(Baothanhhoa.vn) - Các sản phẩm đặc trưng vùng miền như: Ẩm thực, hàng thủ công, hàng lưu niệm... là những yếu tố hấp dẫn, độc đáo mang thông điệp về văn hóa của mỗi vùng đất và người dân địa phương, tạo dấu ấn khác biệt, góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho các điểm du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thúc đẩy phát triển du lịch thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền

Các sản phẩm đặc trưng vùng miền như: Ẩm thực, hàng thủ công, hàng lưu niệm... là những yếu tố hấp dẫn, độc đáo mang thông điệp về văn hóa của mỗi vùng đất và người dân địa phương, tạo dấu ấn khác biệt, góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho các điểm du lịch.

Thúc đẩy phát triển du lịch thông qua các sản phẩm đặc trưng vùng miền

Nhiều du khách hào hứng mua đồ hải sản về làm quà sau mỗi chuyến nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn.

Thanh Hóa là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với nhiều thắng cảnh tự nhiên đa dạng, phong phú cùng những nét đẹp truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các địa phương. Để khai thác thế mạnh du lịch, từ nhiều năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách thúc đẩy ngành du lịch phát triển như: Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch; tuyên truyền khai thác, quảng bá du lịch; khai thác du lịch từ nhiều sản phẩm làng nghề, các sản vật đặc trưng truyền thống vùng miền và đưa các sản phẩm tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh...

Huyện Bá Thước là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Với việc xây dựng các mô hình du lịch homestay, người dân địa phương có thể dễ dàng giới thiệu đến du khách những sản phẩm đặc trưng truyền thống của cộng đồng mình. Tại các hộ kinh doanh trong những điểm du lịch: Bản Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Đôn (xã Thành Lâm), các mặt hàng thổ cẩm, đồ thủ công đan lát, rượu cần của người dân địa phương đã trở thành những món hàng quen thuộc của nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hay tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, hơn 20 hộ dân đã tập trung khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình bằng nhiều sản phẩm khăn, ví, quần áo để bán cho du khách, mang lại nguồn thu ổn định, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Bên cạnh một số điểm du lịch đã khai thác tốt các sản phẩm đặc trưng vùng miền góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển thì hiện nay một hạn chế không thể phủ nhận, đó là nhiều nơi, việc khai thác các sản phẩm đặc trưng vùng miền lại chưa thực sự được chú trọng.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời được nhiều địa phương lưu giữ và đã trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm khá đơn điệu, chưa đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại nên chưa tạo được sức hút khiến lượng sản phẩm bán ra không nhiều. Mặt khác, có nhiều điểm du lịch bày bán đồ thổ cẩm, sắc phục dân tộc nhưng đó không phải là sản phẩm của người dân địa phương mà lại nhập từ nơi khác về khiến khách hàng không thực sự hào hứng và có tâm lý dè chừng với tất cả những sản phẩm khác. Vì vậy, chi phí bỏ ra cho một chuyến du lịch tại nhiều điểm du lịch chủ yếu tập trung vào hoạt động đi lại, ăn uống, thuê phòng, rất ít du khách chi tiền cho các hoạt động mua sắm.

Anh Lê Văn Hùng, một người dân TP Thanh Hóa đến tham quan tại các điểm du lịch thác Cổng Trời, thác Đồng Quan của huyện Như Xuân cho biết: Ngoài thú vui được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên, được hòa mình vào dòng nước mát lạnh thì những dịch vụ khác ở nơi đây chưa thực sự làm tôi thấy hài lòng. Các sản phẩm lưu niệm được bày bán như: Đồ chơi, quần áo, vòng tay, móc chìa khóa... đều là hàng bán tràn lan ở các chợ nên không có gì khác lạ. Các sản phẩm nông sản, đồ thủ công của địa phương chỉ lẻ tẻ vài ba mặt hàng, ẩm thực cũng không có nhiều món ăn độc đáo.

Các sản phẩm đặc trưng vùng miền dù không phải là yếu tố then chốt trong phát triển du lịch, song không thể phủ nhận việc thiếu các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương. Việc tìm kiếm, phát triển những sản phẩm lưu niệm, quà tặng đặc trưng cần được quan tâm để góp nên sự hấp dẫn của mỗi điểm đến, đủ sức níu chân du khách trong, ngoài tỉnh và cả những du khách quốc tế. Điều đó hoàn toàn có cơ sở khi Thanh Hóa có hàng trăm làng nghề truyền thống rải đều khắp các vùng trong tỉnh với sự đa dạng của các ngành nghề từ thủ công mỹ nghệ, mây tre đan đến chạm khắc đá, đúc đồng, làm bánh, làm hương... Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh có những sản phẩm đặc trưng tạo dựng tên tuổi trên thị trường, như: Nước mắm Ba Làng, Tĩnh Gia, gỏi nhệch Nga Sơn, bánh gai, nem nướng Thọ Xuân... với nhiều sản phẩm đã tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm được sử dụng làm sản phẩm du lịch lại không nhiều. Nguyên nhân chính khiến các địa phương chưa phát huy được lợi thế trong việc khai thác sản phẩm đặc trưng vùng miền vào du lịch là do các làng nghề chưa quan tâm tới việc sáng tạo ra các sản phẩm mang tính thẩm mỹ cũng như độ tinh xảo phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, việc tạo ra các sản phẩm của người dân còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có sự kết nối trong các khâu sản xuất và tiêu thụ nên sản phẩm làm ra chưa đến tay được với người tiêu dùng mà chủ yếu chỉ để cung cấp cho gia đình và chính người dân địa phương mà thôi.

Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền địa phương, các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại các điểm du lịch cần đồng hành cùng với người dân để có những cách làm hiệu quả, khơi dậy khả năng sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch mang đậm nét đặc trưng văn hóa địa phương. Đồng thời, cần thúc đẩy hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống để không chỉ tạo nên được những sản phẩm thuần túy mà còn chú trọng đến những sản phẩm mang tính nghệ thuật, độc đáo nhằm đưa vào kinh doanh du lịch. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 11-6-2019 về thực hiện đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, với trọng tâm là hình thành các sản phẩm hàng hóa và sản phẩm dịch vụ có nguồn gốc từ sản phẩm đặc trưng của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương sớm xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền để phục vụ cho phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]