(Baothanhhoa.vn) - Biển không chỉ mang đến phong cảnh tuyệt vời mà còn tặng cho Sầm Sơn những sản vật quý giá, làm nao lòng du khách khi nhớ về hương vị khó phai mà họ thưởng thức nơi đây.

Về Sầm Sơn thưởng thức quà của biển

Biển không chỉ mang đến phong cảnh tuyệt vời mà còn tặng cho Sầm Sơn những sản vật quý giá, làm nao lòng du khách khi nhớ về hương vị khó phai mà họ thưởng thức nơi đây.

Về Sầm Sơn thưởng thức quà của biểnHải sản tươi sống sẽ được tiêu thụ ngay tại bờ biển hoặc chuyển đến các chợ hải sản lân cận.

Tươi, ngọt cùng “lộc” biển

Xưa nay, Sầm Sơn được biết đến là điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương, khi sở hữu độ thoải dốc của bờ, độ khoáng mặn của nước và cấp độ sóng vừa phải, không có đá ngầm, an toàn khi bơi xa... Nơi ấy, nước biển trong xanh, cát mịn màng, gió mát rười rượi, tưởng chừng như không có gì thú vị hơn thì lại bị gieo nhớ thương bằng những thức quà của biển.

Bầu trời ửng hồng phía chân trời, từng đoàn thuyền đánh cá của ngư dân làng Núi trở về sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa, những nụ cười rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc báo hiệu một đêm ra khơi thành công. “Chiến lợi phẩm” sẽ được chuyển luôn đến chợ Vồ và các chợ hải sản lân cận hoặc tiêu thụ ngay tại các chợ "cóc” nằm rải rác trên bờ biển. Tham quan chợ hải sản tại Sầm Sơn là một thú vui được nhiều du khách yêu thích, tới đây du khách không chỉ lựa chọn được những sản vật phong phú của biển mà còn cảm nhận không khí tươi vui đông đúc và nét sinh hoạt rất bình dị của người dân miền biển.

Sầm Sơn có gần như đầy đủ các sản vật của biển cả: cá, tôm, cua, mực, ghẹ, sò, ngao... Tất cả đều mang hương vị mặn mòi của biển và đảm bảo tươi ngon. Có một điều được nhiều du khách gần xa thừa nhận là hải sản Sầm Sơn còn có hương vị đặc trưng thơm ngọt và đậm đà, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Người dân miền biển nổi tiếng ăn sóng, nói gió, hào sảng, phóng khoáng nên trong ẩm thực, họ thích chế biến thức ăn ngay tại chỗ một cách đơn giản nhất như hấp, luộc, nướng... để tận hưởng trọn vẹn hương vị dân dã của nguyên liệu. Tuy nhiên để thay đổi khẩu vị, người đầu bếp khéo léo, sáng tạo, bỏ thêm chút thời gian, những biến tấu mới lạ khiến thực phẩm ngày thường cũng trở nên hấp dẫn. Điều này thể hiện rõ nhất ở các món được du khách gần xa yêu thích như: cá thu nướng, ghẹ hấp, cháo nghêu... Bên cạnh đó còn có các loại hải sản khô, như: mực khô, tôm nõn, cá chỉ vàng, moi khô, đáp ứng nhu cầu thưởng thức tại chỗ và mua mang về của du khách.

Ở đây, có một món từ lâu đã trở thành đặc sản, được nhiều du khách yêu thích, đó là gỏi cá. Những con cá lấp lánh ánh vàng nhảy tanh tách trên thuyền, mang theo “hơi thở” của biển, vừa cập bờ đã được mang đi chế biến chỉ lấy phần thịt ngon và nạc nhất. Thịt cá sau khi được thái mỏng sẽ bóp qua bằng chanh tươi sau đó vắt khô nước và cho vào bát to, nhanh tay tẩm ướp gia vị gồm: gừng, riềng, tỏi... giã nhuyễn. Trước khi ăn, tùy từng khẩu vị có thể lăn cá qua lớp thính làm từ gạo rang vàng hoặc bánh đa giã nhuyễn để cá được khô ráo, thơm ngon. Gỏi cá có thể làm từ nhiều loại cá, như: cá nhệch, cá trích, cá dưa, cá cơm, cá mú... mùa nào cá đó, tươi ngon là được.

Tôi đã từng thấy có nhiều người hễ nói đến gỏi cá sống thì sợ tanh, tưởng chừng không thể nuốt cho trôi một miếng, nhưng sau khi “nhắm mắt nhắm mũi” ăn miếng đầu lại đòi ăn miếng thứ hai và tỏ ra ngạc nhiên, tuyệt đối không thấy vị tanh. Bởi, cá ăn gỏi được đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày nên đảm bảo được độ tươi tuyệt đối. Hơn nữa, qua bàn tay chế biến của đầu bếp, cá đã được bóp tái qua chanh, thính, gừng, khi ăn lại kèm thêm các loại rau và gia vị nên cá không còn mùi tanh cũng là điều dễ hiểu.

Về Sầm Sơn thưởng thức quà của biểnNước mắm cá trích Bông Sen là sản phẩm OCOP đầu tiên của TP Sầm Sơn.

Đã có cá thì lẽ nào lại không có mực. Mực ngoài luộc hay hấp chín chấm nước mắm gừng, còn có món mực nhồi thịt. Mực nhồi thịt kén loại mực ống, mỗi thân mực nên dài cỡ ngoài 10cm để chế biến dễ dàng. Mực nang thịt dày, nhưng chỉ thích hợp cho xào, hay làm chả bởi thân dẹt, to bản. Người vùng biển Sầm Sơn tinh tế, biết chọn những con mực còn nguyên cả râu, mình dày, vỏ ngoài đỏ hồng, sáng lấp lánh, không bị vỡ túi mực. Đó chính là những con mực tươi, cho thịt giòn, thơm ngon nhất. Sau khi sơ chế, đem mực hấp chín trên xửng hấp để mực rút nước, co lại. Gần lúc ăn mới là lúc đem chiên vàng mực trên chảo ngập dầu. Pha nước chấm khéo với đường, ớt, chanh để trung hòa ngọt mặn cho món ăn. Hoặc đơn giản có khi mực nhồi đã chiên nóng sốt, chỉ cần chấm thêm chút tương ớt cũng đủ khiến cho người ăn phải xuýt xoa vị lạ.

Cùng với cá gỏi, mực nhồi thịt, cá thu nướng cũng là đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Sau những ngày ra khơi, đoàn tàu của ngư dân cập cảng, những mẻ cá thu nhanh chóng được đưa vào bến và có hai cách đưa ra thị trường: Để nguyên cá tươi sống hay xắt thành từng miếng rồi nướng bằng than hoa. Cá thu nướng thường được du khách lựa chọn cho các bữa tiệc nơi bãi biển, thích hợp với những người hay nhâm nhi thức uống. Ưu điểm của món đặc sản này là có thể cất trữ được lâu ngày nên du khách có thể mua về làm quà và phục vụ nhu cầu mỗi bữa ăn.

Thức quà của biển mang về

Là thành phố biển, mở mắt thấy biển, đêm nghe tiếng sóng vỗ về nên bao đời nay bà con sống nhờ vào biển. Cùng với việc khai thác, đánh bắt phục vụ nhu cầu thị trường cũng như khách du lịch, ở Sầm Sơn còn có nghề sản xuất nước mắm với lịch sử hàng trăm năm, tập trung ở các phường: Quảng Cư, Quảng Tiến, Trung Sơn, Trường Sơn... Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng như không “trụ vững”, đến nay nghề làm nước mắm ở Sầm Sơn đã và đang phát triển mạnh, với gần 70 cơ sở lớn nhỏ và hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường trên 4 triệu lít sản phẩm mỗi năm.

Người dân TP Sầm Sơn luôn tự hào về sản phẩm nước mắm truyền thống của quê hương và thường gọi là “mật của biển”. Bởi đây là sự kết tinh của sản vật biển khơi và công sức, sự cần cù và sáng tạo của cư dân miền biển Sầm Sơn. Sự kết tinh ấy đã làm nên sản phẩm nước mắm có hương vị riêng, góp phần tạo nên một sản phẩm, một điểm đến để du khách khám phá đất và người phố biển. Một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nước mắm của TP Sầm Sơn đã trở nên thân thuộc với người dân và du khách gần xa, như nước mắm Sen Vàng, nước mắm Nét Việt... sản phẩm của họ trải dài khắp cả nước.

Đến Công ty TNHH Phương Cường Phúc (phường Bắc Sơn), gặp anh Nguyễn Tiến Phúc, chúng tôi hiểu hơn về giá trị lịch sử, hành trình giữ gìn và phát triển nước mắm truyền thống của cá nhân anh và người dân phố biển Sầm Sơn. Được biết, thương hiệu nước mắm cá trích Bông Sen do công ty sản xuất là sản phẩm OCOP đầu tiên của TP Sầm Sơn.

Theo lời anh Phúc, khi còn bé, anh đã thấy gia đình mình làm nước mắm. Lớn thêm một tí, hỏi bố mẹ, ông bà nghề làm nước mắm có từ bao giờ nhưng không có câu trả lời chính xác, chỉ biết có từ rất lâu đời. Xưa kia, nước mắm là nguồn dự trữ cho những ngày biển động, bà con ngư dân không thể ra khơi, vào lộng đánh bắt hải sản. Ngày nay, nước mắm đã thành đặc sản, các cơ sở chế biến nước mắm cũng trở thành điểm đến trong hành trình khám phá, trải nghiệm của nhiều du khách khi đặt chân đến Sầm Sơn. Và, khi đã đến đây, khách dù gần, dù xa đều mua một ít để dùng và làm quà biếu người thân.

Về Sầm Sơn thưởng thức quà của biểnMột số sản phẩm mỹ nghệ độc đáo làm từ vỏ ốc, san hô... có thể mua về làm quà khi đi du lịch Sầm Sơn.

Không chỉ có những “của ngon”, Sầm Sơn còn có rất nhiều “vật lạ” và mang đậm “hồn biển” để du khách có thể mang về làm quà cho người thân, bạn bè. Mà những “vật lạ” ấy lại đến từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi. Những chiếc chuông gió được kết thành từ những vỏ sò nhỏ xíu, bức tranh được khảm ngọc trai đẹp mắt, một cái chụp đèn, một chiếc đèn ngủ, một chậu hoa có hình thù lạ, một viên đá cuội dùng để chặn giấy trên bàn làm việc, hay cả một bộ tranh sơn mài làm từ ốc, trai... Và để tạo ra được một sản phẩm ốc mỹ nghệ hoàn chỉnh, thực sự không phải là điều dễ dàng, vì phải trải qua rất nhiều công đoạn như: làm sạch, đánh bóng, cắt, lắp ráp theo mẫu, phun keo thành phẩm. Mỗi khâu đều cần sự chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận của người thợ. Hiện nay, ở TP Sầm Sơn chỉ có hai cơ sở sản xuất ốc mỹ nghệ, ngoài bán trực tiếp tại TP Sầm Sơn, sản phẩm của các cơ sở còn xuất bán cho nhiều khu du lịch khác như: Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Du lịch biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) và nhiều tỉnh, thành phố khác, như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng...

Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Đắc Thủy (phường Trường Sơn) thời gian qua đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, mua sản phẩm. Cơ sở được vợ chồng chị Nguyễn Thị Thủy thành lập vào năm 2005. Ban đầu sản phẩm chủ yếu phục vụ khách du lịch trong những tháng hè, nhưng gần đây du khách tham quan, mua sản phẩm ngày một nhiều. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình chị mạnh dạn đầu tư dây chuyền cắt sản phẩm bằng máy, giảm chi phí nhân công và đường nét sản phẩm sắc sảo hơn. Bằng óc sáng tạo, bàn tay khéo léo, các sản phẩm do chị Thủy tự tay thiết kế mẫu mã, kiểu dáng mới để sản phẩm tạo sự chú ý cho khách hàng...

Về Sầm Sơn vừa được tắm bãi biển đẹp và sạch, vừa được thưởng thức những đặc sản tươi ngon. Biển Sầm Sơn còn rất nhiều hải sản để có thể chế biến thành những món ăn hấp dẫn. Vì vậy, du khách hãy đến với du lịch biển Sầm Sơn để được thưởng thức trọn vẹn món quà của biển.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]