(Baothanhhoa.vn) - Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam những năm tới là hướng mạnh ra biển đảo. Thanh Hóa với tiềm năng to lớn từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên này, cũng đang đón đầu lợi thế, nhằm biến nó thành lực đẩy cho du lịch cất cánh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch biển - đảo xứ Thanh: Khám phá vẻ đẹp bất tận!

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam những năm tới là hướng mạnh ra biển đảo. Thanh Hóa với tiềm năng to lớn từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên này, cũng đang đón đầu lợi thế, nhằm biến nó thành lực đẩy cho du lịch cất cánh.

Du lịch biển - đảo xứ Thanh: Khám phá vẻ đẹp bất tận!

Sầm Sơn là điểm đến luôn thu hút khách ngày hè.

Với những người xem du lịch là “một phần tất yếu của cuộc sống”, thì sự nghỉ ngơi hoàn hảo nhất là gì? Câu trả lời có thể rất đơn giản là được ngồi dưới bóng mát trong một ngày đầy nắng, để ngắm nhìn mặt biển mênh mang và tưởng tượng ở phía xa tít tắp kia, đại dương đang thì thầm điều gì đó thật ngọt ngào với bầu trời. Vậy, còn chần chừ gì nữa mà không về cùng biển ngày nắng, để lắng nghe khúc tự tình của trái tim sâu thẳm chưa bao giờ ngừng dào dạt mê say. Và hãy cứ để cho đại dương lắng xuống những hoài nghi và mất mát, trong sự thảnh thơi và yên bình vô biên. Để rồi, cũng chính bản tình ca của tự nhiên ấy, sẽ khuấy động trái tim, gợi cảm hứng cho trí tưởng tượng và mang lại niềm vui cho tâm hồn con người!

Nếu có ai đó hỏi biển xứ Thanh có gì đẹp? Tôi sẽ cho bạn hay rằng, khám phá vẻ đẹp của biển xứ Thanh cũng giống như bạn nghe một bản hòa âm đa tiết tấu. Nếu khúc bổng gợi cảm giác hân hoan, sảng khoái, tràn đầy năng lượng tích cực; thì khúc trầm lại ví như con sóng nhỏ khẽ khàng mơn trớn, để khơi gợi những cảm xúc êm ái và dịu dàng. Trải dọc suốt hơn 100km từ Nga Sơn tới Nghi Sơn, hành trình khám phá vẻ đẹp biển xứ Thanh có lẽ nên bắt đầu với Sầm Sơn - một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Hơn một thế kỷ trước, Sầm Sơn đã lọt vào “mắt xanh” của những kẻ sành chơi người Pháp. Sầm Sơn hoang sơ - thế giới của phi lao và những cồn cát bỏng giãy - đã trở mình để sống với một nhịp sống khác. Đơn giản bởi vụng biển xinh đẹp này hội tụ tất cả những yếu tố lý tưởng nhất, giúp con người thư giãn, an dưỡng, thậm chí có thể tìm thấy những giá trị sống tích cực.

Bằng những con số tính toán khoa học, Sầm Sơn đáp ứng một cách hoàn hảo mọi tiêu chí về độ thoải dốc của bờ biển, độ mặn của nước và độ mạnh của sóng. Còn dưới mắt nhìn của kẻ có tình, thì Sầm Sơn dẫu khi bình minh hay dưới hoàng hôn, vẫn luôn đẹp một vẻ đẹp huyền thoại. Bức tranh cuộc sống song song hai nét vẽ vừa hư, vừa thực. Đó là Sầm Sơn của núi non và biển cả, nơi một dải đất nhỏ hẹp nằm sát mép nước, đã trải vô số lần kiến tạo mà bồi tụ nên hình hài như ngày nay. Đó cũng là Sầm Sơn của những thiên huyền thoại mơ màng, kỳ ảo về cuộc đấu tranh sinh tồn giữ đất, bám biển và tình yêu giản dị mà thủy chung, son sắt của con người. Để rồi, khám phá Sầm Sơn còn mang đến một trải nghiệm xúc cảm lãng mạn về tình yêu vừa chông chênh vừa bền chặt, mà Hòn Trống Mái đã trở thành biểu tượng. Từ địa danh tình yêu này, chợt nhớ đến một câu nói rất hay rằng, “những người thợ tốt nhất tạc nên đá không phải là công cụ sắt hay đồng, mà là bàn tay dịu dàng của gió và nước làm việc thư thả trong thời gian thoải mái”. Sầm Sơn của hiện tại, vẫn là dải đất mảnh mai nhưng cõng trên lưng không phải là cát trắng và nắng gió mặn mòi, mà là một thành phố du lịch căng tràn sức sống, để ngày càng xứng đáng là viên ngọc bích bên bờ đại dương. Để rồi, dù đã qua hơn 100 năm phát triển, dẫu lúc thăng lúc trầm, nhưng không thể phủ nhận, Sầm Sơn đã “ghim” tên mình vào bản đồ du lịch, với tư cách một điểm đến lý tưởng để khám phá của xứ Thanh.

Du lịch biển - đảo xứ Thanh: Khám phá vẻ đẹp bất tận!

Bãi Đông yên bình.

Nếu Sầm Sơn níu chân những kẻ yêu thích không khí sôi động, náo nhiệt; thì Bãi Đông (thuộc bán đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn) lại cuốn hút những “lữ khách” muốn tìm cảm giác bình yên và mong muốn được hòa vào thiên nhiên hoang sơ, còn chưa chịu nhiều can thiệp từ bàn tay con người. Đứng trên một điểm cao đủ để mắt ta bao quát cả một không gian khoáng đạt, bát ngát sắc xanh của mặt biển thăm thẳm in hình màu trời. Cả một dải bờ biển trông như làn tóc thiếu nữ, được nàng buông hờ hững mặc cho gió, cho sóng, cho nắng mải mê chải chuốt. Dưới ánh mặt trời rực rỡ, vụng biển này dường như phô bày hết vẻ đẹp và năng lượng riêng của nó. Nắng như lớp sơn sóng sánh mật vàng tươi, phết lên cảnh vật cái sắc màu ngọt ngào, tràn trề sức sống, đủ khơi dậy mọi sự hứng khởi, niềm khao khát và cảm giác hạnh phúc trong con người khi đứng trước biển. Để rồi, khi tìm về vụng nước yên ả này, nhiều người không khỏi thốt lên cảm khái như vô tình nằm mơ mà đi lạc vào chốn thiên đường, để mặc sức thỏa mãn và nuông chiều bản thân được quyền gạt bỏ đi mọi phiền hà, lo toan cuộc sống thường nhật.

Vẻ đẹp yên bình và lãng mạn khiến con người phải thổn thức ấy, càng được đẩy lên cung bậc cao trào khi ngắm nhìn nó dưới bình minh hay khi hoàng hôn. Bình minh trên Bãi Đông là thế giới chỉ thuộc về tự nhiên. Ở đó, tai ta dường như lắng nghe được tiếng thì thầm gọi nhau của những trảng phi lao; tiếng thổn thức còn rơi rớt lại của lũ côn trùng ăn đêm; tiếng thì thầm của biển khi sắp rũ bỏ lớp áo choàng đen để khoác lên sắc màu rực rỡ; tiếng hân hoan của vài con sóng mải chơi cùng bờ cát. Ở đó, con người có cảm giác khắc khoải và hồi hộp khi chờ đón khoảnh khắc mặt trời như quả cầu lửa đội biển nhô lên. Để những tia nắng đầu tiên của ngày mới xé toang màn đêm và rọi xuống bãi cát, làm ánh lên màu vàng đặc trưng chẳng khác nào thảm thủy tinh lấp lánh. Còn Bãi Đông dưới chiều tà lại đẹp một vẻ mơ màng, huyễn hoặc khó cưỡng. Trong thời khắc ấy, bất chợt ca từ của một bài hát nước ngoài có giai điệu da diết, cứ như họa lại bức tranh tĩnh vật trước mắt người nhìn: “đại dương nằm dưới ánh mặt trời, để cảm xúc vẽ lên màu sắc”. Chẳng phải thế mà có người đã nói rằng, tinh anh của đất trời tạo ra núi sông dù đẹp đến đâu cũng trở nên vô nghĩa khi con người ta không nhìn thấy vẻ đẹp, giá trị và sở hữu nó. Yêu thích cái đẹp là bản tính, là nhu cầu của con người và chinh phục, thụ hưởng mọi vẻ đẹp tự nhiên - vốn còn vô vàn bí ẩn - là khao khát luôn tồn tại trong con người.

Du lịch biển - đảo xứ Thanh: Khám phá vẻ đẹp bất tận!

Biển Hải Tiến.

Tự nhiên, với tất cả vẻ đẹp, sự kỳ vĩ và huyền bí của nó, vốn được tạo hóa kỳ công nhào nặn, đắp đổi, xoay vần suốt hàng triệu năm mới nên dạng nên hình. Và biển là một phần kỳ diệu của tự nhiên - một tự nhiên luôn luôn thay đổi. Song, tưởng chừng như ngàn đời nay biển vẫn luôn như vậy. Nó có lúc dịu êm phía trên để giấu đi những cồn cào lớp dưới; vẫn thẳm sâu huyền bí mà hấp dẫn khôn cùng; vẫn gần gũi với đời người mà ngạo nghễ xa cách; vẫn đầy rẫy bão giông mà phóng khoáng đam mê. Biển dẫu khi bạc đầu sóng vỗ mà cái dáng dấp thanh xuân phơi phới, xinh đẹp và đầy ý vị vẫn không thôi cuốn hút con người. Nhưng thấy được vẻ đẹp bên ngoài là chưa đủ, nếu chưa khám phá hết vẻ đẹp cùng giá trị tiềm ẩn bên trong và nhất là có thể chinh phục, sở hữu được vẻ đẹp ấy bằng những trải nghiệm của mỗi cá nhân. Từ đó, tích lũy năng lượng và sức khỏe cho cả thể chất lẫn tâm hồn.

Và du lịch nghỉ dưỡng biển là một cách thức để con người hướng về biển và “sống chung” với biển. Là loại hình du lịch sơ khai nhất của Thanh Hóa, khi Sầm Sơn đã có lịch sử khai thác hơn 1 thế kỷ và hiện đang nổi lên nhiều cái tên đáng giá khác như Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa và Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn). Bên cạnh đó là một dải bờ biển phía Nam Sầm Sơn và bãi biển Quang Vinh (TP Sầm Sơn); bãi biển Quảng Lợi, Tiên Trang (Quảng Xương); bãi biển Tân Dân, Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn)... đều là những “ứng cử viên” sáng giá cho du khách khám phá, nhờ cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ và khí hậu trong lành. Ngoài ra, đi liền với trên 100km bờ biển là một hệ cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, với vô số dãy núi đâm ngang, tạo nên các vũng xen kẽ giữa các cửa lạch như vũng Gầm, vũng Thủy, vũng Biện, Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Bạng, Lạch Ghép và hệ thống các đảo lớn, nhỏ như đảo Mê, bán đảo Nghi Sơn, hòn Nẹ, hòn Bảng, Biện Sơn... Trong đó, bán đảo Nghi Sơn được ví như cánh tay khổng lồ chìa ra ôm lấy biển và bảo vệ tàu thuyền khi giông bão. Nơi đây còn dấu vết của nhiều di tích cổ xưa như pháo đài Tĩnh Hải, thành Ông Ninh, giếng Rửa Ngọc gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử sinh động. Đặc biệt, cách đó không xa là cụm đảo Hòn Mê rộng 10km2, với 18 đảo lớn nhỏ, được bao phủ bởi hệ thống rừng nguyên sinh rộng lớn và phong phú, rất phù hợp cho loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam những năm tới là hướng mạnh ra biển đảo. Thanh Hóa với tiềm năng to lớn từ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên này, cũng đang đón đầu lợi thế, nhằm biến nó thành lực đẩy cho du lịch cất cánh. Đặc biệt, du lịch nghỉ dưỡng biển được tỉnh Thanh Hóa xác định là “sản phẩm mũi nhọn” của ngành kinh tế mũi nhọn, để tập trung đầu tư phát triển. Và thực tế đã cho thấy, dọc dải bờ biển từ Hoằng Hóa vào Nghi Sơn, đã có sự hiện hữu của hàng chục dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Đây là cơ sở để Thanh Hóa khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; đồng thời, từng bước làm thay đổi định vị thị trường và sản phẩm du lịch biển xứ Thanh, với tư cách một điểm đến đẳng cấp, hiện đại, đa dạng và hấp dẫn du khách.

Bài và ảnh: Lê Dung


Bài Và Ảnh: Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]