(Baothanhhoa.vn) - Huyện Bá Thước được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, yên bình với hệ sinh thái làng, bản xen lẫn các suối nước, ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn giản dị. Đồng bào Thái, Mường nơi đây có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đậm bản sắc... Những yếu tố đó mang lại tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế những năm gần đây, huyện Bá Thước đã, đang tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo đà cho du lịch cất cánh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Phát triển hạ tầng, tạo đà cho du lịch cất cánh

Huyện Bá Thước được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, yên bình với hệ sinh thái làng, bản xen lẫn các suối nước, ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn giản dị. Đồng bào Thái, Mường nơi đây có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đậm bản sắc... Những yếu tố đó mang lại tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế những năm gần đây, huyện Bá Thước đã, đang tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo đà cho du lịch cất cánh.

Bài 1: Phát triển hạ tầng, tạo đà cho du lịch cất cánh

Bản Ươi, xã Lũng Niêm (Ảnh lớn). Ảnh: Tiến Đông

Ấn tượng Pù Luông

Sau gần 4 tiếng xuất phát từ TP Thanh Hóa, vượt qua chặng đường chừng 160km, chúng tôi cũng đặt chân đến xã Thành Lâm. Không gian nơi đây thật yên bình, không khí trong lành, thư thái, trái ngược với sự ồn ào, tấp nập của phố thị. Gửi xe trên đường 15C, chúng tôi đi bộ vào bản Đôn. Bản dần hiện ra trước mắt với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những nếp nhà sàn nằm nép bên chân đồi. Tất cả hòa quyện đẹp tựa tranh vẽ.

Do đã hẹn trước, ông Ngân Trung Sơn, trưởng bản Đôn đợi chúng tôi ngay đầu bản. Lúc này các hộ làm du lịch đang dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các nhu yếu phẩm phục vụ khách du lịch. Dừng chân bên Homestay Hồng Lý - chị Cao Thị Lý niềm nở: Năm 2008, gia đình chị là hộ đầu tiên trong bản làm du lịch homestay. Ban đầu, khách đến với gia đình chủ yếu là người nước ngoài, song cũng thưa thớt, mỗi tuần chỉ có vài ba khách, sau dần tăng lên. Đến năm 2017, Nhà nước đầu tư cho con đường bê tông vào bản, khách đến đông hơn hẳn. Gia đình chị đã chung vốn với một số hộ khác đầu tư thêm các nhà sàn, thế mà có thời điểm không đủ phòng nghỉ.

Tiếp lời chị Lý, trưởng bản Ngân Trung Sơn cho biết thêm: “Như một luật bất thành văn của các hộ làm du lịch trong bản, đó là các hộ cùng hỗ trợ nhau làm du lịch. Nhà tôi có đông khách, tôi sẽ giới thiệu sang nhà khác; khách đến ở nhà nào là do ý của khách, các hộ không tranh giành khách của nhau; không phá giá các phòng nghỉ. Tôi mua thực phẩm về nhưng không có khách, tôi sẵn sàng để lại nếu nhà bên có nhu cầu... Ngoài ra, hàng tuần các hộ gia đình cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường trong bản. Việc phát triển du lịch bền vững được người dân trong bản đặc biệt quan tâm. Không chỉ là phương thức làm du lịch, mà việc giữ gìn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên là những yếu tố góp phần làm nên một bản Đôn hấp dẫn du khách. Hiện tại, cả bản có 22/76 hộ làm du lịch cộng đồng theo loại hình homestay; trong đó 7 hộ đã đón khách thường xuyên và cho thu nhập ổn định, có thời điểm đạt 200 triệu đồng/năm. Năm 2017, bản Đôn đón được 19.000 lượt khách. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến bản Đôn đã xấp xỉ 10.000 lượt khách và chủ yếu là khách nước ngoài”.

Rảo bước trên con đường bê tông như dải lụa dài uốn quanh các thửa ruộng bậc thang xanh mướt nối từ homestay này đến homestay khác, thỉnh thoảng bắt gặp những đoàn khách du lịch nước ngoài dừng chân chụp ảnh, đâu đó cất lên lời chào “Hello”, “Good morning. How are you?” cùng những nụ cười thân thiện, cử chỉ chân thành của những đứa trẻ, của các mế, các chị dành cho du khách làm cho khoảng cách giữa khách và chủ xích lại gần nhau hơn.

Trưởng bản Ngân Trung Sơn với nụ cười hiền hậu luôn thường trực trên môi, tự hào nói: Bản Đôn được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Do vậy, tỉnh và huyện đã hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho bản. Đến nay, bản đã được đầu tư bê tông hóa 1,6 km đường giao thông nông thôn, cứng hóa 0,8km đường nội đồng, hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa... Những ngày này, cán bộ và nhân dân trong bản đang gấp rút hoàn thiện các phần việc còn lại của công trình nhà văn hóa, chỉnh trang, dọn dẹp đường giao thông quanh khu du lịch để chuẩn bị khai trương tour du lịch mới, kết nối với các địa danh du lịch của cả tỉnh. Bản phấn đấu về đích NTM trong năm 2018.

Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch.

Không chỉ bản Đôn được huyện chọn làm điểm XDNTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mà những năm gần đây ở các bản: Hiêu (xã Cổ Lũng), Kho Mường (xã Thành Sơn), Muốn (xã Điền Quang)... cũng được huyện quan tâm đầu tư hạ tầng phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng chí Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXII nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định: Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa huyện Bá Thước thoát nghèo vào năm 2020. Để thực hiện được nhiệm vụ này, huyện Bá Thước tập trung chỉ đạo quyết liệt với các nhiệm vụ về công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Về công tác quy hoạch, huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, giai đoạn 2008-2015; Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2020; Quy hoạch Khu Du lịch sinh thái Son – Bá – Mười. Huyện cũng hoàn thiện quy hoạch phân khu du lịch thác Hiêu (xã Cổ Lũng) và thác Muốn (xã Điền Quang) và đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định 16 bản, làng được ưu tiên đầu tư nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, trong đó những cái tên như: Bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Kho Mường (xã Thành Sơn), bản Kịt (xã Lũng Cao), bản Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao), bản Ươi (xã Lũng Niêm)... đã rất quen thuộc với nhiều khách du lịch đến với Bá Thước.

Nguồn vốn đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước chủ yếu là từ ngân sách kết hợp với các Chương trình 30a, Chương trình 135. Tổng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển du lịch từ năm 2015 đến nay là trên 97 tỷ đồng. Trong đó, 88,3 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường giao thông tại các điểm, khu du lịch; 1,2 tỷ đồng xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; 2,1 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn huyện... Toàn huyện hiện có 69 cơ sở lưu trú du lịch với các phòng nghỉ, nhà sàn, bảo đảm yêu cầu phục vụ khách theo hình thức du lịch cộng đồng. Huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đến nay, đã có 16 tỷ đồng từ nguồn vốn của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào du lịch Bá Thước với 6 dự án. Lớn nhất phải kể đến dự án khu nghỉ dưỡng Pù Luông retreat tại bản Đôn (xã Thành Lâm) của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Dấu chân – Footprint Travel và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tam Kỳ - Threeland Travel với tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng. Dự án Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Village tại xã Thành Sơn với tổng mức đầu tư 77,8 tỷ đồng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào giữa năm 2019.

Nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động du lịch tại Bá Thước đã được các cấp, ngành và các tổ chức xã hội quan tâm, nhìn nhận một cách đúng đắn. Nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được thực hiện, như: Các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cộng đồng, thuyết minh viên, hướng dẫn viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp, khu nghỉ dưỡng Pù Luông retreat, các nhà nghỉ du lịch cộng đồng tại các bản đã chủ động tự tìm hiểu, học tập, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm du lịch. Tổng số lao động phục vụ du lịch trên địa bàn toàn huyện hiện nay khoảng 380 người, trong đó có 76% đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 huyện Bá Thước đón được 30.700 lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân trong ngành du lịch đạt 23,5%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 9.100 lượt khách; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 27,8 tỷ đồng; có 500 lao động phục vụ trong hoạt động du lịch, trong đó có 62% lao động được đào tạo, bồi dưỡng.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới huyện tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước về du lịch; xây dựng các khu, điểm du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Phấn đấu đến năm 2025 phát triển du lịch huyện Bá Thước cơ bản trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở kỹ thuật đồng bộ; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao, trong đó huyện sẽ tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình phát triển cho khu vực miền núi, XDNTM... tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng đầu tư mới cơ sở hạ tầng, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa hệ thống giao thông nông thôn kết nối đến các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng các bãi đỗ xe, khu tiếp đón ở các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng phát triển nổi trội. Bảo đảm hệ thống điện lưới, nước sạch, các dịch vụ viễn thông, internet phục vụ khách du lịch và hoạt động kinh doanh du lịch; đầu tư hệ thống xử lý rác thải và vệ sinh môi trường; phương tiện vận chuyển khách du lịch phù hợp với loại hình du lịch cộng đồng; huy động các nguồn lực tài chính địa phương, chú trọng thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa du lịch tại các khu vực có đủ điều kiện phát triển du lịch cộng đồng; đầu tư khôi phục và bảo tồn giá trị tài nguyên nhân văn, tài nguyên phi vật thể của cộng đồng dân tộc địa phương phục vụ phát triển du lịch...

Bài 2: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]