(Baothanhhoa.vn) - Nếu như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gắn liền với các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, tìm về thiên nhiên và ẩm thực dân dã thì du lịch các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng lại có những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái. Chính nét khác biệt này là điều kiện hết sức thuận lợi để các địa phương tăng cường liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch, nhất là trao đổi thị trường khách.

Thúc đẩy hợp tác du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội đón khách bốn mùa

Nếu như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gắn liền với các sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, tìm về thiên nhiên và ẩm thực dân dã thì du lịch các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng lại có những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái. Chính nét khác biệt này là điều kiện hết sức thuận lợi để các địa phương tăng cường liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch, nhất là trao đổi thị trường khách.

Thúc đẩy hợp tác du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội đón khách bốn mùaHoạt động chợ nổi trên sông - đặc trưng của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Lê Thanh Sơn (CTV)

Tỉnh Thanh Hóa có nhiều lợi thế về hệ thống giao đồng bộ, có đầy đủ các loại hình từ đường bộ (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển); đường sắt Bắc - Nam; cửa khẩu quốc tế thông thương với nước CHDCND Lào; Cảng biển nước sâu Nghi Sơn; Cảng Hàng không Thọ Xuân... Với tiềm năng có cả ba vùng kinh tế là vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển, tỉnh Thanh Hóa sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với 1.535 di tích và danh thắng (với 6 di tích quốc gia đặc biệt là: Thành Nhà Hồ; Khu Di tích Lam Kinh; đền Bà Triệu; Di tích khảo cổ hang Con Moong; đền thờ Lê Hoàn và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn; trong đó Thành Nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới; cùng 9 bảo vật quốc gia và 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...).

Cùng với đó là hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên trải dài từ miền biển thơ mộng đầy nắng gió với những bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa, Bãi Đông (Nghi Sơn)... đến khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, trùng điệp nhưng không kém phần lãng mạn của khu vực miền Tây xứ Thanh với Vườn Quốc gia Bến En, các Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, suối cá Cẩm Lương... cùng các lễ hội văn hóa đặc sắc độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn... Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa huy động các nguồn lực đầu tư, khai thác, phát huy giá trị, phục vụ phát triển du lịch với những dòng sản phẩm đa dạng từ du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh đến du lịch sinh thái cộng đồng. Qua đó, đem đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn, chất lượng cao, với thông điệp hấp dẫn “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa”.

Về phía các tỉnh ĐBSCL là một trong những khu vực có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng. Trong thời gian qua, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương, vùng, miền với nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch đã tạo nên bức tranh về du lịch mang đậm dấu ấn đặc trưng của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, lượng khách và doanh thu du lịch không ngừng tăng, chất lượng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Được biết, trong thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, nhất là đa dạng hóa các loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch cộng đồng... Hướng tới thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ nhằm tạo nên những sản phẩm trải nghiệm mang giá trị độc đáo. Đây là một trong những điểm quan trọng của Chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển du lịch bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Qua đó, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vùng cũng như thúc đẩy sự liên kết với các vùng trong cả nước.

Thực tế, trong những năm gần đây, giữa tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh ĐBSCL thường xuyên có các chương trình khảo sát, ký kết phối hợp và trao đổi thị trường khách. Gần đây nhất (tháng 7-2022), tại TP Thanh Hóa đã diễn ra hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch “Cần Thơ - Đô thị miền sông nước”. Tại hội nghị này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã đánh giá cao các hoạt động hợp tác giữa các tỉnh ĐBSCL với các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ nói chung, giữa các địa phương nói riêng, góp phần mang đến những sản phẩm du lịch mới, với giá trị đặc trưng giữa các vùng miền đến với du khách. Đồng thời khẳng định, Thanh Hóa là tỉnh giàu tiềm năng và lợi thế để phát triển đa dạng các sản phẩm đón khách bốn mùa. Do đó, việc thúc đẩy liên kết, hợp tác với TP Cần Thơ nói riêng, các tỉnh ĐBSCL nói chung không chỉ tạo nên những tour, tuyến du lịch hấp dẫn mà còn hướng đến phát triển du lịch bốn mùa một cách bền vững.

Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhấn mạnh: Để thực hiện tốt những giải pháp này, không thể thiếu vai trò liên kết giữa doanh nghiệp với nhau và doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Sự hợp tác, liên kết là chìa khóa mở ra cơ hội phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới, từ chiến lược đến hành động để phát triển. Liên kết cần đi vào chiều sâu để tạo ra những tour, tuyến du lịch hấp dẫn, giúp gia tăng giá trị và lợi ích cho khách hàng; thúc đẩy chuỗi cung ứng dịch vụ, hàng hóa và trao đổi thị trường khách giữa các vùng, miền trong cả nước.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]