Làng Yên Lược của tôi men theo dòng Sông Chu hiền hòa trong mát. Hai bên bờ sông là những bãi bồi trù phú. Sông cứ vắt kiệt mình để làm nên những bờ bãi chất chứa phù sa. Ai đó đã nói, vì sông nợ biển một cánh buồm nên chảy mãi ngàn năm. Vậy thì hãy cứ nợ đi, để ngàn năm sau sông vẫn chảy.
Nối giữa làng tôi với xã Thọ Hải là cây cầu phao Lược xinh xắn. Mùa nước cạn, cây cầu như một dải lụa nâu vắt ngang trên mặt sóng. Tôi đã đi trên chiếc cầu phao ấy vô số lần và lần nào cũng háo hức kỳ lạ. Đó là những buổi sáng 30 tết được theo mẹ đi chợ. Là những bước chân háo hức trở về sau những mải mê bươn chải chốn thị thành. Những tấm ván nâu kết chặt với nhau nằm ngay ngắn trên một dãy phao tạo thành cây cầu kết nối bao người con xa với quê hương.
Đầu cầu bên này là nơi tôi ngồi đón mẹ mỗi buổi đi chợ về. Thực ra thì có lúc nào ngồi chờ mẹ ngoan ngoãn đâu. Kiểu gì cũng phải lội bì bõm xuống mép nước mà vục tay xuống vốc từng vốc nước phả lên mặt. Nước sông mùa cạn trong văn vắt nhìn thấy những hòn đá nhỏ dưới tận đáy sông. Nước sông dường như có một ma lực rất khủng khiếp để cho bất cứ đứa trẻ nào một khi đã chạm vào thì không thể nguyên vẹn quần áo khô mà lên bờ được. Tôi không biết bơi nhưng lại thích nước. Nước sông quê trong mát không thể nào lại không mê.
Trời có bốn mùa, còn con sông quê tôi chỉ có hai mùa nước lớn và nước cạn. Mùa nước cạn, giữa sông nổi lên một doi cát nhỏ như con thằn lằn nằm phơi nắng. Khi mới qua cơn lũ, con thằn lằn ấy có màu nâu sẫm. Chỉ cần qua cơn lũ khoảng nửa tháng, nó sẽ đổi sắc chuyển màu xanh. Tôi không rõ cái màu xanh ấy là gì nhưng tôi vẫn ước đó là màu của cỏ. Ngày ấy tôi thích cỏ, đơn giản là vì cỏ có thể cho bò ăn được. Bò no căng bụng là đám trẻ chăn bò chúng tôi vui. Bây giờ tôi vẫn thích cỏ bởi cỏ mạnh mẽ, cứ thế mà vươn lên dẫu có điều gì xảy ra. Nhiều khi tôi ước mình là cỏ. Doi cát nhỏ ấy cũng là miền đất mà tôi chưa một lần đặt chân lên, để rồi vô hình chung nó trở thành nỗi ám ảnh trong tôi đến tận bây giờ. Bởi muốn đến được doi cát ấy cần phải bơi qua hoặc có thuyền chở qua. Thuyền thì không có mà tôi lại chẳng biết bơi.
Tôi yêu những buổi chiều khi ánh hoàng hôn loang mặt sóng, ngồi trên triền đê ngắm nhìn dòng nước lửng lờ trôi, những con thuyền trông xa như những miếng cau khô phơi trên chiếc nong, thật đẹp. Giữa những “miếng cau khô” đó, tôi ấn tượng với một “miếng cau khô” nhỏ hơn. Trên ấy có một chàng trai vạn chài với giọng hò mê hoặc tâm hồn. Tôi thích nghe tiếng hò. Nhiều cặp đôi đã nên chồng vợ nhờ vào những tiếng hò da diết trên sông ấy. Giá ngày ấy có phương tiện như điện thoại thông minh, tôi sẽ lưu lại tất cả những câu hò, những tâm tình của người dân chài dung dị. Tình yêu, nỗi nhớ mong, những hoài niệm da diết bâng khuâng gửi gắm trong câu hò ấy. Chẳng có sách vở nào ghi lại, chẳng có bài sẵn cho người hò học thuộc lòng, vậy mà đối đáp cứ trôi chảy, ngọt đến mê li.
Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, tiếng hò càng mênh mang, sâu lắng. Cũng vì thích nghe hò nên hầu như đêm trăng sáng nào chúng tôi cũng ra sông vừa để mãn nhãn, vừa mãn nhĩ. Tiếng hò buông trên sông càng làm cho dòng sông trở nên thơ mộng. Đến giờ trong tim tôi luôn có một niềm mong ước. Ước sao có những cuộc thi hò đối đáp trên sông quê tôi để những nỗi niềm được giải tỏa, để những khát khao, yêu thương mãi được đắp bồi. Để mỗi người con xa quê mãi nhớ về dòng sông quê hương mình.
Sông ôm vào lòng bao nhiêu ký ức, bao nhiêu câu chuyện của con người, để rồi trong muôn vàn nỗi nhớ luôn có một dòng lấp lánh chảy mãi không thôi.