(Baothanhhoa.vn) - Không cần sự “chuẩn y” của UBND huyện Thường Xuân, UBND xã Xuân Dương đã tự ý bán đất “chui” cho hàng chục hộ dân địa phương. Việc làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” của chính quyền xã trên vô hình chung đẩy người dân vào cảnh bỏ tiền mua đất không có giấy tờ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”

Xã Xuân Dương bán đất “chui” – người dân gánh hậu quả

Không cần sự “chuẩn y” của UBND huyện Thường Xuân, UBND xã Xuân Dương đã tự ý bán đất “chui” cho hàng chục hộ dân địa phương. Việc làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” của chính quyền xã trên vô hình chung đẩy người dân vào cảnh bỏ tiền mua đất không có giấy tờ.

Xã Xuân Dương bán đất “chui” – người dân gánh hậu quả

Khu đất Thùng Mật đã có rất nhiều hộ dân chuyển đến ở mặc dù chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: H.B

37 hộ dân gánh hậu quả

Khu vực Thùng Mật có diện tích 1,85 ha, vốn là đất sản xuất nông nghiệp của người dân thôn Thống Nhất 2. Trong đó, có hơn 1,5 ha được UBND huyện Thường Xuân quy hoạch chuyển đổi thành đất thổ cư để xây dựng khu dân cư mới. Không cần chờ đến khi có các quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường và chi trả bồi thường cho các hộ dân có đất phải thu hồi; quyết định giao đất có thu tiền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của UBND huyện Thường Xuân, ngày 17-11-2008, xã Xuân Dương đã ra Thông báo số 54/TB-UBND gửi đến 37 hộ dân có đất nông nghiệp tại khu Thùng Mật, nếu có nguyện vọng mua lại diện tích đất của gia đình mình để làm đất ở thì nộp đơn đăng ký. Để người dân nhanh chóng nộp tiền, trong Thông báo số 54/TB-UBND của UBND xã còn đưa ra thông điệp: “Nếu quá thời gian trên gia đình không đăng ký mua đất ở thì UBND xã sẽ tổ chức giải phóng mặt bằng và chuyển cho người khác có nguyện vọng đăng ký đất ở”. Nhận được thông báo với nội dung trên và có dấu đỏ, chữ ký của ông Lê Văn Dương, chủ tịch UBND xã thời điểm đó (hiện nay ông Lê Văn Dương đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Xuân Dương) nên các hộ dân trong thôn Thống Nhất 2 đều tin tưởng việc làm của chính quyền xã là đúng và đồng loạt nộp đơn đăng ký mua đất, mà không một chút hoài nghi.

Giống như các hộ dân khác trong thôn Thống Nhất 2, hộ ông Lê Văn Hùng đã nộp đơn đăng ký mua lại 264m2, với giá 40.000 đồng/m2. Chỉ ít ngày sau khi nộp đơn đăng ký, ông Hùng nhận được Thông báo số 65/TB-UBND của xã Xuân Dương về việc nộp hơn 6,283 triệu đồng - tiền mua đất khu vực Thùng Mật. Số tiền trên đã được xã trừ chi phí bồi thường đất sản xuất nông nghiệp. Đáng nói hơn, trong Thông báo số 65/TB-UBND của UBND xã còn ghi rõ, số tiền của hộ ông Hùng nộp là để UBND xã làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ. Ngày 31-12-2008, hộ ông Hùng đã hoàn thành việc nộp tiền mua đất thổ cư cho xã Xuân Dương và mang theo hy vọng có một mảnh đất để an cư. Số tiền hộ ông Hùng nộp được xã xác nhận bằng tờ phiếu thu “tiền chuyển mục đích sử dụng đất thổ cư”. Mang số tiền tích góp, vay mượn nộp cho xã để mua đất, thế nhưng suốt 11 năm qua hộ ông Hùng vẫn mỏi mòn chờ đợi GCNQSDĐ. Ông Hùng bức xúc: “Nhiều năm qua, các hộ dân chúng tôi đã đi gõ cửa các cấp, chính quyền và nhiều lần trực tiếp đối thoại với lãnh đạo xã, huyện nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết”.

Thời điểm năm 2008, gia đình ông Lê Thọ Niên thuộc diện hộ khó khăn của xã Xuân Dương. Tài sản giá trị nhất của gia đình ông chỉ có con trâu phục vụ sản xuất nông nghiệp và mảnh đất canh tác ở khu Thùng Mật. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, muốn giúp các con có mảnh đất để ở, ông Niên đã bán con trâu và nộp cho xã 5,717 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, ông Niên được chính quyền xã viết cho một tờ phiếu thu với dòng chữ “tiền chuyển mục đích sử dụng đất thổ cư”. Bỏ tiền để mua lại 240m2 đất với xã, nhưng thực tế mảnh đất trên vẫn chưa thuộc quyền sở hữu của gia đình ông. 11 năm qua ông Niêm vẫn chờ đợi GCNQSDĐ trong vô vọng. “Tin vào chính quyền xã nên tôi mới bán trâu để mua đất. Thay vì hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, rồi nộp vào kho bạc để chứng minh nghĩa vụ tài chính cho gia đình tôi và các hộ dân khác, thì xã lại dùng số tiền đó để làm đường giao thông nông thôn, dẫn đến hệ lụy 37 hộ dân chúng tôi không thể làm được “sổ đỏ”. Việc làm sai của chính quyền xã thời điểm đó giờ lại bắt người dân phải gánh chịu hậu quả...” – ông Lê Thọ Niên bức xúc nói.

Đá “quả bóng trách nhiệm” cho chính quyền cấp trên

Tổng số tiền mà xã Xuân Dương thu được từ bán đất trái thẩm quyền cho 37 hộ dân là 366,187 triệu đồng. Vì chưa bảo đảm các thủ tục, hồ sơ về đất đai, nhất là chưa có quyết định giao đất có thu tiền và cấp GCNQSDĐ của UBND huyện Thường Xuân nên xã không nộp số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước được. Đã vậy, dưới sự chỉ đạo của ông Lê Văn Dương, số tiền trên được dùng để đầu tư làm đường giao thông nông thôn. Chính việc bán đất theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” của xã là căn nguyên gây nên bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Dương, bí thư đảng ủy xã – người chỉ đạo việc bán đất trái thẩm quyền và trực tiếp ký các thông báo, phiếu thu tiền của các hộ dân vào năm 2008, thừa nhận việc bán đất tại khu Thùng Mật cho các hộ dân thôn Thống Nhất 2 là việc làm sai của chính quyền xã. “UBND xã đã làm “tắt ngang”, bỏ qua các quy trình thủ tục, hồ sơ về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất có thu tiền và huyện không hề biết sự việc trên” – ông Dương thừa nhận.

Xã Xuân Dương bán đất “chui” – người dân gánh hậu quả

Người dân thôn Thống Nhất 2, xã Xuân Dương, phản ánh sự việc.

Vào năm 2011, sau khi nhận được đơn, thư phản ánh của công dân thì UBND huyện Thường Xuân mới biết việc chính quyền xã Xuân Dương tự ý bán đất trái thẩm quyền cho các hộ dân. Huyện đã chỉ đạo xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện hoàn thiện thủ tục, hồ sơ còn thiếu để giao đất, nộp tiền sử dụng đất vào Kho bạc Nhà nước và cấp GCNQSDĐ cho 37 hộ dân theo đúng quy định của pháp luật. Đến năm 2012, UBND huyện Thường Xuân ban hành Quyết định số 515/QĐ-UBND về “Giao đất có thu tiền và cấp GCNQSDĐ tại xã Xuân Dương”, đồng nghĩa với việc các hộ dân phải bỏ thêm tiền để mua mảnh đất mà chính họ đã mua với xã vào năm 2008. Thay vì tìm cách giải quyết hậu quả gây ra và tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch giá đất của năm 2008 với giá đất năm 2012 theo Quyết định số 515/QĐ-UBND của UBND huyện Thường Xuân để hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Kho bạc Nhà nước cho người dân, thì xã lại “đá quả bóng trách nhiệm” cho huyện. Cụ thể, xã Xuân Dương đề nghị với huyện được nộp tiền sử dụng đất với giá 40.000 đồng/m2 và hỗ trợ tiền đất nông nghiệp cho các hộ dân là 16.200 đồng/m2 theo khung giá đất trên địa bàn huyện năm 2007-2008. Chưa tìm được phương án xử lý dứt điểm vụ việc, huyện Thường Xuân đã gửi công văn để xin ý kiến của tỉnh về việc cấp “sổ đỏ” cho hộ gia đình, cá nhân do UBND xã giao trái thẩm quyền. Từ những việc làm trên cho thấy, “quả bóng trách nhiệm” đang được chính quyền xã và huyện “đá đi, đá lại”. Đằng đẵng 11 năm, nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền với người dân đã diễn ra, song vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ. Gần đây nhất, ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã về địa phương vận động các hộ dân đóng thêm tiền theo khung giá đất giai đoạn 2015-2020, nhưng bà con không đồng ý. Các hộ dân đều cho rằng, nếu nộp thêm tiền, vô hình chung họ phải mua đất 2 lần.

Sự việc vỡ lở, thanh tra huyện vào cuộc, cán bộ vi phạm trong quản lý Nhà nước về đất đai tại xã Xuân Dương đã bị kỷ luật. Tuy nhiên, hậu quả bán đất “chui” của UBND xã Xuân Dương thì các hộ dân phải gánh chịu. Để sớm hoàn thiện thủ tục cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân, chính quyền huyện Thường Xuân cần có phương án khắc phục hậu quả do cấp dưới làm sai. Có như vậy, mới giúp người dân yên tâm sinh sống trên chính mảnh đất họ đã bỏ tiền ra mua cách đây 11 năm.

T.C



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]