Từ bờ đê sông Mã đưa mắt ngắm toàn cảnh xã Hoằng Lộc, thấy tựa hồ vuông vức như một chiếc nghiên mực lớn. Con đường nối từ làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang) xuôi về Hoằng Lộc gợi nhiều liên tưởng đến cây bút đang chấm vào nghiên mực ấy. Phải chăng chính bởi thế đất thuận mà tự bao đời nay Hoằng Lộc “phát” về đường học vấn, công danh. Lịch sử khoa cử Hán học ở xã Hoằng Lộc đã trải qua nhiều thế kỷ, ghi dấu ấn của 12 vị đỗ tiến sĩ, được đề danh trên bảng vàng đại khoa, trong đó có 7 vị được khắc tên trên văn bia tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Vị khai khoa là ông Nguyễn Nhân Lễ (1461-1522), đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, Hồng Đức thứ 12 (1481). Số người đỗ hương cống, cử nhân khoảng gần 200 vị. Các vị đỗ sinh đồ, tú tài và các học vị tương đương khoảng 137 vị.
Hoằng Lộc có 10 di tích văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh, là nền tảng để người dân phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương và phát huy những truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Mỗi di tích đều thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa, truyền thống hiếu học của quê hương. Nhiều di tích độc đáo như: Bảng Môn đình, Nhà thờ Nguyễn Quỳnh, khu đền thờ, lăng mộ Thượng thư Quận công Bùi Khắc Nhất, văn chỉ huyện Hoằng Hóa (đặt tại xã Hoằng Lộc)… đã trở thành biểu tượng cho mạch nguồn, truyền thống hiếu học, khoa bảng ấy.
Kế thừa và phát huy mạch nguồn văn hóa, truyền thống làng, xã, ngay từ khi xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Hoằng Lộc đã xác định lựa chọn tiêu chí nổi trội nhất là giáo dục. Đặc biệt, ở xã Hoằng Lộc, giáo dục được đặt trong mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa 3 trụ cột: gia đình – nhà trường – xã hội, trong đó giáo dục từ gia đình, dòng họ là nền tảng.
Chẳng phải nói quá khi ở Hoằng Lộc, việc học đã trở thành “nghề truyền thống”. Đất Hoằng Hóa có nhiều người đỗ đạt thành tài, nhiều gia đình, dòng họ, làng khoa bảng. Nhưng có lẽ, để sự học phát triển mạnh mẽ, được xem như một nghề - “nghề học” thì duy chỉ có vùng đất Hoằng Lộc nổi danh. Mỗi nếp nhà, mỗi gia đình, dòng họ đã làm nên mạch nguồn văn hóa truyền thống, giáo dục tốt đẹp, bền bỉ phát triển, lớp sóng sau cao hơn lớp sóng trước. Trên địa bàn Hoằng Lộc có 22 dòng họ làm rất tốt công tác khuyến học, khuyến tài, mỗi dòng họ đều thực hiện giáo dục truyền thống của dòng họ, của mỗi gia đình để nuôi dưỡng ý chí, khát vọng học tập cho con trẻ.
Ngày nay, Hoằng Lộc không ngừng nối tiếp truyền thống, phát triển giáo dục toàn diện, vững chắc. Đến nay, Hoằng Lộc có hơn 60 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, tướng lĩnh quân đội, hơn 1.000 người có trình độ thạc sỹ, cử nhân. Hoằng Lộc có 3 đơn vị trường học là: Trường Mầm non Hoằng Lộc, Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh, Trường THCS Tố Như đều đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2, được trao tặng 7 Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Đây là những “cái nôi” ươm mầm, nuôi dưỡng sự học trên quê hương Hoằng Lộc ngày càng phát triển.
Nếu mạch nguồn văn hóa, truyền thống khoa bảng là sức mạnh nội sinh thì chính sự đoàn kết, thống nhất, chung tay góp sức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Nhân dân xã Hoằng Lộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, là “chiếc chìa khóa vàng” mở cánh cửa đến với hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Với phương châm “huy động sức dân để lo cho dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước, đoàn thể hỗ trợ, cán bộ hướng dẫn, giúp Nhân dân thực hiện”, xã Hoằng Lộc hướng tới mục tiêu xây dựng NTM toàn diện, phát triển bền vững, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nông thôn…
Ban chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu xã Hoằng Lộc luôn đồng hành với cơ sở, có phân công, giao nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể theo từng nội dung, tiêu chí; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên để hỗ trợ người dân, cộng đồng, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Nếu như trước đây, các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo bằng nghị quyết thì nay chính họ là những người năng nổ, nhiệt tình “xắn tay áo”, xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc”, đồng hành cùng bà con Nhân dân. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư chi bộ, trưởng thôn Thành Nam chia sẻ: “Cảm nhận về bức tranh NTM kiểu mẫu của xã Hoằng Lộc, không chỉ riêng tôi mà đông đảo bà con Nhân dân đều rất vui mừng, phấn khởi, hài lòng. Những ngày đầu tiên bắt tay xây dựng thôn Thành Nam trở thành NTM mới kiểu mẫu, chúng tôi có nhiều băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, sát sao chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền nên nhanh chóng bắt nhịp, hoàn thành nhiệm vụ”. Ông Sơn hào hứng cho biết thêm: “Thời điểm triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Hoằng Lộc như một đại công trình, cán bộ và Nhân dân hăng hái cùng nhau làm việc”.
Về cơ chế chính sách, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh của huyện, HĐND xã đã ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế như: Xây dựng mới nhà văn hóa, thảm nhựa đường giao thông, xây dựng rãnh thoát nước, kè ao, xây dựng vườn hộ, quét vôi ve, vẽ tranh, dựng lam tường rào, xây dựng sản phẩm OCOP, hỗ trợ giống cây trồng… Tổng huy động nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu của xã đạt hơn 633 tỷ đồng, riêng con em xa quê đóng góp khoảng hơn 10 tỷ đồng. Nhà nước và Nhân dân cùng làm là như thế, thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả, cụ thể, rõ ràng và minh bạch là thước đo mọi giá trị, đưa tới thành công.
Trong một thời gian ngắn kể từ khi tiếp nhận chủ trương xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Hoằng Lộc đã gặt hái những kết quả đáng ghi nhận. Diện mạo NTM kiểu mẫu đã hiện hữu trên từng con đường làng, ngõ xóm của quê hương, trên nụ cười mỗi người dân...
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cảnh quan, môi trường luôn được chú trọng đầu tư từ nguồn ngân sách và huy động hợp pháp khác, đặc biệt là nguồn huy động từ con em xa quê, sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân và nguồn xã hội hóa khác. Hiện nay, 100% các tuyến giao thông nông thôn đều có điện chiếu sáng công cộng. 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được kiên cố hóa, tổng số km đường giao thông được nâng cấp, mở rộng nền đường, thảm nhựa là 9,06 km với nguồn kinh phí đầu tư là hơn 18,7 tỷ đồng. 100% các tuyến đường giao thông đều có rãnh thoát nước và có nắp đậy chịu lực tốt. Hệ thống hoa, cây xanh, cây bóng mát trên các tuyến đường được trồng, chăm sóc, cắt tỉa đảm bảo mỹ quan…
Trên những cánh đồng làng, máy móc công nghệ cao đã dần hiện diện với máy gặt đập liên hợp, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái… giúp nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường, “giải phóng” phần nào đó sức lao động cho người nông dân… Sau nhiều nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo, xã Hoằng Lộc cũng đã có sản phẩm OCOP đầu tiên. Những mô hình nhà sạch – vườn đẹp điểm tô thêm sắc màu sinh động cho diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu...
Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Năm 2021, xã không còn hộ nghèo (trừ 4 trường hợp bảo trợ xã hội). Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 69,41 triệu đồng. Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt trên 13,29%/năm…. Các câu lạc bộ thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ quần chúng của các tổ chức đoàn thể hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả như câu lạc bộ trống hội, câu lạc bộ dân vũ, các câu lạc bộ bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn...
“Xuyên suốt quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Lộc xác định xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Vì vậy, sau khi được công nhận xã NTM kiểu mẫu, xã Hoằng Lộc sẽ quyết tâm tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hướng đến trở thành đô thị văn minh trước năm 2025” - Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lộc Bùi Quang Sáng khẳng định.
Để tiếp tục vững bước trên hành trình ấy, trong thời gian tới, xã Hoằng Lộc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, thực hiện quy hoạch chung xây dựng đô thị Thịnh Lộc; phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và vận tải để nâng cao thu nhập người dân; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục - y tế, văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân…
Xã Hoằng Lộc – vùng quê kiểu mẫu, vùng quê đáng sống, niềm trân trọng, tự hào của mỗi thế hệ cháu con. Tình quê là căn cốt trong nếp sống làng xã. Ngay cả khi cuộc sống mưu sinh, ước vọng tương lai có đẩy bước chân họ đi đến đâu, trong sâu thẳm trái tim mình, họ vẫn luôn tâm niệm một điều rằng: “Quê hương là chùm khế ngọt”, “Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Có những người con Hoằng Lộc vì nhiều lý do khác nhau phải xa quê nhưng quyết định không cắt khẩu, chuyển khẩu. Cái lý lẽ giản đơn mà sâu sắc nhường nào: “Dẫu đi đâu về đâu vẫn tự hào mình là người con đất Trạng, đất học xứ Thanh. Vì lẽ đó nên qua bao năm tháng vẫn muốn giữ lấy cái căn cước ấy như một cách gìn giữ cội nguồn và giáo dục các con của mình noi theo truyền thống hiếu học đáng quý”. Từ dấu mốc kiểu mẫu này, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Hoằng Lộc tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, vừa giữ được nét bình dị của làng quê nông thôn, vừa mang dáng dấp của đô thị văn minh, thân thiện.
Xuất bản ngày 16/7/2022
Hương Thảo - Mai Huyền