(Baothanhhoa.vn) - Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời, tạo ra tiền đề thu hút các dự án kinh doanh, một yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch Thanh Hóa là hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hạ tầng kỹ thuật – động lực thúc đẩy du lịch phát triển

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời, tạo ra tiền đề thu hút các dự án kinh doanh, một yêu cầu đặt ra cho ngành du lịch Thanh Hóa là hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Hạ tầng kỹ thuật – động lực thúc đẩy du lịch phát triển

Tuyến đường ven biển trong Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) được đầu tư mở rộng.

Trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế và đời sống dân sinh, thì giao thông được xem là “mạch máu” vận hành cả hệ thống. Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại là một trong những yêu cầu có tính quyết định đến sự phát triển chung, trong đó có ngành du lịch. Thanh Hóa là một trong những địa phương đang có ưu thế nổi trội nhờ mạng lưới giao thông đa dạng, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường thủy. Theo đó, Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Riêng giai đoạn 2016-2017, có 10/12 nhiệm vụ gồm 30 dự án thành phần đã và đang được triển khai, với tổng số vốn được giao thực hiện là 1.408,688 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 919,440 tỷ đồng). Trong đó, một số dự án quy mô lớn, có tính chất quan trọng quyết định đến cơ cấu, thị trường khách và là đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch, như dự án đường nối từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; dự án đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh... Đồng thời, tỉnh ta đã ưu tiên một số dự án quy mô nhỏ, nhưng có tác động tích cực và trực tiếp đến việc hình thành, khai thác phát triển du lịch. Điển hình là đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến giao thông từ đường tỉnh 530 đến thác Ma Hao (bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), có tổng chiều dài 9,54 km, gồm 1 tuyến chính (tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp B) và 1 tuyến nhánh (tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi).

Cùng với đó, một số dự án hạ tầng trọng điểm khác cũng đang và sẽ được đầu tư trong những năm tới. Điển hình là dự án đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch Bến En (huyện Như Thanh). Trong đó, tuyến đường tỉnh 520 đến Quốc lộ 45 vào Khu du lịch sinh thái Bến En, có chiều dài 5,329 km và quy mô đường cấp IV đồng bằng; tuyến đường kết nối Khu du lịch Bến En với tuyến cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa, Cảng Hàng không Thọ Xuân - Khu Kinh tế Nghi Sơn và Khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh Am Tiên. Dự án xây dựng hệ thống xử lý rác, nước thải, điện, nước, trung tâm đón tiếp khách, bãi đỗ xe... tại các khu du lịch trọng điểm là Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Hàm Rồng, Nghi Sơn, suối cá Cẩm Lương, động Từ Thức, động Bo Cúng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông... Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật tuyến du lịch sông Mã, gồm đường kết nối các điểm đến du lịch, bến cảng, cầu tàu, nạo vét khơi thông luồng lạch, nhà chờ, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn giao thông. Dự án cơ sở hạ tầng du lịch đảo Mê, gồm cải tạo đường nội bộ và đường dạo trong khu du lịch, bến đỗ tàu, thuyền du lịch, khu nhà đón tiếp, chòi nghỉ chân cho khách du lịch, nhà vệ sinh; cấp điện, cấp nước theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 đảo Mê, theo hướng kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch làng nghề, gồm đường giao thông đến làng nghề, đường nội bộ, khu đón tiếp, nhà trưng bày sản phẩm - quy trình sản xuất, nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, hệ thống xử lý rác, nước thải, hệ thống điện, nước.

Việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật những năm qua, đã góp phần “mở đường” đón làn sóng đầu tư vào du lịch, cũng như kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư hiện vẫn chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch nói chung và nhu cầu thu hút, triển khai các dự án kinh doanh du lịch nói riêng. Thực trạng thiếu và yếu của hệ thống hạ tầng cơ bản, cũng đang khiến nhiều điểm du lịch giàu tiềm năng chưa thể hấp dẫn các nhà đầu tư và thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, việc đầu tư cũng chưa cân đối giữa các khu vực, vùng miền. Trong khi khu vực ven biển đã và đang thu hút được phần lớn các dự án hạ tầng và dự án kinh doanh du lịch; thì ngược lại, việc đầu tư cho khu vực miền núi phía Tây - đặc biệt là hệ thống giao thông tiếp cận các khu, điểm du lịch - vẫn còn rất hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng này vẫn nằm ở vấn đề kinh phí. Bởi, nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bao gồm giao thông, viễn thông, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch... là rất lớn. Cho nên, sẽ rất khó để hoàn thành các mục tiêu, nếu trông chờ hoàn toàn vào vốn ngân sách. Muốn gỡ nút thắt này, thiết nghĩ, việc kêu gọi được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, sẽ là một giải pháp hữu hiệu.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]