(Baothanhhoa.vn) - Xuất cảnh lao động “chui” như canh bạc may rủi của cuộc đời. Bên cạnh những người may mắn dành dụm được ít vốn liếng về quê mua đất, xây nhà, tạo dựng cơ nghiệp, cũng không ít người đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất cảnh lao động “chui” - canh bạc may rủi

Xuất cảnh lao động “chui” như canh bạc may rủi của cuộc đời. Bên cạnh những người may mắn dành dụm được ít vốn liếng về quê mua đất, xây nhà, tạo dựng cơ nghiệp, cũng không ít người đối mặt với nhiều rủi ro, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống.

Đồng chí Hoàng Văn Trường, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đa Lộc nắm bắt tâm tư, vận động người dân không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Ảnh: Minh Hiếu

Khát vọng đổi đời - kết cục đau thương

Chiều xuống, thôn M.H, xã M.L, huyện Hậu Lộc phủ mình dưới làn sương mù dày đặc. Trong căn nhà 2 tầng xây xong còn chưa được quét ve, chị N. ngồi lặng im nhìn ra cánh đồng hoang bên ngoài cửa sổ. Có lẽ cái chết đột ngột, đau đớn của người con trai duy nhất khiến chị N. suy sụp.

Trước kia, hoàn cảnh gia đình chị N. gặp nhiều khó khăn, chị một mình đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan. Sau khi hết hạn hợp đồng 3 năm, chị trở về chăm sóc chồng, con. Tuy nhiên, cả 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khi được mùa, khi thất bát. Cách đây vài năm, chị N. cùng chồng và con trai quyết định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Sang Trung Quốc, con trai chị N. làm cho một cơ sở sản xuất nhựa ở tỉnh Quảng Đông. Chủ cơ sở bắt em lao động quần quật, thỉnh thoảng còn bị phạt tiền, mắng chửi thậm tệ. Nhiều lần vợ chồng và con chị N. có ý định về nước nhưng nghĩ đã mất công đi nên lại gắng động viên nhau ở lại với hy vọng ngày nào đó vận may sẽ đến. “Không ai muốn tha hương cầu thực nơi đất khách đầy rủi ro, hiểm nguy, nhưng gánh nặng mưu sinh buộc chúng tôi phải liều mình”, chị N. buồn bã nói.

Đợt Tết Nguyên đán vừa rồi, chị N. một mình trở về quê ăn tết cùng con gái, để lại 2 bố con nơi đất khách quê người trong nỗi lo âu. Và rồi, nỗi phấp phỏng của chị đã hóa thành nỗi đau khôn xiết: Con trai chị tự tử do trầm cảm. Từ khi con trai chết, chị gầy xọp đi trông thấy, mắt thâm quầng, chân run rẩy đi không vững. Chị N. nức nở: “Để đưa thi thể cháu về phải tốn 200 - 300 triệu đồng. Nhà đang lo ăn từng bữa, tiền đâu mà đón con về, con ơi...”.

Cũng chung hoàn cảnh như gia đình chị N., chị Vũ Thị L., ở huyện Quảng Xương, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động cho một cơ sở sản xuất ví da. Trong khi đi làm, chị L. bị tử vong do tai nạn giao thông. Vì xuất cảnh trái phép nên khi xảy ra tai nạn, người nhà không dám báo cơ quan chức năng Trung Quốc giải quyết, sợ họ không cho mang thi thể chị L. về Việt Nam. Để đưa được thi thể chị L. về quê, người nhà đã phải chi trả rất nhiều tiền.

Còn rất nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động “chui” bị tử vong, bị thương, bị quỵt lương, bị lừa bán làm gái mại dâm, bị ép làm vợ, sinh con thuê nơi đất khách quê người. Ngồi trò chuyện với em Nguyễn Thị A. ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) - sau 16 năm bị bán sang Trung Quốc, chúng tôi mới thấu hiểu những gian truân, sóng gió của đời người con gái khi bị bán sang xứ người:

- “Do gia đình quá nghèo, lại ham chơi không chịu học hành, đua đòi với chúng bạn, năm 13 tuổi em đã bỏ nhà ra Hà Nội đi làm thuê kiếm tiền tiêu xài nhưng vì tuổi đời còn trẻ, lại là lần đầu tiên xa nhà. Vừa đặt chân đến chốn đô thành em đã bị mẹ mìn lừa bán sang Trung Quốc. Bên xứ người, cuộc sống của em bị đưa đẩy khắp nơi, bị đối xử tệ bạc, có những ngày tháng tưởng chừng như phải kết thúc sự sống ở nơi đất khách quê người, nhưng em đã cố gắng sống để được về với gia đình. Đã nhiều lần em bỏ trốn, nhưng mỗi lần như vậy em lại bị bắt và kèm theo đó là những trận đòn roi” - đôi mắt A. nhìn xa xăm giọng buồn kể về quá khứ.

- “Mọi người đừng nghĩ sang Trung Quốc sẽ được sung sướng, cuộc sống sẽ phủ đầy màu hồng. Không có chuyện đó đâu” - vừa nói, A. vừa chỉ cho tôi xem những vết sẹo dài còn hằn trên cánh tay, trên đầu em, trong đó có những vết sẹo do em tự gây ra để tìm con đường sống cho mình. 16 năm lưu lạc nơi xứ người, A. dần dần không được tiếp xúc với người Việt, không được nói tiếng Việt, trong trí nhớ của em chỉ còn hình ảnh người cha quanh năm đi biển, người mẹ tần tảo sớm hôm với con cá, mớ rau. Em còn không nhớ được tên làng, tên xã, mà chỉ nhớ được duy nhất một số điện thoại bàn của người quen và nhớ mình ở tỉnh Thanh Hóa. Số phận đã run rủi để em gặp được chị Thái Thị L., quê ở tỉnh Kiên Giang. Cảm thương trước hoàn cảnh của A., chị L. đã tìm cách đưa em về Việt Nam tìm lại người thân.

Khi về đến nhà, bố đã mất, mẹ thì già yếu, A. bắt đầu học lại tiếng Việt để giao tiếp với mọi người. Và em cũng đã đi bóc tôm, bóc ghẹ thuê để kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Chia tay A., tôi theo chân anh Hoàng Văn Trường, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Đa Lộc lòng vòng trong những con ngõ nhỏ, hẹp quanh co để ra triền đê Ngư Lộc. Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp từng tốp, từng tốp các bà, các mẹ ngồi chụm với nhau bên rổ tôm, rổ ghẹ. Anh Trường cho biết: Phụ nữ Ngư Lộc giờ đỡ vất hơn xưa rồi, vì hiện tại ở xã có rất nhiều cơ sở chế biến hải sản. Chị em nào chịu khó đi bóc tôm, bóc ghẹ thuê cũng kiếm được vài chục nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, nhiều người mơ ước có cuộc sống sung sướng hơn nên bất chấp những rủi ro họ vẫn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để làm thuê, kiếm thu nhập cao hơn.

“Nóng” xuất cảnh chui - thuốc “hạ nhiệt” là gì?

Theo khảo sát của công an các huyện, thị xã, thành phố, tính đến ngày 1-2-2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.718 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, trong đó Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có 1.735 người về quê ăn tết, 983 người ở lại Trung Quốc lao động.

Trong số 1.735 người về quê ăn tết, có 1.439 người ở lại, 296 người ăn tết xong tiếp tục xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc (196 trường hợp đi mới).

Trong đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc từ ngày 1-2 đến 20-3-2018, các đơn vị công an trong tỉnh đã phát hiện, ngăn chặn 9 vụ/74 người đang chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; phát hiện đấu tranh 4 đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc...

Trước diễn biến phức tạp của thực trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh; nhận thức rõ các phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tăng cường công tác nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh trái phép, vi phạm pháp luật; đồng thời, tích cực “xóa đói, giảm nghèo” gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chú trọng công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm... Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau nên dòng người lao động “chui” sang Trung Quốc tìm kế mưu sinh vẫn chưa giảm.

Điều đáng nói là nhiều người vẫn biết xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê là trái pháp luật, luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Họ không được cấp giấy tờ hợp pháp, phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng Trung Quốc; điều kiện ăn uống, sinh hoạt kham khổ; mất tự do, không được ký hợp đồng lao động và hưởng các chế độ bảo hiểm nên khi ốm hoặc bị tai nạn không được thăm khám, bồi thường theo quyền lợi của người lao động..., thậm chí có những người phải trả giá bằng cả tính mạng của mình; song, họ vẫn cố tình tìm cách để đi với hy vọng có được việc làm và mức thu nhập cao hơn.

Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được Thượng tá Nguyễn Đăng Luyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đa Lộc, cho biết: Tính đến tháng 3 - 2018, trên địa bàn đồn quản lý có 307 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Mặc dù, đồn đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành tuyên truyền, vận động nhân dân không xuất cảnh trái phép; đồng thời tổ chức cho người dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên, vì việc làm tại địa phương không ổn định, thu nhập bấp bênh nên có trường hợp vừa ký cam kết xong hôm nay thì vài ngày sau họ đã “lên đường”. Đến nhà hỏi thăm thì người nhà trả lời là đi làm thuê ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ chúng tôi phát hiện là họ đã sang Trung Quốc làm thuê.

Tình trạng trên cũng xảy ra trên địa bàn các xã do Đồn Biên phòng Sầm Sơn quản lý. Một cán bộ biên phòng nơi đây cho biết: Qua trò chuyện, người dân nhận thức rất rõ việc xuất cảnh trái phép là trái pháp luật và đi lao động “chui” sẽ có nhiều rủi ro nhưng vì cuộc sống họ bất chấp sự khuyến cáo của lực lượng chức năng. Thậm chí có trường hợp còn nói “Nếu cán bộ biên phòng mà lo việc làm ổn định cho họ thì họ sẽ ở nhà...”.

Đó cũng là cái khó cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng khi công tác hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong khi nhu cầu sử dụng lao động phổ thông tại Trung Quốc rất lớn, giá công lao động được trả cao hơn, trung bình quy đổi khoảng 200 - 300.000 đồng/người/ngày.

Thiết nghĩ, để “hạ nhiệt” tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê như hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã - nơi gần dân trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của người dân; sự kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục với răn đe, xử lý nghiêm khắc đối với các đối tượng tổ chức đưa người đi và cả những người xuất cảnh trái phép thì điều mấu chốt là các địa phương phải phát triển được các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất có ngành, nghề phù hợp với lao động phổ thông của địa phương nhằm giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Đó có lẽ mới là thuốc chữa tận gốc tình trạng xuất cảnh trái phép đi lao động “chui” như hiện nay.

Nhu cầu lao động để mưu sinh và làm giàu của những người nông dân là chính đáng, nhưng có một điều đáng buồn là thu nhập từ đồng ruộng ở các vùng quê ngày càng thấp, trong khi chi phí các loại nguyên vật liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp lại cao; nghề phụ thì bấp bênh; thủy sản ngày càng cạn kiệt, đi biển phụ thuộc nhiều vào thời tiết... kéo theo đó là tình trạng ly nông và ly hương ở mỗi làng quê ngày càng phổ biến, dẫn đến nhiều người dân lựa chọn con đường đi lao động chui để rồi họ lại tiếp tục đánh cược tính mạng với canh bạc may rủi cuộc đời.

Đảng viên Lê Huy Toán (Huyện Hoằng Hóa)

Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, xã Quảng Nham có khoảng gần 1.000 lao động phổ thông đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó qua xác minh đã có 79 người sang Trung Quốc lao động “chui”. Trước diễn biến “nóng” này, xã đã tìm nhiều cách “hạ nhiệt” bằng những buổi gặp mặt các lao động “chui” để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ kết hợp tuyên truyền, cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra và số người đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đã giảm theo từng năm. Tuy nhiên, vì mưu sinh của cuộc sống, nhiều người vẫn tìm cách sang Trung Quốc. Thiết nghĩ để giải quyết tận gốc tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, điều quan trọng nhất là phải tạo được sinh kế bền vững cho họ. Muốn làm được điều đó xã Quảng Nham nói riêng và các xã ven biển của huyện Quảng Xương nói chung rất cần các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến ngành, nghề phù hợp với lao động phổ thông để người dân yên tâm ở lại quê hương làm việc.

Hà Thế Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Nham (Quảng Xương)

Năm 2016 được sự giới thiệu của người quen, tôi đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê cho một cơ sở sản xuất inox, thu nhập bình quân từ 7 đến 8 triệu đồng. So với thu nhập từ làm công nhân ở nhà thì cao hơn một chút, nhưng vì tâm lý đi lao động “chui” nên lúc nào cũng lo các lực lượng chức năng phía Trung Quốc bắt giữ. Về ăn tết lần này, chính quyền địa phương cũng như bộ đội biên phòng đến tuyên truyền, vận động và bản thân cũng thấy đi lao động “chui” rủi ro lớn nên tôi quyết định ở nhà làm hồ sơ xin việc vào làm ở công ty may mặc, giày da trên địa bàn tỉnh.

Trần Thị Thủy (Thôn 5, xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn)


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]