(Baothanhhoa.vn) - Công nhận các khu, điểm du lịch cấp tỉnh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển du lịch thời gian tới. Động thái tích cực này nhằm mục đích khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, từ đó, mở ra cơ hội mới cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn trong việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công nhận các “khu du lịch”, “điểm du lịch”: Mở ra cơ hội mới cho phát triển

Công nhận các khu, điểm du lịch cấp tỉnh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển du lịch thời gian tới. Động thái tích cực này nhằm mục đích khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, từ đó, mở ra cơ hội mới cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn trong việc xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư...

Công nhận các “khu du lịch”, “điểm du lịch”: Mở ra cơ hội mới cho phát triển

Khu Di tích lịch sử Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn (Thường Xuân).

Nằm cạnh bờ Nam sông Mã, di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn (thuộc phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) từng là tâm điểm chú ý của nhiều nhà khảo cổ học và giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước. Di chỉ được phát hiện từ những năm đầu của thế kỷ XX, gắn với câu chuyện một người dân làng Đông Sơn tìm thấy một số đồ đồng cạnh bờ sông bị sạt lở. Phát hiện này đã tạo sức hút đặc biệt đối với Viện Viễn Đông Bác Cổ, để rồi, nhiều công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí khoa học, đã đưa tên tuổi làng cổ Đông Sơn vượt ra ngoài ranh giới quốc gia và trở thành cái tên đại diện cho một nền văn hóa – văn minh rực rỡ: Văn hóa Đông Sơn – đỉnh cao của thời đại đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt ở Việt Nam, tồn tại từ thế kỷ VII TCN đến thế kỷ I-II SCN.

Suốt 80 năm nghiên cứu với 7 lần khai quật khảo cổ quy mô lớn, tổng diện tích lên đến 2.214m2, di chỉ Đông Sơn đã khiến giới chuyên môn kinh ngạc khi phát hiện thấy hàng trăm di vật thuộc các nhóm công cụ sản xuất, nhạc cụ, mộ táng... hết sức giá trị. Với vị thế đặc biệt của nó, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận khu vực di chỉ này là di tích cấp quốc gia (theo Quyết định số 315-VH/VP ngày 28-4-1962). Di tích bao gồm khu vực núi Đông Sơn, từ núi ra đến bờ sông Mã và từ cầu Hàm Rồng vào thôn Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng). Tổng diện tích theo biên bản khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Di chỉ Khảo cổ học văn hóa Đông Sơn là 45,032 ha. Hiện nay, các hố khảo cổ ven bờ sông Mã được lấp lại để bảo quản. Còn hố khảo cổ nằm ở phía Bắc làng Đông Sơn được xây dựng nhà che chắn và trở thành khu trưng bày ngoài trời, phục vụ tham quan, nghiên cứu.

Di chỉ khảo cổ Đông Sơn được các nhà khoa học đánh giá là một trong những phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học Việt Nam. Đồng thời, những kết quả khai quật, nghiên cứu cũng đã minh chứng về quá trình tồn tại của làng Đông Sơn với tư cách một trong những làng Việt cổ xuất hiện từ rất sớm và tồn tại, phát triển liên tục cho tới ngày nay. Cũng chính vì ý nghĩa và giá trị đặc biệt của di chỉ này mà mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn là điểm du lịch. Cùng với di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng cũng vừa được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, đây sẽ là 2 điểm đến hấp dẫn du khách khi về với TP Thanh Hóa thời gian tới nếu được đầu tư và khai thác hợp lý. Đó là đầu tư cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thị trường khách; đầu tư cho công tác nghiên cứu, trưng bày, phục vụ tham quan nghiên cứu. Từ đó, khẳng định vị thế, tầm quan trọng của di chỉ khảo cổ nói riêng và nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Qua đó, nhân lên niềm tin và lòng tự hào trong mỗi người dân và du khách khi đến với điểm du lịch đặc biệt có ý nghĩa này.

Nhiều năm trở lại đây, Khu di tích lịch sử đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn (huyện Thường Xuân) đã trở thành điểm đến văn hoá – tín ngưỡng thu hút đông đảo khách thập phương. Đặc biệt, chỉ tính riêng dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, di tích này đã đón gần 90 nghìn lượt khách đến tham quan, vãn cảnh. Đây được xem là con số “kỷ lục”, một mặt phản ánh sức hấp dẫn của di tích nhờ vào “tính thiêng” và vẻ đẹp thiên nhiên; một mặt cho thấy công tác quản lý Nhà nước về di tích và lễ hội trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh di tích trong mắt du khách. Nằm cạnh khu du lịch tâm linh nổi tiếng này Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên – một trong những khu bảo tồn lớn (trên 23.000 ha), có hệ sinh thái đa dạng, phong phú bậc nhất ở Thanh Hoá hiện nay. Nhờ bởi tiềm năng to lớn ấy mà khu bảo tồn đã được tỉnh cho lập Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái đến năm 2020 và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4168/QĐ-UBND, ngày 12-12-2012. Thông qua nhiều nguồn vốn đầu tư, hiện Khu BTTN Xuân Liên đã xây dựng được trung tâm đón tiếp du khách, khu dừng nghỉ và một số tuyến giao thông quan trọng trong lòng khu bảo tồn, để đón tiếp và phục vụ du khách. Tuy nhiên, việc khai thác phát triển du lịch hiện vẫn còn không ít khó khăn và chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Mới đây, một tin vui đến với du lịch Thường Xuân là cả Khu di tích lịch sử đền thờ Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng Ngàn và Khu BTTN Xuân Liên đều được UBND tỉnh công nhận là “điểm du lịch” và “khu du lịch”. Trao đổi với chúng tôi về điều này, ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên cho biết, được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh sẽ mở ra cơ hội lớn cho địa phương và đơn vị, trong việc khai thác tiềm năng du lịch của khu bảo tồn. Đó là cơ hội trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, xây dựng các tour, tuyến du lịch... Từ đó, sớm đưa Khu BTTN Xuân Liên trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, để thúc đẩy du lịch địa phương nói chung, các khu, điểm du lịch trên địa bàn nói riêng, theo ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Thường Xuân, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với các sản phẩm mũi nhọn là du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm và du lịch cộng đồng.

Tính từ cuối năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã ký quyết định công nhận cho 7 khu và 40 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các “khu du lịch” được công nhận cũng là những điểm đến tiêu biểu của du lịch Thanh Hóa, như Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), Khu BTTN Xuân Liên (xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân); Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)... Cùng với đó, trong 40 “điểm du lịch” được công nhận, có nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút đông khách du lịch như đền Độc Cước, Hòn Trống Mái, đền thờ Hoàng Minh Tự, đền Bà Triệu, đền Cô Tiên (TP Sầm Sơn); đền Ngã Ba Bông (tức đền Cô Bơ, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung); đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Hà Dương, huyện Hà Trung); đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân); di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa)...

Theo quy định của Luật Du lịch 2017, để được công nhận là “điểm du lịch”, các điểm đến phải đáp ứng các điều kiện như có tài nguyên du lịch và có ranh giới xác định; có kết cấu hạ tầng và dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; đồng thời, đáp ứng các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Còn đối với các “khu du lịch”, yêu cầu về các điều kiện để được công nhận sẽ cao hơn. Bên cạnh tài nguyên du lịch với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa và có ranh giới xác định; thì các điểm đến này phải có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch; đồng thời, phải có sự kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia, cũng như đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Các “khu du lịch”, “điểm du lịch” sau khi được công nhận thì việc quản lý, khai thác càng trở nên chặt chẽ và tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Du lịch. Trong đó, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý “điểm du lịch” được quyền đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch; đồng thời, ban hành nội quy, tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch; tổ chức dịch vụ hướng dẫn, cũng như quy định, quản lý việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi quản lý và được thu phí theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân này là phải thực hiện tốt việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại “điểm du lịch”, tránh để xảy ra các hoạt động trái quy định, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến. Đặc biệt, phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, cũng như bảo đảm an toàn cho du khách và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch tại điểm đến.

Còn đối với các “khu du lịch”, nhờ vào tài nguyên du lịch nổi trội nên yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý điểm đến cũng cao hơn và nhiều vấn đề, nhiều nội dung hơn, như quản lý công tác quy hoạch và đầu tư phát triển; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; quản lý việc đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch... Đồng thời, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong khu du lịch; xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch... Có thể nói, việc công nhận các “điểm du lịch” và “khu du lịch” đang và sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn trên địa bàn. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong công tác phát triển du lịch. Từ đó, định hướng cho việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, cũng như từng bước chuyên nghiệp hoá công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu... nhằm khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di tích, danh thắng phục vụ phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]