(Baothanhhoa.vn) - Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, là hành vi bị lên án kịch liệt, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần đứa trẻ; vi phạm trắng trợn quyền và lợi ích của trẻ em; đồng thời, đi ngược lại với luân thường đạo lý, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xâm hại trẻ em: Cần sự quan tâm của toàn xã hội

Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, là hành vi bị lên án kịch liệt, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần đứa trẻ; vi phạm trắng trợn quyền và lợi ích của trẻ em; đồng thời, đi ngược lại với luân thường đạo lý, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội.

Trẻ em tham gia “Ngày hội đọc sách” tại Thư viện tỉnh.

Hành trình gian nan...

Cô bé có đôi mắt trong veo mải mê chơi đùa cùng đám trẻ, chẳng màng đến cái không khí nhộn nhạo của phố xá cuối chiều. Tiếng cười hồn nhiên như gạt ra ngoài mọi bon chen, lo toan, để trả lại cho con phố niềm vui và vẻ bình lặng vốn có. Nhìn khung cảnh rất đỗi bình dị và quen thuộc ấy, nhiều người không khỏi ngạc nhiên và xót xa cho cô bé có đôi mắt đẹp nhưng gặp phải hoàn cảnh trớ trêu. Những ngày đầu năm 2018, nhiều người dân phố K.Đ (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) đã vô cùng lo lắng và bất bình khi hay tin bé T.M bị xâm hại tình dục. Đau lòng hơn là, bé mới 4 tuổi và người thực hiện hành vi đồi bại, trái pháp luật này lại là hàng xóm của em, cũng là người đáng tuổi ông. Sự việc được người nhà phát giác sau khi bé kêu đau và tỏ ra sợ hãi. Việc thương lượng giữa hai bên gia đình bất thành, nên gia đình người bị hại đã gửi đơn tố cáo lên chính quyền và các cơ quan báo chí, đề nghị vào cuộc. Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, bà Trần Thị Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội UBND TP Thanh Hóa, cho biết: Liên quan đến trường hợp của bé T.M, sau khi nắm bắt thông tin, Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên gia đình. Còn các bước xây dựng hồ sơ, điều tra, xác minh nhằm nhận định chính xác tính đúng – sai và mức độ sự việc, thì hiện vẫn đang chờ kết luận cuối cùng từ phía cơ quan công an.

Theo số liệu thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, đến tháng 9-2018, toàn tỉnh có 42.789/880.441 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 4,86% tổng số trẻ dưới 16 tuổi). Đây là đối tượng trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ; trẻ bị bỏ rơi; trẻ không nơi nương tựa; trẻ khuyết tật; trẻ nhiễm HIV/AIDS; trẻ vi phạm pháp luật; trẻ nghiện ma túy; trẻ phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục THCS; trẻ bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bạo lực; trẻ bị bóc lột; trẻ bị xâm hại tình dục; trẻ bị mua bán... Do có “hoàn cảnh đặc biệt” nên nhiều trẻ trong số đó không đủ điều kiện và khả năng để thực hiện quyền sống, quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập... nên cần có sự quan tâm, hỗ trợ, can thiệp từ phía ngành chức năng, chính quyền địa phương, gia đình và xã hội để được an toàn và hòa nhập cộng đồng.

Riêng trẻ bị xâm hại tình dục – vấn đề liên quan đến trẻ em gây bức xúc nhất trong xã hội hiện nay – cũng theo số liệu được ngành lao động - thương binh và xã hội cung cấp, tính từ đầu năm đến nay, đã có 5 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục được phát giác, thuộc địa bàn các huyện Ngọc Lặc, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung và TP Thanh Hóa. Trong đó, có những vụ việc rất đau lòng khi trẻ bị xâm hại còn rất nhỏ; hoặc bị xâm hại dẫn đến mang thai và sinh con khi đang ở độ tuổi đến trường. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số được “thống kê” dựa trên phát giác của báo chí hoặc hi hữu lắm người nhà mới đứng ra tố cáo. Cho nên, cái phần chìm của tảng băng có tên gọi là “vấn đề xã hội có tính cấp thiết” này sẽ vẫn cứ là “phần tối” chưa được phơi bày và theo đó, cũng chưa thể có giải pháp giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, đôi khi không dễ dàng và ổn thỏa, ngay cả khi đã có kết luận từ phía ngành công an và kẻ thực hiện hành vi xâm hại phải trả giá. Bởi hậu quả ghê gớm và sức ám ảnh nó để lại sẽ còn bám riết lấy cuộc đời đứa trẻ, nếu gia đình không có sự yêu thương, bảo vệ, chăm sóc đúng mực và cộng đồng không có sự quan tâm, đồng cảm, sẻ chia phù hợp. Và, tìm lại bình yên dưới những mái nhà có trẻ là nạn nhân của các hành vi xâm hại sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng... vẫn luôn là hành trình gian nan.

Trách nhiệm không của riêng ai!

Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là hành vi bị lên án kịch liệt, bởi nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể xác và tinh thần đứa trẻ; vi phạm trắng trợn quyền và lợi ích của trẻ em; đồng thời, đi ngược lại với luân thường đạo lý, làm băng hoại nền tảng đạo đức xã hội. Vậy tại sao hành vi đáng lên án này vẫn xảy ra mà chưa được phát giác và xử lý triệt để? Phải chăng là do định kiến xã hội hẹp hòi hay quan niệm “tốt đẹp phơi ra, xấu xa đậy lại” vẫn tồn tại trong gia đình? Do nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, nên không tố giác kẻ phạm tội, ít hợp tác, dĩ hòa vi quý? Do cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự quan tâm và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và tính cấp bách của công tác bảo vệ trẻ em, khiến cho việc xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn xảy ra? Do cộng đồng, chính quyền, đoàn thể thiếu quan tâm, coi việc đánh đập, xâm hại trẻ em (nhất là trong gia đình, giữa cha mẹ với con cái) là chuyện riêng tư và chỉ can thiệp khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng? Hay do quan niệm giáo dục con cái của người Việt “thương cho roi cho vọt” và chế tài xử lý các hành vi xâm hại trẻ em có lúc, có nơi chưa nghiêm?

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em (giữa tháng 8-2018), người đứng đầu Chính phủ đã chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác này, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn khác nhau, gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em về phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều địa phương chưa có cán bộ làm công tác về trẻ em; việc bố trí nguồn lực cho công tác còn rất hạn chế. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan thực hiện công tác bảo vệ trẻ em chưa hiệu quả; chưa có giải pháp hữu hiệu phòng ngừa các vụ xâm hại trẻ em, nhất là bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý kéo dài hoặc chưa được xử lý...

Theo một số liệu điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) ở 63 tỉnh, thành trên toàn quốc (theo Thông tư 223/2011/TT-BVHTTDL), tính đến tháng 6-2017, cả nước có 6.970 vụ BLGĐ, trong đó, tỉnh Thanh Hóa nằm trong “top” cao – đứng thứ 2 cả nước với 553 vụ (sau Nghệ An là 560 vụ). Đáng nói là, các vụ BLGĐ xảy ra không chỉ giữa cha mẹ (quan hệ hôn nhân), mà giữa cha mẹ với con cái cũng rất phổ biến (quan hệ nuôi dưỡng) qua các hành vi chửi mắng, đánh đập, bỏ rơi con cái... Có người cho rằng, sẽ rất khó khăn để xác định giữa phụ nữ và trẻ em, ai là người chịu đau khổ hơn trong các vụ bạo lực, song trong nhiều trường hợp, nỗi đau đớn và thiệt thòi của trẻ là vô cùng lớn và sâu sắc, bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của trẻ. Trẻ em vốn là nhóm người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong gia đình, dó đó, hành vi BLGĐ đã và đang xâm phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em. Trong khi, gia đình vẫn được cho là nơi an toàn nhất đối với trẻ, thì BLGĐ đang biến nơi được gọi là “mái ấm” trở thành những “mái lạnh”!

Trước thực trạng trên, ngành lao động - thương binh và xã hội Thanh Hóa cũng đã đề ra và thực hiện nhiều giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là đối tượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Đó là hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng các mô hình tại cộng đồng như mô hình câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ; mô hình ngôi nhà an toàn; mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới... Cùng với đó, trong năm 2018, sở cũng phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức “Hội thi tìm hiểu về Luật Trẻ em và Phòng chống bạo lực trẻ em tỉnh Thanh Hóa”, với sự tham gia của gần 100 trẻ em và Lễ hưởng ứng “Sáng kiến chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em - cần bạn - cần tôi - cần cả thế giới”.

Các giải pháp của ngành chức năng là vậy, song, rất cần nhấn mạnh rằng, công tác trẻ em là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Có nhận thức được như vậy mới có thể đặt nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trở thành vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]