(Baothanhhoa.vn) - Với nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch tự nhiên hết sức phong phú, đa dạng, vài năm trở lại đây du lịch sinh thái đang trở thành sản phẩm thế mạnh của Thanh Hóa. Đây là một loại hình du lịch còn khá “trẻ”, song với tiềm năng và khả năng khai thác, du lịch sinh thái đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa, thu hút sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế.

Nâng chất lượng sản phẩm - tạo lợi thế cạnh tranh: Du lịch sinh thái: “Nam châm” hút khách bốn mùa

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch tự nhiên hết sức phong phú, đa dạng, vài năm trở lại đây du lịch sinh thái đang trở thành sản phẩm thế mạnh của Thanh Hóa. Đây là một loại hình du lịch còn khá “trẻ”, song với tiềm năng và khả năng khai thác, du lịch sinh thái đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch 4 mùa, thu hút sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế.

Nâng chất lượng sản phẩm - tạo lợi thế cạnh tranh: Du lịch sinh thái: “Nam châm” hút khách bốn mùa

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông - điểm đến hấp dẫn khách du lịch suốt 4 mùa. Ảnh: Nguyễn Đạt

Tiềm năng và triển vọng của du lịch sinh thái

Những năm gần đây, từ khóa “du lịch Pù Luông” không chỉ tăng vượt trội trên các công cụ tìm kiếm qua internet, mà còn là cái tên đầy triển vọng trên bản đồ du lịch sinh thái - cộng đồng Việt Nam. Bởi nơi đây, không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc núi non thơ mộng hữu tình, mà thiên nhiên còn thay đổi theo nhịp xoay vần của bốn mùa với đủ sắc màu, tinh tế và ấn tượng. Nếu như mùa xuân, mùa thu là khoảng thời gian Pù Luông khoác lên mình màu xanh non của lúa mới, màu của nhựa sống, của khát vọng bình dị từ cuộc sống ở các bản, làng người Thái, Mường. Thì mùa hè, Pù Luông lại rực rỡ với gam vàng tươi của lúa chín. Nếu đứng trên cao mà nhìn xuống thì Pù Luông không khác gì một biển vàng đang trào dâng sức sống. Dịp đông, Pù Luông lại mờ mờ ảo ảo trong màn sương bao phủ, đến đây du khách lại được thả hồn ngắm nhìn mây trời, tận hưởng bầu không khí se lạnh, một không gian bình yên, thơ mộng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua huyện Bá Thước đã chú trọng phát triển du lịch sinh thái ở Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Pù Luông với những sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, trở thành “kỳ quan bốn mùa” khắc phục yếu tố du lịch mùa vụ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII cũng đã xác định phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa huyện Bá Thước thoát khỏi huyện nghèo và trở thành huyện khá của các huyện miền núi Thanh Hóa năm 2025. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng chương trình hành động phát triển du lịch huyện Bá Thước đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 và Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, chú trọng đến việc xây dựng quy hoạch liên kết các khu, điểm du lịch trên địa bàn và đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu du lịch Son - Bá - Mười (năm 2015), Khu du lịch Thác Hiêu (năm 2018), Khu du lịch Thác Muốn (năm 2020). UBND huyện cũng đã phê duyệt quy hoạch 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn), tiến tới quy hoạch tổng thể phát triển du lịch 6 xã Cụm Quốc Thành, cụm kinh tế nằm trong Khu du lịch Pù Luông (năm 2019). Ngoài ra, năm 2019 bản Đôn, bản Kho Mường, bản Báng và thác Hiêu đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Đây là cơ sở để đưa Pù Luông trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn khách trong nước và quốc tế suốt 4 mùa.

Cùng với đó, hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại KBTTN Pù Luông từng ngày được mở rộng về quy mô và nâng dần về chất lượng. Hiện nay, tại đây đã có 73 cơ sở lưu trú, với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 231 buồng, phòng, 950 giường với công suất đón khách trên 1.200 lượt khách/ngày, đêm, tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng. Đặc biệt, tại đây còn có những cơ sở lưu trú cao cấp như Puluong Retreat, Eco Garden, Puluong Natura và đang triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Nhờ được đầu tư quy mô, cùng những cách làm du lịch bài bản, hiệu quả kinh tế về du lịch ở KBTTN Pù Luông ngày càng tăng mạnh thể hiện ở số lượng khách tham quan và tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch. Trong năm 2021, dù tình hình dịch COVID-19 diễn ra rất phức tạp, thế nhưng Pù Luông vẫn đón được 37.237 lượt (trong đó khách quốc tế: 3.039 lượt; khách trong nước: 34.198 lượt). Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 31 tỷ đồng.

Từ “điểm sáng” du lịch sinh thái ở Pù Luông đã cho thấy hiệu quả cũng như việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch này tại Thanh Hóa. Trên thực tế, vài năm qua, đã có nhiều khu, điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh như thác Voi, thác Mây (Thạch Thành), thác Đồng Quan (Như Xuân), KBTTN Xuân Liên (Thường Xuân)... đã chú trọng đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái. Nói về vấn đề này, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Với ưu thế là loại hình du lịch không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của những thị trường du lịch trọng điểm, có khả năng chi trả cao mà còn góp phần tích cực vào bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa bản địa và phát triển cộng đồng, du lịch sinh thái được xác định là một trong những ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa. Hơn nữa, Thanh Hóa lại là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “rừng vàng”, đến “biển bạc” với hệ thống cảnh quan thiên nhiên vô cùng phong phú đa dạng. Từ vùng đất biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa xinh đẹp, đầy nắng gió. Đến một vùng núi non “sơn thủy hữu tình”, với các KBTTN Xuân Liên, Pù Luông, Pù Hu; rồi, còn một hệ thống hang động, thác nước tự nhiên như thác Ma Hao, thác Muốn, thác Đồng Quan, thác Mây..., cùng hệ thống sông, hồ như hồ sông Mực, hồ Pha Đay, hồ thủy điện Cửa Đạt và một “vệt dài” các di tích văn hóa, lịch sử, môi trường quý giá như Lam Kinh, đền Bà Triệu...; đến những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao... sẽ là cơ hội lớn để Thanh Hóa đầu tư vào loại hình du lịch sinh thái, hướng tới phá thế “độc canh” du lịch mùa vụ, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhất là dòng khách quốc tế suốt 4 mùa.

Bởi vậy, Thanh Hóa xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Coi đó là nền tảng để định hướng, định hình các sản phẩm phát triển du lịch sinh thái. Trong giai đoạn 2018-2020, Thanh Hóa đã tổ chức nghiên cứu lập 15 quy hoạch các điểm đến du lịch sinh thái, với tổng vốn đầu tư 10.901 triệu đồng, như: quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái Son - Bá - Mười, quy hoạch phân khu 1/2000 Khu du lịch Thác Hiêu và quy hoạch phân khu Khu du lịch Thác Muốn (Bá Thước); quy hoạch phân khu thác Voi (Thạch Thành); quy hoạch chung 1/10.000 Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh)... Với sự quan tâm đầu tư, đến nay đã hình thành các điểm đến, các khu du lịch sinh thái thu hút khách du lịch trên địa bàn tỉnh, như: Khu du lịch Pù Luông (Bá Thước), Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh), KBTTN Xuân Liên (Thường Xuân), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), thác Voi, thác Mây (Thạch Thành), thác Ma Hao - bản Năng Cát (Lang Chánh)... Cùng với đó là các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái theo mô hình trang trại được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch, như: Nông trại Golden Cow, xã Lương Sơn (Thường Xuân); Nông trại Happy Farm, xã Thiệu Tân (Thiệu Hóa); Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) và Khu dịch vụ thương mại tổng hợp Yên Trung, xã Yên Trung (Yên Định)... Với lợi thế về diện tích đất rộng, thoáng, không gian sinh thái nhiều cây xanh, gần gũi với thiên nhiên nên các sản phẩm du lịch tại đây đã và đang thu hút đông đảo sự quan tâm của khách du lịch.

Vì là loại hình du lịch đang khá hot hiện nay, nên du lịch sinh thái đang trở thành “nam châm” thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh đã đón được trên 2,2 triệu lượt khách, chiếm 5,7% tổng lượt khách du lịch toàn tỉnh (gấp 1,9 lần giai đoạn 2011-2015); tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,1%/năm. Tổng thu du lịch đạt 3.269 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng thu du lịch toàn tỉnh.

Chiến lược “du lịch sinh thái 4 mùa”

Với tiềm năng to lớn về tự nhiên, cùng với nhu cầu về thực tế của cuộc sống, việc phát triển du lịch sinh thái là tất yếu và chắc chắn sẽ là xu hướng du lịch “nở rộ” trong một vài năm tới. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển du lịch sinh thái một cách bền vững, tạo điểm nhấn để thu hút khách suốt 4 mùa cũng đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương trong tỉnh. Bởi, khách quan nhìn nhận thì nhiều địa phương đã thực sự chú trọng đầu tư loại hình du lịch này, song hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng. Ví như, tại KBTTN Xuân Liên, luôn được biết đến là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao không chỉ ở Thanh Hóa mà còn ở Việt Nam, với 35 loài thực vật có trong Sách đỏ Việt Nam, 12 loài trong Sách đỏ Thế giới như Pơ mu, Sa mu, Bách xanh, Dẻ tùng sọc trắng...; nơi đây còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, như: thác Thiên Thủy, thác Hón Yên, thác Hón Ý phân bố liền kề hồ Cửa Đạt; cùng những bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái vẫn còn được lưu giữ... Với lợi thế đó, KBTTN Xuân Liên hội tụ đầy đủ tiềm năng và cơ hội để phát triển du lịch sinh thái thu hút đông đảo khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Thế nhưng, trên thực tế hiệu quả không như mong đợi. Bởi, theo số liệu thống kê năm 2021, trong tổng số 3.450 lượt khách đến tham quan hồ Cửa Đạt - KBTTN Xuân Liên thì có 100% là khách nội địa, đa phần là khách lẻ và tự phát, và lượng khách cũng chỉ tập trung vào một số mùa du lịch trọng điểm trong năm như lễ tết, lễ hội, nghỉ hè... Bởi vậy, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, du lịch sinh thái tại KBTTN Xuân Liên nói riêng và các huyện có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái như Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn... đều đang tồn tại nhiều hạn chế. Đó là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; chưa xây dựng được sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút du khách và khả năng cạnh tranh còn thấp; hệ thống các cơ sở lưu trú, ẩm thực, điểm vui chơi, giải trí, điểm mua sắm, sản phẩm hàng hóa đặc sản... chưa được đầu tư bài bản. Trong khi đó, nhiều địa phương hiện nay vẫn chú trọng phát triển du lịch sinh thái theo hướng “mùa nào làm thứ đó”. Tức là du lịch chỉ được đầu tư trọng điểm vào một số thời gian nhất định trong năm - “mùa cao điểm du lịch” như dịp lễ tết, lễ hội, nghỉ hè...

Trao đổi về vấn đề này, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong cơ cấu ngành du lịch Thanh Hóa, du lịch sinh thái đóng vai trò quan trọng, vừa là bộ phận chính, vừa đóng vai trò làm “đòn bẩy” cho các loại hình du lịch khác. Bởi vậy, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó có phát triển du lịch sinh thái, tỉnh ta đã ban hành “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020” và “Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt và tập trung chỉ đạo triển khai nhiều đề án thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái phát triển, như: Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại các địa phương Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Như Xuân... Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng KBTTN Xuân Liên, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh... Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để tạo sức hút cho ngành du lịch của tỉnh. Tạo ra những sản phẩm mà các địa phương khác không thể thay thế được sẽ tạo động cơ cho du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Cùng với đó, là chú trọng liên kết phát triển, xây dựng các tour, tuyến du lịch bền vững; quan tâm công tác xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, quan tâm đầu tư kết nối giữa các khu, điểm du lịch, danh thắng của tỉnh với các vùng trọng điểm du lịch cả trong và ngoài tỉnh...

Với những cách làm bài bản, chiến lược trong phát triển du lịch sinh thái sẽ là bước đi đột phá, tạo động lực cho du lịch Thanh Hóa tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững. Đồng thời, đó cũng chính là “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch đến với Thanh Hóa trong suốt 4 mùa.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]