(Baothanhhoa.vn) - Trên thế giới, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về “Thành phố thông minh”, qua nhiều hội thảo quốc tế trong và ngoài nước thì các chuyên gia chỉ ra rằng: Một thành phố chỉ thực sự thông minh khi hội tụ 4 yếu tố: Quy hoạch thông minh, hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện, dựa trên 6 tiêu chí: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý điều hành thông minh và cuộc sống thông minh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng TP Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh, thông minh

Trên thế giới, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về “Thành phố thông minh”, qua nhiều hội thảo quốc tế trong và ngoài nước thì các chuyên gia chỉ ra rằng: Một thành phố chỉ thực sự thông minh khi hội tụ 4 yếu tố: Quy hoạch thông minh, hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện, dựa trên 6 tiêu chí: Nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý điều hành thông minh và cuộc sống thông minh.

Một góc TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu

Có thể nói, xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đã là một xu hướng tất yếu và việc phát triển ĐTTM cần có sự tham gia đầy đủ các thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng; các hoạt động kết nối đa chiều và đa cấp, linh hoạt đòi hỏi phải có cơ chế liên kết phối hợp từ quản trị, đầu tư đến vận hành và thụ hưởng. Trong những năm qua vấn đề xây dựng ĐTTM ở Thanh Hóa nói riêng và ở Việt Nam đã được khởi động rất tích cực, các bộ, ban, ngành, Trung ương, cấp ủy, chính quyền tỉnh, TP Thanh Hóa luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh; huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Việc thực hiện Đề tài “Xây dựng TP Thanh Hóa hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh, thông minh” có tính khả thi, TP Thanh Hóa xác định được các lợi thế trên nền tảng cơ sở sau:

Thứ nhất: Toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu và đang tạo ra những cơ hội cho các quốc gia, các đô thị phát triển, hội nhập khi biết tận dụng những cơ hội và thế mạnh của toàn cầu hóa. Thông qua sự gia tăng đầu tư của các nước phát triển sẽ tiếp thu được nhiều kinh nghiệm về quản lý, phát triển khoa học - kỹ thuật, tạo nhiều việc làm, nhận thức, môi trường sống, thu nhập của người lao động, người dân được nâng lên; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hoàn thiện, các quy định của pháp luật được thực thi nghiêm túc, hạn chế, đẩy lùi được tình trạng tham nhũng. Gia tăng luồng dữ liệu xuyên biên giới thông qua việc sử dụng các công nghệ như internet, các vệ tinh liên lạc và điện thoại.

Từ xu thế của thế giới và thực tế của Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng, mỗi địa phương cần chủ động và tích cực hội nhập là con đường tốt nhất để tranh thủ cơ hội và vượt qua những thách thức của quá trình toàn cầu hóa.

Quá trình đô thị hóa như là xu hướng tất yếu, đô thị hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố của dân cư. Các đô thị không chỉ là nơi tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động mà còn là nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn, sử dụng nguồn lao động chất lượng cao, có cơ sở hạ tầng hiện đại, sức hút đầu tư mạnh.

Từ tính tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa và quá trình đô thị hóa, nếu chúng ta không đặt ra việc nghiên cứu các giải pháp phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, ĐTTM thì TP Thanh Hóa sẽ không phát huy được những lợi thế tích cực của nó mà phải đối mặt với những hậu quả không dễ gì khắc phục trong tương lai.

Thứ hai: Lợi thế về vị trí địa chính trị của tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực dồi dào. Có vị trí địa lý là yết hầu của cả nước, là điểm trung chuyển và giao thoa các tuyến giao thông quốc gia: Trục giao thông Bắc – Nam: Quốc lộ 1A, tuyến đường xuyên Á (AH1), đường cao tốc Hà Nội – Thanh Hóa (thuộc Dự án đường cao tốc Bắc Nam, dự kiến hoàn thành năm 2021). Hệ thống tuyến đường sắt Bắc Nam; Chính phủ đang trình Quốc hội thực hiện đầu tư đoạn tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đoạn Hà Nội – Vinh, dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm 2019-2020. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47 đi qua. Trục Quốc lộ 217 (191 km) kết nối với nước bạn Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Trục đường ven biển (92,6 km) đang đầu tư xây dựng. Hệ thống giao thông thủy rộng khắp với 102 km bờ biển và 30 tuyến sông, kênh. Cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng đón tàu quốc tế có tải trọng tới 5 vạn tấn. Cảng Hàng không Thọ Xuân có tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 250%/năm).

Thứ ba: Lợi thế xuất phát từ sự đầu tư từ Trung ương, của tỉnh. Tỉnh Thanh Hóa xác định tập trung đầu tư vào các cụm công nghiệp, trục kinh tế: Cụm kinh tế động lực Nghi Sơn; Cụm kinh tế động lực TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn; Cụm kinh tế động lực Bỉm Sơn - Thạch Thành và Cụm kinh tế động lực Lam Sơn - Sao Vàng. Xác định các trục phát triển kinh tế: Trục Quốc lộ 1A: Từ thị xã Bỉm Sơn đi TP Thanh Hóa đến Khu Kinh tế Nghi Sơn; trục đường Hồ Chí Minh: Từ Thạch Thành đi Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lam Sơn - Sao Vàng, Bãi Trành; Trục Quốc lộ 45 và 47: Từ TP Sầm Sơn đi TP Thanh Hóa đến Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, để thu hút đầu tư, tạo các cực tăng trưởng và sức lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Khi có sự đầu tư của Trung ương cho các dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, giai đoạn đầu Hà Nội – Vinh, sẽ rút ngắn khoảng thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Thanh Hóa từ 3 giờ còn 30 phút.

Thứ tư: Thanh Hóa là nơi lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Thanh Hóa là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Thanh Hóa đất rộng, người đông, địa thế hiểm trở, tiến có thể công, thoái có thể thủ, luôn là hậu phương vững chắc, khu vực phòng thủ rộng lớn, có tầm chiến lược trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thanh Hóa có tới 1.535 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 145 di tích quốc gia. Nổi bật là Thành Nhà Hồ, công trình kiến trúc đá kỳ vĩ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới; văn minh Núi Đọ vào kỳ đồ đá cũ, văn hóa Đông Sơn được xác định tồn tại trong khoảng từ thế kỷ VII trước Công nguyên đến thế kỷ I - II sau Công nguyên; đồng thời cũng là cái nôi của làng gốm trên thế giới, được hình thành từ thế kỷ thứ I, gốm Tam Thọ ra đời và phát triển một lần nữa khẳng định tính vượt trội của nghề gốm xứ Thanh so với các khu vực khác cùng thời.

Thứ năm: Nguồn lực từ dân số đông. Với dân số hiện tại của thành phố 450.000/3.700.000 người, tốc độ tăng trưởng và phát triển như dự báo, cùng với xu hướng di dân cơ học các tỉnh giáp ranh và phía Tây Bắc sẽ tạo nên nguồn lực về con người, sức lao động, là một lợi thế về nguồn lực để xây dựng thành một trung tâm của Việt Nam, thành một cực trong phát triển kinh tế.

Thứ sáu: Tập trung thu hút, tận dụng được nguồn vốn và công nghệ cao của các nước Mỹ, Nhật và Tây Âu đang có nhu cầu đầu tư ở Việt Nam nói chung và các đô thị nói riêng.

Thứ bảy: Quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị, ủng hộ đồng lòng của người dân TP Thanh Hóa là một yếu tố quan trọng, đảm bảo cho tiến trình xây dựng thành phố hiện đại, bền vững đạt kết quả. Hơn thế, sự đồng thuận của chính quyền cấp tỉnh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cũng như một yếu tố quan trọng, đảm bảo sự phát triển của thành phố.

Xác định được tầm quan trọng cần phải xây dựng TP Thanh Hóa không chỉ trở thành đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ, mà cần phải xây dựng thành phố thành một đô thị xanh, thông minh bền vững, Đề tài “Xây dựng TP Thanh Hóa hiện đại, bền vững, hướng tới đô thị xanh, thông minh” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, ban hành tại Quyết định số 1638/QĐ-BKHCN là đề tài cấp quốc gia. Đơn vị chủ trì đề tài là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cùng các viện chuyên ngành và các chuyên gia đầu ngành về đô thị thực hiện các nội dung sau:

Xây dựng cơ sở khoa học nhằm khai thác các lợi thế của TP Thanh Hóa cho việc phát triển thành phố hướng tới đô thị xanh, thông minh.

Xây dựng được hệ thống tiêu chí đô thị xanh, thông minh phù hợp điều kiện Việt Nam và áp dụng cho Thanh Hóa (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng điều hành thông minh, năng lượng xanh, hạ tầng văn hóa, hạ tầng kinh doanh).

Triển khai áp dụng một số giải pháp phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị hiện đại, bền vững hướng tới đô thị xanh, thông minh: Hạ tầng giao thông thông minh (bãi đỗ xe thông minh, hệ thống tín hiệu và chiếu sáng thông minh, hệ thống định vị và quản lý phương tiện giao thông). Hệ thống quản lý an ninh trật tự thông minh. Dịch vụ du lịch thông minh.

Mở rộng không gian đô thị thành phố từ 150 km2 lên tới 600 km2, khắc phục những hạn chế từ các đô thị hiện hữu; hướng tới một đô thị của khu vực và thế giới.

Đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị xanh, thông minh áp dụng thí điểm cho TP Thanh Hóa.

Xuất phát từ thực tế và yêu cầu nói trên, việc xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề tài “Xây dựng TP Thanh Hóa hiện đại, bền vững, hướng tới đô thị xanh, thông minh” có ý nghĩa rất thiết thực, hữu ích cho tỉnh Thanh Hóa, cho khu vực Bắc Trung bộ trong công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và du khách được sử dụng các dịch vụ tiện ích, thông minh, góp phần đưa TP Thanh Hóa trở thành thành phố du lịch, dịch vụ, công nghiệp và công nghệ cao, hấp dẫn bởi sự thông minh, thân thiện và an toàn, an ninh, sớm trở trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính của Việt Nam và khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Xuân Phi

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]