(Baothanhhoa.vn) - Du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đặt ra cho doanh nghiệp. Nhu cầu du lịch của khách tăng đột biến trong khi nhân lực của ngành không đáp ứng đủ; giá nguyên liệu, dịch vụ đầu vào tăng; cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ một số điểm đến hạn chế... đã, đang là vấn đề đặt ra khiến không ít doanh nghiệp du lịch gặp khó.

Chú trọng nâng cao năng lực cho doanh nghiệp du lịch trong quá trình phục hồi

Du lịch phát triển mạnh mẽ trở lại, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đặt ra cho doanh nghiệp. Nhu cầu du lịch của khách tăng đột biến trong khi nhân lực của ngành không đáp ứng đủ; giá nguyên liệu, dịch vụ đầu vào tăng; cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ một số điểm đến hạn chế... đã, đang là vấn đề đặt ra khiến không ít doanh nghiệp du lịch gặp khó.

Chú trọng nâng cao năng lực cho doanh nghiệp du lịch trong quá trình phục hồiKhách du lịch đến lưu trú tại Khách sạn Vinpearl (TP Thanh Hóa).

Là một trong số các địa phương có mức tăng trưởng du lịch cao nhất cả nước, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa ước tính đón được gần 7,4 triệu lượt khách, tăng trên 151% so với cùng kỳ năm 2021. Để hạn chế đến mức thấp nhất sự đứt gãy về nguồn lực lao động, bên cạnh việc tìm cách tinh giản bộ máy, cơ cấu lại vị trí việc làm, một số doanh nghiệp đã chủ động lên phương án đào tạo, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng những đòi hỏi của du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Không ít ý kiến cho rằng, có “cầu” ắt có “cung”, tức là khi du lịch sôi động trở lại, sẽ có nhiều lao động “đầu quân”. Song với đặc thù là ngành kinh tế dịch vụ, nhân lực du lịch đòi hỏi phải được đào tạo bài bản mới có thể nhuần nhuyễn kỹ năng, tác phong phục vụ. Bởi vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình đào tạo cho các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, đón đầu nhịp tăng trưởng trở lại của du lịch, trên cơ sở bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Vấn đề quan trọng của ngành du lịch ở mọi thời điểm vẫn là nguồn nhân lực. Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia. Trong đó, nhân lực lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nhất là những nhân lực đào tạo theo tiêu chuẩn 4 - 5 sao đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cần có những chính sách hỗ trợ về chương trình đào tạo, học phí đào tạo để tăng cường lực lượng đầu vào cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong các hoạt động khảo sát, kết nối, quảng bá, xúc tiến nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Trong thời gian qua, các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình famtrip, khảo sát đánh giá thực trạng điểm đến, chất lượng dịch vụ. Theo đánh giá của một số đơn vị lữ hành, mặc dù lượng khách trong thời điểm hiện nay rất lớn nhưng nếu không cẩn thận, tính toán kỹ, doanh nghiệp sẽ đánh mất đi cơ hội và thương hiệu trong một thời gian rất ngắn. Bởi, sau hơn 2 năm du lịch đóng băng, không thể nói trước được điều gì về điểm đến, về cơ sở vật chất, dịch vụ, nhân lực... Do đó, trước khi xây dựng hành trình để cung cấp tour, các đơn vị lữ hành đều phải tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể điểm đến để xây dựng chính sách giá, tìm hiểu dịch vụ.

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch quốc tế Eagle Phạm Hoài Thương chia sẻ: “Thời điểm dịch COVID-19 phức tạp, du lịch gần như “đóng băng” thì doanh nghiệp mong được hoạt động trở lại và khi du lịch mở cửa hoàn toàn, lượng khách tăng đột biến, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch không kịp “trở tay”. Phần lớn du khách tập trung vào thời điểm cuối tuần... Để đáp ứng nhu cầu du khách, ngoài phát triển thương hiệu, chúng tôi phải chia nhân lực ra làm nhiều phần việc khác nhau, như dự toán, xây dựng chương trình, khảo sát dịch vụ ở các điểm đến... Rất nhiều công ty phải làm mọi thứ lại từ đầu. Trong khi đó vốn thiếu, nhân sự không có, ứng dụng công nghệ số hạn chế...".

Xác định việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trở lại của hoạt động du lịch, trong năm 2021, Sở VHTT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến dưới nhiều hình thức, như tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị kích cầu du lịch Thanh Hóa tại TP Hà Nội; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới; phối hợp với TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thiết lập hành lang du lịch an toàn; xây dựng kế hoạch tổ chức các chương trình kích cầu du lịch tại tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố bằng hình thức trực tuyến... Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến; đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các địa phương, các trọng điểm du lịch trong cả nước; quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; định hướng xây dựng sản phẩm và thị trường du lịch; phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát đánh giá sản phẩm, dịch vụ điểm đến...

Theo một số chuyên gia du lịch, trong tình hình hiện nay, khi phần lớn thị trường vẫn là khách nội địa, các hoạt động quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch giữa các địa phương cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp bảo đảm du lịch an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành gặp khó khăn, phát triển nhân lực... Đặc biệt, để hoạt động hợp tác giữa các địa phương đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả, rất cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch. Các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp cần kết hợp xây dựng chương trình chung, tuyến du lịch đặc sắc, hấp dẫn, cung cấp những combo, ưu đãi cho các sản phẩm, làm cho khách hàng thấy được những điểm nổi bật từ sản phẩm liên kết. Đặc biệt, các cơ quan xúc tiến du lịch giữa các địa phương cần đẩy mạnh tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0, đầu tư về hình ảnh, video quảng bá chung trên các cơ quan báo chí, truyền thông và mạng xã hội để tiếp cận đông đảo du khách.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]