(Baothanhhoa.vn) - Du lịch làng nghề, dù là hình thức còn khá mới mẻ, thế nhưng với những ưu thế mang lại, đó là vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thế nên, phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, đang được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Khai thác du lịch làng nghề: Một mũi tên trúng 2 đích

Du lịch làng nghề, dù là hình thức còn khá mới mẻ, thế nhưng với những ưu thế mang lại, đó là vừa tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Thế nên, phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, đang được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

Khai thác du lịch làng nghề: Một mũi tên trúng 2 đíchLàng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thanh Hóa là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm, như: làng nghề đúc đồng Trà Đông (Thiệu Hóa), dệt chiếu cói (Nga Sơn), nước mắm Do Xuyên Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà, nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa); bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), hay làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, bản Na Chừa, xã Mường Chanh (Mường Lát)... Mỗi một làng nghề không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là nơi hội tụ bản sắc, có nét độc đáo riêng, góp phần giới thiệu sinh động về con người, tập quán sinh hoạt của mỗi vùng miền. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm của thời gian, có nhiều làng nghề tưởng chừng đã mai một. Thế nhưng, nhờ sự nỗ lực, sự quan tâm của các cấp, ngành cùng sự cố gắng của người dân, đến nay, nhiều làng nghề đã và đang hồi sinh, vươn lên phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm đa dạng, độc đáo đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở cả trong và ngoài nước. Cùng với đó, nhiều làng nghề còn chú trọng khai thác phát triển du lịch làng nghề, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Qua đó, góp phần quảng bá sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững.

Ví như, làng nghề đúc đồng Trà Đông (Thiệu Hóa) từ nhiều năm nay đã là một địa chỉ du lịch nổi tiếng được nhiều du khách lựa chọn khi về Thanh Hóa. Đến đây, du khách không chỉ được khám phá quy trình đúc đồng theo phương pháp thủ công truyền thống, được chứng kiến những sản phẩm đồng hình thành dưới bàn tay và óc sáng tạo tài hoa của các nghệ nhân, mà còn có thể mua ngay được những sản phẩm hữu dụng như đồ thờ, đồ mỹ nghệ trang trí và đặt hàng tại xưởng những sản phẩm có kích thước lớn, giá trị cao như trống đồng, tượng đồng, chuông đồng, chiêng đồng, các linh vật thờ tự. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, Giám đốc Công ty TNHH Đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông, một trong những cơ sở đúc đồng nổi tiếng thu hút đông khách du lịch đến tham quan, chia sẻ: trong đề án phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, làng nghề đúc đồng Trà Đông được lựa chọn là một trong những điểm để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Đây chính là cơ hội lớn để những người làm nghề như chúng tôi có thêm động lực gắn bó và phát triển nghề. Thời gian qua, để thu hút khách du lịch đến đây tham quan, trải nghiệm mua sắm, những người làm nghề tại đây không chỉ quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn chú trọng làm ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, nhất là đồ lưu niệm nhỏ đáp ứng nhu cầu và túi tiền của du khách. Cùng với đó, chúng tôi luôn đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm thông qua nhiều hình thức như tham gia các hội chợ, triển lãm, trên các trang mạng xã hội zalo, facebook để du khách biết và tìm đến làng nghề ngày càng đông hơn...

Bà Trần Thị Hiên, cán bộ văn hóa xã Thiệu Trung, cho biết: Toàn xã hiện đang duy trì 25 lò đúc đồng lớn, 4 công ty sản xuất, kinh doanh đúc đồng. Phải khẳng định rằng, những năm qua làng nghề thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Đặc biệt, là từ sau khi tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng ở sự kiện kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu, du khách đến đây tăng đột biến. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn xã đón được hơn 3.000 lượt khách đến tham quan làng nghề, trong đó có cả khách nội tỉnh và khách quốc tế. Điều đó, góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Những năm tới, xã đang có định hướng khuyến khích các hộ làm nghề sản xuất ra những sản phẩm lưu niệm nhỏ, mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp đáp ứng nhu cầu của du khách; đồng thời, vận động một số hộ kinh doanh có điều kiện xây dựng nhà hàng, quán ăn để phục vụ du khách đến tham quan, lưu trú; cùng với đó, là tăng cường nguồn nhân lực du lịch, am hiểu làng nghề để phục vụ khách du lịch...

Hay như làng nghề bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên (Thọ Xuân) cũng trở thành một địa chỉ quen thuộc cho khách du lịch đến đây mua bánh làm quà cho người thân và bạn bè. Nếu có dịp tìm đến làng nghề làm bánh gai vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, du khách cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người thợ ngồi quây quần gói bánh. Vị ngọt thơm của bánh tỏa ra khiến thực khách khó có thể kìm lòng. Hiện nay, trên địa bàn xã Thọ Diên có khoảng 80 hộ làm bánh gai thường xuyên và hàng trăm hộ sản xuất nguyên liệu làm bánh... Xác định được những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của địa phương, nên các hộ làm nghề ở đây đã chủ động đầu tư lò hấp, nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực quảng bá, phân phối sản phẩm đi khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Phải khẳng định rằng tiềm năng du lịch làng nghề của Thanh Hóa là rất lớn và các địa phương có làng nghề đã rất quan tâm, chú trọng phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Trong đó, phần lớn là do việc phát triển loại hình du lịch này vẫn mang tính tự phát như là những “làn điệu” với những cung bậc khác nhau mà thiếu một “nhạc trưởng”, tổng chỉ huy cho chương trình. Chính vì vậy mà hiệu quả chưa cao, đa phần du khách vẫn tự tìm đến làng nghề là chính chứ ít đi theo tour. Ngoài ra, người am hiểu nghề, rành phong tục và văn hóa làng nghề để giới thiệu đến du khách cũng còn hạn chế. Các mặt hàng đồ lưu niệm ở các làng nghề cũng chưa thật sự phong phú, đa dạng đáp ứng thị hiếu của khách du lịch. Và quan trọng hơn, hầu hết các địa phương vẫn còn thiếu cơ sở trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề...

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển du lịch làng nghề, hơn hết người làm nghề phải “đáp ứng” được nhu cầu của khách du lịch. Trước hết, là phải đầu tư nghiên cứu thị trường từng đối tượng khách để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng, mẫu mã, màu sắc phù hợp; tiếp theo là quan tâm đến vấn đề quy hoạch, đầu tư về hạ tầng giao thông, cơ sở đón tiếp khách; chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá sản phẩm rộng rãi thông qua mạng xã hội, tham gia triển lãm, hội chợ... Nếu được đầu tư đúng mức, khai thác hợp lý, việc phát triển du lịch làng nghề sẽ là phương tiện giao lưu, quảng bá vẻ đẹp, con người Thanh Hóa một cách mạnh mẽ và sâu rộng.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]