(Baothanhhoa.vn) - Du lịch nông nghiệp hay sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác phát triển du lịch, được xem là một cách để người nông dân sáng tạo các giá trị mới, dựa trên cách thức sản xuất, nếp sinh hoạt và các sản phẩm nông sản của địa phương. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng và du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch kết hợp với nông nghiệp: Một giải pháp bảo vệ môi trường

Du lịch nông nghiệp hay sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác phát triển du lịch, được xem là một cách để người nông dân sáng tạo các giá trị mới, dựa trên cách thức sản xuất, nếp sinh hoạt và các sản phẩm nông sản của địa phương. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng và du khách.

Du lịch kết hợp với nông nghiệp: Một giải pháp bảo vệ môi trường

Nông trại Golden Cow huyện Thường Xuân.

Hiệt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế. Trong khi đó, văn hóa làng hay văn hóa nông nghiệp - văn minh lúa nước, vốn được xem là cội nguồn của văn hóa Việt Nam. Đây có thể xem là nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, phục vụ khai thác phát triển du lịch. Trong đó, du lịch nông nghiệp là sản phẩm đã và đang được một số địa phương chú trọng khai thác. Tỉnh Bạc Liêu xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng tâm, với cơ cấu sản phẩm vừa đa dạng vừa đặc thù. Để khai thác tối đa lợi thế và đặc trưng về văn hóa và cảnh quan nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vài năm trở lại đây, Bạc Liêu đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp. Điển hình như mô hình du lịch tham quan Giồng nhãn Bạc Liêu; du lịch tham quan gắn với biển, dải rừng ngập mặn và sinh thái nông - ngư nghiệp (khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, sản xuất muối...); du lịch kết hợp tham quan điện gió; du lịch tham quan các hệ thống vườn chim, vườn cò...

Nói về các sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn của Việt Nam, không thể không nhắc đến tỉnh Quảng Nam. Để tạo ra các điểm đến vệ tinh hấp dẫn, giúp giữ chân du khách dài ngày, từ nhiều năm nay, TP Hội An đã xây dựng nhiều tour trải nghiệm du lịch nông nghiệp cộng đồng, như trải nghiệm “một ngày làm nông dân” trên cánh đồng Trà Quế (Cẩm Hà); tham quan làng gốm Thanh Hà; xay cà phê, đan chiếu tại các làng Duy Nghĩa, Triêm Tây, Điện Phương... Gần đây, sản phẩm du lịch mới tham quan cánh đồng hoa hướng dương (ở vùng 3 xã Gò Nổi, thị xã Điện Bàn), đang thu hút được sự quan tâm của du khách. Cùng với sản phẩm này là các sản phẩm như làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, làng hoa Phú Đông, bãi dâu ven sông Thu Bồn, đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một sức bật mới cho du lịch địa phương...

Giống như hai địa phương vừa nêu, Thanh Hóa cũng có nhiều tiềm năng và lợi thế riêng có để có thể khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp. Khu vực nông thôn (gồm cả miền núi, đồng bằng, miền biển) chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Đây được xem là khu sinh thái tự nhiên và là vùng đệm rộng lớn, giúp bao bọc và che phủ các vùng đô thị lớn, nhỏ xung quanh. Đặc biệt, khu vực này có đa dạng các hệ sinh thái, như hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái ao hồ, hệ sinh thái đồng cỏ tự nhiên... Tất cả đều có vai trò rất quan trọng, góp phần cân bằng sinh thái giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời, các hệ sinh thái cũng ví như những “vành đai xanh”, “lá phổi xanh” nuôi dưỡng sự trong lành của môi trường. Bên cạnh chức năng quan trọng là đảm bảo cho sự chu chuyển oxy, duy trì tính ổn định và sự màu mỡ của đất, các hệ sinh thái này còn giữ vai trò không nhỏ trong việc đảm bảo sinh kế cho phần lớn người dân sống ở khu vực nông thôn. Vì vậy giữ gìn hệ sinh thái và màu xanh cho vùng nông thôn, được xác định là một giải pháp quan trọng, nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với các điều kiện tự nhiên, thì nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và nhất là thành quả trong xây dựng nông thôn mới, đã và đang tạo ra một hệ sinh thái nhân tạo hay một diện mạo mới cho khu vực nông thôn Thanh Hóa. Trong đó, việc phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp tập trung quy mô lớn, đã biến nhiều vùng quê thuần nông thành vùng kinh tế trọng điểm, có tốc độ tăng trưởng cao, điển hình là Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng. Ngoài ra, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, một số huyện ven biển đã thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp thành những khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng...

Với những tiềm năng và lợi thế to lớn ấy, Thanh Hóa đang có được điều kiện “cần” để khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Thời gian gần đây, đã có một số sản phẩm được đưa vào khai thác và mang lại hiệu quả bước đầu. Trong đó các điểm đến thu hút được sự quan tâm của du khách như Nông trại Golden Cow (huyện Thường Xuân), Nông trại nông nghiệp Queen Farm (huyện Quảng Xương), Nông trại Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa), Trang trại T.Farm... Nông trại Golden Cow (xã Lương Sơn, Thường Xuân), có diện tích gần 20 ha và được xây dựng thành nhiều khu riêng biệt. Bao gồm: khu vườn trồng các loại rau, hoa; khu nhà chòi, nhà sàn lưu trú; khu chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vườn thú. Du khách đến đây được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành; tham gia các hoạt động trèo đồi, leo núi và các hoạt động vui chơi khác; được thưởng thức các món ăn ngon từ nông trại... Mặc dù vẫn đang được tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện, song điểm đến này thường xuyên đón hàng nghìn khách tham quan, trải nghiệm mỗi tuần.

Cùng với Golden Cow, Nông trại Queen Farm (xã Quảng Tân, Quảng Xương) cũng đang gây được sự chú ý của du khách. Queen Farm bắt đầu sản xuất một số mặt hàng nông sản, song song với khai thác phát triển du lịch được hơn 1 năm. Thế nhưng, tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, nông trại này đã đón trên 7.000 lượt khách tới tham quan. Điểm hấp dẫn của Queen Farm là ở quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, như nhà màng trồng dưa lưới và trồng rau thủy canh. Hoặc Trang trại T.Farm (xã Đông Thịnh, Đông Sơn), có tổng diện tích hơn 20 ha; bao gồm khu nhà lưới trồng dưa công nghệ cao; khu nuôi ngựa bạch, đà điểu, chim công và nhiều con nuôi đặc sản; khu vui chơi giải trí ngoài trời và hệ thống khuôn viên cây xanh... Nhờ không gian thoáng rộng và có các điểm tham quan mới, nên dù đưa vào khai thác chưa lâu, T.Farm đã thu hút được lượng khách du lịch đáng kể...

Kết quả bước đầu từ việc xây dựng và phát triển một số sản phẩm du lịch nông nghiệp như vừa nêu, đã mở thêm một hướng khai thác phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai vùng nông thôn. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Thanh Hóa. Mặc dù vẫn là sản phẩm mới và chưa được nhân rộng nhiều, song những lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, là không thể phủ nhận. Bởi sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường. Nói cách khác, du lịch chỉ phát triển hiệu quả và bền vững khi môi trường được bảo vệ tốt. Do đó, việc xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng, được xem là một hướng góp phần bảo vệ môi trường, kể cả môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Du lịch gắn với nông nghiệp, không chỉ cộng đồng dân cư bản địa được hưởng lợi từ việc khai thác các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, văn hóa và nông sản phục vụ du lịch; mà qua đó, ý thức và tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan làng quê, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống... cũng được nâng lên. Đồng thời, khách du lịch khi đến các điểm tham quan này, ngoài việc trải nghiệm một “đời sống khác”, thì bản thân họ cũng sẽ tự ý thức và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi làng quê.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]