(Baothanhhoa.vn) - Không quá khi nói rằng, ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định vị thương hiệu du lịch, phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, của điểm đến, tạo ấn tượng và sự hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, chú trọng việc quảng bá văn hóa ẩm thực gắn với hoạt động du lịch, góp phần định vị thương hiệu, tăng tính hấp dẫn của điểm đến.

Gắn quảng bá văn hóa ẩm thực xứ Thanh với phát triển du lịch

Không quá khi nói rằng, ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định vị thương hiệu du lịch, phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương, của điểm đến, tạo ấn tượng và sự hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, chú trọng việc quảng bá văn hóa ẩm thực gắn với hoạt động du lịch, góp phần định vị thương hiệu, tăng tính hấp dẫn của điểm đến.

Gắn quảng bá văn hóa ẩm thực xứ Thanh với phát triển du lịch

Các hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nấu ăn phục vụ khách du lịch.

Nhắc đến Thanh Hóa, hương vị ẩm thực quê Thanh, trước hết phải kể đến đặc sản nem chua. Nem chua Thanh Hóa có sức hấp dẫn, vị ngon riêng mà không phải ở vùng nào cũng có được. Để có được món nem này là cả một quá trình thao tác hoàn hảo, tuân thủ theo những nguyên tắc chặt chẽ từ khâu lựa chọn nguyên liệu thịt, bì và các loại gia vị... đến khâu chế biến. Khi thưởng thức, du khách sẽ nhận ra ngay mùi thơm của thịt, hạt tiêu, thính, giòn giòn của bì đã được thái sợi nhỏ.

Thanh Hóa còn là vùng đất trứ danh của nhiều loại bánh ngon, trong đó bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân) là một trong số đó. Với những nguyên liệu đơn giản cộng với bí quyết gia truyền sẽ cho ra lò một thứ bánh vừa thơm ngon, béo ngậy, vừa đậm đà hương vị quê hương. Bánh gai Tứ Trụ từ lâu đã làm hài lòng du khách thập phương, trở thành món quà không thể thiếu với những ai đã từng một lần đến với xứ Thanh hay đặt chân đến Khu Di tích lịch sử Lam Kinh.

Và nếu du khách đã từng một lần đến với các bản, làng ở miền Tây xứ Thanh, được ngủ lại ở những nếp nhà sàn xinh xắn, được hít hà mùi lúa nương chín khi vào vụ và được thưởng thức rượu ủ men lá bên những mâm cơm do chính người dân bản địa chế biến, hẳn không thể nào quên được hương vị rất riêng của món cơm lam, canh đắng, cá hấp, vịt Cổ Lũng hay thịt nướng...

Điều đặc biệt, ở miền Tây xứ Thanh, mỗi bản làng đều có những món ăn đặc trưng, chế biến theo cách khác nhau, thế nhưng món cơm lam, xôi đồ vẫn là những món đặc trưng nhất của khu vực này. Cơm lam miền Tây thu hút khách bởi cách chế biến độc đáo, với nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, gạo được cho vào ống nứa tươi được nướng trên lửa than cho đến khi chín. Vào mỗi sáng sớm hay buổi chiều tối, cùng nhau thưởng thức món cơm lam chấm với muối vừng, hay ăn kèm thịt gà đồi, thịt lợn rừng chấm muối mắc khẻn thì quả thật không du khách nào có thể chối từ.

Canh cũng là một trong những món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của người dân miền Tây. Với nhiều món canh ngon như canh lóng, canh đắng, canh uôi, canh cá sông nấu măng... Trong đó, món canh đắng là một trong những món ngon đặc trưng thường được người dân bản địa chế biến để đãi khách. Được biết, thành phần cơ bản trong món canh là nội tạng trâu, bò, gà, lợn... Cùng với đó, thứ quan trọng là lá đắng, kèm thêm chút gia vị như sả, gừng, mẻ, ớt. Vị sả sẽ giúp món canh thêm thơm nồng, mẻ chua chua làm dịu bớt vị của lá đắng và canh thêm thanh ngọt hơn. Tuy nhiên, món ngon này không phải ai cũng có thể yêu thích ngay từ lần đầu thưởng thức, thế nhưng hương vị đặc biệt của món canh “đắng ngắt” lại khiến du khách khó lòng quên được.

Ngoài những món ăn trên, miền Tây xứ Thanh còn để lại ấn tượng cho du khách bởi nhiều món ngon khác như: măng đắng, sâu măng, thịt gác bếp, khâu nhục, rượu siêu men lá, rượu cần, rượu ngô, thắng cố...

Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Bảo cho rằng: Văn hóa ẩm thực có vai trò nhất định và góp phần làm tăng hiệu quả, tạo nên thành công cho hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch, thu hút du khách đến với địa phương. Bởi văn hóa ẩm thực được chắt lọc qua các món ăn, đồ uống đặc trưng và cách thức ăn uống tiêu biểu. Đó là cơ hội cho khách du lịch được trải nghiệm những khía cạnh văn hóa truyền thống. Và quảng bá văn hóa ẩm thực gắn với du lịch thành công khi nhắc đến các món ăn đặc trưng, người ta sẽ nhớ ngay đến địa danh gắn liền với món ăn đó. Bởi vậy, ngoài những thông tin quảng bá du lịch được du khách quan tâm như: khách sạn, điểm đến, cảnh quan, điều kiện giao thông... thì yếu tố ẩm thực không kém phần quan trọng.

Cũng theo ông Phan Bảo, nhiều khách du lịch rất quan tâm đến việc ăn món gì ngon, địa điểm ăn uống nào phù hợp với hành trình du lịch. Và Thanh Hóa là địa phương có đầy đủ điều kiện và khả năng để phát triển thương hiệu du lịch thông qua ẩm thực, xuất phát từ những đặc điểm về địa lý, dân tộc... Bởi, ẩm thực của xứ Thanh rất đa dạng, phong phú, tập hợp đầy đủ tinh hoa văn hóa ẩm thực của các miền: miền biển, đồng bằng, trung du và miền núi.

Nhằm thúc đẩy việc quảng bá văn hóa ẩm thực xứ Thanh gắn với phát triển du lịch, trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn cho người dân địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Thông qua chương trình bồi dưỡng, các học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách bài trí món ăn, đồ uống nhằm nâng cao giá trị các món ăn truyền thống. Đặc biệt, các học viên được hướng dẫn thực hành những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng pha chế đồ uống, kỹ năng chế biến các món ăn từ những nguyên liệu sẵn có đặc trưng của địa phương và một số yêu cầu trong khi chế biến món ăn phục vụ khách du lịch.

Gần đây nhất (tháng 4-2022), Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phối hợp với Hội đầu bếp chuyên nghiệp Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Xúc tiến du lịch - Phát triển phục hồi văn hóa ẩm thực tỉnh Thanh Hóa. Phát biểu định hướng tại hội nghị, ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh đề nghị Hội đầu bếp chuyên nghiệp Thanh Hóa trong thời gian tới cần quan tâm, phối hợp với các nghệ nhân ẩm thực, các hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến ẩm thực nhằm nghiên cứu lựa chọn ra một hoặc một vài món ăn, đồ uống tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa để quảng bá trở thành món ăn đặc trưng của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực gắn với các điểm đến nhằm tạo ra các trải nghiệm phong phú và gây ấn tượng với thực khách. Trên cơ sở định vị được các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của điểm đến để phát triển và quảng bá, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gắn với xây dựng thương hiệu du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]