(Baothanhhoa.vn) - Với lý do đất rừng sản xuất đã hết thời hạn giao khoán, huyện Yên Định đã thu hồi đất trồng rừng sản xuất tại khu vực núi Yên Thôn (hay còn gọi là núi Quan Yên), thôn Yên Thôn, xã Định Tiến để giao cho các hộ dân ở địa phương khác đến thuê với thời hạn 50 năm. Song, những thắc mắc trong quá trình thực hiện thu hồi đất rừng ở khu vực này đang gây bức xúc trong Nhân dân.

Yên Định: Sớm quan tâm đối thoại, làm rõ những thắc mắc của người dân trong việc thu hồi đất rừng sản xuất

Với lý do đất rừng sản xuất đã hết thời hạn giao khoán, huyện Yên Định đã thu hồi đất trồng rừng sản xuất tại khu vực núi Yên Thôn (hay còn gọi là núi Quan Yên), thôn Yên Thôn, xã Định Tiến để giao cho các hộ dân ở địa phương khác đến thuê với thời hạn 50 năm. Song, những thắc mắc trong quá trình thực hiện thu hồi đất rừng ở khu vực này đang gây bức xúc trong Nhân dân.

Yên Định: Sớm quan tâm đối thoại, làm rõ những thắc mắc của người dân trong việc thu hồi đất rừng sản xuấtKhu vực núi Yên Thôn thuộc địa phận thôn Yên Thôn, xã Định Tiến (Yên Định).

Theo thông tin phản ánh từ đơn, thư của công dân, phóng viên Báo Thanh Hoá đã có mặt tại thôn Yên Thôn, xã Định Tiến. Khu vực núi Yên Thôn vốn thuộc địa phận hành chính của 3 xã: Định Công, Định Thành và Định Tiến. Trong đó, ở xã Định Tiến, diện tích núi thuộc địa bàn thôn Yên Thôn.

Theo lời kể của người dân trong thôn, ngày xưa, núi Yên Thôn vốn là khu vực đất trống, đồi núi trọc. Từ năm 1992, khi thực hiện Dự án 327 (Quyết định 327 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước), có 90 hộ dân trong thôn đăng ký tham gia thực hiện dự án với tổng diện tích hơn 90 ha. Các hộ dân được giao đất trồng rừng sản xuất, được hỗ trợ cây giống, vật tư và công chăm sóc, bảo vệ để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Giá trị thu hoạch từ rừng được phân chia theo tỷ lệ phần trăm, một phần nộp vào ngân sách, một phần thuộc về các hộ dân. Đến khoảng năm 2006, sau ảnh hưởng của trận bão mạnh đổ bộ, nhiều diện tích cây trồng trên núi bị quật đổ, cũng từ đó địa phương không thu phần trăm từ rừng mà do các hộ dân tự canh tác. Hiện nay, tại khu vực núi Yên Thôn, ngoài diện tích cây trồng rải rác của các hộ dân, ở khu vực chân núi có hơn 10 hộ dân đã làm nhà và sinh sống trên đất rừng sản xuất.

Theo thông tin do UBND xã Định Tiến cung cấp, đầu năm 2018, UBND huyện Yên Định có công văn gửi các xã, thị trấn yêu cầu kiểm tra, rà soát diện tích rừng sản xuất và hợp đồng giao đất lâm nghiệp đã đến thời hạn thanh lý. UBND huyện yêu cầu các xã có rừng rà soát, tổng hợp diện tích rừng sản xuất trên địa bàn quản lý, đồng thời thống kê các hộ đã được giao đất lâm nghiệp vào mục đích trồng rừng đã đến hạn thanh lý.

Sau quá trình rà soát tại xã Định Tiến, tháng 2-2019, UBND huyện Yên Định đã ban hành Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 14-2-2019 thu hồi đất trồng rừng sản xuất của các hộ dân thôn Yên Thôn giao cho UBND xã Định Tiến quản lý. Theo quyết định này, tổng số hộ thu hồi đất là 90 hộ, diện tích trả đất là 90,77 ha, loại đất trồng rừng sản xuất, lý do trả đất: Đã hết thời hạn giao khoán, các hộ không có nhu cầu sử dụng đất. UBND xã Định Tiến cung cấp cho phóng viên các giấy tờ liên quan đến thu hồi đất, trong đó có tập hồ sơ là các lá đơn xin trả đất dự án 327 có chữ ký của các hộ dân và xác nhận của lãnh đạo UBND xã Định Tiến thời bấy giờ.

Cũng tại khu vực này, trong năm 2020, UBND huyện Yên Định ban hành quyết định cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ cho 10 cá nhân là người dân ở các địa phương khác đến thuê đất với mục đích trồng rừng sản xuất với thời hạn 50 năm, tổng diện tích đất cho thuê là hơn 49 ha, hình thức sử dụng đất là nộp tiền thuê đất hàng năm. Các cá nhân được thuê đất đã liên kết thành lập HTX Đức Mạnh để thực hiện trồng rừng sản xuất kết hợp chăn nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Định Tiến cho biết: Thời điểm xã Định Tiến kiểm tra, rà soát để đề nghị UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất, các hộ dân ở thôn Yên Thôn có đề xuất được thầu lại diện tích đất rừng sản xuất, song cấp xã không có thẩm quyền cho thuê đất rừng, cán bộ xã đã hướng dẫn các hộ dân nếu muốn thuê phải có đơn đề nghị và lập hồ sơ, thủ tục, song không có hộ dân nào thực hiện. Đến năm 2019, sau khi huyện ban hành quyết định thu hồi đất trồng rừng sản xuất của các hộ dân thôn Yên Thôn, xã Định Tiến đã nhiều lần thông báo đến với các hộ dân chủ động thu hoạch cây cối để bàn giao đất cho địa phương quản lý, song đa số các hộ dân vẫn chưa thực hiện và kéo dài cho đến nay.

Trong quá trình gặp gỡ các hộ dân, đa số người dân đều thắc mắc và có kiến nghị xung quanh việc bồi thường, giải phóng cây cối để thu hồi đất rừng cũng như phương án giải quyết đối với các ngôi mộ còn nằm rải rác trên núi. Ông Hàn Văn Xuân, Bí thư Chi bộ thôn Yên Thôn cho biết: Việc thu hồi đất rừng sản xuất dự án 327 là chủ trương của huyện để chuyển sang trồng các cây có giá trị kinh tế như trầm, quế. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là nhiều người dân chưa thống nhất về việc bồi thường, thu hồi tài sản là cây cối trên đất. Hơn nữa bất cập hiện nay là tại khu vực núi Yên Thôn còn rải rác các ngôi mộ của các gia đình, dòng họ trong thôn. Nếu bàn giao 100% đất rừng cho doanh nghiệp mà không có phương án cụ thể, lâu dài thì sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn trong quá trình sử dụng về sau này.

Yên Định: Sớm quan tâm đối thoại, làm rõ những thắc mắc của người dân trong việc thu hồi đất rừng sản xuấtNgười dân thôn Yên Thôn, xã Định Tiến trao đổi sự việc với phóng viên.

Ông Lê Văn Bỉnh, bà Nguyễn Thị Biên và một số hộ dân trong thôn bức xúc: Cả ba mặt núi Yên Thôn thuộc địa phận của 3 xã, các xã khác người dân vẫn yên ổn trồng rừng, nhưng ở xã Định Tiến tự nhiên thu hồi đất rừng của các hộ để giao đất cho một nhóm người ở địa phương khác đến cũng chỉ để trồng rừng. Điều này vô tình gây thiệt thòi cho người dân tại khu vực có núi. Mặc dù đất rừng có nguồn gốc là của Nhà nước giao cho dân để thực hiện dự án, song cây cối trên đất có được như bây giờ là có công sức của người trồng, chăm sóc vào bảo vệ lâu nay. Hơn nữa, việc thu hồi đất chưa được họp bàn, thảo luận thấu đáo việc bồi thường cây cối trên đất, rồi cả phần đất là mộ phần của các gia đình nằm trên đồi từ bao nhiêu năm nay... Chưa giải quyết rõ ràng các nội dung mà đã bàn giao đất cho các hộ dân ở nơi khác đến để họ tự ý chặt phá cây cối của người dân như thế là không được. Đề nghị việc thu hồi đất của dân và giao đất cho chủ thể khác phải có tình, có lý, hài hòa lợi ích giữa các bên.

“Tháng 12-2021, HTX Đức Mạnh mang xe, cưa máy và thuê người đến để cắt cây của dân, người dân trong thôn đánh kẻng báo hiệu dân làng ra ngăn chặn. Cũng may công an xã kịp thời ra can thiệp nên không xảy ra ẩu đả. Mấy tháng trước, họ đóng cọc, dùng dây thép gai làm rào chắn, rào cả những đoạn đường đi lên mộ thắp hương khiến các hộ dân bức xúc kiến nghị, sau khi có sự can thiệp của chính quyền, họ phải dỡ bỏ hàng rào thép gai ở những vị trí đi lên mộ... Người dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kịp thời giải quyết thoả đáng các vấn đề người dân thắc mắc, tránh tình trạng mâu thuẫn kéo dài, gây mất an ninh trật tự tại địa phương”, ông Lê Văn Tắng, đại diện cho các hộ dân thôn Yên Thôn nhấn mạnh thêm.

Để làm rõ các vấn đề bức xúc của người dân thôn Yên Thôn, xã Định Tiến, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND huyện Yên Định. Đại diện phòng Tài nguyên và môi trường huyện khẳng định: Thời điểm cuối năm 2018-2019, khi UBND xã Định Tiến nhiều lần đề nghị về việc thu hồi đất rừng sản xuất tại núi Yên Thôn để giao cho xã quản lý, cho thuê để tăng thu ngân sách, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham mưu thực hiện chặt chẽ các quy trình, thủ tục thu hồi đất. Cấp xã cam kết thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, các hộ dân ở thôn Yên Thôn đã có đơn tự nguyện trả đất. Trên cơ sở đó, UBND huyện mới có cơ sở để ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất. Đến năm 2020, khi có hồ sơ xin thuê đất của các hộ dân khác, huyện đã thực hiện các thủ tục cho thuê đất và bàn giao đất cho các hộ dân với tổng diện tích hơn 49ha với mục đích trồng rừng sản xuất, phần diện tích rừng còn lại liên quan đến đất di tích lịch sử - văn hóa, đất dự kiến quy hoạch mỏ và phần nghĩa trang tập trung của Nhân dân địa phương. Từ thời điểm đó đến nay, các phòng, ban chức năng của huyện chưa nhận được đơn thư phản ánh nào của người dân liên quan đến nội dung trên.

Qua gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các hộ dân và trao đổi với lãnh đạo địa phương cho thấy, nếu sự việc được chính quyền xã Định Tiến giải quyết dứt điểm ngay từ khi có quyết định thu hồi đất rừng sản xuất tại núi Yên Thôn, sau đó mới thực hiện các thủ tục cho thuê đất và bàn giao đất cho các hộ dân khác thì không dẫn đến những bức xúc, đơn thư khiếu kiện vượt cấp. Thiết nghĩ, UBND huyện Yên Định cũng như xã Định Tiến cần tổ chức đối thoại, tuyên truyền, giải thích những những thắc mắc của Nhân dân cũng như sớm có phương án giải quyết những vấn đề còn tồn đọng để ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Nhóm PV Bạn đọc – TL



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]