(Baothanhhoa.vn) - Nắm giữ những ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển - đảo, với 102 km bờ biển và hàng loạt bãi biển đẹp; sự giàu có tài nguyên du lịch văn hóa - nhân văn với trên 1.535 di tích, danh thắng mà phân nửa đã được xếp hạng các cấp; sự phong phú tài nguyên du lịch sinh thái với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và hệ thống hang động, sông suối, hồ nước dày đặc. Đồng thời, sự xuất hiện của các nhân tố mới có ảnh hưởng tích cực tới định hướng phát triển ngành du lịch như Cảng Hàng ...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu hút đầu tư – động lực thúc đẩy du lịch phát triển

Nắm giữ những ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển - đảo, với 102 km bờ biển và hàng loạt bãi biển đẹp; sự giàu có tài nguyên du lịch văn hóa - nhân văn với trên 1.535 di tích, danh thắng mà phân nửa đã được xếp hạng các cấp; sự phong phú tài nguyên du lịch sinh thái với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia và hệ thống hang động, sông suối, hồ nước dày đặc. Đồng thời, sự xuất hiện của các nhân tố mới có ảnh hưởng tích cực tới định hướng phát triển ngành du lịch như Cảng Hàng không Thọ Xuân đang được nâng cấp thành Cảng Hàng không quốc tế; đường duyên hải ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa và cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa đang được khởi công; Khu Kinh tế Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động... Có thể nói, chính những lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” ấy đã và đang biến Thanh Hóa trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần du lịch.

FLC Sầm Sơn - điểm nghỉ dưỡng thu hút khách 4 mùa.

Nhìn từ các đô thị động lực

Vài năm trở lại đây, Sầm Sơn đang trở thành cái tên “hot” trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhờ bởi sự trở lại ngoạn mục của nó sau nhiều năm trì trệ do lối làm du lịch thiếu bài bản và tầm nhìn. “Chất men” làm nên sự thăng hoa cho du lịch Sầm Sơn trước hết ở tư duy mới và quyết tâm mới trong phát triển du lịch từ tỉnh đến thành phố. Song, một trong những nguyên nhân có tính quyết định làm nên đô thị Sầm Sơn ngày càng hiện đại về diện mạo và chuyên nghiệp trong du lịch, nhất thiết phải kể đến sự hiện diện của các nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực. Với mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển có bản sắc, thương hiệu, hiện đại, đẳng cấp quốc gia và quốc tế; đồng thời, tạo ra “vùng động lực” cho du lịch Thanh Hóa và đưa Sầm Sơn dần tiệm cận mục tiêu trở thành 1 trong 12 đô thị du lịch trọng điểm quốc gia vào năm 2020; trong vòng 5 năm, tỉnh Thanh Hóa đã dồn lực cho Sầm Sơn phát triển, với tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 7.000 tỷ đồng. Qua đó, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Sầm Sơn ngày càng đồng bộ, hiện đại; kinh tế du lịch phát triển vượt bậc cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả; sản phẩm du lịch ngày càng hoàn chỉnh, chất lượng; môi trường du lịch ngày càng an toàn, thân thiện... Đó cũng chính là những yếu tố để định hình nên diện mạo của “một thành phố đáng sống” trong tương lai!

Điểm nhấn trên bức tranh thu hút đầu tư vào Sầm Sơn những năm qua không thể không nhắc đến Quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn – cái tên đang trở nên quen thuộc với những du khách muốn tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm Sầm Sơn ở tầm cao hơn về chất lượng và đẳng cấp. Với đầy đủ các hạng mục đạt tiêu chuẩn 5 sao như bể bơi ngoài trời lớn nhất Việt Nam với diện tích 5.100m2 và 152 bể bơi trong nhà; golf links 18 hố và chuỗi nhà hàng, cà phê, spa sang trọng; hệ thống 1.000 phòng tiêu chuẩn 5 sao; hệ thống Hubway dọc đường Hồ Xuân Hương... Ngoài ra, FLC đang triển khai giai đoạn 2 dự án đô thị phức hợp du lịch kết hợp vui chơi giải trí FLC Lux City Samson, bao gồm 700 căn shophouse, shoptel, nhà ở liền kề, hơn 400 căn hộ khách sạn, 60 biệt thự cao cấp và 70 tiện ích giải trí hiện đại như phố đi bộ, trung tâm thương mại, con đường 3D, khu tổ chức sự kiện ngoài trời, công viên vui chơi giải trí 4 mùa, hệ thống nhà hàng Á-Âu... Dự kiến khi đi vào hoạt động trong năm 2018, FLC Lux City Samson sẽ góp phần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống dịch vụ tiện ích của quần thể nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn.

Không có lịch sử khai thác hơn 1 thế kỷ, cũng chưa có dáng dấp của đô thị du lịch hiện đại như Sầm Sơn, song, Khu Du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) đang từng bước tạo dựng được vị thế trên biểu đồ phát triển du lịch Thanh Hóa. Hải Tiến hấp dẫn ở vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh tại, gần gũi với thiên nhiên, cùng hệ thống cơ sở vật chất ngày càng đồng bộ và có “chất” riêng nhờ bởi không gian kiến trúc được quy hoạch khá bài bản. Để có được diện mạo như hiện tại, dấu ấn của các nhà đầu tư tại Hải Tiến là rất rõ ràng. Theo quy hoạch chung đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2750/QĐ-UBND, ngày 14-8-2009, Khu Du lịch Hải Tiến có tổng diện tích 400,64 ha, trên bãi biển dài 10 km. Hiện, Hải Tiến đã thu hút được 6 nhà đầu tư lớn là các công ty Hải Tiến, Euro, Phương Trang, Xứ Đoài, Ngân Hạnh, Thanh Vân và 50 nhà đầu tư thứ cấp là các chủ khách sạn, nhà nghỉ. Với tổng vốn đầu tư trên 4.500 tỷ đồng, đến hết 2017, Khu Du lịch Hải Tiến đã có 56 cơ sở lưu trú, với 4.300 phòng. Dự kiến trong năm 2018 sẽ đưa vào hoạt động thêm 9 cơ sở, nâng tổng số phòng lưu trú lên trên 5.000 phòng. Cùng với đó, hệ thống giao thông, kè biển, cây xanh, cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, thay vì hình ảnh bê tông cốt thép nặng nề như một biểu hiện về sức nóng tăng trưởng, trong quy hoạch xây dựng tại Hải Tiến, chính quyền địa phương đã chú trọng đến việc cân bằng, hài hòa giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo. Dễ thấy nhất là màu xanh ngắt của rặng phi lao ngút ngàn và hoa lá đan xen giữa những căn biệt thự, khách sạn đang mọc lên nhanh chóng tại khu du lịch. Đây chính là điểm nhấn cảnh quan mang lại cho Hải Tiến sức hấp dẫn riêng, qua đó thu hút được 1,2 triệu lượt khách du lịch trong năm 2017.

Có thể khẳng định, sự phát triển của các khu đô thị du lịch ven biển mà động lực là Sầm Sơn và Hải Tiến là phù hợp với định hướng đưa du lịch nghỉ dưỡng biển trở thành sản phẩm mũi nhọn; đồng thời, tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Song, quan trọng hơn, sự phát triển theo hướng đồng bộ và ngày càng hiện đại của hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch tại Sầm Sơn và Hải Tiến cũng là minh chứng cho quan điểm kêu gọi đầu tư của Thanh Hóa: “Thành công của doanh nghiệp và các nhà đầu tư là thành công của tỉnh”!

Điểm sáng thu hút đầu tư

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời, du lịch được xếp vào 1 trong 5 trụ cột chính ưu tiên tập trung phát triển của tỉnh Thanh Hóa trong Dự thảo báo cáo “Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040”, do Tập đoàn Boston tư vấn xây dựng. Đây được xem là định hướng chiến lược quan trọng cho sự phát triển ngành du lịch 3 thập kỷ tới. Cũng trên cơ sở này, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tiếp tục có những cam kết mạnh mẽ trong việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn, hiệu quả nhằm thu hút các nhà đầu tư nói chung, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực du lịch vốn rất giàu tiềm năng của tỉnh. Đó là hàng loạt các giải pháp chính sách về quy hoạch, đất đai, đào tạo lao động, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thời gian xét duyệt hồ sơ và chấp thuận cấp phép đầu tư theo hướng đơn giản, thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm tạo dựng được môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, ngày càng văn minh, hiện đại. Điển hình là Sầm Sơn, hiện 100% các đơn vị và hộ kinh doanh thực hiện cam kết sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh; các cơ sở lưu trú thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường; các đường dây nóng được duy trì để kịp thời nắm bắt thông tin, giúp du khách giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, an toàn tính mạng và tài sản; tệ nạn xã hội được lực lượng công an ngăn chặn và xử lý triệt để; hiện tượng “chặt chém”, bắt chẹt du khách được kiểm soát chặt chẽ...

Theo thống kê của ngành chức năng, đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 40 quy hoạch phát triển du lịch được phê duyệt. Trong đó, giai đoạn 2015-2017 đã triển khai lập 20 quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch. Việc xây dựng quy hoạch có nội dung phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đã tạo cơ sở để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, cũng như thu hút các nhà đầu tư. Tính đến tháng 12-2017, toàn tỉnh đã có 740 cơ sở lưu trú với 25.900 phòng, trong đó 225 cơ sở được xếp hạng từ 1-5 sao tương đương 11.300 phòng. Ngoài ra, cũng trong 3 năm trở lại đây, đã có 18 dự án đầu tư hạ tầng du lịch được triển khai, với tổng dự toán được phê duyệt là trên 3.365 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh là gần 1.000 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư tại các khu, điểm du lịch là Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng, Lam Kinh...

Với số dự án đã, đang triển khai và tổng vốn đăng ký lớn, có thể nói, Thanh Hóa hiện là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch của cả nước. Song, minh chứng thuyết phục hơn cho điều này chính là sức hút đối với các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh và giàu kinh nghiệm ở phân khúc đầu tư cao cấp. Theo đó, bên cạnh các dự án của Tập đoàn FLC (cả giai đoạn I và II) tại Sầm Sơn, Thanh Hóa còn ghi nhận sự hiện diện mạnh mẽ của các tên tuổi lớn khác như Tập đoàn Vingroup với dự án khu thương mại, dịch vụ, khách sạn 5 sao tại TP Thanh Hóa; Công ty Nhiệt lạnh Hải Nam với dự án khách sạn Central 5 sao tại TP Thanh Hóa; Tập đoàn Sungroup với các dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn; Công ty CP Xây dựng FLC Faros với dự án khu đô thị du lịch sinh thái biển huyện Quảng Xương; Công ty BRG với dự án đầu tư khu đô thị du lịch ven biển xã Quảng Thạch và xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương)... Với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng, các dự án này hứa hẹn mở ra triển vọng phát triển mới cho du lịch Thanh Hóa.

Có thể nói, những đột phá trong xây dựng chính sách và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền là chìa khóa mở ra cánh cửa đầu tư thân thiện, hấp dẫn, an toàn và hiệu quả đối với các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, so với tiềm năng vốn có, đặc biệt là so sánh với một số tỉnh, thành có cùng lợi thế ở khu vực duyên hải miền Trung, thì sức hút đầu tư của Thanh Hóa vẫn chưa tương xứng và chưa tạo được lợi thế cạnh tranh lớn. Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp chính sách nhằm thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực đầu tư vào du lịch thời gian tới, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn rất cần những “chính sách mũi nhọn” về cơ chế, thủ tục hành chính, xây dựng hạ tầng, xúc tiến quảng bá, cải thiện môi trường đầu tư và nhất là cách ứng xử, sự cam kết, đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện và đưa sản phẩm ra thị trường. Đơn cử như trong xúc tiến, quảng bá, thay vì lồng ghép trong các hội nghị xúc tiến đầu tư chung, rất cần có các cuộc xúc tiến chuyên đề về du lịch. Đặc biệt là cần “xúc tiến có địa chỉ”, nghĩa là phải xác định được Thanh Hóa đang có gì và cần gì để kêu gọi đầu tư cho “trúng”. Bên cạnh đó, phải xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác và số hóa dữ liệu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, tiếp cận. Ngoài ra, giải pháp mang tính quyết định nhất là phải thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, kinh nghiệm và thương hiệu. Bởi hiệu quả mang lại từ các dự án đầu tư này không chỉ là hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất hiện đại, khả năng thu hút du khách mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo dựng thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa.

Nếu lấy Năm du lịch Quốc gia 2015 – Thanh Hóa làm mốc thì trong 3 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã đón được 18,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,6%, tổng thu từ du lịch đạt 19.470 tỷ đồng. Đây là thành quả từ quyết tâm chính trị cao nhất và nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, trong đó, không thể không nhấn mạnh đến vai trò của các nhà đầu tư như một động lực quan trọng. Chính sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả của các nhà đầu tư đang góp phần đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam trong tương lai.


Bài và ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]