(Baothanhhoa.vn) - Với những người con đất biển đã không ngần ngại gắn bó cả cuộc đời mình với biển như con người ta bám lấy quê hương. Những khoang thuyền đầy ắp tôm cá là món quà ý nghĩa nhất đối với cuộc sống của những người đã và đang ngày ngày tiến về phía biển để mưu sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lời ru ngọt ngào của biển

Với những người con đất biển đã không ngần ngại gắn bó cả cuộc đời mình với biển như con người ta bám lấy quê hương. Những khoang thuyền đầy ắp tôm cá là món quà ý nghĩa nhất đối với cuộc sống của những người đã và đang ngày ngày tiến về phía biển để mưu sinh.

Lời ru ngọt ngào của biển

Anh Lê Văn Sơn xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa), một ngư dân đã 40 năm gắn bó với nghề biển. Ảnh: Vân Anh

Bãi biển xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa) một buổi sáng tinh sương, giữa tháng 4. Những người con của biển đang tất bật mưu sinh. Người gánh nước, người rửa cá, người khuân cá... Từng chiếc mảng chầm chậm tiến vào bờ, sau một đêm dài căng mình với sóng gió. Âm thanh cuộc sống trộn lẫn vào tiếng sóng, tiếng gió và cát khi nhìn những gương mặt đầy vết chân chim, những đôi bàn tay rám màu nắng biển. Họ nói cười, hỏi han, quan tâm nhau bằng những cảm xúc chân thành, cởi mở, phóng khoáng: “Con có mệt lắm ko?. Ông nó ăn gì để tôi bảo con đi mua?. Đêm qua trở gió, kéo lưới chắc vất vả lắm, anh nhỉ?!...”. Với mỗi ngư dân vùng biển, thành quả lao động không chỉ được đo đếm bằng số lượng cân, yến, tạ, tấn của tôm, cá, mà còn được hiện hữu bằng hai chữ “bình an” khi hạnh phúc nhìn thấy người thân mình trở về sau một đêm dài lao động cật lực. Thật vậy, biển có thể cho họ mọi thứ, nhưng cũng sẵn sàng lấy đi tất cả. Người làng biển sinh ra và lớn lên tựa như hàng thông trước gió. Mạnh mẽ và can trường. Dù phong ba, bão táp vẫn thi gan cùng sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Dẫu vậy, đằng sau sự mạnh mẽ đó, trong họ, đó là một tâm hồn sâu sắc, khát khao yêu thương và luôn mưu cầu hai chữ “bình yên”.

Sáng nay bờ biển xã Hoằng Thanh rôm rả hơn mọi ngày. Ai cũng kháo nhau chuyến đi biển đêm qua ngư dân trúng đậm cá đối. Tôi tìm đến chiếc mảng của ngư dân Lê Văn Sơn. Sau một đêm dài lênh đênh sóng nước, nét phờ phạc hiện rõ lên gương mặt của anh. Dẫu vậy, khi được những vị khách vãng lai bắt chuyện, anh vẫn niềm nở bằng nụ cười thường trực trên môi, để đáp lễ. Tôi hỏi anh Sơn về màu cá đối của 3 tháng đầu năm. Giữa tiếng vi vu, ầm ào của gió, của sóng, giọng người đàn ông vùng biển ồm ồm, vang vọng: “3 tháng đầu năm biển ít động nên chúng tôi ra khơi đều đặn hơn mọi năm. Số lượng cá đối đánh được có ít hơn, nhưng đổi lại giá cá đối năm nay lại cao hơn năm trước, nên tính ra năm nay mùa cá đối cũng mang lại cho ngư dân nhiều lộc” - Anh Sơn hồ hởi. Tôi thấy lạ. Sao con trai làng biển ai cũng có thói quen nói to? Có lẽ, bởi lênh đênh trên biển họ phải nói thật to để còn át tiếng sóng. Từ suy nghĩ, tác phong, ăn nói, hành động... đều dứt khoát, mau lẹ. Chỉ cần một chút bất cẩn, một giây chần chừ đều có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Dần dần, môi trường làm thay đổi con người, biến họ thành một khuôn mẫu chung: Mạnh mẽ, rắn rỏi. Anh Sơn kể, 17 tuổi, anh đã có chuyến ra khơi đầu tiên. Ở cái lần đầu tiên đó, con thuyền chưa kịp xa bờ, anh đã chóng mặt, nôn ọe. Cha anh chỉ cười, ông bảo đó là thử thách đầu tiên của mọi chàng trai làng biển nếu muốn cưỡi sóng làm chủ biển cả. Cũng giống như trẻ con sinh ra phải khóc vậy. Và những chuyến đi biển trở nên đều đặn. Anh thuộc làu những động tác căn bản mỗi khi lên thuyền, từ buông lưới, thả cần câu đến chèo thuyền... Rồi cha anh già đi. Ánh mắt của cha không còn tinh tường sau bao đêm thức trắng chạy bão. Đôi chân, cánh tay săn chắc, nhanh nhẹn ngày nào có thể vật lộn với sóng dữ đã trở nên chậm chạp. Anh thay cha nối tiếp chặng hành trình dài tưởng chừng vô tận như biết bao lớp trai trẻ làng biển khác. Nhà anh đã 3 đời đi biển. Chào đời, trong vị ngọt của sữa mẹ, anh còn thấy cả vị mặn mòi của biển cả. Nghiệp cha ông, những người con trai trong gia đình đời nọ nối tiếp đời kia. Giờ đây ở độ tuổi 57, đã 40 năm lênh đênh sóng nước, người đàn ông này vẫn chưa muốn dừng lại: “Biển đã trở thành mái nhà thứ 2 của tôi. 41 năm, tôi bám biển, giờ đây ngoài tôi, 2 cậu con trai của tôi cũng đang nối nghiệp cha gắn mình với sóng gió. Biển cho chúng tôi cá ăn, cơm ăn, áo mặc, biển giúp chúng tôi duy trì cuộc sống và gây dựng tương lai. Chúng tôi biết ơn sự hào phóng ban đãi của biển cả”.

Rời ngư trường xã Hoằng Thanh, chúng tôi đến Cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, tàu thuyền ra vào tấp nập, nối đuôi nhau cập cảng. Người chuyên bốc cá, thương lái, người thân thuyền viên... đứng chật hai bên bờ cảng. Họ chờ những chuyến tàu đang mang “lộc biển” trở về. Ngoài mực, những tháng đầu năm cũng là thời điểm vào mùa cá đối, bề bề. Cá đối xuất hiện nhiều ở khu vực ngư trường Vịnh Bắc bộ từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch. Nhiều ngư dân ưu tiên chuyển sang đánh cá đối là chính. Chúng tôi tìm đến tàu TH 93458 chuyên thu mua cá đối của anh Phạm Văn Hòa, phường Quảng Tiến vừa cập bến. Từ đầu mùa đến bây giờ đã hơn 3 tháng, tàu của anh đã thu mua được 12 chuyến cá đối với sản lượng 400 tấn. Cá đối được anh mua theo khay, mỗi khay 10kg với giá 80 nghìn đồng. Tính ra mỗi chuyến ra khơi khoảng 1 tuần trung bình thu mua được 50 tấn cá đối, trừ chi phí cũng lãi gần 100 triệu đồng. Rời tàu thu mua, chúng tôi lên tàu chuyên khai thác TH 90459 của chủ tàu Ngô Văn Xuân, phường Quảng Tiến, khi mọi người đang chuẩn bị cho một chuyến ra khơi. Người vá lưới, người chỉnh lại hệ thống định vị, người chuẩn bị lương thực... “Thuyền trưởng”, người đàn ông có gương mặt phúc hậu, nước da ngăm đen, đang ngồi vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến đi biển. Hai tay thoăn thoắt với chiếc kim, may vá lại từng mảnh lưới bị rách, chủ tàu Ngô Văn Xuân mở lời: Thời điểm từ tháng 5 đến tháng hết tháng 9 âm lịch, vùng biển khu vực đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Vịnh Bắc bộ có ít cá đối. Muốn đánh bắt, phải vào sâu trong tận vùng biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đến tháng 10-11 âm lịch thì cá đối dần di chuyển ra vùng biển Quảng Bình nên tàu thuyền lại tập trung về vùng biển này khai thác. Bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch chính là mùa cá đối ở ngư trường các tỉnh, thành phố phía Bắc. Từ đầu vụ đến nay, tàu đã ra khơi một chuyến và khai thác được 10 tấn, trừ chi phí cũng có lãi 100 triệu đồng. Nói thêm về khai thác cá đối, ông Xuân cho hay: “Nhà nước hỗ trợ trang bị cho tàu hệ thống định vị, máy quét nên việc đánh bắt cũng dễ dàng hơn trước. Tính trung bình mỗi mùa cá đối dịp đầu năm tàu ra khơi khoảng 6 chuyến, mỗi chuyến khai thác được 15 đến 20 tấn. Trừ chi phí thu về được khoảng 500 triệu đồng”.

Với những người con đất biển đã không ngần ngại gắn bó cả cuộc đời mình với biển như con người ta bám lấy quê hương. Những khoang thuyền đầy ắp tôm cá là món quà ý nghĩa nhất đối với cuộc sống của những người đã và đang ngày ngày tiến về phía biển để mưu sinh. Biển hôm nay sao yên bình quá đỗi, tiếng hát của họ ngân vang giữa biển khơi hoà nhịp cùng sóng vỗ vào mạn tàu. Nhịp hò khoan, tiếng cười nói rộn rã với những mẻ cá đầy lấp lánh vảy bạc. Những ánh mắt rạng ngời niềm vui xua đi bao nhọc nhằn. Sau chuỗi ngày dài lênh đênh trên sóng nước, con tàu rẽ sóng trở về đất liền làm nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Những cái bắt tay, chào hỏi nhau vội vã, bến cá tấp nập kẻ bán người mua át cả tiếng sóng vỗ rì rào như lời ru ngọt ngào của biển.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]