(Baothanhhoa.vn) - Phát triển du lịch thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Du lịch Thanh Hóa đang có những bước “chạy đà” để ứng dụng CNTT vào các hoạt động du lịch. Điều này sẽ góp phần mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách, cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch

Phát triển du lịch thông minh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi mà công nghệ thông tin (CNTT) được ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống xã hội. Du lịch Thanh Hóa đang có những bước “chạy đà” để ứng dụng CNTT vào các hoạt động du lịch. Điều này sẽ góp phần mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách, cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịchThông qua hệ thống camera giám sát khu vực bãi biển và ứng dụng phản ánh hiện trường, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Sầm Sơn sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động du lịch.

Sẵn sàng cho bước “chạy đà”

Hướng tới trở thành một trong những trọng điểm du lịch cả nước, bắt kịp xu thế phát triển hoạt động du lịch thông minh, UBND tỉnh đã sớm ban hành Kế hoạch số 115-KH/UBND ngày 3-5-2019 về việc “Triển khai thực hiện Đề án tổng thể ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển các ứng dụng trên thiết bị di dộng cung cấp cho khách du lịch tại các khu du lịch trọng điểm, trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động; 100% các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được lắp dựng hệ thống mạng internet không dây công cộng phục vụ khách du lịch; 100% máy tra cứu thông tin du lịch và dịch vụ được lắp tại các khu vực: Cảng Hàng không Thọ Xuân, Ga Thanh Hóa, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo và các khu du lịch trọng điểm.

Là khu du lịch biển trọng điểm của tỉnh, đến nay, TP Sầm Sơn đã đưa vào hoạt động trung tâm điều hành đô thị thông minh, trong đó triển khai hệ thống tiện ích phục vụ du khách (SMS Welcome - tin nhắn chào mừng), hệ thống cổng thông tin du lịch và hệ thống phản ảnh hiện trường. Đáng chú ý, đối với hệ thống phản ánh hiện trường Sầm Sơn, du khách sử dụng điện thoại thông minh tải ứng dụng PAHT Sam Son, được tích hợp nhiều tiện ích như: phản ánh hiện trường, bản đồ phản ánh, thông tin cảnh báo, clip tuyên truyền, ứng cứu khẩn cấp, góp ý về trung tâm điều hành, dịch vụ taxi, hỗ trợ khẩn cấp, tờ khai y tế... đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết cho chuyến du lịch của du khách. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai hệ thống 140 camera giám sát toàn thành phố, trong đó có 40 camera được lắp đặt trên trục đường Hồ Xuân Hương và 4 camera 360 độ giám sát toàn bộ bãi biển. Từ khi đưa vào vận hành hệ thống camera giám sát đến nay, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TP Sầm Sơn đã xử lý, nhắc nhở 200 trường hợp không đeo khẩu trang và tiếp nhận, xử lý kịp thời các trường hợp đậu, đỗ xe sai quy định, bán hàng rong, chèo kéo du khách... thông qua ứng dụng PAHT Sam Son.

Trước đó, vào cuối năm 2019, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) cũng đã đưa ứng dụng thuyết minh tự động vào phục vụ du khách. Với nội dung thuyết minh được cài đặt chi tiết, dễ hiểu, dễ sử dụng được tích hợp sẵn trong mã QR Code, chỉ cần một chiếc có kết nối wifi hoặc tích hợp sẵn internet, du khách cài ứng dụng quét mã QR code (chạy trên nền tảng hệ điều hành Android hoặc iOS), quét lên các mã tem QR code được đặt trước mỗi điểm đến, toàn bộ thông tin sẽ hiện lên màn hình điện thoại. Ngoài tiếng Việt, nội dung thuyết minh còn được dịch sang tiếng Anh, bước đầu nhận được sự đánh giá, phản hồi tích cực từ phía du khách.

Dự kiến trong thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện việc ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch, trước hết là tại các địa bàn trọng điểm như: ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi; nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh và hệ thống thông tin ngành du lịch Thanh Hóa; phát triển hệ thống thông tin ngành du lịch Thanh Hóa. Cùng với đó, việc tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT trong ngành du lịch cũng sẽ được chú trọng thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả trong việc triển khai thực hiện đề án.

Huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp

Theo kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động du lịch, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án liên quan. Cụ thể, đối với một số hạng mục như: xây dựng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ khách du lịch tra cứu các thông tin (chương trình, địa điểm tham quan, khách sạn, ẩm thực, văn hóa, lễ hội hay các sự kiện...); xây dựng nội dung, chủ đề, phát động các chiến dịch quảng bá du lịch Thanh Hóa qua mạng xã hội, hướng đến các thị trường mục tiêu cụ thể của du lịch Thanh Hóa; xây dựng phần mềm ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh (chuyển đổi giọng nói giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ thông dụng khác như: tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp); phần mềm thực tế ảo tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; lắp dựng máy tra cứu thông tin về du lịch và dịch vụ tại các khu du lịch trọng điểm; lắp dựng hệ thống mạng không dây công cộng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm phục vụ khách du lịch... sẽ được triển khai thực hiện từ một phần kinh phí của ngân sách tỉnh, huyện và huy động nguồn vốn xã hội hóa.

Theo ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, hầu hết doanh nghiệp du lịch ở Thanh Hóa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có nhiều nguồn lực để ứng dụng CNTT vào hoạt động du lịch. Do đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để họ tiếp cận, ứng dụng CNTT bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn, có những phần mềm miễn phí cho doanh nghiệp, còn những giá trị gia tăng khác doanh nghiệp tự bỏ kinh phí. Và hơn cả đó là có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có tiềm lực, tạo ra sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ giữa các doanh nghiệp du lịch với cơ quan quản lý Nhà nước và các bên liên quan. Bởi, nếu một trong các bên làm việc bằng phương thức truyền thống, thì việc ứng dụng CNTT sẽ khó triển khai một cách đồng bộ.

Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch ngày càng chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ số. Đặc biệt là khi tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đảm bảo an toàn và gia tăng tiện ích, trải nghiệm cũng như thông tin về điểm đến cho du khách trên các ứng dụng du lịch thông minh là hết sức cần thiết. Hy vọng trước đòi hỏi bức thiết của ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh Thanh Hóa sẽ có thêm giải pháp huy động được sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan để việc ứng dụng CNTT được đẩy mạnh, nâng cao sức hút của du lịch xứ Thanh.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]