăng đáng kể. Đại diện của tòa soạn giải thích, độc giả trẻ, đặc biệt là gen Z có khả năng nhấp chuột cao hơn sau khi xem snabbversions.

- Tạo tiêu đề: Một số hãng tin tức đã thử tối ưu hóa khả năng tìm kiếm tiêu đề của các bài viết với trí tuệ nhân tạo. Biên tập viên sẽ kiểm tra kết quả cuối cùng trước khi xuất bản.

- Biên tập, ghi chú và giải băng: Sự hỗ trợ của AI trong các quy trình này ngày càng trở nên phổ biến. Do đó, không ít việc làm đã bị mất. Tháng 6 vừa qua, người đứng công ty truyền thông Axel Springer (Đức), ông Mathias Dopfner, cho biết soát chính tả và một vài công việc biên tập thông thường “sẽ không còn tồn tại như bây giờ nữa”. Công cụ làm phụ đề, giải băng bằng các mô hình ngôn ngữ nhỏ cũng được cải thiện đáng kể trong năm 2023. Ở Na Uy, tờ VG đã tự phát triển công cụ giải băng Jojo trong khi nhiều toàn soạn khác vẫn sử dụng Good Tape.

- Biên dịch: Tờ Le Monde (Pháp) sử dụng AI để hỗ trợ dịch nhiều bài viết từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Sự thay đổi này đã cho phép tòa soạn xuất bản khoảng 30 bài báo/ngày trên trang tiếng Anh. Về quy trình, các biên tập viên sẽ dùng AI để dịch thô, sau đó họ sẽ kiểm tra và trau chuốt lại văn bản cuối cùng. Phiên bản AI này đã được tùy chỉnh theo văn phong của Le Monde.

- Tạo hình ảnh: Một số tòa soạn như Kölner Stadt-Anzeiger (Đức) và DennikN (Slovakia) đang sử dụng các công cụ như Midjourney để tạo hình minh về các chủ đề như công nghệ và nấu ăn.

- Tạo bài viết: Tờ tạp chí của Đức, Express.de đã tạo ra một nhà báo ảo tên là Klara Indernach (KI). Tại thời điểm hiện tại, hơn 5% số bài viết được xuất bản trên trang đều do Klara thực hiện. Một biên tập viên sẽ quyết định xem xét tổng thể của bài viết, quyết định xem câu chuyện nào được xuất bản, câu chuyện nào không. Còn lại, Klara hoàn toàn được quyết định nội dung, cấu trúc và văn phong của bài viết.

- Người dẫn chương trình ảo: Kênh Radio Expres (Slovakia) đã sao chép giọng nói của một phát thanh viên nổi tiếng tên là Bára Hacsi để tạo ra một phiên bản AI được gọi là Hacsiko. Cụ thể, Hacsiko sẽ đảm nhận đảm nhận ca đêm, thực hiện bình luận về âm nhạc và tin tức trong ngày (nội dung được lấy từ trang web tin tức của công ty).

Hai đài phát thanh ở phía tây nước Anh cũng sử dụng AI để chuyển văn bản thành giọng nói và phát sóng trong hàng giờ liền. Cả hai đài phát thanh này cho biết, bình thường họ sẽ không đủ tiền để thuê một người có khả năng làm việc dài hạn như vậy. Ngoài ra, giọng nói cũng tự nhiên đến mức rất ít người có thể chỉ ra sự khác biệt.

- Tạo kênh truyền hình: NewsGPT là một bước tiến xa hơn của việc ứng dụng AI vào báo chí. Đây là một kênh truyền hình 24 giờ được thực hiện bởi AI, hoàn toàn không hề có sự can thiệp của con người. Hiện, NewsGPT đã phát hành một kênh riêng trên Youtube với mong muốn xây dựng những chương trình tin tức “không có sự thiên kiến của con người”. Tuy nhiên, NewsGPT không làm rõ nguồn gốc tin tức và việc thanh toán cho các nội dung mà kênh sử dụng. NewsGPT vẫn từ chối trả lời phỏng vấn và khảo sát vào thời điểm hiện tại.

Một AI có tên là Channel (Los Angeles, Mỹ) có dự định ra mắt dịch vụ tin tức cá nhân hóa vào năm 2024. Theo đó, AI này sẽ nhận diện những câu chuyện mà người xem muốn xem và hứa sẽ cung cấp những nội dung đó bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

Sự phát triển chóng mặt của AI đã dẫn đến một số ý kiến cho rằng ngành công nghiệp này đang diễn ra quá nhanh. Các nội dung do AI tạo ra trực tiếp tiếp cận với người dùng mà không có quy tắc, nhãn dán rõ ràng hoặc cảnh báo về các rủi ro. Trong đó "ảo giác" AI là một hiện tượng nổi bật.

Tôi lo lắng về chất lượng tin tức khi nội dung sản xuất tự động ngày càng nhiều. Sự quá tải tin tức sẽ trở nên tồi tệ, còn người dùng thì lại càng bối rối.

Giám đốc Sản phẩm Marek Kopeć, Ringier Axel Springer Polska (Ba Lan)

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ XẢY RA?

Nếu 2023 là năm các toà soạn bắt đầu sử dụng AI để sáng tạo, thì 2024 sẽ là năm làm chủ và kết hợp công nghệ vào quy trình làm việc.

- AI ở mọi nơi: Trong năm 2024, nhiều người mong đợi sự ra đời của các AI tinh vi và hiệu quả hơn. Nhờ đó, các nhà báo sẽ được hưởng lợi với các đề xuất thú vị, chính xác hoặc phù hợp hơn. Mới đây, AI ‘Hennibot’ của tờ Helsingin Sanomat đã được tích hợp vào hệ thống quản lý nội dung (CMS). AI ‘Hennibot’ không chỉ có khả năng gợi ý từ ngữ mà còn có thể gợi ý các chi tiết để cải tiến câu chuyện.

Tại tờ Aftonbladet (Thụy Điển), một AI có tên là Youth có thể tạo ra các mốc thời gian, hộp thông tin và các câu hỏi đáp được viết theo phong cách của thương hiệu nhưng có nội dung ngắn gọn. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo ‘một thanh niên 18 tuổi’ cũng có thể dễ dàng hiểu nội dung của bài viết.

Rappler, một trang tin của Philippines, đã giành chiến thắng trong cuộc thi AI Journalism challenge (tạm dịch Thử thách AI cho báo chí) với bộ công cụ TLDR (bắt nguồn từ cụm từ trực tuyến “too long, didn’t read” – “quá dài; chưa đọc”). Bộ công cụ này có khả năng chuyển đổi các câu chuyện dài thành các phần tóm tắt, đồ họa và video.

- Vai trò và quy định mới về AI trong báo chí: Những người viết báo cáo hy vọng nhân sự có kiến thức về AI sẽ được bổ nhiệm giữ vị trí chủ chốt trong 2024. Đây là cơ sở để các tòa soạn điều phối hoạt động và chiến lược AI trong năm nay. Báo cáo Chuyển đổi Tòa soạn năm 2023 của Viện Báo chí Reuters đã chỉ ra rằng, 16% tòa soạn hoàn thiện kế hoạch bổ nhiệm nhân sự để phát triển AI; 24% đang tích cực lên kế hoạch.

Mới đây, tờ New York Times đã bổ nhiệm Zach Seward làm Giám đốc đầu tiên của bộ phận Sáng kiến AI. Zach đã từng có thời gian làm việc cho Quartz. Công việc mới của ông tại Times là tập trung vào việc xác định chiến lược tận dụng AI tạo sinh sao cho Times được hưởng lợi nhiều nhấ; giúp các nhà báo của Times làm việc nhanh và hiệu quả hơn; lập ra bộ hướng dẫn và nguyên tắc về những điều nên và không nên khi áp dụng các công nghệ này.

16% tòa soạn đã chỉ định nhân sự cao cấp để phát triển AI.

Xây dựng các phòng nghiên cứu AI (AI Labs) là một cách tiếp cận khác mà tập đoàn truyền thông Schibsted (Na Uy) đang theo đuổi. Nhiệm vụ hàng đầu của phòng nghiên cứu này là thử nghiệm và nghiên cứu điểm giao giữa các ấn phẩm, các quốc gia và AI.

Hợp tác liên doanh giữa nhiều công ty sẽ trở nên quan trọng hơn vào năm 2024. ‘Chúng tôi đã tham gia vào một quy trình liên ngành để xây dựng tiêu chuẩn minh bạch chung cho các sản phẩm AI trong báo chí, truyền thông’ – ông Olle Zachrison, Trưởng bộ phận Chiến lược AI & Tin tức tại Đài phát thanh Thụy Điển nói.

Trong năm 2024, có hơn 40 cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trên toàn thế giới. Điều này đã dấy lên mối lo ngại về sự bùng tin giả do AI tạo ra.

Vô số hình ảnh giả mạo, chỉnh sửa được tung ra xoay quanh xung đột tại dải Gaza.  Các phiên bản gần đây của Midjourney có thể tạo hình ảnh siêu thực và chi tiết đến mức khó phân biệt với ảnh chụp đời thực.

Hình ảnh giả về cuộc mít tinh của IDF.

Hình ảnh giả về cuộc mít tinh của IDF.

Mặc dù nội dung do AI tạo ra sẽ tăng vọt vào năm 2024 nhưng tác động của loại nội dung này với người đọc lại trở nên khó dự đoán hơn. Cho đến nay, ‘deep fakes’ vẫn tương đối dễ bị phát hiện và chỉ một phần nhỏ được thiết kế để thao túng hoặc gây nhầm lẫn cho người xem.

Mối nguy hiểm lớn nhất không phải là việc mọi người tin vào những lời dối trá mà là không còn ai tin vào bất cứ điều gì nữa

Nhà triết học chính trị Hannah Arendt.

Đại đa số những người được khảo sát đều tỏ ra bi quan về tác động của nội dung do AI tạo ra với niềm tin của công chúng.

“Sự bùng nổ của nội dung tào lao sẽ làm lung lay niềm tin của độc giả vào giới truyền thông” - Christoph Zimmer, Giám đốc Sản phẩm của Der Spiegel (Đức) nói và lập luận thêm chính điều này cũng có thể trao cơ hội để các hãng tin tức “phân biệt mình là một kênh truyền thông chất lượng. Nhờ đó, báo chí chính thống còn có thể củng cố vị thế”.

ĐIỀU GÌ SẮP XẢY RA?

- Những điều khoản quản lý nghiêm ngặt: Ở châu Âu, Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA - Digital Services Act) đã buộc các nền tảng mạng xã hội lớn nhất phải chịu trách nhiệm pháp lý với nội dung đăng tải, bao gồm các lời lẽ căm phẫn và nội dung can thiệp bầu cử.

Các cơ quan quản lý thể hiện sự nghiêm túc khi nêu ra những hình phạt nặng nhất cho các nền tảng mạng xã hội như phạt 6% doanh thu toàn cầu hay bị cấm tại thị trường EU. Khi X (Twitter) giảm các hoạt động kiểm duyệt của con người, Liên minh châu Âu đã khởi động quy trình chính thức chống lại X vào tháng 12.  Những người quản lý nghi ngờ X đã vi phạm nghĩa vụ trong việc chống lại nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch.

- Tăng cường dán nhãn nội dung do AI sản xuất:Sắp tới, Liên minh châu Âu sẽ ra mắt Luật AI. Tuy nhiên việc tuân thủ sẽ được nới lỏng cho tới năm 2026.

Một điểm nổi bật trong bộ luật mới này là các mạng xã hội ở châu Âu buộc phải gắn mác, dán nhãn khi phát hiện các nội dung do AI tạo ra. Meta yêu cầu các quảng cáo liên quan tới chính trị phải gắn cờ cho người dùng biết nếu họ sử dụng AI trên Facebook, Instagram hoặc Threads. Google cũng đã thông báo cách tiếp cận tương tự. Tới thời điểm hiện tại, TikTok không chấp nhận nội dung quảng cáo liên quan chính trị nhưng vẫn yêu cầu những người sáng tạo phải minh bạch về AI. Tuy nhiên, bộ hướng dẫn này chủ yếu dựa trên sự trung thực. Mặt khác, nhiều chuyên gia thể hiện sự lo ngại trước khả năng bỏ qua nhãn dán của người dùng.

- Tích hợp AI vào quy trình kiểm chứng: AI sẽ được dùng để xác định tin giả và thông tin sai một cách nhanh chóng. FullFact - tổ chức kiểm chứng sự thật hàng đầu của Vương quốc Anh đã tích hợp một loạt công nghệ AI để giúp người dùng kiểm chứng thông tin.

Một công ty khởi nghiệp AI có tên là The Newsroom cũng đã phát triển nhiều công nghệ để so sánh các văn bản và phát ngôn chính trị. Công nghệ này có khả năng xác định dư luận hoặc thiên kiến giữa các nhóm người dùng cũng như phát hiện bất kỳ mâu thuẫn nào với những điều mà một chính trị gia đã nói trong quá khứ. Công nghệ này còn cung cấp tư liệu tham khảo để giúp phóng viên đào sâu vào các phát ngôn và tuyên bố của nhân vật.

Ngày xuất bản: 24/1/2024

Biên dịch và trình bày: Thi Uyên

Bài viết sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ biên dịch.