(Baothanhhoa.vn) - Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT), trong đó nêu rõ vận động viên (VĐV) đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 14-6-2019.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vận động viên giải nghệ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm: Cơ hội nào cho các vận động viên Thanh Hóa?

Vận động viên giải nghệ được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm: Cơ hội nào cho các vận động viên Thanh Hóa?

Các VĐV Quách Công Lịch, Quách Thị Lan vừa phải thi đấu, thực hiện nghĩa vụ quốc gia, vừa phải học đại học TDTT để lo cho bản thân sau khi giải nghệ.

Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT), trong đó nêu rõ vận động viên (VĐV) đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 14-6-2019.

Thanh Hóa là địa phương có truyền thống và luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thể thao thành tích cao, cũng như thường xuyên có các VĐV giành thành tích cao tại các giải đấu quốc tế từ khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Thành tích của các VĐV Thanh Hóa luôn gắn liền và có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển chung của thể thao nước nhà trong nhiều giai đoạn phát triển. Những tên tuổi lớn của thể thao Thanh Hóa đã tạo được tiếng vang trên đấu trường quốc tế, khẳng định vị thế ở đấu trường quốc gia. Sau khi giải nghệ, họ chính là những người xứng đáng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về nghề nghiệp, việc làm, bởi tuổi nghề của các VĐV thường khá ngắn và không phải VĐV nào cũng được tạo điều kiện để chuyển sang công tác huấn luyện ở chính bộ môn của mình hoặc được làm các công việc khác phục vụ ngành.

Trên thực tế, bình quân hằng năm, thể thao Thanh Hóa giành được hàng trăm huy chương từ các giải trẻ, giải vô địch quốc gia, quốc tế... Cùng với sự phát triển tích cực trong hơn 1 thập kỷ qua, số lượng các VĐV của Thanh Hóa giành được huy chương ở đấu trường quốc gia, quốc tế cũng đã lên tới hàng trăm người. Họ đều là những gương mặt xuất sắc nhất, có sự đóng góp về thành tích nhiều năm cho thể thao tỉnh nhà. Mặc dù tỉnh ta cũng đã ban hành và áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ, có sự hỗ trợ cho các VĐV nói trên sau khi giải nghệ, tuy vậy số lượng VĐV được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm còn rất ít. Những trường hợp đặc biệt đã được tỉnh cấp đất, giữ lại làm công tác huấn luyện như Lưu Văn Hùng (điền kinh), Lưu Thị Thanh (cầu mây), Nguyễn Văn Hùng (taekwondo)... là rất hạn hữu. Số ít còn lại, chủ yếu là làm công tác huấn luyện các đội trẻ, trợ lý huấn luyện cho các bộ môn... Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi Thanh Hóa dù đã cố gắng nhưng không thể lo hết được các chế độ ưu đãi cho tất cả các VĐV, dù họ rất xứng đáng. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách khá eo hẹp, cơ chế từ Trung ương tới địa phương còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực hỗ trợ, tài trợ còn rất khó khăn.

Ngay cả việc các VĐV có ý thức, có mục tiêu đi học đại học, cao đẳng TDTT hay các ngành nghề khác nếu có thực hiện cũng đa phần là tự túc. Các trường hợp được đi học, đào tạo nghề có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là rất ít. Do đó, ngay ở thời điểm đang ở đỉnh cao phong độ, đang có thành tích rất tốt cả ở trong nước và quốc tế, bận bịu với lịch tập luyện, đi tập huấn, tham gia các giải đấu trong nước, quốc tế nhưng các VĐV vẫn phải tìm con đường đi học đại học, cao đẳng để hy vọng có thể kiếm được nghề cho bản thân sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Trên thực tế, trong tổng số trên dưới 250 VĐV ở hơn 20 bộ môn thể thao bình quân hàng năm của Thanh Hóa hiện nay, tỷ lệ các VĐV tự túc đi học, tìm nghề sau khi giải nghệ chiếm khá cao. Điển hình nhất gần đây là hai anh em - tài năng điền kinh Thanh Hóa là Quách Công Lịch và Quách Thị Lan. Dù vẫn đang trên đỉnh cao của sự nghiệp, giành rất nhiều thành tích lớn ở cả trong nước, quốc tế nhưng đều phải sớm xác định mục tiêu, lo xa cho cuộc sống sau giải nghệ, thậm chí là lo cho cả trường hợp không may bị chấn thương. Vì vậy, cả hai anh em VĐV sinh ra tại Ngọc Lặc này hiện là sinh viên của Trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh). Trước đó, đã có rất nhiều bậc đàn anh, đàn chị khác cũng đã phải sớm lo cho bản thân mình. Nhiều VĐV khác còn chọn cho mình những nghề nghiệp khác để sau khi giải nghệ còn phải tiếp tục mưu sinh.

Điều đáng mừng là, dù chưa có cơ chế, lại khó khăn về kinh phí, nhưng ngành thể thao tỉnh ta, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cũng đã có những sự vận dụng linh hoạt, tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV được tham gia dự tuyển, thi tuyển và đi học đại học TDTT, học nghề vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ tại bộ môn của mình. Sau khi giải nghệ, các VĐV giành huy chương, thành tích cao, có nhiều đóng góp cũng đã được bình xét, lập danh sách trình UBND tỉnh để có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm. Các VĐV giành huy chương quốc tế, quốc gia cũng đã được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng TDTT, chuyên ngành thể thao của các trường do đó đây cũng sẽ là điều kiện thuận lợi để các VĐV chọn cho mình hướng đi phù hợp.

Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT có hiệu lực từ ngày 14-6-2019 được xem là sự bổ sung rất cần thiết, kịp thời đối với các VĐV hiện nay. VĐV đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi thôi làm VĐV nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề. Nghị định quy định trường hợp VĐV, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia đã tốt nghiệp THPT, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực, quốc tế như: Olympic, Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, ASIAD, SEA Games, Giải vô địch Đông Nam Á... được ưu tiên: Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng (các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành TDTT hoặc cử tham gia các khóa đào tạo huấn luyện viên); được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp. Trường hợp VĐV giải nghệ, nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề. Ngoài ra, các VĐV cũng sẽ được hưởng chế độ về tiền lương, tiền tập huấn, thi đấu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... theo quy định của pháp luật...

Ông Nguyễn Bá Thịnh, Trưởng Phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Thanh Hóa thường xuyên có số lượng lớn các VĐV giành thành tích cao tại các giải đấu trong nước, quốc tế hàng năm do đó việc quan tâm đến đời sống, tương lai của các VĐV sau giải nghệ luôn là vấn đề mà tỉnh ta, ngành TDTT quan tâm. Nghị định 36/2019/NĐ-CP có hiệu lực chính là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa vào đời sống. Nhìn chung, các VĐV, huấn luyện viên các bộ môn thể thao của Thanh Hóa đều phấn khởi trước sự kiện này. Họ sẽ yên tâm tập luyện, thi đấu, cống hiến cho thể thao tỉnh nhà. Hiện nay, căn cứ vào từng nội dung, điều khoản của nghị định, ngành thể thao Thanh Hóa sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho các VĐV ngay từ khi còn thi đấu và sau khi giải nghệ, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai thực hiện theo đúng quy định và cũng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Song song với đó là công tác khen thưởng cũng sẽ được thực hiện tốt hơn, sao cho xứng đáng với sự cống hiến và những thành tích mà các VĐV đã giành được.

Mạnh Cường


Mạnh Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]