(Baothanhhoa.vn) - Với nhiều nỗ lực, những năm trở lại đây, người dân bản Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) đã tận dụng cảnh quan thiên nhiên, sản vật có sẵn tại địa phương và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái để phát triển du lịch cộng đồng. Đây là “tín hiệu” trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên giới huyện Thường Xuân.

Phát triển du lịch ở bản biên giới Bát Mọt

Với nhiều nỗ lực, những năm trở lại đây, người dân bản Vịn, xã Bát Mọt (Thường Xuân) đã tận dụng cảnh quan thiên nhiên, sản vật có sẵn tại địa phương và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái để phát triển du lịch cộng đồng. Đây là “tín hiệu” trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên giới huyện Thường Xuân.

Phát triển du lịch ở bản biên giới Bát Mọt

Đội văn nghệ bản Vịn, xã Bát Mọt tập luyện tiết mục để phục vụ du khách. Ảnh: Xuân Anh

Bản Vịn cách trung tâm huyện Thường Xuân khoảng 80km. Bản có 180 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, 100% số hộ của bản còn lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống. Đây là một trong những bản còn gìn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống khá nguyên vẹn trên địa bàn huyện Thường Xuân. Đến bản Vịn du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên đẹp tựa bức tranh thủy mặc, mà còn được tìm hiểu kiến trúc truyền thống của những nếp nhà sàn của người Thái, thưởng thức những món ăn truyền thống và được đắm mình trong những làn điệu dân ca, dân vũ, điệu múa đặc sắc do các cô gái Thái biểu diễn bên ánh lửa bập bùng.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nếp nhà sàn, các giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, trong thời gian qua, xã Bát Mọt đã vận động, tuyên truyền các hộ dân có đủ điều kiện tiến hành cải tạo nhà sàn, chỉnh trang vườn nhà, hàng rào, cổng, ngõ làm du lịch cộng đồng. Năm 2021, có 10 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng. Hiện các hộ dân đang cải tạo nhà ở, cảnh quan môi trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đang sẵn sàng đón khách du lịch, trong đó, có 2 hộ đã đủ điều kiện đón khách du lịch.

Theo sự chỉ dẫn của trưởng bản, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vi Thanh Tùng, một trong những hộ dân tiên phong làm du lịch cộng đồng của bản Vịn. Ngôi nhà sàn của gia đình ông Tùng nằm giữa lưng chừng đồi, phía sau nhìn ra rừng tự nhiên xanh ngút ngàn, trước mắt là ruộng bậc thang và những vạt hoa luôn rực rỡ sắc màu. Homestay của gia đình ông là một trong những điểm nhấn của du lịch cộng đồng tại bản Vịn.

Ông Vi Thanh Tùng cho biết: “Thời gian qua, được sự hướng dẫn của xã, gia đình tôi đã đầu tư vốn để chỉnh trang nhà ở, mua sắm trang thiết bị, xây dựng khu vệ sinh để phục vụ du khách đến tham quan và trải nghiệm. Việc phát triển du lịch đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho gia đình tôi. Mặc dù khách du lịch đến nghỉ, sử dụng các dịch vụ của gia đình chưa nhiều, nhưng bước đầu đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Tôi tin rằng với cảnh đẹp, con người thân thiện, phong cách phục vụ tận tình chu đáo và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, du lịch bản Vịn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai”.

Cũng như ông Vi Thanh Tùng, ông Lang Văn Cương phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi và nhiều hộ trong bản chưa bao giờ nghĩ rằng việc làm một ống cơm lam, nướng một con cá, vò rượu cần lại có thể trở thành một sản phẩm du lịch. Giờ đây các sản phẩm này mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trong bản. Điều này, khiến bà con trong bản vui mừng lắm! Vì vậy, khi có khách du lịch đến nghỉ và ăn uống, tôi thường nhắc nhở các thành viên trong gia đình phải chế biến các món ăn thật ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm và phục vụ chu đáo, tận tình để lần sau du khách sẽ trở lại”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tất cả các ngôi nhà tại bản Vịn được gắn số nhà. Việc gắn số nhà giúp cho chính quyền nắm bắt được thông tin, khi có sự việc diễn ra và thuận tiện cho khách du lịch khi tìm chỗ lưu trú. Hiện nay cùng với 2 hộ đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ homestay, bản Vịn còn có nhiều người tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch như: Tham gia nhóm văn nghệ, nhóm phục vụ ăn uống, hướng dẫn viên, cho thuê phương tiện, bán hàng... tổng số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch khoảng 40 người. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở bản Vịn không chỉ giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho nhiều người trong bản với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/ tháng, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững của bản Vịn.

“Những hoạt động homestay ở bản Vịn đã đánh thức tiềm năng du lịch, đưa văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đến gần với du khách trong và ngoài nước, thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá. Hướng tới mục tiêu đưa du lịch homestay trở thành nguồn thu nhập chính cho Nhân dân bản Vịn, xã Bát Mọt đang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phối hợp với cơ quan chức năng làm tốt công tác quảng bá định hướng phát triển mô hình du lịch đến từng hộ dân; triển khai đào tạo, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, lễ tân, chế biến món ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; phát triển sản phẩm đặc trưng rượu siêu men lá... Qua đó, góp phần tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế gắn với việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa “hồn cốt” của cha ông”, ông Lang Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho biết.

Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]